Triển vọng hợp tác Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc trước những diễn biến mới ở khu vực Đông Bắc Á
TCCS - Đông Bắc Á là khu vực có tầm quan trọng đặc biệt đối với cục diện chính trị toàn cầu vì sự hội tụ và đan xen lợi ích của các cường quốc. Trong một năm qua, quan hệ quốc tế ở Đông Bắc Á vốn đã luôn tồn tại những mâu thuẫn có thể bùng phát thành xung đột khu vực, nhưng thế giới cũng đã chứng kiến những khoảnh khắc kỳ diệu, với những thay đổi vừa cơ bản, vừa mang tính bước ngoặt trong quan hệ quốc tế ở Đông Bắc Á. Trong bối cảnh mới đó, quan hệ giữa “tam giác đồng minh” Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc cũng có những thay đổi, tác động không nhỏ đến việc hình thành cục diện chính trị khu vực Đông Bắc Á thời gian tới.
Kể từ khi ông Đô-nan Trăm trở thành Tổng thống Mỹ, Chính quyền Mỹ vẫn chưa đề ra được một chiến lược lớn nào đối với khu vực Đông Bắc Á nói riêng và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung, ngoại trừ Đối thoại An ninh bốn bên (QUAD) bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a và Ấn Độ. Trước đó, ngay khi nhậm chức, ông Đ. Trăm đã tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng như xóa bỏ nền tảng tiếp cận của chiến lược “tái cân bằng” mà cựu Tổng thống B. Ô-ba-ma đã thiết lập. Hơn nữa, quan điểm “nước Mỹ trên hết” và việc đòi hỏi sự chia sẻ trách nhiệm của các đồng minh đã dấy lên những nghi ngờ và cả những bất an về chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm từ phía các đồng minh ở châu Á của Mỹ.
Tuy nhiên, sự chuyển đổi trong chính sách đối ngoại của Chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm không phải là không có cơ sở. Như ông Đ. Trăm đã tuyên bố trong Thông điệp Liên bang Mỹ năm 2019, cách tiếp cận chính sách đối ngoại của nước Mỹ sẽ dựa trên “chủ nghĩa hiện thực có nguyên tắc”(1).
Đây là sự thay đổi mang tính chiến lược, có tác động sâu sắc đến tình hình khu vực, buộc mọi quốc gia trong khu vực Đông Bắc Á phải chú ý và có những phản ứng thích hợp. Điều đó đã được chứng minh trong suốt thời gian qua kể từ khi Tổng thống Đ. Trăm thực thi chính sách đối ngoại của nước Mỹ. Bên cạnh đó, trong hơn một năm qua, có nhiều sự kiện nổi bật chi phối cục diện chính trị không chỉ trong khu vực, mà còn trên bình diện toàn cầu, như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc; vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên; sự cải thiện trong mối quan hệ Hàn Quốc - Triều Tiên... đã tạo ra những thay đổi mang tính bước ngoặt đối với hợp tác Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc.
Một số chuyển động nổi bật ở Đông Bắc Á
Thứ nhất, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. Có thể nói, cuộc chiến này đã và đang là vấn đề chính trị nổi bật nhất của khu vực Đông Bắc Á hiện nay, tác động đến hầu hết các quốc gia không chỉ trong khu vực mà còn trên thế giới. Trong chiến lược an ninh quốc gia và chiến lược quốc phòng của Mỹ được công bố vào cuối năm 2017 và đầu năm 2018, Chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm khẳng định, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương quan trọng đối với sự ổn định, an ninh và thịnh vượng của Mỹ với những cam kết, như bảo đảm an ninh cho các đồng minh (Nhật Bản, Hàn Quốc); tăng cường cơ chế hợp tác quốc phòng ba bên (Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc); đồng thời, nhấn mạnh Trung Quốc “cần chấm dứt tình trạng giành lợi thế cạnh tranh bằng cách lấy cắp tài sản trí tuệ, hay buộc các nhà sáng tạo phải nộp tài sản trí tuệ của họ như là cái giá để được hoạt động kinh doanh ở nước đó”(2). Duy trì lợi ích kinh tế, quyền lực chính trị, sức mạnh quân sự và ngoại giao, kiềm chế các nước thách thức vị thế của Mỹ, đặc biệt là Trung Quốc, vừa là mục tiêu, vừa là nội hàm của một “khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”(3) của Mỹ. Và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể coi là một bước đi đã được tính toán kỹ lưỡng của Chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm để kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc, một bước đi cụ thể nằm trong chiến lược dịch chuyển từ châu Á - Thái Bình Dương của cựu Tổng thống B. Ô-ba-ma sang không gian Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Có thể thấy rõ điều này trong chính sách của Mỹ. Kể từ khi lên nắm quyền ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Đ. Trăm đã làm đảo lộn những nền tảng của mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc đã được các tổng thống trước đó theo đuổi kể từ thập niên 70 của thế kỷ XX, vốn được gọi là chính sách “tham dự/can thiệp mang tính xây dựng”, hay “trấn an chiến lược”. Học giả nổi tiếng Minxin Pei - người ủng hộ chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc - viết trên tờ Nikkei Asian Review (Nhật Bản) rằng, “chính sách tham gia của Oa-sinh-tơn với Trung Quốc trong bốn thập niên qua là một thất bại. Sự trỗi dậy của Trung Quốc... là một mối đe dọa về cấu trúc đối với sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, Mỹ phải kiềm chế Trung Quốc trước khi quá muộn”(4).
Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc được Mỹ thúc đẩy ngay trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ cho thấy tính quan trọng của thời điểm. Tại sao lại là thời điểm này? Có thể giải thích bởi hai lý do. Một là, chiến lược này sẽ mang lại thuận lợi cho Chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm và Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Hai là, sự đe dọa từ vị thế và sức mạnh của Trung Quốc đang ngày càng gia tăng và vì thế, Mỹ cần thúc đẩy một chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang gây ảnh hưởng không chỉ đối với hai quốc gia mà còn ảnh hưởng đến toàn thế giới. Tương lai của cuộc chiến thương mại này sẽ đi về đâu, khi nào dừng lại và dừng lại ra sao vẫn còn là một ẩn số.
Nhật Bản là một nước có lượng lớn doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng vận chuyển các nguyên vật liệu sang thị trường Trung Quốc và đem trở lại Mỹ để hoàn thiện những khâu cuối cùng. Vì thế, có thể thấy tăng trưởng của Nhật Bản sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng phục hồi của các chuỗi cung ứng đã và đang chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. Các công ty Nhật Bản đặc biệt dễ bị tổn thương trong thương mại, với nhiều vật liệu vận chuyển và thiết bị công nghiệp trên toàn thế giới. Hơn nữa, trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, Nhật Bản không chỉ là quốc gia chịu ảnh hưởng mà còn là quốc gia trong liên minh hợp tác mà Mỹ cho rằng cần phải lấy lại lợi thế cạnh tranh đã bị chia sẻ. Bằng chứng cho thấy điều này là Chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm đã đe dọa áp đặt mức thuế 20 phần trăm vào khoảng 1,7 triệu xe mà Nhật Bản xuất khẩu sang Mỹ mỗi năm(5).
Nguy hiểm hơn, những ảnh hưởng mà Nhật Bản phải đối mặt về kinh tế là chiến tranh thương mại có thể mở rộng ảnh hưởng sang an ninh quốc gia cũng như khu vực. Trung Quốc hoàn toàn có thể gia tăng gây áp lực ở khu vực, cạnh tranh mạnh mẽ yêu sách của Nhật Bản tại Biển Đông(6). Nhật Bản vẫn phải hợp tác với Trung Quốc, đồng thời vẫn đóng vai trò đồng minh thân cận của Mỹ tại khu vực. Trước thế lưỡng nan này, Nhật Bản có thể phải đưa ra những chiến lược mới không chỉ để duy trì tăng trưởng, mà còn để tự cách ly khỏi tác động làm suy giảm mối quan hệ giữa Oa-sinh-tơn và Bắc Kinh(7).
Đối với Hàn Quốc, theo đánh giá của Bộ Chiến lược và Tài chính, tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng không hề nhỏ: “Một tác động to lớn từ các cuộc xung đột thương mại toàn cầu bao gồm cả chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể tạo ra nguy cơ giảm xuất khẩu của Hàn Quốc và cả nền kinh tế toàn cầu”(8). Các công ty xuất, nhập khẩu của Hàn Quốc sẽ chịu tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, nhưng ở cấp độ cao hơn. Vì thế, dường như Hàn Quốc đang chuẩn bị lực lượng đối phó với một cuộc chiến thương mại dài hơi hơn trong tương lai.
Thứ hai, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Đây là vấn đề phức tạp nhất ở khu vực Đông Bắc Á trong suốt 5 thập niên qua. Đối mặt với những thách thức an ninh từ các cường quốc và liên minh trong khu vực, vũ khí hạt nhân dường như là lựa chọn duy nhất của CHDCND Triều Tiên để có tiếng nói nhất định trên trường quốc tế. Hơn bao giờ hết, vào thời điểm này, thế giới đang chứng kiến những thay đổi chưa từng có trong lịch sử: từ cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất diễn ra vào ngày 12-6-2018 tại Xin-ga-po đến cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tại Hà Nội (tháng 2-2019); đối thoại Hàn Quốc - Triều Tiên ngày 15-10-2018; tuyên bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng Ưn về khả năng dừng thử hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đã mở ra một viễn cảnh hoàn toàn mới cho khu vực, một động thái chưa từng có trong lịch sử. Tuy nhiên, vào ngày 3-11-2018, Triều Tiên cảnh báo sẽ quay lại chính sách quốc gia về tăng cường kho vũ khí hạt nhân nếu Mỹ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này. Tuyên bố này của Triều Tiên đã đưa đến sự tăng cường hợp tác trao đổi thông tin, tập trận giữa các bên, không chỉ là song phương (Mỹ - Nhật Bản hay Mỹ - Hàn Quốc) mà còn mở ra sự hợp tác toàn diện cả ba bên.
Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, cho đến thời điểm này, vẫn không có bất cứ tín hiệu nào là ổn định và chắc chắn. Chỉ có thể quan sát và ngầm định những dự báo về những bất ổn hạt nhân Triều Tiên như đưa ra một ẩn số cho một bài toán không có lời giải.
Thứ ba, những khoảnh khắc của quá trình hòa giải liên Triều. Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê In và Chủ tịch Triều Tiên Kim Châng Ưn đã có những cuộc gặp gỡ lịch sử kể cả ở Bàn Môn Điếm lẫn Bình Nhưỡng để mở ra một giai đoạn mới cho mối quan hệ hai miền.
Về mặt kỹ thuật, bán đảo Triều Tiên vẫn trong tình trạng căng thẳng kể từ khi chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) kết thúc. Chính vì vậy, việc chấm dứt hoàn toàn tình trạng chiến tranh là một nhiệm vụ cấp thiết và quan trọng, để mở đầu cho sự hợp tác giữa hai bên, đặc biệt là phát triển kinh tế. “Tuyên bố Bàn Môn Điếm về hòa bình, thịnh vượng và thống nhất trên bán đảo Triều Tiên” giữa hai nhà lãnh đạo liên Triều có thể được xem là lời tuyên bố kết thúc chiến tranh. Ngoài ra, hàng loạt động thái khác của hai bên được cho là giúp hóa giải những mâu thuẫn giữa hai miền trước đây, chẳng hạn như tháo dỡ các thiết bị tuyên truyền, gây sát thương gần biên giới, nối lại các hoạt động nhân đạo giữa hai miền...(9). Điều này sẽ góp phần tạo thêm động lực để hai miền Triều Tiên tiến hành bình thường hóa quan hệ hoàn toàn và tăng cường các hoạt động hợp tác trong thời gian tới nhằm thúc đẩy quan hệ liên Triều.
Triển vọng tam giác đồng minh Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc
Mỹ đang giảm dần sự hiện diện của họ ở Trung Đông sau khi lực lượng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng về cơ bản đã bị tiêu diệt. Tổng thống Mỹ Đ. Trăm cũng quyết định sẽ rút quân khỏi Xy-ri bởi Chính quyền Xy-ri của Tổng thống Ba-sa An Át-xát không thể bị loại bỏ và đồng minh của Xy-ri là Nga đã củng cố được vai trò của mình ở đây. Dường như Đông Bắc Á sẽ trở thành trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong nửa nhiệm kỳ còn lại của Tổng thống Đ. Trăm, nhất là khi căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn tiếp tục, vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên vẫn chưa được giải quyết.
Sự kiện ký kết thỏa thuận Mỹ - Triều Tiên ngày 12-6-2018 giữa Tổng thống Mỹ Đ. Trăm và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng Ưn được coi là một dấu mốc tạo bước chuyển quan trọng từ “đối đầu” sang “đối thoại hòa bình”, mở ra cục diện mới cho khu vực Đông Bắc Á.
Về cơ bản, quan hệ giữa Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn dựa trên quan hệ đồng minh truyền thống, được khẳng định trong Hiệp ước An ninh Nhật Bản - Mỹ, Hiệp ước về phòng thủ chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, và gần đây một sáng kiến đang gây được sự chú ý trở lại là “Tứ giác kim cương”(10). Sự tham gia của Mỹ tại Đông Bắc Á và quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc là một nhân tố cân bằng đối với sức mạnh của Trung Quốc.
Phương sách giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên thể hiện sự tính toán về chiến lược của Tổng thống Đ. Trăm. Bởi lẽ, xét về sâu xa, vấn đề Triều Tiên chưa phải là nhiệm vụ tối quan trọng đối với an ninh Mỹ, nhưng đó lại là vấn đề đầy gai góc, có ảnh hưởng lớn đến vị thế, uy tín của Mỹ đối với khu vực Đông Bắc Á và trên thế giới mà các tổng thống tiền nhiệm chưa giải quyết được. Do vậy, quyết định cải thiện quan hệ Mỹ - Triều của Tổng thống Đ. Trăm nhằm thuyết phục Triều Tiên là sách lược không thể khác hơn của Mỹ trong lúc này. Qua đó, một mặt, Mỹ muốn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, mặt khác, gây áp lực lên các đối thủ là Trung Quốc và Nga. Hơn nữa, cải thiện quan hệ với Triều Tiên để giảm bớt căng thẳng ở khu vực Đông Bắc Á, tạo điều kiện thuận lợi cho Mỹ triển khai, thực hiện Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, từng bước kiềm chế sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc.
Về phía mình, CHDCND Triều Tiên sẽ làm mọi việc để thực hiện một thời kỳ hòa hoãn chiến lược, tập trung phát triển kinh tế đất nước cũng như đường lối ngoại giao mới là thực hiện tiếp cận cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ, nhằm đạt được lợi ích cao nhất về mặt chiến lược. Vì thế, Triều Tiên vừa thúc đẩy đối thoại với Mỹ, vừa theo đuổi chính sách gần gũi hơn với Trung Quốc; đồng thời, duy trì hợp tác, đối thoại với Hàn Quốc, Nhật Bản, tìm kiếm khả năng gỡ bỏ cấm vận, thúc đẩy quan hệ liên Triều và trong khu vực. Như vậy, sau hai cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ, Triều Tiên đã có những bước đi rõ ràng, vừa muốn bỏ thế đối đầu quân sự với Mỹ, Hàn Quốc để được dỡ bỏ trừng phạt, bao vây, cấm vận, thu hút nguồn vốn, kinh nghiệm phát triển kinh tế, vừa giữ được quan hệ láng giềng lâu dài với Trung Quốc.
Trung Quốc và Nhật Bản tuy có sự khác biệt về lợi ích, mối quan tâm và quan điểm tiếp cận trong giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, nhưng tựu trung đều mong muốn một bán đảo Triều Tiên hòa bình, ổn định, giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa thông qua đối thoại chính trị. Trước những diễn biến tại khu vực Đông Bắc Á và việc quan hệ Mỹ - Triều Tiên được cải thiện, Nhật Bản quyết định dỡ bỏ lệnh trực chiến đối với các tàu khu trục có trang bị hệ thống ra-đa Aegis.
