Nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong các nhà trường quân đội hiện nay

PGS, TS. TRẦN HẬU TÂN
Trung tá, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
15:47, ngày 11-07-2022

TCCS - Những năm qua, các nhà trường quân đội luôn quan tâm nghiên cứu, tích cực, chủ động đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy các môn lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ, sĩ quan quân đội.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương kiểm tra cơ sở vật chất phục vụ đào tạo cao cấp lý luận chính trị tại Học viện Lục quân_Nguồn: qdnd.vn

1. Các môn lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh có vai trò rất quan trọng trong chương trình, nội dung đào tạo của các nhà trường quân đội, điều đó được thể hiện ở những nội dung cơ bản:

Thứ nhất, các môn lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh cung cấp tri thức khoa học để xây dựng thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng của người quân nhân cách mạng.

Để có những phẩm chất, năng lực toàn diện, đòi hỏi mỗi cán bộ trong quân đội phải được đào tạo một cách cơ bản, trên cơ sở nền tảng một hệ thống kiến thức toàn diện, trong đó phải được trang bị một cách có hệ thống và sâu sắc kiến thức khoa học các môn lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(1). Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người đã viết: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”(2). Thế giới quan Mác - Lê-nin là hệ thống l‎ý luận khoa học, cách mạng, là đỉnh cao trí tuệ của nhân loại. Đây là công cụ tư duy quan trọng nhất định hướng cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, mỗi cán bộ, đảng viên trong nhận thức cũng như hoạt động thực tiễn, từ đó xây dựng, củng cố niềm tin cách mạng và phương pháp luận khoa học trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, đặc biệt trước sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự tác động nhiều chiều của các thông tin trên mạng xã hội như hiện nay.

Thứ hai, các môn lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tri thức lý luận cho người học nghiên cứu, học tập các môn khoa học khác trong chương trình đào tạo.

Theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo đã xác định của các nhà trường, người học sau khi tốt nghiệp phải thành thạo tri thức chuyên ngành được đào tạo; có phẩm chất, năng lực tương xứng đảm đương được cương vị, chức trách được giao. Muốn vậy, cần phải nắm vững hệ thống tri thức các môn lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh với tư cách là những môn khoa học giữ vai trò nền tảng để tiếp thu các môn khoa học khác, đồng thời là cơ sở lý luận quan trọng nhất để vận dụng xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại… vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”(3); cũng như đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay.

Thứ ba, các môn lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh góp phần quan trọng xây dựng phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng cho người quân nhân.

Nhiệm vụ chính trị trung tâm của các nhà trường quân đội là đào tạo những người cán bộ có niềm tin tuyệt đối vào l‎ý tưởng, chủ nghĩa xã hội, trung thành với Đảng, với Tổ quốc; có tinh thần triệt để cách mạng, dù đứng trước kẻ thù nào, trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, khó khăn, gian khổ đến đâu cũng luôn tỏ rõ ‎ý chí chiến đấu kiên cường; có bản lĩnh chính trị vững vàng, không ngả nghiêng, dao động; có tinh thần trách nhiệm cao trước đơn vị, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; giữ vững đạo đức của người quân nhân, có nếp sống trong sạch, giản dị, lành mạnh, khiêm tốn, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Tăng cường giáo dục các môn lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ giúp cho người học có bản lĩnh chính trị thêm vững vàng, mà còn rèn luyện đạo đức cách mạng, phòng, chống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái về đạo đức, lối sống.

2. Với ý nghĩa, tầm quan trọng của các môn lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 9-10-2014, “Về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030”. Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 9-2-2018, “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”. Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI xác định: “Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học tại các nhà trường”(4), là một trong những nội dung thực hiện khâu đột phá về huấn luyện và đào tạo. Trong đó, đặc biệt coi trọng việc nâng cao chất lượng giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bản chất, truyền thống tốt đẹp của quân đội cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân. “Tập trung xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, có ý chí quyết tâm chiến đấu cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao”(5).

Do đó, các nhà trường quân đội đã tích cực đổi mới nội dung gắn với đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy; gắn nhà trường với đơn vị, chú ý “phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn”(6). Quán triệt tốt phương châm: “Gắn lý luận với thực tiễn, kết hợp bồi dưỡng kiến thức, năng lực tư duy với rèn luyện năng lực thực hành; chú trọng truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu và giáo dục truyền thống cho người học”(7). Nội dung dạy học gắn liền với chức trách, nhiệm vụ của người học sau khi ra trường. Việc sử dụng phương pháp truyền thống với phương pháp dạy học tích cực được kết hợp một cách nhuần nhuyễn cùng đội ngũ giảng viên ở các nhà trường quân đội được đào tạo bài bản, trang bị chuyên sâu những kiến thức về lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, có phẩm chất đạo đức tốt, say mê, tâm huyết với hoạt động sư phạm. Về trình độ, 100% giảng viên giảng dạy các môn lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh có trình độ đại học và sau đại học. Việc giảng dạy các môn lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở nhà trường quân đội góp phần quan trọng vào việc xây dựng “bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, có ý chí quyết tâm chiến đấu cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao”(8).

Tuy nhiên, chương trình, nội dung các môn lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh còn có những hạn chế nhất định về tính liên thông giữa các bậc học, phân cấp trong đào tạo; vẫn còn hiện tượng giảng dạy còn xơ cứng, nặng về lý thuyết, chưa dày công nghiên cứu, làm sâu sắc những nội dung trong giáo trình, tài liệu dạy học gắn sát với mục tiêu, yêu cầu đào tạo của nhà trường; thiếu sự gắn kết giữa lý luận và thực tiễn ở một số nội dung. Nghị quyết số 86/NQ-ĐUQSTW (nay là Quân ủy Trung ương) nhận định: “Quy trình, chương trình đào tạo tuy có đổi mới nhưng chưa hợp lý và chưa cân đối giữa lý thuyết và thực hành, thời gian đào tạo còn dài. Một số nội dung còn lạc hậu, trùng lắp và thiếu liên thông giữa các bậc học và trình độ đào tạo”(9). Bên cạnh đó, việc tăng cường nêu vấn đề để thảo luận trong bài giảng có tiến hành, nhưng vẫn còn có những nội dung mang tính khiên cưỡng, chưa thu được kết quả như mong muốn. Đội ngũ giảng viên còn có những hạn chế nhất định, số giảng viên có trình độ chuyên môn sâu, chuyên gia chưa nhiều, sự hẫng hụt giữa các thế hệ, một số giảng viên kiến thức thực tiễn còn hạn chế,… làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo của các nhà trường.

3. Để nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy các môn lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở các nhà trường quân đội, cần thực hiện tốt một số giải pháp:.

Một là, nâng cao nhận thức, vai trò của các chủ thể về sự cần thiết phải nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay.

Các chủ thể lãnh đạo ở các nhà trường quân đội cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học các môn lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; duy trì chặt chẽ hơn nữa các khâu, các bước trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác tham mưu, tổ chức thực hiện việc đổi mới chương trình, nội dung các môn lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh gắn sát với chuẩn đầu ra của từng đối tượng người học. Mặt khác, chú trọng hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ giảng dạy, nhất là nghiên cứu cơ bản để hiểu thực chất quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, có những bổ sung phát triển phù hợp với sự phát triển của thực tiễn.

Giờ học tập của Lớp hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị tại Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng_ Ảnh: qdnd.vn

Các khoa giáo viên phải có kế hoạch trong sắp xếp, bố trí sử dụng cán bộ giảng dạy phù hợp với từng chuyên đề, học phần cụ thể. Trong đó, cần phân công giảng viên đảm nhiệm chuyên sâu những chủ đề giảng dạy nhất định; luân phiên cử cán bộ đi thực tế đơn vị để cập nhật kiến thức thực tiễn, gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy.

Đội ngũ giảng viên, người trực tiếp làm công tác giảng dạy cần nhận thức đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đó hình thành nhu cầu, động cơ tự bồi dưỡng, tự rèn luyện tri thức và phương pháp ở mỗi người.

Hai là, kết hợp giữa giảng dạy lý thuyết với giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống trong giảng dạy các môn lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Giảng dạy các môn lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh hông chỉ là giáo dục, bồi dưỡng thế giới quan khoa học mà còn bồi dưỡng nhân sinh quan của người cộng sản cho người học. Đạo đức cách mạng là gốc rễ của người quân nhân cách mạng, suy thoái về đạo đức là khởi điểm của mọi sai lầm và gây ra những hậu quả khôn lường. Vì vậy, quá trình trang bị tri thức lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh không được tách rời giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy, cần xuất phát từ việc truyền tải chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà trang bị cho người học chuẩn mực đạo đức của người cộng sản, người quân nhân cách mạng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được”(10). Đồng thời, cần tạo lập môi trường văn hóa sư phạm quân sự lành mạnh trong các nhà trường quân đội; xây dựng văn hóa ứng xử chuẩn mực giữa cấp trên với cấp dưới, người dạy với người học, đồng chí, đồng đội tạo rạ sự đoàn kết, thống nhất trong nhà trường.

Ba là, đổi mới phương pháp giảng dạy, phát huy tính tích cực, sáng tạo của người học.

Trong giảng dạy, cần gắn lý luận với thực tiễn, với chức trách, nhiệm vụ của người học. Tăng cường mối quan hệ tương tác tích cực giữa giảng viên và học viên; khuyến khích sử dụng các phương pháp dạy học nêu vấn đề, đối thoại, thảo luận trong bài giảng; tăng các hình thức dạy học trực quan, chống lối tư duy rập khuôn, máy móc. Khai thác và sử dụng có hiệu quả công nghệ thông tin, đặc biệt là mạng internet trong tìm kiếm tri thức nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay. Xây dựng hệ thống bài tập thực hành ở các môn học phù hợp với yêu cầu đòi hỏi chức trách, nhiệm vụ của người học trong thực tế. Cần tăng thời gian tự nghiên cứu, thảo luận, trao đổi, giảm thời gian học lý thuyết, hướng người học vào hoạt động tự học, tự nghiên cứu, tự thu hoạch, chuẩn bị tốt nội dung các bài học đã đề ra.

Bốn là, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên giảng dạy các môn lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong các nhà trường quân đội.

Là người trực tiếp tham gia vào quá trình giảng dạy, giảng viên là lực lượng quyết định hiệu quả, chất lượng giảng dạy các môn lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là lực lượng không chỉ hướng dẫn, định hướng, mà còn có ảnh hưởng trực tiếp đối với sự phát triển nhân cách, niềm tin, lý tưởng đối với người học. Muốn thực hiện tốt sứ mệnh của mình, người giảng viên cần có những phẩm chất và năng lực chuyên môn nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của hoạt động sư phạm quân sự.

Người giảng viên ngoài yêu cầu được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn sâu, phải thật sự là tấm gương mẫu mực về nhân cách, có trách nhiệm chính trị cao. Bởi vì sức sống, định hướng chính trị trong bài giảng hoàn toàn do người giảng viên quyết định: “Trong bất kỳ một trường học nào, điều quan trọng nhất là phương hướng chính trị và tư tưởng của các bài giảng. Cái gì quyết định phương hướng đó? Hoàn toàn và chỉ là thành phần các giảng viên thôi”(11).  Mặt khác, phải khuyến khích và có kế hoạch để giảng viên nâng cao trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin; đưa giảng viên đi thực tế tại đơn vị để tích lũy kinh nghiệm, vận dụng vào bài giảng lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời, cần làm tốt công tác quy hoạch đội ngũ giảng viên giảng dạy các môn lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh  bảo đảm về số lượng, cơ cấu độ tuổi, trình độ; quan tâm đãi ngộ tốt đối với các đồng chí có trình độ chuyên môn cao, nhằm khuyến khích mỗi giảng viên luôn tự cố gắng vươn lên hoàn thiện bản thân, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ./.

-------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 289
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 273 - 274
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 157 - 158
(4), (5), (8) Quân ủy Trung ương: Báo cáo chính trị của Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2015 - 2020 tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, tr. 24, 22, 22
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 114
(7), (9) Đảng ủy Quân sự Trung ương: Nghị quyết về công tác giáo dục - đào tạo trong tình hình mới, số 86/NQ - ĐUQSTW, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007, tr. 13, 6
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 668
(11) V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t. 47, tr. 248