Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 16 đến ngày 22-5-2016)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN, vtv,vov)
20:57, ngày 24-05-2016

TCCSĐT - Ngày 16-5, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển theo chiều sâu dựa trên tri thức đổi mới, sáng tạo, khoa học và công nghệ cao, trong đó doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.

Chính phủ sẽ hỗ trợ hàng nghìn dự án khởi nghiệp

Đây là mục tiêu đặt ra trong Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” vừa được Thủ tướng phê duyệt. Mục tiêu của Đề án là đến năm 2020, Việt Nam sẽ hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp, thiết lập Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong đó 50 doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng.

Đến năm 2025, Chính phủ sẽ hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển 600 doanh nghiệp khởi nghiệp, 100 doanh nghiệp tham gia Đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán, sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.

Đề án cũng nêu rõ 2 nhóm đối tượng được hỗ trợ. Thứ nhất là cá nhân, nhóm cá nhân có dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Những doanh nghiệp khởi nghiệp có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận lần đầu cũng được hỗ trợ.

Thứ hai là tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở vật chất - kỹ thuật, đầu tư, truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các đơn vị này phải đáp ứng các tiêu chí như người đứng đầu có ít nhất một năm kinh nghiệm hoạt động tư vấn đầu tư, tài chính và hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp. Ngoài ra, tổ chức đó có ít nhất một năm hoạt động, cung cấp dịch vụ cho ít nhất 10 nhóm khởi nghiệp, đã đầu tư hoặc gọi vốn đầu tư được ít nhất một tỷ đồng...

Đề án cũng nêu rõ sẽ tiếp tục triển khai Đề án Thương mại hoá công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon tại Việt Nam với quy mô dự án khoa học và công nghệ cấp quốc gia trong thời gian 5 năm đến năm 2020. Ngoài ra, theo đề án, cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách thuế, tài chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp...

Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020

Ngày 16-5, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Nghị quyết nêu rõ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 đã được Quốc hội thông qua, Việt Nam phải đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển theo chiều sâu dựa trên tri thức đổi mới, sáng tạo, khoa học và công nghệ cao, trong đó doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện có hiệu quả những mục tiêu, nguyên tắc, nhiệm vụ và giải pháp đã được đưa ra.

Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ chuyển dịch ngoạn mục

Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu vào Mỹ đã có sự chuyển dịch rõ rệt từ những mặt hàng có giá trị thấp sang nhóm hàng hóa có giá trị cao trong giai đoạn từ 2010 đến nay.

Chỉ 2 năm sau Hiệp định Thương mại song phương giữa hai nước, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam. Năm 2010, dệt may và thủy sản lần lượt là 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta. Trong đó dệt may chiếm đến gần 50% trong tổng cơ cấu hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, 5 năm tiếp theo đã ghi nhận sự chuyển dịch ngoạn mục của nhóm mặt hàng nông sản chế biến, giầy dép, hàng điện tử, đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ. Xuất khẩu thủy sản đông lạnh, đặc biệt là cá tra và tôm liên tục giảm do vướng phải liên tiếp những vụ kiện bán phá giá và các quy định ngặt nghèo về chất lượng từ phía Hoa Kỳ.

Tính đến hết tháng 4-2016, điện thoại và giầy dép là những nhóm hàng mới xuất hiện có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD vào thị trường Hoa Kỳ. Quy mô xuất khẩu tăng nhưng tỷ trọng của ngành dệt may đã giảm dần theo thời gian.

Đặc biệt, không giống như nhiều thị trường khác, nông sản chưa phải là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, mà các mặt hàng có hàm lượng kỹ thuật cao như điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị mới đang chiếm ưu thế tại Hoa Kỳ. Dự báo của Phòng Thương mại Mỹ (Amcham), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam của nhóm hàng này có thể tiếp tục tăng mạnh trong các năm tiếp theo.

Giá vàng kỳ hạn giảm tuần thứ hai liên tiếp do ảnh tưởng từ Fed

Giá vàng kỳ hạn Mỹ nới rộng đà giảm trong tuần thứ hai liên tiếp và đóng cửa phiên cuối tuần (20-5) ở mức thấp nhất kể từ ngày 27-4 trước những dự đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất sớm nhất là vào tháng Sáu tới.

Cụ thể, trên sàn giao dịch kim loại New York (COMEX), giá vàng giao tháng Sáu giảm 1,9 USD, tương đương 0,15%, xuống 1.252,9 USD mỗi ounce. Tính chung cả tuần, giá vàng kỳ hạn này mất khoảng 1,56%, sau khi giảm gần 1,7% trong tuần trước.

Fed đang để ngỏ khả năng tăng lãi suất vào tháng Sáu tới. Biên bản này được công bố sau khi những phát biểu của các quan chức Fed trong những ngày gần đây đã khiến giới đầu tư “ngầm” hiểu rằng kịch bản lãi suất được tăng đang đến gần hơn bao giờ hết.

Giá vàng khá nhạy cảm với biến động của chính sách tiền tệ do lãi suất tăng sẽ khiến kim loại quý không sinh lời này trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt giới đầu tư. Kể từ đầu năm tới nay, giá vàng thế giới đã tăng 18%, khi các nhà giao dịch đặt cược rằng Fed sẽ kéo giãn lộ trình nâng lãi suất.

Bên cạnh đó, đồng bạc xanh hướng đến tuần tăng giá thứ ba liên tiếp so với rổ các đồng tiền chủ chốt và chứng khoán Phố Wall khởi sắc cũng gây thêm áp lực đối với giá vàng trong phiên cuối tuần. Dựa trên số liệu đã điều chỉnh theo mùa, thị trường bất động sản Mỹ đang khởi sắc, củng cố thêm dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ của cường quốc số một thế giới.

Nhà đầu tư đang chờ đợi hàng loạt số liệu kinh tế Mỹ sắp được công bố, trong đó có báo cáo điều chỉnh GDP quý I của Mỹ, để tìm kiếm thêm “manh mối” về lộ trình tăng lãi suất của nước này.

G7 không thu hẹp được bất đồng về thúc đẩy chi tiêu công

Sau hai ngày nhóm họp tại thành phố Sendai, vùng Tohoku ở miền Đông Bắc Nhật Bản, ngày 21-5, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã nhất trí cùng nhau hợp tác trong việc giải quyết các nguy cơ đối với kinh tế toàn cầu, song đạt được ít tiến triển trong việc phối hợp thúc đẩy chi tiêu công.

Tại hội nghị, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng Trung ương các nước G7 cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực giải quyết nạn trốn thuế và ngăn chặn các hoạt động hỗ trợ tài chính cho các tổ chức khủng bố. Đây cũng sẽ là những vấn đề chính trong chương nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G7 dự kiến diễn ra vào tuần tới tại tỉnh Mie, miền Trung Nhật Bản.

Vấn nạn trốn thuế đã thành tâm điểm chú ý sau vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama. "Về thị trường ngoại hối, các nhà lãnh đạo chia sẻ quan điểm rằng sự bất ổn tiền tệ có thể tác động tiêu cực đến các nền kinh tế, đồng thời nhất trí kiềm chế việc định giá thấp đồng tiền để tăng sức cạnh tranh.

Trong phiên họp ngày 20-5, hội nghị cũng nhất trí về sự cần thiết của việc sử dụng các chính sách tài chính, tiền tệ và cải cách cơ cấu để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Trung Quốc, đang bị chững lại.

Tuy nhiên, các bên đã không thu hẹp được bất đồng khi một số nước, trong đó có Đức, vẫn do dự trong việc thúc đẩy chi tiêu công. Thất bại trong việc đạt được một chính sách phối hợp nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ phủ bóng đen lên triển vọng đạt được sự đồng thuận tại Hội nghị thượng định G7 sắp tới./.