TCCSĐT - Để chuẩn bị cho ba sự kiện ngoại giao lớn của đất nước được tổ chức trong năm 2016 gồm Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mê Công lần thứ 7 (ACMECS-7), Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ 8 (CLMV-8) và Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Mê Công (WEF - Mê Công), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến kiểm tra, chỉ đạo công tác chuẩn bị cho các hoạt động ngoại giao quan trọng này.
Nhân dân Việt Nam chia buồn với nhân dân Thái Lan về việc Nhà Vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej qua đời

Sáng 17-10-2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam tới Đại sứ quán Vương quốc Thái Lan tại Hà Nội viếng và ghi sổ tang tưởng niệm Nhà Vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej qua đời ngày 13-10-2016. Tham gia Đoàn có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung, đại diện lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao.

Thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi lời chia buồn sâu sắc tới Hoàng hậu, Hoàng gia, Lãnh đạo và nhân dân Thái Lan; tin tưởng Hoàng hậu, Hoàng gia và nhân dân Thái Lan sớm vượt qua mất mát to lớn, sớm ổn định cuộc sống người dân, tiếp tục đưa đất nước Thái Lan phát triển mạnh mẽ. Qua 70 năm trị vì anh minh của Nhà vua Bhumibol Adulyadej, Vương quốc Thái Lan đã phát triển mạnh mẽ và người dân Thái Lan có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nhà vua qua đời để lại niềm tiếc thương vô hạn với Hoàng hậu, Hoàng gia, nhân dân Thái Lan nói riêng và Cộng đồng người dân ASEAN nói chung.

Cùng ngày, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã đến viếng và ghi sổ tang và tưởng niệm Nhà Vua Bhumibol Adulyadej. Đến viếng và ghi sổ tang tại Đại sứ quán Vương quốc Thái Lan tại Hà Nội còn có các đoàn: Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao cùng nhiều đoàn đại biểu từ các bộ, ngành khác.

Chiều 18-10-2016, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã đến Trụ sở Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội đặt vòng hoa viếng và ghi sổ tang chia buồn trước sự ra đi của Nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Chile thăm chính thức Việt Nam

Nhận lời mời của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Chile Edgardo Riveros Marin thăm chính thức Việt Nam, tiến hành Phiên tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao hai nước lần thứ V từ ngày 16 đến ngày 17-10-2016. Trong thời gian thăm, Thứ trưởng E.R. Marin đã hội kiến Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; hội đàm với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc; gặp làm việc với Học viện Nông nghiệp, thăm một số trung tâm lịch sử - văn hóa ở Thủ đô Hà Nội.

Tại các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước, tập trung thảo luận về các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương và trao đổi về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm. Hai bên nhất trí đánh giá mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam - Chile thời gian qua tiếp tục đạt nhiều bước phát triển tích cực: quan hệ chính trị song phương ngày càng tin cậy thông qua trao đổi đoàn, tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao và các bộ/ngành hai nước; trao đổi thương mại hai chiều duy trì đà tăng trên 20%/năm trong giai đoạn 2010-2015, nhất là sau khi FTA song phương có hiệu lực từ ngày 01-01-2014: năm 2015 đạt gần 1 tỷ USD, tăng gần 3 lần so với năm 2010 và riêng 8 tháng đầu 2016 đạt 656,4 triệu USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ 2015. Hai bên cũng nhất trí cho rằng Việt Nam và Chile còn nhiều dư địa hợp tác, nhất là trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế tạo và chế biến, khai mỏ, thủy sản và đào tạo. Theo đó, hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy phổ biến Hiệp định FTA Việt Nam - Chile tới cộng đồng doanh nghiệp hai nước; triển khai các Hiệp định/Thỏa thuận và Dự án hợp tác đã ký kết, đồng thời, xúc tiến đàm phán đi đến ký kết các văn kiện hợp tác về giáo dục, tài chính và các lĩnh vực khác nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hợp tác song phương.

Về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, hai bên khẳng định tiếp tục tăng cường phối hợp, hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương; về tình hình Biển Đông, hai bên chia sẻ lập trường giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Nhân dịp này, sáng 17-10, sau Phiên tham khảo chính trị lần thứ V, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc và Thứ trưởng Edgardo Riveros Marin, thừa ủy quyền của Chính phủ hai nước đã ký “Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Chi-lê”.

Cuộc họp cấp Chủ tịch Ủy ban liên hợp về phân giới, cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia


Từ ngày 18 đến ngày 20-10-2016, tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã diễn ra Cuộc họp hai Chủ tịch Ủy ban liên hợp về phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Lê Hoài Trung làm Trưởng đoàn và đoàn Campuchia do Bộ trưởng cao cấp phụ trách công tác biên giới Va Kim Hông làm Trưởng đoàn. Tham gia đoàn còn có đại diện các bộ, ngành và một số địa phương biên giới của Việt Nam - Campuchia.

Tại cuộc họp, hai bên tái khẳng định, thực hiện Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005, cho đến nay, hai bên đã hoàn tất 83% khối lượng công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới và bày tỏ quyết tâm sớm hoàn tất công tác này; Hai bên nhất trí cử Nhóm công tác đặc biệt Việt Nam - Campuchia gặp nhau ngay trong đầu tháng 11-2016 để xác định vị trí chính xác trên thực địa của 4 cột mốc tại các cặp tỉnh Đắk Lắk - Mondulkiri, Tây Ninh - Svay Riêng để giao cho các Đội liên hợp phân giới cắm mốc hai nước tiến hành việc xây dựng các cột mốc này; Hai bên thông báo cho nhau về kế hoạch triển khai việc cắm mốc phụ, cọc dấu biên giới của mỗi bên và sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau nhằm đạt hiệu quả cao nhất;

Hai bên tiếp tục bàn các biện pháp thúc đẩy việc giải quyết các đoạn biên giới chưa được phân giới, cắm mốc, trong đó có cả việc mời chuyên gia tư vấn quốc tế hỗ trợ. Hai bên cũng nhất trí để các chuyên gia kỹ thuật cùng các bộ, ngành và các địa phương liên quan của hai bên đồng thời tích cực trao đổi để tìm kiếm giải pháp công bằng và hợp lý mà hai bên có thể chấp nhận được, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế đối với các đoạn biên giới này. Cùng với đó, hai bên trao đổi về việc thực hiện việc hoán đổi đất đất theo mô hình MOU tại một số tỉnh có liên quan của hai nước; Hai bên nhất trí cùng thúc đẩy việc xây dựng mới cầu Đắc Đăng thay thế cầu cũ nhằm thúc đẩy giao lưu, hợp tác phát triển kinh tế giữa các địa phương liên quan giữa hai bên để báo cáo lãnh đạo cấp cao hai bên xem xét, quyết định; Hai bên cũng trao đổi về công tác quản lý biên giới và khẳng định sẽ tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa các ngành và địa phương hai bên trên cơ sở các Hiệp định và thỏa thuận đã có giữa 2 bên nhằm duy trì quan hệ giao lưu hữu nghị và hợp tác cùng có lợi giữa nhân dân hai bên biên giới. Kết thúc cuộc họp hai bên đã ký Biên bản cuộc họp.

Bộ trưởng Ngoại giao Đông Uruguay thăm chính thức Việt Nam

Nhận lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao nước Cộng hòa Đông Uruguay Rodolfo Nin Novoa thăm chính thức Việt Nam từ ngày 20 đến ngày 22-10-2016. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng Rodolfo Nin Novoa đã hội kiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Tại các cuộc tiếp xúc, các nhà lãnh đạo Việt Nam khẳng định Việt Nam coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với Đông Uruguay; đánh giá cao việc Đông Uruguay mở Đại sứ quán và cử Đại sứ tại Hà Nội, làm cầu nối và đóng góp tích cực vào việc phát triển quan hệ hợp tác song phương thời gian qua. Hai bên nhất trí đánh giá mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Uruguay thời gian qua tiếp tục phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực: quan hệ chính trị ngày càng chặt chẽ và tin cậy thể hiện qua kết quả các chuyến thăm thường xuyên giữa Lãnh đạo cấp cao và các cấp bộ/ngành; đến nay, hai bên đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác quan trọng, tạo dựng khuôn khổ pháp lý ngày càng thuận lợi cho trao đổi hợp tác song phương, nhất là về kinh tế - thương mại và đầu tư, trong khi hai bên vẫn có nhiều dư địa hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, chế biến nông - thủy sản, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và đối phó chống biến đổi khí hậu.

Để tiếp tục đưa quan hệ hợp tác song phương đi vào thực chất và hiệu quả, hai bên nhất trí thúc đẩy sớm thành lập Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư theo tinh thần Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư đã ký kết và có hiệu lực từ tháng 4-2016, đồng thời duy trì thường xuyên cơ chế Tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao hai nước đã thiết lập; xúc tiến đàm phán đi đến ký kết các thỏa thuận về hải quan, kiểm dịch động - thực vật và các lĩnh vực cụ thể khác nhằm từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý song phương; tạo thuận lợi cho giới doanh nghiệp hai nước tiếp cận thị trường của nhau và thiết lập quan hệ làm ăn trực tiếp, đồng thời, hỗ trợ lẫn nhau đưa hàng hóa vào thị trường các nước thuộc Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) và ASEAN; thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực văn hóa, đào tạo, du lịch và thể thao thông qua các chương trình, dự án hợp tác cụ thể.

Lãnh đạo hai bên cũng đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau giữa hai nước tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương. Về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, hai bên bày tỏ ủng hộ và nhất trí tiếp tục tham gia thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ASEAN và MERCOSUR, cũng như các cơ chế hợp tác liên khu vực khác. Về vấn đề Biển Đông, hai bên chia sẻ lập trường giải quyết các tranh chấp chủ quyền bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) .

Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam bà Pratibha Mehta đến chào từ biệt


Từ ngày 18 đến ngày 21-10-2016, tại Hà Nội, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam đã đến chào từ biệt Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Trung ương Nguyễn Thiện Nhân nhân dịp bà thúc nhiệm kỳ công tác. Thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã chúc mừng bà Pratibha Mehta đã hoàn thành tốt nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam; vui mừng nhận thấy mối quan hệ Việt Nam - Liên hợp quốc có những bước phát triển tốt đẹp trong thời gian 5 năm bà Pratibha Mehta đảm nhận cương vị Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại việt Nam. Nhiều chương trình, dự án được triển khai với kết quả tốt trong khuôn khổ Kế hoạch chung hợp tác Việt Nam - Liên hợp quốc giai đoạn 2012 - 2016, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Việt Nam hoan nghênh sự hỗ trợ của Liên hợp quốc nói chung và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nói riêng trong giai đoạn nước rút thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) và xây dựng các Báo cáo quốc gia MDGs. Cùng với đó, các cơ quan Liên hợp quốc cũng hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình xây dựng và chuẩn bị triển khai các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) và Chương trình Nghị sự 2030 hướng tới giai đoạn phát triển toàn cầu mới theo hướng bền vững và toàn diện hơn. Việt Nam đánh giá cao vai trò tư vấn chính sách vĩ mô của UNDP về phát triển. Ghi nhận những kết quả trên có được nhờ sự nỗ lực của mỗi cơ quan Liên hợp quốc, cũng như các bộ, ngành Việt Nam và nhờ vai trò quan trọng của bà Điều phối viên Thường trú, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Trung ương Nguyễn Thiện Nhân mong muốn, trên cương vị mới là Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc kiêm Trưởng đại diện UNDP tại Tajikistan, Bà sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình; đồng thời tiếp tục là cầu nối, là sứ giả của Việt Nam với Liên hợp quốc nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung, ủng hộ những nỗ lực của Việt Nam vì hòa bình, hợp tác, tôn trọng luật pháp quốc tế trong quá trình xử lý tình hình khu vực và thế giới.

Về phần mình, thay mặt các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Pratibha Mehta bày tỏ sự biết ơn sâu sắc về sự ủng hộ, giúp đỡ của các bộ, ngành, cơ quan của Việt nam đã hỗ trợ các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam hoạt động hiệu quả. Bà Pratibha Mehta cho biết, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon còn lưu giữ những kỷ niệm tốt đẹp về chuyến thăm Việt Nam. Tổng Thư ký Ban Ki-moon đánh giá cao sự đóng góp của Việt Nam trong các hoạt động của Liên hợp quốc, nhất là ở các cơ quan ra quyết sách quan trọng như Hội đồng Nhân quyền, ECOSOC. Bà Pratibha Mehta khẳng định, Việt Nam ngày có vị thế, tiếng nói quan trọng tại Liên hợp quốc. Điều này xuất phát từ những đóng góp của Việt Nam, nhất là thành tựu xóa đói giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ, đã tạo niềm tin với cộng đồng quốc tế. Bà Pratibha Mehta bày tỏ cam kết, các cơ quan Liên hợp quốc sẽ hướng tới giải quyết những vấn đề ưu tiên của Việt Nam theo mô hình hợp tác rộng mở hơn để chia sẻ các kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, ứng phó biến đổi khí hậu.

Mọi công tác chuẩn bị cho Hội nghị ACMECS-7, CLMV-8 và Diễn đàn WEF-Mê Công đã sẵn sàng

Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mê Công lần thứ 7 (ACMECS-7), Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ 8 (CLMV-8) và Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Mê Công (WEF - Mê Công) sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 24 đến ngày 26-10-2016. Đây là ba sự kiện ngoại giao lớn của đất nước được tổ chức trong năm 2016. Tính đến thời điểm này, công tác chuẩn bị đã được các bộ, ngành, địa phương liên quan nhất là Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện khá tốt và toàn diện các công đoạn cả về nội dung và lễ tân.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho phóng viên trong nước và ngoài nước có thể đưa tin về các hội nghị này, Ban tổ chức sẽ triển khai Trung tâm báo chí tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia và đưa vào hoạt động từ ngày 23 đến ngày 26-10. Tại Trung tâm báo chí, các thông tin sẽ được cập nhật liên tục trong khuôn khổ hoạt động của hội nghị. Trung tâm báo chí cũng sẽ cung cấp cơ sở tác nghiệp cho phóng viên trong nước và quốc tế, cũng như tổ chức điều hành hướng dẫn hoạt động báo chí của phóng viên đưa tin các phiên họp, các sự kiện cũng như các cuộc tiếp xúc song phương.

Nhằm đảm bảo cho thành công của các sự kiện đối ngoại quan trọng này, sáng 23-10-2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kiểm tra, chỉ đạo công tác chuẩn bị cho các hoạt động ngoại giao quan trọng này tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý Ban Tổ chức bố trí và hỗ trợ tốt hoạt động tác nghiệp của phóng viên, đảm bảo phù hợp với quy định về lễ tân Nhà nước cũng như thực hiện tốt quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, tổ chức trọng thị, chu đáo trong các hoạt động chiêu đãi, nhất là tại các khách sạn, điểm đến, nơi ăn nghỉ của các đoàn tham dự hội nghị. Thủ tướng đề nghị tất cả cán bộ, nhân viên, người lao động có liên quan đến công tác tổ chức, phục vụ các hội nghị này cần có thái độ ứng xử lịch thiệp, mến khách, thể hiện được tình cảm, lòng mến khách và văn minh của người Việt Nam; các bộ phận liên quan tổ chức ứng trực 24/24h vì mục tiêu cao nhất là đảm bảo cho thành công của các hội nghị và để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng các đại biểu quốc tế về đất nước và con người Việt Nam./.