WEF - Mê Công: Chia sẻ tầm nhìn phát triển khu vực Mê Công
TCCSĐT - Khu vực Mê Công là một trung tâm phát triển năng động ở châu Á với nhiều nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhờ đẩy mạnh cải cách và hội nhập quốc tế. Trong Diễn đàn Kinh tế thế giới về khu vực Mê Công 2016 diễn ra ngày 25-10 tại Hà Nội, lãnh đạo cấp cao các nước và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã chia sẻ thông tin nhằm tăng cường hợp lực về khu vực Mê Công.
Diễn đàn Kinh tế thế giới về khu vực Mê Công 2016. Ảnh: TTXVN
Hội nghị đã thu hút sự tham dự của khoảng 200 đại biểu gồm nhiều Bộ trưởng phụ trách kinh tế của các nước Mê Công, các doanh nghiệp, tập đoàn thành viên WEF và các nước Mê Công cùng chuyên gia, học giả quốc tế. Với chủ đề “Phát triển khu vực Mê Công: đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và kết nối”, Hội nghị gồm 5 phiên họp tập trung thảo luận nhiều vấn đề về phát triển và hội nhập của các nước Mê Công, như tầm nhìn, định hướng phát triển khu vực Mê Công, huy động nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, du lịch, thúc đẩy công nghiệp hóa và phát triển bền vững trong khu vực Mê Công trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tầm nhìn phát triển khu vực
Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), năm 2015, khu vực Mê Công có 4/25 nền kinh tế tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới, trong đó Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma tăng trưởng trên 7%, Việt Nam tăng trưởng 6,7% và Thái Lan đang phục hồi tích cực. Không chỉ có vậy, khu vực Mê Công là điểm kết nối quan trọng ở châu Á và là một thị trường giàu tiềm năng với dân số 240 triệu người và quy mô GDP trên 660 tỷ USD. Sự ra đời của Cộng đồng ASEAN cuối năm 2015 cùng với sự phát triển của các hành lang giao thông trong tiểu vùng và các liên kết kinh tế trong khu vực đang mở ra không gian phát triển rộng lớn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư khu vực và quốc tế. Khu vực Mê Công còn giữ một vị trí và vai trò quan trọng ở Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, tiềm năng khu vực Mê Công trở thành một trung tâm sản xuất mới của khu vực và thế giới, các nước Mê Công có nhiều lợi thế bổ sung cho nhau, tạo thuận lợi cho thúc đẩy hội nhập và liên kết kinh tế, phát triển các chuỗi giá trị trong khu vực cũng như kết nối các nước Mê Công với kinh tế khu vực và toàn cầu.
Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng, cơ hội, khu vực Mê Công cũng đứng trước những thách thức trong tiến trình công nghiệp hóa và phát triển, như sử dụng thiếu bền vững các nguồn tài nguyên và suy thoái môi trường, khoảng cách phát triển và phân hóa giàu - nghèo trong khu vực gia tăng, các lợi thế về tài nguyên và lao động chi phí thấp đang giảm dần trong bối cảnh các công nghệ mới xuất hiện và phát triển mạnh mẽ… Trong bối cảnh đó, một khu vực Mê Công hòa bình, ổn định về an ninh - chính trị, năng động và kết nối về kinh tế, bền vững về môi trường và hài hòa về xã hội không chỉ là lợi ích chung của các nước Mê Công và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài khu vực, mà còn đóng góp quan trọng vào thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng ASEAN.
Trong những mục tiêu đó, phát triển bền vững và bao trùm là mục tiêu hàng đầu. Tác động của biến đổi khí hậu cùng với khai thác quá mức tài nguyên và phân phối không đồng đều các thành quả của tăng trưởng kinh tế đang đặt ra thách thức lớn đối với sự phát triển của khu vực Mê Công. Việc tăng cường hợp tác thu hẹp khoảng cách phát triển thu hẹp khoảng cách phát triển và thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030, thúc đẩy phát triển bền vững, nhất là quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công, được các nước Mê Công đặc biệt quan tâm, ưu tiên trong các chương trình hợp tác và chiến lược phát triển của từng nước để mọi người dân có cơ hội thụ hưởng thành quả phát triển, không ai bị bỏ lại phía sau.
Tăng cường liên kết và hội nhập nội khối cũng có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo đảm các quốc gia trong khu vực đi trên cùng một chặng đường hướng tới một khu vực phát triển. Thúc đẩy quá trình liên kết cũng như hội nhập nội khối để tăng cường sức mạnh tổng hợp của khối thông qua việc chung tay tháo gỡ những nút thắt đối với khả năng cạnh tranh của khu vực, trong đó tập trung trước tiên vào các hoạt động kết nối hạ tầng cơ sở về năng lượng và kỹ thuật số, bảo đảm những dòng trung chuyển thương mại hiệu quả trong khu vực cũng như phát triển nguồn nhân lực tăng trưởng kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giảm khoảng cách giàu nghèo, nâng cao năng suất và việc làm, tăng cường các thể chế và tìm ra các giải pháp cho các vấn đề toàn cầu,… Đây là những việc làm cần thiết để từ đó hiện thực hóa các cơ hội hợp tác.
Kết nối kinh tế
Một khu vực Mê Công đầy tiềm năng sẽ trở thành một trung tâm sản xuất lớn ở khu vực và trên toàn cầu trong những thập niên tới. Đến năm 2030, cả 5 nước khu vực Mê Công sẽ có dân số khoảng 260 triệu người, trong đó có 65% dân số trong độ tuổi lao động. Đây là nền tảng quan trọng để khu vực này có thể phát triển nền công nghiệp trong khu vực. Các quốc gia khu vực Mê Công có tiềm năng tạo ra mạng lưới sản xuất trong khu vực có tính cạnh tranh cao; có thể phân phối một cách hợp lý trong việc tham gia chuỗi cung ứng và giá trị trong khu vực.
Kết nối kinh tế khu vực đóng vai trò then chốt trong việc phát triển khu vực Mê Công thịnh vượng. Hiện nay, các quốc gia Mê Công đang tiến hành mở cửa nhanh chóng, tiến hành nhiều cải cách và thụ hưởng nhiều lợi ích do thương mại và đầu tư xuyên biên giới đem đến. Tuy nhiên, khu vực này cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như nhu cầu nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển năng lực, kỹ năng, tăng năng suất và năng lực cạnh tranh cũng như tăng cường khả năng phát triển kinh tế toàn diện nhằm phù hợp với dân số đô thị lớn, giảm khoảng cách phát triển giữa các quốc gia trong khu vực, bảo đảm việc sử dụng cùng có lợi và phát triển bền vững nguồn tài nguyên sông Mê Công.
Nhằm thúc đẩy hội nhập và liên kết kinh tế khu vực cần hướng tới các giải pháp hiệu quả. Một là, quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng hơn sẽ góp phần mở rộng thương mại và đầu tư cũng như là liên kết giữa các lĩnh vực kinh tế, chuỗi kinh tế trong khu vực. Điều này sẽ dẫn đến tăng cường sinh kế, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân, giảm thiểu khoảng cách giàu nghèo trong từng quốc gia và thế giới, mở rộng liên kết tiểu vùng sông Mê Công. Ngoài ra, các nước bảo đảm kết nối đa chiều thông suốt cả phần cứng và phần mềm, tạo nền tảng vững chắc mang tính bao trùm là điều kiện tiên quyết giúp hội nhập kinh tế khu vực. Hành lang kinh tế Đông - Tây và Hành lang kinh tế phía Nam, sẽ giúp tiểu vùng trở thành một tuyến đường liên kết đường bộ giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, bảo đảm một tuyến đường giao thông trung chuyển giữa Đông Á - Nam Á và châu Âu. Kết nối hạ tầng giao thông cần được ưu tiên để phát triển thương mại, đầu tư, du lịch trong khu vực. Việc huy động tài chính cho kết nối giao thông trong khu vực Mê Công, nhất là huy động vốn của khu vực tư nhân thông qua quan hệ đối tác công - tư là một trong những giải pháp. Các nước Mê Công cùng các đối tác trong và ngoài khu vực cần tiếp tục đẩy mạnh kết nối giao thông trên các hành lang kinh tế tiểu vùng như Hành lang Kinh tế Đông - Tây (EWEC), Hành lang Kinh tế Bắc - Nam, Hành lang Kinh tế phía Nam…
Hai là, các nước Mê Công cùng với các nước ASEAN đang nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng một thị trường thống nhất vào năm 2025, theo đó cần hợp tác tạo thuận lợi cho lưu chuyển thương mại, đầu tư và du lịch qua biên giới, đơn giản hóa và hài hòa quy trình, thủ tục trên các tuyến hành lang kinh tế. Như trường hợp của Việt Nam, từ năm 2015, Việt Nam đã hợp tác với Lào thực hiện kiểm tra “một cửa, một lần dừng” trên Hành lang Kinh tế Đông - Tây và đang phối hợp với Campuchia nghiên cứu áp dụng mô hình này trên tuyến đường cao tốc PhnômPênh - Thành phố Hồ Chí Minh. Việt Nam cùng các nước Mê Công tăng cường hợp tác du lịch hướng tới mục tiêu “5 quốc gia - 1 điểm đến” trên cơ sở phát huy tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên đẹp, văn hóa đa dạng, giàu bản sắc của khu vực.
Ba là, theo Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới Richard Samans cho biết, giá trị đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực Mê Công đang tăng hằng năm. Đây là minh chứng cho thấy các nhà đầu tư trong khu vực đang được hoan nghênh, đón tiếp nồng hậu. Thông qua các nỗ lực cải cách, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực này sẽ tăng hơn nữa trong thời gian tới. Theo đó, để tạo thuận lợi thương mại, đầu tư và du lịch, việc dỡ bỏ các rào cản thương mại theo các thỏa thuận song phương và đa phương rất cần thiết để thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư và du lịch giữa các nước Mê Công với nhau và với các nước khác. Các nước Mê Công cần tăng cường hợp tác thúc đẩy đơn giản hóa và hài hòa hóa các thủ tục qua biên giới, trong đó có việc áp dụng kiểm tra “một cửa, một lần dừng” tại các cửa khẩu.
Bốn là, các nước Mê Công không thể chỉ dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giản đơn, mà cần mở rộng đầu tư mạnh mẽ vào đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ mới thúc đẩy hoạt động kinh doanh dân chủ và bình đẳng hơn. Điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ của các nước đang phát triển như các nước Mê Công có cơ hội cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn. Để tranh thủ được các cơ hội này, chính phủ và các doanh nghiệp trong khu vực Mê Công cần tập trung tạo dựng môi trường thuận lợi về khung khổ pháp lý và tài chính cho doanh nghiệp, nhất là cho khởi nghiệp các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, để tranh thủ cơ hội của cách mạng công nghiệp này, các nước Mê Công không có con đường nào khác là đầu tư nhiều hơn cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, chứ không thể chỉ dựa vào tài nguyên và lao động chi phí thấp.
Khẳng định sự đóng góp tích cực
Thiết lập quan hệ với WEF năm 1989, trong nhiều năm qua, lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thường xuyên tham dự các Hội nghị thường niên của WEF tại Davos (Thụy Sỹ) và Đông Á. Giám đốc điều hành WEF cũng đã thực hiện các chuyến thăm Việt Nam vào các năm 2014, 2015 và 2016.
Những năm gần đây, Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động của WEF Đông Á. Đặc biệt, năm 2010, tại thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam đã đăng cai Hội nghị WEF về Đông Á lần thứ 19, với chủ đề “Vai trò đang lên của châu Á trong phát triển toàn cầu”. Tại hội nghị này, Việt Nam đã tổ chức được 20 phiên họp chính thức, xoay quanh bốn trục nội dung chính: Vai trò đang lên của châu Á; Những rủi ro toàn cầu; Lộ trình tăng trưởng xanh của châu Á; Năng lực cạnh tranh. Hội nghị WEF Đông Á 2010 do Việt Nam tổ chức đã gây được dấu ấn mạnh mẽ đối với các lãnh đạo cấp cao và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế tham dự Hội nghị, đồng thời được Ban lãnh đạo WEF đánh giá rất cao. Việc tổ chức thành công Hội nghị WEF Đông Á 2010 đã góp phần quảng bá tốt cho Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang trong quá trình phục hồi, các nhà đầu tư đang tìm kiếm các thị trường ổn định và có khả năng ứng phó tốt với các cuộc khủng hoảng.
Việt Nam và WEF hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực nông nghiệp. Việt Nam là một trong những đối tác chủ chốt của WEF trong khuôn khổ sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp”. Hiện tại, Việt Nam có 11 tập đoàn, công ty lớn là thành viên của WEF, trong đó Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn FPT, Tập đoàn VinGroup và VinaCapital là các thành viên Tổ chức (Institutional Member); Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SIG), Công ty Cổ phần Xây dựng Kiến trúc Â, Công ty Truyền thông đa phương tiện Đất Việt VAC (DatViet VAC), Tập đoàn Hoa Sen, Công ty Đầu tư Công nghiệp Việt Nam (Vietnam Industrial Investment Ltd.) là thành viên Diễn đàn (Forum Member).
Việt Nam là một thị trường trên 90 triệu dân với thu nhập ngày càng tăng, GDP bình quân đầu người năm 2015 là trên 2.100 USD (nếu tính theo sức mua tương đương PPP là 5.600 USD). Mức tăng GDP bình quân 2016 - 2020 dự kiến là 6,5% - 7%/năm. Tháng 9-2015, Việt Nam là một trên 6 nước được Liên hợp quốc vinh danh về việc đã hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, nhất là xóa đói, giảm nghèo. Việt Nam luôn duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Hiện nay, có hơn 21.000 dự án FDI tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ USD, trong đó có các tập đoàn lớn hàng đầu trên thế giới, nhất là trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin như Fujitsu, Intel, Samsung, Nokia, Siemens, Acatel… Việt Nam đang trở thành quốc gia công xưởng sản xuất điện tử của khu vực. Việt Nam đã ký 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định FTA với EU. Đây là những cơ sở quan trọng để Việt Nam mở ra không gian hợp tác rộng lớn cho sự phát triển và tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Với những thành quả phát triển đất nước trong 30 năm đổi mới, là một thành viên tích cực của khu vực. Hội nghị WEF về khu vực Mê Công là sáng kiến của Việt Nam được WEF và các nước Mê Công ủng hộ. Đây là lần đầu tiên, WEF tổ chức một hội nghị riêng về khu vực Mê Công, cho thấy sự quan tâm của các tập đoàn thành viên WEF đối với tiềm năng phát triển của khu vực Mê Công. Thông qua Hội nghị lần này, Việt Nam mong muốn cùng với WEF tạo cơ hội thúc đẩy đối thoại và quan hệ đối tác công - tư rộng mở trong khu vực Mê Công để phát triển khu vực này thực sự năng động, kết nối, có năng lực cạnh tranh cao và phát triển bền vững. Thành công của Hội nghị WEF về khu vực Mê Công mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy các tập đoàn hàng đầu tăng cường đầu tư vào khu vực Mê Công, đồng thời thể hiện vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam vào phát triển và hội nhập trong khu vực./.
Hội thảo khoa học - Thực tiễn: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”  (29/10/2016)
Thủ tướng yêu cầu làm rõ thông tin hành khách Nhật Bản bị ngộ độc  (29/10/2016)
Sử dụng thuốc nội đã hình thành trong tiềm thức của người dân  (29/10/2016)
Thủ tướng làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa  (29/10/2016)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Bảo vệ, phát huy giá trị tài nguyên di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên