TCCS - Động lực lợi ích là một trong những nhân tố thúc đẩy xã hội phát triển; có động lực lợi ích kinh tế - vật chất, có động lực văn hóa - tinh thần... Phát huy động lực lợi ích có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quản lý phát triển xã hội bền vững ở nước ta hiện nay.

Lợi ích là sự thỏa mãn nhu cầu của con người, mà sự thỏa mãn nhu cầu này phải được nhận thức và đặt trong các mối quan hệ xã hội và phù hợp với trình độ phát triển của nền sản xuất của xã hội đó. Thỏa mãn nhu cầu kinh tế - vật chất chính là lợi ích kinh tế - vật chất. Lợi ích kinh tế - vật chất phản ánh mối quan hệ của con người trong các hoạt động kinh tế và các hoạt động khác của xã hội. Lợi ích kinh tế - vật chất thể hiện qua thu nhập, tiền lương, tiền công, phúc lợi… Đó có thể là lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể, lợi ích xã hội được hình thành trong quá trình hoạt động của các chủ thể trong xã hội. Lợi ích kinh tế - vật chất đóng vai trò quyết định thúc đẩy hoạt động của mỗi cá nhân, tổ chức, xã hội xuyên suốt quá trình tồn tại của con người.

Động lực là động cơ thúc đẩy, dẫn dắt một cá nhân hay một tổ chức theo một mục tiêu nào đó, có ý nghĩa kích thích nhu cầu, hướng dẫn hành vi một cách tích cực nhất, nhờ đó mà con người phát huy được năng lực thể chất và năng lượng tinh thần để tạo nên sự gia tăng về năng suất lao động và đổi mới sáng tạo. Động lực hữu hình thường đồng nhất với các cơ chế kích thích, thỏa mãn các lợi ích kinh tế - vật chất của con người; còn động lực vô hình là các cơ chế kích thích giá trị tinh thần. Động lực chỉ phát huy tác dụng khi đối tượng được kích thích và có sự thay đổi đặc biệt, đột xuất về ý thức, trách nhiệm, hành vi đối với công việc thực hiện, như hứng thú với công việc hơn, làm việc năng suất hơn, đam mê với sự nghiệp, dấn thân cho lý tưởng, thường xuyên tìm tòi phương thức cải tiến kỹ thuật... Xét về động lực cho tập thể, một cộng đồng dân tộc, thường được hình thành từ những phong trào thi đua, được kích hoạt bởi một biểu tượng được ảnh hưởng lan truyền từ cá nhân ra tập thể, từ nhóm ra cộng đồng, từ cộng đồng nhỏ ra cộng đồng lớn(1).

Động lực lợi ích là những nhân tố lợi ích (lợi ích kinh tế - vật chất và lợi ích văn hóa - tinh thần) thúc đẩy cá nhân cống hiến, xã hội phát triển; có động lực lợi ích tác động lâu dài, có động lực lợi ích tác động trong thời gian ngắn hạn; có động lực lợi ích chính yếu, có động lực lợi ích thứ yếu; có động lực lợi ích tác động trực tiếp, lại có những động lực lợi ích tác động gián tiếp…

Ở Việt Nam, Đại hội VI của Đảng (năm 1986) đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tư duy lý luận của Đảng về động lực phát triển, trong đó lần đầu tiên Đảng ta nhấn mạnh tới lợi ích kinh tế, lợi ích vật chất của người lao động, coi đó là những động lực phát triển quan trọng tạo ra động lực mới để phát triển đất nước. Sự hài hòa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội là yếu tố quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và công bằng xã hội.  

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) xác định, xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Do nhân dân làm chủ… Con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện… Đến Đại hội XIII, Đảng ta xác định động lực phát triển, gồm: Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung nội dung mới quan trọng, là “dân giám sát, dân thụ hưởng” thành phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Theo đó, người dân là người làm chủ quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời trực tiếp thụ hưởng thành quả của quá trình đó. Nhà nước là công cụ thực thi quyền lực của nhân dân, bảo đảm lợi ích phát triển cho từng người dân. Thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chỉ có ý nghĩa thật sự khi được chuyển hóa vào các khía cạnh phát triển xã hội, phát triển con người và bảo đảm công bằng trong cơ hội phát triển. Điều này cho thấy, Đảng luôn chú trọng đặt quyền lợi của người dân vào trung tâm của mọi quyết sách, đường lối với mục đích cuối cùng là người dân được thụ hưởng thành quả của chính mình. Đây chính là động lực để người dân cống hiến, đóng góp vào sự phát triển xã hội, hiện thực hóa khát vọng đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm mô hình du lịch văn hoá cộng đồng tại xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La_Ảnh: TTXVN

Những năm đầu đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, chủ trương khoán trong các xí nghiệp quốc doanh, giao quyền tự chủ cho hộ gia đình sản xuất nông nghiệp,… đã tạo ra những động lực mạnh mẽ. Bên cạnh đó, các chủ trương phát huy tinh thần dân tộc, nhu cầu tự khẳng định mình, phát huy khát vọng cống hiến đem lại hạnh phúc cho nhân dân - được đo lường qua các chỉ báo như mức độ hài lòng về kinh tế - vật chất; môi trường tự nhiên - xã hội; mức độ hài lòng về quan hệ gia đình - xã hội; về đời sống cá nhân - cộng đồng,… chính là những động lực tinh thần, tạo nên sức mạnh to lớn giúp chúng ta chuyển hóa thành sức mạnh vật chất để thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Tuy nhiên, động lực văn hóa - tinh thần nếu không đi kèm với động lực lợi ích kinh tế - vật chất dễ dẫn tới duy ý chí, khó duy trì lâu bền các tính năng của động lực, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường. Vì vậy, trong quản lý phát triển xã hội cần phối hợp linh hoạt giữa phát huy các động lực lợi ích kinh tế - vật chất mà bản chất là kích thích lợi ích vật chất, với phát huy động lực văn hóa - tinh thần mà bản chất là định hướng giá trị sống, lao động, cống hiến - là yêu cầu đặt ra khi xây dựng hệ động lực cho phát triển và quản lý phát triển xã hội.

Trong thời kỳ đổi mới, từ năm 1986 đến nay, Đảng ta đã có những đổi mới mạnh mẽ trong nhận diện, tạo lập và phát huy các động lực cho công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Về động lực lợi ích kinh tế - vật chất, người dân được tự do, tự chủ sản xuất, kinh doanh theo pháp luật. Nhà nước khuyến khích làm giàu hợp pháp và tích cực xóa đói, giảm nghèo bền vững. Mọi thành phần kinh tế, các chủ thể tham gia thị trường đều được coi trọng, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và văn minh, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế quốc dân… Đây là phương thức, động lực và là con đường tất yếu để phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ các lực lượng sản xuất công nghiệp hiện đại, xã hội hóa cao và từng bước thiết lập các quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đem lại những thay đổi rất to lớn cho Việt Nam. Mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm. Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt 9,513 triệu tỷ đồng, tương đương 409 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD(2). Cơ cấu tổng sản phẩm quốc nội xét trên phương diện quan hệ sở hữu, gồm khoảng 27% từ kinh tế nhà nước, 4% từ kinh tế tập thể, 30% từ kinh tế hộ, 10% từ kinh tế tư nhân trong nước và 20% từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài(3).

Về động lực văn hóa - tinh thần, Đảng và Nhà nước ta thực hiện chính sách xã hội đúng đắn vì hạnh phúc con người. Đây là động lực to lớn phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Theo đó, người dân được bảo đảm quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận; phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc Việt Nam; kết hợp đồng bộ, hài hòa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách; bảo đảm tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người… An sinh xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là trong giáo dục, y tế, hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều dịch bệnh vốn phổ biến trước đây đã được khống chế thành công. Người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm gần ba lần...

Quyền công dân, quyền con người được đề cao, tôn trọng và bảo vệ bằng pháp luật, tích cực thực hiện các công ước quốc tế liên quan quyền con người mà Việt Nam đã ký kết và tham gia; coi trọng dân chủ ở cơ sở, coi trọng phản biện xã hội, đề cao thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; đổi mới, dân chủ hóa tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị. Bằng hệ thống chính sách, pháp luật ngày càng đầy đủ, đồng bộ, việc phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của dân chủ xã hội chủ nghĩa đã góp phần quan trọng để toàn Đảng, toàn dân ta thu được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. 

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc phát huy vai trò động lực vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Các nguồn lực, tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chưa được phát huy tốt. Việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có mặt chưa theo kịp yêu cầu của tình hình mới, chưa thật sâu sát các tầng lớp nhân dân và cơ sở; chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội chưa đều. Một số tổ chức cơ sở đảng, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa gương mẫu, chưa thực sự tôn trọng ý kiến, kiến nghị của nhân dân và giải quyết kịp thời các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Quyền làm chủ của nhân dân có lúc, có nơi còn bị vi phạm; vẫn còn biểu hiện dân chủ hình thức, tách rời dân chủ với kỷ cương, pháp luật”(4). Tham nhũng, tiêu cực vẫn diễn biến phức tạp. Gần đây, tình trạng sợ trách nhiệm, không dám làm trong một bộ phận cán bộ là rất đáng lo ngại…

Quản lý phát triển xã hội là sự tác động, tổ chức, điều chỉnh bằng quyền lực nhà nước đối với quá trình phát triển xã hội bảo đảm thực hiện được các mục tiêu và yêu cầu phát triển xã hội bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong từng giai đoạn phát triển của đất nước. Ở Việt Nam, quản lý phát triển xã hội trở thành một chủ đề được đặc biệt quan tâm trong Đại hội Đảng XII và XIII của Đảng. Tại Đại hội XII của Đảng (năm 2016), lần đầu tiên khái niệm quản lý phát triển xã hội được đưa vào Văn kiện: “Quản lý phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội(5); “Nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của phát triển xã hội bền vững và quản lý phát triển xã hội đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”(6). Quản lý phát triển xã hội là những hoạt động bảo đảm cho xã hội phát triển theo đúng quy luật, bảo đảm công bằng, tiến bộ và bình đẳng xã hội. Theo đó, quản lý phát triển xã hội cần bảo đảm nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; mọi chủ trương, chính sách đều vì lợi ích của nhân dân; mọi cá nhân, mọi giai cấp, mọi tầng lớp đều có cơ hội bình đẳng về mặt thụ hưởng thành quả của sự phát triển. Đến Đại hội XIII, Đảng ta khẳng định quan điểm phát triển xã hội bền vững, hướng đến tiến bộ và công bằng xã hội, “ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng”(7); chú trọng xây dựng thể chế, pháp luật và khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, đồng thời, “phát triển đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường, các loại thị trường”(8); thúc đẩy phát triển các mô hình kinh doanh mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các loại hình doanh nghiệp,... góp phần bảo đảm tiến bộ, công bằng trong tiếp cận các nguồn lực để phát triển kinh tế; từ đó, tạo cơ sở, điều kiện để thực hiện tiến bộ, công bằng về khía cạnh xã hội ở từng giai đoạn cụ thể(9).  

Để quản lý phát triển xã hội, Đảng và Nhà nước ta chú trọng, quan tâm đến vấn đề động lực - nhân tố thúc đẩy sự vận động, phát triển xã hội, làm cho động lực thực sự trở thành sức mạnh thúc đẩy công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là những động lực bên trong. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định những động lực chính để xây dựng chủ nghĩa xã hội là: Đoàn kết, đồng thuận, lợi ích, công bằng, dân chủ, khoa học, kỹ thuật... Những động lực này được biểu hiện trên cả phương diện vật chất và tinh thần; nội lực và ngoại lực. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nền văn hóa, con người Việt Nam; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”(10).

Thực hiện nghiên cứu, lai tạo giống cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam _Ảnh: TTXVN

Để phát huy động lực lợi ích trong quản lý phát triển xã hội ở nước ta hiện nay, trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đối với động lực lợi ích kinh tế - vật chất, phân phối lợi nhuận và thu nhập nhằm bảo đảm kết hợp lợi ích hài hòa của người lao động và doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy đầu tư, kích thích tiêu dùng, bảo đảm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; cải cách tiền lương; tạo cơ hội cho nhân dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là về y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin. Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hội nhập quốc tế gắn với việc làm bền vững; nâng cao chất lượng quản lý phát triển xã hội gắn với bảo đảm quyền con người, quyền công dân.  

Thứ hai, động lực văn hóa - tinh thần được khơi dậy, phát huy thông qua cơ chế động viên, khen ngợi, cổ vũ, định hướng giá trị, kích thích năng lượng tinh thần tích cực, phát động phong trào,... hoặc bằng cơ chế động viên, khen thưởng, cơ chế thúc đẩy chuyển hóa thành giá trị vật chất(11). Mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, xây dựng “các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam”(12).

Trải qua 94 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn dựa vào dân, phát huy vai trò và quyền làm chủ của nhân dân, coi đó là mục tiêu và động lực của cách mạng. Theo đó, trong quản lý phát triển xã hội, phát huy động lực dân chủ cần coi trọng quyền con người, thực hiện dân chủ cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, bảo đảm quyền tự do ngôn luận để khích lệ cá nhân, các tổ chức tham gia thảo luận về các vấn đề quan trọng của quốc gia, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và phát triển nền kinh tế thị trường bảo đảm đúng định hướng xã hội chủ nghĩa…/.

-------------------

(1) Xem: Đoàn Minh Huấn: “Nguồn lực và động lực cho thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn - Nhìn từ thực tiễn tỉnh Quảng Ninh”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 18-11-2022, https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/nguon-luc-va-dong-luc-cho-thuc-day-phuc-hoi-va-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-trong-dieu-kien-thich-ung-an-toan-nhin-tu-thuc-tien-tinh-quang-ninh
(2) Tổng cục Thống kê: “Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022”, Trang thông tin điện tử Tổng cục Thống kê, https://www.gso.gov.vn/bai-top/2022/12/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-iv-va-nam-2022/

(3)
Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 31

(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 88 - 89
(5), (6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 30

(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 203
(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 132
(9) Xem: Đoàn Trường Thụ: Thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội góp phần hiện thực hóa bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 15-6-2023, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/chinh-tri-xay-dung-dang/-/2018/827488/thuc-hien-tien-bo%2C-cong-bang-xa-hoi-gop-phan-hien-thuc-hoa-ban-chat-tot-dep-cua-che-do-xa-hoi-chu-nghia-o-viet-nam.aspx#
(10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 34
(11) Xem: Đoàn Minh Huấn: “Nguồn lực và động lực cho thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn - Nhìn từ thực tiễn tỉnh Quảng Ninh”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 18-11-2022, https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/nguon-luc-va-dong-luc-cho-thuc-day-phuc-hoi-va-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-trong-dieu-kien-thich-ung-an-toan-nhin-tu-thuc-tien-tinh-quang-ninh
(12) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 46 - 47