Về đổi mới, xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng
Về nội dung đổi mới, xây dựng, chỉnh đốn trong Đảng
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm này, trước tiên, Đảng phải tự đổi mới trên nhiều phương diện. Bởi, ngay khi mở đầu thời kỳ đổi mới, Đại hội lần thứ VI của Đảng (năm 1986) đã xác định bốn nội dung cần đổi mới: ''Đảng phải đổi mới về nhiều mặt: đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; đổi mới tổ chức; đổi mới đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác''(1). Những nội dung đổi mới đó được đặt ra với toàn đảng, từng tổ chức, từng cấp uỷ, từng cán bộ, đảng viên, trước hết là những cán bộ ở cương vị lãnh đạo chủ chốt. Những nội dung đổi mới đó đã được thể hiện trong thực tiễn xây dựng Đảng và được làm phong phú thêm trong ba mươi năm đổi mới vừa qua.
Đảng ta đặt vấn đề đổi mới tư duy là nội dung cần phải đổi mới đầu tiên. Nhìn một cách tổng quát, tư duy cần phải đổi mới chính là tư duy về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và về con đường đi lên CNXH ở nước ta. Và tư duy về vấn đề này gồm nhiều lĩnh vực: những vấn đề chung, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại,... Đối với lĩnh vực nào cũng cần đổi mới tư duy, nhưng trước hết phải tập trung vào 1ĩnh vực kinh tế, vì đây là lĩnh vực “tập trung các quan hệ chính trị”, đặc biệt trước yêu cầu tái cơ cấu mô hình tăng trưởng nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phải tháo gỡ những vấn đề kinh tế trước, từ đó tháo gỡ những vấn đề được đặt ra trong các lĩnh vực khác. Phải tìm ra mô hình tăng trưởng kinh tế mới, để từ đó tìm ra mô hình mới về CNXH và con đường mới quá độ lên CNXH của nước ta. Thực tế đổi mới đã chứng minh chủ trương đó là hoàn toàn đúng đắn. Đây là sự tỉnh táo về tư duy lãnh đạo của Đảng, đặc biệt trong việc chủ động phòng, chống biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Để đổi mới tư duy, cần tạo những điều kiện thuận lợi cho quá trình đổi mới tư duy: bầu không khí dân chủ trong xã hội, nhất là trong sinh hoạt đảng, trong nghiên cứu khoa học; tinh thần tôn trọng sự thật, tôn trọng chân lý; hệ thống thông tin chính xác; phê bình và tự phê bình được tiến hành một cách thường xuyên và nghiêm túc;... Điều quan trọng là phải coi trọng công tác lý luận nhằm cung cấp nội dung khoa học cho việc đổi mới tư duy. Nghiên cứu lý luận đương nhiên phải gắn với tổng kết thực tiễn theo tinh thần ''nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật''; từ đó rút ra được những kết luận đúng để bổ sung cho đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và phát triển lý luận của Đảng.
Đồng thời, phải thực hiện đổi mới về tổ chức nhằm làm cho bộ máy của Đảng và Nhà nước từ trên xuống dưới phù hợp với một đảng cầm quyền trong điều kiện mới, tránh được các bất cập như chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, biên chế ngày càng phình to, tách nhập thiếu tính toán kỹ, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Và đổi mới đội ngũ cán bộ, nhằm xây dựng một đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, trước hết là cán bộ chủ chốt các cấp. Đó là đội ngũ cán bộ có tư duy đổi mới theo hướng dân chủ - pháp quyền, có trình độ, khả năng thực hiện đổi mới, có bản lĩnh vững vàng trong mọi tình huống, không suy thoái về tư tưởng chính trị, biến chất về đạo đức, lối sống trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Một yêu cầu thiết yếu đối với đổi mới công tác tổ chức, cán bộ là phải phòng, chống mọi lệch lạc, như quan liêu, mất dân chủ, thiên vị, thành kiến, bè cánh, địa phương chủ nghĩa,.
Vấn đề ''đổi mới phương thức lãnh đạo'' của Đảng được đặt ra từ Đại hội lần thứ VI của Đảng; đến Đại hội lần thứ VII (năm 1991) đã được điều chỉnh thành ''đổi mới phương thức lãnh đạo và phong cách công tác''; và tại Đại hội XII được xác định là “đổi mới phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền”. Tất nhiên, trong nội dung đổi mới phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền không thể thiếu việc đổi mới cả tổ chức của Đảng cũng như phong cách công tác của mỗi cán bộ, đảng viên.
Trong công tác đổi mới phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền đòi hỏi Đảng phải xác định cách thức, hình thức lãnh đạo phù hợp với hệ thống chính trị nói riêng, dân chủ xã hội chủ nghĩa nói chung cũng như cách thức, hình thức cầm quyền đối với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đang chuyển mạnh từ mô hình Nhà nước quản lý sang mô hình Nhà nước phục vụ và kiến tạo phát triển, theo tinh thần Hiến pháp năm 2013. Và trong đó không thể không đổi mới phong cách công tác của cán bộ, đảng viên theo nguyên tắc dân chủ - pháp quyền, khoa học, tập thể, tôn trọng sự thật, nói đi đôi với làm, nhằm hoàn thành một cách chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ được giao.
Đối với một đảng duy nhất cầm quyền, đổi mới phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền của chính mình là cuộc tự đổi mới, tự xây dựng, tự chỉnh đốn lớn, hệ trọng, nên việc thực hiện công tác đổi mới ấy hoàn toàn không đơn giản. Phải thông qua hoạt động thực tiễn mới có thể khẳng định được những gì phù hợp hay không phù hợp, để xây dựng được phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền phù hợp điều kiện hiện nay ở Việt Nam.
Càng đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, nhằm phát triển đất nước nhanh, bền vững lại càng thấy rõ việc xây dựng Đảng vững mạnh chỉ có thể có được bằng việc đổi mới Đảng trên tất cả các mặt tư duy, tổ chức, cán bộ, phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền. Thực tiễn đổi mới cũng cho phép rút ra một kết luận: Đảng, trước tiên, phải tự đổi mới để lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước; Đảng càng đổi mới thì công cuộc đổi mới đất nước càng phát triển mạnh mẽ; ngược lại, công cuộc đổi mới đất nước càng phát triển, càng đi vào chiều sâu thì càng đòi hỏi Đảng phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn.
Một số nguyên tắc đổi mới Đảng
Thứ nhất, đổi mới gắn với chỉnh đốn Đảng
Từ Đại hội lần thứ VI của Đảng, cùng với việc khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, Đảng cũng đồng thời tập trung vào vấn đề đổi mới Đảng và nêu rõ những nội dung Đảng cần đổi mới. Lúc đó, việc chỉnh đốn Đảng mới đề ra trong phạm vi: ''chỉnh đốn tổ chức, thi hành những biện pháp có hiệu lực trừ diệt các tệ nạn hối lộ, cửa quyền, loại bỏ và nghiêm trị những phần tử biến chất lợi dụng danh nghĩa đảng và chính quyền để đục khoét nhân dân, áp bức quần chúng''(2). Đến Đại hội lần thứ VII của Đảng, vấn đề đổi mới Đảng gắn liền với chỉnh đốn Đảng mới chính thức được đặt ra.
Thực ra, tinh thần đổi mới và chỉnh đốn Đảng đã có trong nhiều chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thuật ngữ đổi mới đã được Người sử dụng trong bài Dân vận (năm 1949). Trong lớp chỉnh huấn đầu tiên của Trung ương năm 1952, Người đã đề cập đến hai nội dung của chỉnh đốn Đảng là chỉnh đốn tư tưởng và chỉnh đốn tổ chức(3). Trong Di chúc, Người căn dặn: ''Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta hoàn toàn thắng lợi… việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng…''(4).
Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng ta đặt vấn đề đổi mới gắn với chỉnh đốn Đảng vừa để thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh, vừa để đáp ứng những yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng mới. Đổi mới là từ bỏ những gì lạc hậu, lỗi thời hay sai trái để đi đến những cái mới đúng đắn hơn, tiến bộ hơn trong các phương diện xây dựng Đảng. Còn chỉnh đốn là sắp xếp lại những cái vốn có trước kia đến nay vẫn đúng, nhưng đã bị làm sai lệch. Xây dựng Đảng phải tiến hành đồng thời bằng đổi mới Đảng và chỉnh đốn Đảng. Đổi mới và chỉnh đốn có quan hệ chặt chẽ với nhau, không tách rời nhau. Chỉnh đốn là tiền đề cho đổi mới; đổi mới là để đem lại cho Đảng một chất lượng mới, một tầm cao mới, một bước phát triển mới đáp ứng những yêu cầu mới của thời kỳ đổi mới.
Thứ hai, đổi mới, chỉnh đốn Đảng có nguyên tắc
Đổi mới có nguyên tắc là một luận điểm rất quan trọng đã được Đảng ta nêu ra tại Hội nghị Trung ương 6 khóa VI (tháng 3-1989). Đổi mới có nguyên tắc không phải chỉ có ý nghĩa đối với công cuộc đổi mới nói chung, mà trước hết cũng là nguyên tắc định hướng cho công tác đổi mới và chỉnh đốn Đảng. Đổi mới, chỉnh đốn Đảng không phải để Đảng xa rời mục tiêu, lý tưởng của mình là chủ nghĩa xã hội, mà là càng khẳng định mục tiêu, lý tưởng ấy; không phải để Đảng xa rời những nguyên tắc của V.I.Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng, mà là càng kiên định những nguyên tắc ấy; không phải để phủ định sạch trơn quá khứ, mà là kế thừa biện chứng tất cả những thành tựu đã tạo nên truyền thống tốt đẹp của Đảng, để Đảng ta mãi mãi là một đảng cách mạng chân chính - một đội ngũ tiền phong của giai cấp nhân, đồng thời của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam.
Thứ ba, thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn Đảng
Tại Đại hội lần thứ VII, lần đầu tiên Đảng ta chỉ rõ: “Để đảm đương được vai trò lãnh đạo, Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực lãnh đạo”(5). Như vậy, lý luận về xây dựng Đảng của Đảng ta đã được phát triển lên một bước mới: a/ Công tác xây dựng Đảng không phải chỉ có đổi mới Đảng, mà còn phải chỉnh đốn Đảng; b/ Đảng phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn; c/ Tự đổi mới, tự chỉnh đốn là một phần quan trọng, không thể thiếu trong phương thức xây dựng Đảng.
Đảng phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn, vì không ai có thể làm thay cho Đảng, nếu Đảng không thấy trước hết đây là công việc của chính bản thân mình. Sự xác định ấy của Đảng là để chỉ rõ ý thức tự đổi mới, tự chỉnh đốn phải là ý thức thường trực của mỗi cán bộ, đảng viên và của toàn Đảng, trước hết là vấn đề tự ý thức của các cấp lãnh đạo của Đảng. Sự nêu gương trong việc đổi mới, chỉnh đốn của các cấp lãnh đạo có ý nghĩa to lớn đối với việc đổi mới, chỉnh đốn của cán bộ, đảng viên; thực tiễn đổi mới, chỉnh đốn của các cấp bên dưới, của các tổ chức cơ sở đảng lại thúc đẩy việc đổi mới, chỉnh đốn của các cấp bên trên. Hai chiều tác động ấy đã và đang diễn ra trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua.
Đảng tự đổi mới, tự chỉnh đốn không phải chỉ tiến hành một lần, trong một thời gian ngắn là đủ. Ngay khi bước vào thời kỳ đổi mới, Đại hội lần thứ VI của Đảng đã chỉ rõ: “Đổi mới tư duy trong mọi lĩnh vực hoạt động của Đảng và Nhà nước là việc cấp bách, đồng thời là việc thường xuyên lâu dài ''(6). Việc tự đổi mới, tự chỉnh đốn Đảng phải thường xuyên lâu dài là do công cuộc đổi mới đất nước càng được đẩy mạnh, nhiều vấn đề mới được đặt ra, lại càng đòi hỏi Đảng phải chủ động, tích vượt lên phía trước để không rơi vào tình trạng bất cập; hơn nữa, còn phải kịp thời ngăn chặn những suy thoái, biến chất đã và đang xẩy ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Phải thường xuyên, lâu dài còn do việc đổi mới, chỉnh đốn là hết sức khó khăn. Chỉnh đốn đã khó, đổi mới lại càng khó hơn. Có thể dùng vũ khí tự phê bình và phê bình để nhìn ra được những thành tựu và hạn chế, đánh giá đúng những ưu điểm hay khuyết điểm, sai lầm trong công tác lãnh đạo cũng như trong việc tổ chức thực hiện của các tổ chức đảng hay của cán bộ, đảng viên; nhưng khắc phục được những hạn chế, khuyết điểm, sai lầm trong nhận thức và trong hoạt động thực tiễn thường đụng chạm đến cách nghĩ, cách làm cũ đã trở thành thói quen không dễ vượt qua, và đến những động cơ cá nhân không dễ từ bỏ. ''Tính bảo thủ, sức ỳ của những quan niệm cũ là trở ngại không nhỏ, nhất là những quan niệm ấy lại gắn chặt với những người mang nặng chủ nghĩa cá nhân và đầu óc thủ cựu''(7). Còn đổi mới là để tìm ra được những quan điểm mới, và cách làm mới tiến bộ, hợp quy luật, thúc đẩy sự phát triển để thay thế cho những quan điểm, cách làm cũ lạc hậu, lỗi thời, hoặc sai lầm, kìm hãm sự phát triển. Đây là công việc không thể chỉ dùng tự phê bình và phê bình là có thể giải quyết được. Vấn đề chủ yếu được đặt ra ở đây là phải nâng trình độ hiểu biết ngày càng đúng hơn, cao hơn, đầy đủ và sâu sắc hơn về chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, về thực tiễn Việt Nam và thế giới, về những tri thức hiện đại của nhân loại; có nghĩa là nâng cao tầm trí tuệ, tầm tư tưởng của mỗi cán bộ, đảng viên. Hơn nữa, còn phải kiểm nghiệm những quan niệm và cách làm mới trong thực tiễn.
Từ giữa những năm 90 thế kỷ XX, vấn đề “thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn” được xác định “là quy luật tồn tại và phát của Đảng”(8). Đại hội VIII chính thức khẳng định: “Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn… đây là quy luật phát triển của Đảng”(9). Nói đến quy luật là nói đến tính lặp đi lặp lại, tính tất yếu phải diễn ra để bảo đảm sự vận động và phát triển của sự vật. Thực tiễn đổi mới của nước ta đã chứng minh: Đảng ta đã và đang vận động và phát triển theo quy luật thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn và quy luật này cũng quy định sự vận động và phát triển của Đảng ta mãi mãi về sau./.
-----------------------------------------------------
Chú thích:
(1) (2) (6) (7) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ VI, Nxb. Sự thật, HN,1986, tr. 124; tr.107;tr. 121;tr. 121
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, T. 6, Nxb. CTQG, HN, 1995, tr. 480
(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, T. 12, Nxb. CTQG, HN, 1996, tr. 503
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb.CTQG, HN, 1991, tr. 21
(8) Tiểu ban Tổng kết công tác xây dựng Đảng, Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng - thời kỳ 1975 - 1995, Nxb. CTQG, HN, 1996
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ VIII, Nxb.CTQG, HN, 1996, tr. 47.
Đổi mới, kiện toàn chính quyền cấp xã  (06/06/2016)
Đổi mới, kiện toàn chính quyền cấp xã  (06/06/2016)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Pháp và Ấn Độ  (06/06/2016)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ  (06/06/2016)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên