Nhìn lại các cuộc tấn công khủng bố tại Pháp trong năm 2015
TCCSĐT - Trong năm 2015, Pháp liên tục là mục tiêu của các hành động tấn công khủng bố. Các vụ tấn công khủng bố nhằm vào nước Pháp trong năm 2015 đã để lại “vết thương” cho Pháp và châu Âu, đặt ra nhiều thách thức và bài học buộc các nước phải điều chỉnh “quan điểm”, hành vi và nhiều chính sách trong bảo đảm an ninh, trật tự xã hội cũng như trong việc “phổ biến” các giá trị của nền văn minh phương Tây ra nhiều nơi trên thế giới.
Rất nhiều câu hỏi được đặt ra: “Tại sao nước Pháp là mục tiêu tấn công?”, “Tại sao nước Pháp có thể bị tấn công”, hay “Tại sao lại là Pháp mà không phải là nước nào khác?”… Có nhiều phân tích đã được đưa ra để luận giải.
Nguyên nhân trực tiếp
Một là, tại Pháp đã có những hành động, dưới các hình thức khác nhau gây tác động tiêu cực tới cộng đồng người Hồi giáo, kích động tâm lý “trả thù” của các phần tử cực đoan đến từ các mạng lưới khủng bố Hồi giáo tại nhiều nơi trên thế giới. Chẳng hạn như, tạp chí châm biếm Charlie Hebdo trước khi bị tấn công đã nhiều lần đăng tải các biếm họa bị cho là “báng bổ” đạo Hồi. Tháng 3-2006, tờ Charlie Hebdo bắt đầu đăng các hình biếm họa về nhà tiên tri của đạo Hồi Mohammed khi các hình ảnh châm biếm về nhà tiên tri này của báo chí phương Tây đang phổ biến (Báo Jyllands-Posten của Đan Mạch khởi xướng năm 2005). Tháng 9-2012, báo này tiếp tục đăng các biếm họa về nhà tiên tri Mohammed, sau khi bộ phim chống đạo Hồi “Sự ngây thơ của những người Hồi giáo” được trình chiếu. Ngày 07-01-2015, đúng ngày bị tấn công, số báo 1117 của Charlie Hebdo đã lấy ý tưởng chính từ nội dung cuốn sách của tác giả Michel Houellebecq với tựa đề “Khuất phục” (Soumission), vẽ ra viễn cảnh về một nước Pháp bị Hồi giáo hóa vào năm 2022.
Thêm nữa, Pháp luôn được đánh giá “có vai trò quan trọng” trong giải quyết những “điểm nóng” tại các nước châu Phi - một trong những khu vực có dân số theo Hồi giáo đông đảo, nhất là tại khu vực Bắc Phi - tiếp giáp với “lò lửa” Trung Đông. Các can thiệp của Pháp tại Li-bi - dù còn nhiều tranh cãi, nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống M. Ca-đa-phi hay can thiệp quân sự để giải quyết tình hình Ma-li, khiến hình ảnh Pháp trở nên “méo mó” và “xấu xí” trong một bộ phận dân cư Hồi giáo. Chưa hết, kể từ năm 2014, Pháp tham gia tích cực và quyết liệt trong liên minh quốc tế chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) cực đoan. Pháp đã là một trong những nước đầu tiên tham gia vào liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu thực hiện các chiến dịch không kích IS.
Hai là, tại Pháp hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để IS thực hiện khủng bố, như có cộng đồng Hồi giáo đông đảo, thuận tiện về vị trí… Mặt khác, với vai trò quan trọng tại châu Âu và trên thế giới, ảnh hưởng từ thành công của các cuộc tấn công tại Pháp sẽ có tác dụng “khuyếch trương thanh thế” hiệu quả. Báo Charlie Hebdo đã nhiều lần bị tấn công và đe dọa bị tấn công. Pháp cũng nằm trong số các quốc gia phương Tây đầu tiên có con tin bị các nhóm khủng bố hành quyết.
Nguyên nhân sâu xa
Thứ nhất, tại Pháp số người Hồi giáo có tư tưởng “cực đoan” khá đông. Người Hồi giáo tại Pháp chủ yếu đến từ châu Phi (do yếu tố lịch sử và sự gần gũi về mặt địa lý) và Trung Đông (do quan hệ thương mại gắn bó giữa Pháp và một số đối tác như Ca-ta, A-rập Xê-út…), gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Theo thống kê, cộng đồng người Hồi giáo tại Pháp chiếm khoảng 9% dân số, với khoảng hơn 5 triệu người. Đa phần trong số họ đều sống tại các khu vực ngoại ô, điều kiện sống tương đối khó khăn. Cộng đồng người Hồi giáo, do các “thói quen sinh hoạt” đặc thù nên sống có phần tách biệt so với các cộng đồng tôn giáo và dân cư khác. Thất nghiệp trong cộng đồng Hồi giáo tại Pháp cũng chiếm tỷ lệ cao (khoảng 40%). Những khó khăn về kinh tế trong nhiều năm trở lại đây khiến một bộ phận thanh niên Hồi giáo vốn khó thích nghi với cuộc sống, càng dễ dàng bị lôi kéo vào các hoạt động cực đoan.
Hơn nữa, chính sách đối với người Hồi giáo của Pháp trong thời gian qua như cấm phụ nữ và trẻ em gái Hồi giáo mang khăn trùm mặt tại các nhà trường và cấm mặc áo dài truyền thống tại các địa điểm công cộng hay cấm người Hồi giáo quỳ lạy cũng như đọc kinh ở các địa điểm công cộng, bị đánh giá là thiếu công bằng với người Hồi giáo(1), từ đó càng “kích động” tâm lý bất mãn và “trả thù” mù quáng của một bộ phận dân cư dễ bị dao động này. Bằng chứng là kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng tại Xy-ri, Pháp cùng với Bỉ là hai quốc gia ghi nhận xu hướng thanh niên tham gia các cuộc thánh chiến nhiều nhất châu Âu.
Thứ hai, lực lượng an ninh của Pháp đã thất bại trong việc “ngăn chặn” trước cuộc tấn công do năng lực dự báo yếu kém và thiếu nhân lực. Các hung thủ dễ dàng tìm mua súng, vận chuyển bom, vũ khí và liên lạc với lực lượng bên ngoài để lên kế hoạch tấn công chi tiết và chuyên nghiệp. Đa phần các thủ phạm đều nằm trong “danh sách đen” của các lực lượng an ninh Pháp nhưng không được giám sát chặt chẽ. Gần đây, một số ý kiến đã chỉ ra nhiều điểm yếu của các lực lượng tình báo, an ninh Pháp từ quyết định sáp nhập Cơ quan an ninh quốc gia và Tổng cục tình báo từ thời Tổng thống Pháp Ni-cô-la Xác-cô-di khiến sụp đổ mạng lưới “tai mắt” trong nhiều tổ chức, tại nhiều địa điểm(2). Ngoài ra, chính sách cắt giảm chi tiêu cho quốc phòng và an ninh nói chung của Chính phủ Pháp trong thời gian gần đây, cùng với việc các lực lượng an ninh của Pháp hiện nay đang tham gia vào nhiều “mặt trận” khác nhau cũng làm giảm hiệu quả công tác bảo đảm an ninh nội địa tại Pháp.
Thứ ba, các lực lượng khủng bố hiện nay có nhiều cách thức hoạt động và tấn công mới, ngày càng tinh vi hơn. Nhờ in-tơ-nét và sự tự do truyền thông, rất nhiều các thông tin “đầu độc” và “tẩy não” nhằm lôi kéo con người vào các suy nghĩ và hành động tiêu cực, được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Nhiều hình thức chiêu mộ, liên lạc mới cũng được các lực lượng khủng bố áp dụng. Thêm nữa, cách thức chọn tấn công vào các mục tiêu dân sự gồm tòa soạn báo, nhà hát, sân vận động, các địa điểm ăn uống - một hình thức tấn công “vô nhân đạo” đã gây bất ngờ, khiến các cơ quan tình báo và an ninh Pháp không thể tính toán và dự báo hết.
Thứ tư, ở góc độ nào đó, chính sự khác nhau về văn hóa, tư tưởng, quan điểm, giá trị - biểu hiện và hình thái của xung đột giữa Hồi giáo và phương Tây giải thích cho “động cơ” tấn công khủng bố. Đơn cử, trong khi giá trị Pháp “bênh vực” hình thức “biếm họa, châm biếm” của tạp chí Charlie Hebdo và cho rằng đó là “tự do ngôn luận”, thì người Hồi giáo lại khẳng định, đó là “báng bổ” đạo Hồi, “lăng mạ” nhà tiên tri. Hay việc Pháp can thiệp quân sự với lý giải giúp người dân tại nhiều nước châu Phi và Trung Đông vượt qua khó khăn vì mục đích nhân đạo; người Hồi giáo lại cho rằng, can thiệp là hình thức áp đặt, gieo rắc khổ đau, vi phạm quyền tự quyết. Một ví dụ nữa, Chính phủ Pháp giải thích rằng, việc thực thi các tín ngưỡng tôn giáo của đạo Hồi, như mang mạng che mặt hay mặc áo trùm dài có thể đe dọa tới người khác vì các lý do an ninh nên đã đưa ra chính sách cấm, trong khi người Hồi giáo lại cho rằng, đây là quyết định mang tính “phân biệt đối xử”, đi ngược lại với nguyên tắc tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và tự do tôn giáo của người dân.
Cuối cùng, chính sách nhập cư, cho tị nạn “nhân từ” và chính sách tự do đi lại của châu Âu (trong không gian Schenghen) đã gây khó khăn cho việc bảo đảm an ninh nội địa. Nhằm giải quyết hậu quả của chủ nghĩa thuộc địa trong quá khứ và thể hiện “giá trị” nhân đạo của Pháp, hằng năm, Pháp đón nhận lượng người nhập cư lớn từ các nước Bắc Phi nói riêng và châu Phi nói chung. Là một trong những trung tâm tài chính và kinh tế quan trọng của châu Âu, Pháp cũng tiếp nhận một lượng lớn dân cư từ Trung Đông và nhiều nước khác trên thế giới đến làm việc, kinh doanh, học tập, sinh sống… Những thành phần dân cư này, một phần làm nên “tính độc đáo” của một nước Pháp đa sắc tộc, đa tôn giáo nhưng cũng mang lại nhiều nguy cơ mất an toàn cho xã hội. Điển hình là trong vụ tấn công vào tháng 11-2015, trong số các nghi phạm được xác định danh tính, hai người đã “trà trộn” vào dòng người nhập cư để đến Pháp. Ngoài ra, việc Pháp tham gia khối đi lại tự do càng khiến việc kiểm soát an ninh, an toàn thêm khó khăn. Ví dụ điển hình là, một số đối tượng tình nghi tham gia vụ tấn công ngày 13-11-2015 được cho đang lẩn trốn tại Bỉ hay một số địa điểm bị tình nghi là nơi “cất giấu” vũ khí của các thủ phạm được cho là tại Đức, Bỉ, Hà Lan. Đại diện cảnh sát Pháp thừa nhận “không biết vũ khí đã được mang vào Pháp như thế nào”.
Các cuộc tấn công đã gây chấn động nước Pháp, cả khu vực châu Âu và toàn thế giới. Điều này không chỉ mang đến nhiều hệ quả và nguy cơ cho nước Pháp mà còn cho toàn châu Âu do sự gần gũi về địa lý, tương đồng về thể chế, văn hóa và nhiều giá trị cũng như cùng chia sẻ nhiều “xu hướng” chính sách buộc Pháp và các nước phải có phản ứng, xem xét và điều chỉnh nhằm ngăn chặn các nguy cơ tấn công khủng bố tiếp theo. Cụ thể là:
Thứ nhất, sau các vụ tấn công, nước Pháp nói riêng và châu Âu nói chung đã mất đi hình ảnh “an toàn”; chưa bao giờ Pháp và châu Âu lại trở nên “mong manh” và “dễ bị tấn công” đến vậy. Ngay lập tức, ngành du lịch và dịch vụ của Pháp bị tác động nghiêm trọng, với việc rất nhiều các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và thể thao bị hủy bỏ.
Lo ngại về các nguy cơ tấn công tương tự nhằm vào nước mình, một loạt nước châu Âu đã có phản ứng chưa từng có tiền lệ, như cảnh sát Pháp áp đặt lệnh giới nghiêm đồng thời tiến hành hàng trăm cuộc bắt giữ; Bỉ ngay lập tức mở các cuộc truy quét khủng bố ở Thành phố Brúc-xen, đồng thời nâng mức cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất, tiến hành các cuộc bắt giữ các đối tượng liên quan, chi thêm 400 triệu ơ-rô tăng cường an ninh và chống khủng bố; Anh chi thêm 18 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng và an ninh, đồng thời dự kiến mua 138 máy bay tiêm kích hiện đại để chống khủng bố; Đức xem xét áp dụng lại chế độ quân dịch bắt buộc; I-ta-li-a, Thụy Điển truy lùng và bắt giữ các phần tử khủng bố…, biến châu Âu từ một thiên đường của sự bình yên trở nên “nguy hiểm” và “bất ổn”. Nỗi sợ hãi đang bao trùm người dân Pháp.
Thứ hai, các cuộc tấn công khủng bố với đa số tội phạm là người gốc nhập cư, cùng với sự lúng túng trong việc giải quyết vấn đề dòng người nhập cư ồ ạt vào châu Âu hiện nay đã khiến các tư tưởng cực đoan, dân tộc chủ nghĩa càng gây sự chú ý và tăng cường được ảnh hưởng. Tại Pháp, theo đà chiến thắng tại các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (tháng 5-2014), bầu cử Thượng viện một phần (tháng 9-2014) và bầu cử cấp xã, phường (tháng 3-2015), Đảng Mặt trận quốc gia (FN) cực hữu với tư tưởng bài ngoại và bài người nhập cư giành được lượng cử tri ủng hộ đông nhất trong lịch sử, dù không nắm quyền tại vùng nào trong cuộc bầu cử vùng (tháng 12-2015). “Hiệu ứng lan truyền” của sự kiện này đang trở nên rõ ràng, báo hiệu một “chiến thắng trên diện rộng” cho các đảng cánh hữu, cực hữu, các tư tưởng bài ngoại trên toàn khu vực(3).
Thứ ba, các cuộc tấn công trong năm 2015 cũng bộc lộ và làm trầm trọng thêm sự chia rẽ giữa các cộng đồng dân cư, nhất là giữa cộng đồng người nhập cư và người bản địa, đe dọa sự ổn định của xã hội Pháp và các nước châu Âu. Chính tác động tiêu cực từ các hành động tấn công khủng bố cùng với “sự gia tăng ảnh hưởng” của IS và “vấn nạn dòng người nhập cư ồ ạt” chủ yếu từ các nước Hồi giáo tại Trung Đông và Bắc Phi đến châu Âu mang theo nhiều rủi ro và nguy cơ, tạo ra sự cạnh tranh về việc làm, tăng thêm gánh nặng trợ cấp... đã đẩy mạnh tâm lý “kỳ thị” và “bài xích” người Hồi giáo.
Cuối cùng, các sự kiện vừa qua đã buộc chính quyền Pháp và các nước châu Âu xem xét để thay đổi chính sách an ninh, quốc phòng, tôn giáo, xã hội và cả chính sách đối ngoại với các điểm nóng Hồi giáo trên thế giới. Về đối nội, một loạt các điều chỉnh như tăng thêm ngân sách quốc phòng để bảo đảm an ninh, “trấn an” cộng đồng Hồi giáo... đã được tiến hành. Về đối ngoại, Pháp và một số nước (Anh, Đức) đã đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố bằng cách ra sức củng cố và mở rộng liên minh quốc tế chống IS tại Xy-ri. Ngoài ra, nguy cơ tấn công khủng bố cũng đặt ra thách thức cho các nước châu Âu phải xem xét lại những nguy cơ và cách thức quản lý một cách hiệu quả hơn “không gian đi lại tự do Schenghen”. Các nước châu Âu cũng phải bàn thảo để tìm ra cách thức giải quyết “đại vấn đề” người nhập cư và tị nạn bằng việc tiến hành đồng loạt nhiều biện pháp khác nhau. Ngoài việc ngay lập tức tăng cường kiểm soát biên giới mạnh mẽ, như dựng hàng rào dây thép gai, một số biện pháp mang tính lâu dài cũng được triển khai gồm nâng cao hiệu quả của hệ thống xử lý yêu cầu tị nạn, chương trình hỗ trợ “tự nguyện hồi hương”, tăng cường hiệu quả hoạt động của lực lượng biên phòng Frontex hay xây dựng quỹ để thu hút tài chính giúp giải quyết khủng hoảng nhân đạo ở châu Phi, Trung Đông, dùng biện pháp quân sự để giải quyết vấn nạn buôn người./.
--------------------------------------------
(1) Các quyết định này của Chính phủ Pháp đã bị tổ chức Ân Xá quốc tế (trong bản báo cáo được xuất bản tháng 4-2012) đánh giá là sự phân biệt đối xử với người Hồi giáo, xâm phạm quyền tự do biểu đạt của cá nhân. Tổ chức này cũng cho rằng người Hồi giáo tại Pháp, nhất là phụ nữ đang bị phân biệt đối xử trong lĩnh vực giáo dục và việc làm
(2) “Les filets percés du renseignement” - Các lỗ hổng trong ngành tình báo, Báo Libération đăng ngày 25-11-2015
(3) Như đảng cánh hữu mới thành lập Sự lựa chọn cho nước Đức (AFD), Đảng Dân tộc Xcốt-len (SNP) - theo đường lối dân tộc chủ nghĩa và Đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP) tại Anh, Đảng Trung tâm - theo chủ nghĩa dân tộc và chống nhập cư tại Phần Lan, Đảng Nhân dân cánh hữu, bài Liên minh châu Âu (EU) - phản đối người nhập cư tại Đan Mạch, Đảng Bình Minh Vàng cực hữu tại Hy Lạp hay Đảng Liên đoàn Phương Bắc đối lập - có xu hướng bài ngoại và chống nhập cư và Đảng Phong trào 5 Ngôi sao (M5S) tại I-ta-li-a
Lãnh đạo tỉnh, thành phố thăm hỏi, chúc Tết lực lượng vũ trang và chức sắc tôn giáo  (06/02/2016)
Việt Nam tham gia Lễ duyệt hạm quốc tế 2016  (06/02/2016)
- Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu: Thành công và hạn chế
- Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có “tâm, tầm, trí” - yếu tố then chốt của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
- Tỉnh Bình Định tích cực chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Kết quả, thành tựu thực hiện công bằng về lĩnh vực xã hội trong gần 40 năm đổi mới đất nước và nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy công bằng xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc trên lĩnh vực khoa học - công nghệ giai đoạn từ năm 2017 đến nay dưới góc nhìn của chủ nghĩa tân hiện thực
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Văn hóa - Xã hội
Một số quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa và nâng tầm văn hóa Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Căng thẳng Nga - Ukraine: Bản chất, nguyên nhân và triển vọng