Trước một loạt diễn biến mới ở khu vực Đông Bắc Á, hướng liên kết của liên minh Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc đang trở thành mối quan tâm của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc vốn là đồng minh truyền thống và trong bối cảnh hiện nay, dường như liên minh này đang ngày càng được thắt chặt để kiềm tỏa ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực và đối phó với vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Một số bằng chứng trong thời gian gần đây cho thấy liên minh này đang được thắt chặt trong bối cảnh khu vực Đông Bắc Á có những diễn biến phức tạp, nhất là vào ngày 3-11-2018, sau khi Triều Tiên cảnh báo sẽ quay lại chính sách quốc gia về tăng cường kho vũ khí hạt nhân nếu Mỹ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này. Vào ngày 5-11-2018, Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận quy mô nhỏ, động thái này dường như để đối phó với mối đe dọa từ phía Triều Tiên, nhưng mặt khác, nó cho thấy một tín hiệu rõ ràng hơn về liên minh ba bên Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc tại khu vực Đông Bắc Á. Cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều là các đồng minh quân sự của Mỹ, nhưng Hàn Quốc luôn hạn chế tham gia hợp tác quân sự song phương với Nhật Bản vì hai nước vẫn chưa giải quyết xong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở hòn đảo Đốc-đô/Ta-ka-si-ma và những “di sản” nằm sâu trong lịch sử quan hệ song phương. Tuy nhiên, mới đây trong một cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay, việc chia sẻ thông tin với Nhật Bản là có khả năng. Đây là tín hiệu, tuy khiêm tốn, về việc chia sẻ thông tin giữa ba bên, là dấu hiệu cho việc liên minh Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc đang được thắt chặt.
Tương lai của hợp tác Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc sẽ như thế nào? Đây là câu hỏi mà các nhà quan sát trên thế giới đặt ra khi theo dõi những biến động ở khu vực Đông Bắc Á vào thời gian này. Từ những hành động hiện nay có thể đưa ra nhận định rằng, trong tương lai gần, liên minh Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc vẫn duy trì xu hướng liên kết chặt chẽ để kiềm tỏa ảnh hưởng của Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh trong khu vực và giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Mỹ cần Nhật Bản và Hàn Quốc để duy trì, gia tăng ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á, đối phó hiệu quả với ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực. Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ cần Mỹ để bảo đảm đối trọng, kiềm chế áp lực từ Trung Quốc và mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên đối với an ninh quốc gia. Có thể liên minh sẽ được duy trì dựa trên những điều kiện theo hướng biệt lập chủ nghĩa của Tổng thống Đ. Trăm để bảo đảm không chỉ có Mỹ, mà Nhật Bản và Hàn Quốc phải thực sự tham gia, tự nâng cao sức mạnh của quốc gia để đối phó với Trung Quốc và Triều Tiên, thể hiện vai trò thực sự ở khu vực. Dù thế nào đi nữa, trong tương lai gần, hợp tác Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc sẽ vẫn được cũng cố, thúc đẩy.
Hợp tác Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc trong thời gian tới sẽ phải đối mặt với những thử thách đến từ chính các bên trong liên minh và cả từ Trung Quốc. Các bên sẽ phải đưa ra được điểm cân bằng cho lợi ích chung mà những lợi ích này hoàn toàn không giống nhau. Hợp tác Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc được thúc đẩy sẽ tác động lớn đối với sự hiện diện của Trung Quốc ở khu vực và xa hơn nữa. Vì thế, Trung Quốc sẽ có những đối sách để bảo đảm vị thế lợi ích của mình trong khu vực. Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang được Chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm thúc đẩy mạnh mẽ, Trung Quốc lại càng phải hành động nhằm gia tăng ảnh hưởng và vị thế ở những khu vực đặc biệt quan trọng, như Đông Bắc Á. Với những vấn đề tồn tại từ trong lịch sử, việc Nhật Bản và Hàn Quốc nghiêng về ủng hộ Trung Quốc trong cuộc chạy đua với Mỹ là rất khó xảy ra, nhưng không phải là hoàn toàn không có khả năng, nhất là khi Mỹ đang thực hiện chính sách “nước Mỹ trên hết”, tiến hành chiến tranh thương mại với Trung Quốc, tạo cớ cho Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc xích lại gần nhau.
Nhìn chung, kể từ sau những biến động trong giai đoạn 2009 - 2016, quan hệ quốc tế ở Đông Bắc Á đang có những thay đổi sâu sắc, có thể hình thành nên một cục diện chính trị mới trong khu vực. Mặc dù những dấu hiệu tích cực đang xuất hiện, nhưng niềm tin chiến lược vẫn rất cần thiết cho sự tham gia của mỗi bên ở đây. Các bên tuy đã và đang thực hiện những bước đi sau thỏa thuận Mỹ - Triều Tiên, nhưng trong tình trạng vừa đi, vừa thăm dò thái độ của nhau. Nhìn chung, cấu trúc an ninh, chính trị khu vực Đông Bắc Á thời gian tới tùy thuộc vào thái độ và mức độ thỏa hiệp của Triều Tiên với Mỹ, Hàn Quốc với sự tác động của Trung Quốc và phần nào của Nhật Bản, Nga trong đàm phán với Mỹ. /.
--------------------------------------------------------
(1) Donald Trump: “Remarks by President Trump in State of the Union Address.” The White House. February 6, 2019, https://www.whitehouse.gov/briefings-statements/remarks-president-trump-state-union-address-2/
(2) Nguyễn Nhâm: “Ấn Độ - Thái Bình Dương định hình chiến lược khu vực của ông Trump?”, VOV. 6-11-2017, https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/an-dothai-binh-duong-dinh-hinh-chien-luoc-khu-vuc-cua-ong-trump-692204.vov
(3) Diệu Hương: “Tham vọng Ấn Độ - Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Donald Trump.”, VOV. 14-11-2017, https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/tham-vong-an-dothai-binh-duong-cua-tong-thong-my-donald-trump-695071.vov
(4) Minxin Pei: “US and China face growing risk of military clashes as conflict intensifies.” Nikkei Asian Review. October 11, 2018, https://asia.nikkei.com/Opinion/US-and-China-face-growing-risk-of-military-clashes-as-conflict-intensifies2.
(5) Ali Wyne: “The Implications of U.S.-China Trade Tensions for Japan” The RAND, September 18, 2018, https://www.rand.org/blog/2018/09/the-implications-of-us-china-trade-tensions-for-japan.html
(6) Tetsushi Kajimoto: “Growing impact: a third of Japan Inc hurt by U.S.-China trade war - Reuters poll”, Reuters. October 16, 2018, https://www.reuters.com/article/us-usa-trade-china-japan/growing-impact-a-third-of-japan-inc-hurt-by-u-s-china-trade-war-reuters-poll-idUSKCN1MP2OL
(7) Yuji Ohira: “Trade war likely to hurt profits for 60% of Japan’s top companies.” Nikkei Asian Review. September 11, 2018, https://asia.nikkei.com/Economy/Trade-War/Trade-war-likely-to-hurt-profits-for-60-of-Japan-s-top-companies
(8) “South Korea says US-China trade war may hit its exports of intermediate goods”, The Straits Times. Jul 12, 2018, https://www.straitstimes.com/asia/east-asia/south-korea-says-us-china-trade-war-may-hit-its-exports-of-intermediary-goods
(9) Nguyễn Nhâm: “Những chuyển động tích cực ở Đông Bắc Á”, Lý luận chính trị, ngày 9-5-2018, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/quoc-te/item/2495-nhung-chuyen-dong-tich-cuc-o-dong-bac-a?.html
(10) Bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ô-xtrây-lia và Ấn Độ
Việt Nam với CPTPP: Cơ hội và thách thức  (08/05/2019)
Kỷ niệm trọng thể 60 năm ngày Bác Hồ về thăm cán bộ, chiến sỹ và đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại Sơn La  (07/05/2019)
Kỷ niệm trọng thể 60 năm ngày Bác Hồ về thăm cán bộ, chiến sỹ và đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại Sơn La  (07/05/2019)
Tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Italy  (07/05/2019)
Thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác hai nước Việt Nam - Thụy Điển  (07/05/2019)
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp