Hà Nội triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ an sinh đến với các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19
TCCS - Tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội và tình hình sản xuất - kinh doanh của nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trước thực trạng đó, thành phố đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân, người lao động, hộ kinh doanh và các thành phần kinh tế khác đứng vững, ổn định cuộc sống, giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực.
Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt và sự vào cuộc chỉ đạo sát sao, đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ cấp thành phố đến cơ sở, với quyết tâm giúp người dân sớm được thụ hưởng chính sách, chia sẻ khó khăn, ổn định cuộc sống, các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội có liên quan và các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có nhiều kết quả nổi bật trong công tác hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Tính đến nay, thành phố đã huy động xã hội hóa để hỗ trợ tiền mặt và cho vay cho trên 5,186 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí 6.239 tỷ đồng.
Thứ nhất, nắm bắt và triển khai kịp thời chỉ đạo của Trung ương.
Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, ngày 1-7-2021, của Chính phủ, về “Một số chính sách hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19”; Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, ngày 7-7-2021, của Thủ tướng Chính phủ, “Quy định việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19” . Tính đến nay, các sở, ban, ngành có liên quan và các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đã hỗ trợ cho trên 2 triệu người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 với kinh phí 1.536,9 tỷ đồng (trong đó, đã thực hiện hỗ trợ cho trên 1,96 triệu người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh với kinh phí 1.466,4 tỷ đồng). Thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP, ngày 24-9-2021, của Chính phủ, về “Chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp”, tính đến nay, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã chi trả cho 1.641 triệu người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và người lao động tạm dừng bảo hiểm thất nghiệp, với tổng số tiền 3.991 tỷ đồng.
Thứ hai, hệ thống chính quyền cơ sở bám sát chủ trương của Thành phố.
Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp và khó lường, nhằm bảo đảm an sinh xã hội đối với người dân trên địa bàn, đặc biệt là người có công với cách mạng, gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh khó khăn, người lao động mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thống nhất đề xuất thành phố Hà Nội xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ người dân, ổn định cuộc sống trong giai đoạn khó khăn. Theo đó, Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 15/NQ-HĐND, ngày 13-8-2021, về “Quy định một số chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch COVID-19” với 8 nhóm đối tượng (hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo, chuẩn cận nghèo của thành phố Hà Nội; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng và đối tượng bảo trợ xã hội đã được tiếp nhận vào các Trung tâm Bảo trợ xã hội trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhưng đang sống tại gia đình, chưa quay trở lại Trung tâm do ảnh hưởng của dịch COVID-19; người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, thương binh hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; người lao động làm việc tại hộ kinh doanh phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; người lao động làm việc tại hộ kinh doanh chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp có ký hợp đồng lao động nhưng phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và không thuộc đối tượng được quy định tại chương IV Quyết định số 23/QĐ-TTg; người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động và không thuộc đối tượng được quy định tại Chương VI Quyết định số 23/QĐ-TTg; nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục).
Thực hiện chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội, các địa phương đã phê duyệt và thực hiện hỗ trợ đối với 8/8 nhóm đối tượng; các địa phương đã rà soát và ra quyết định hỗ trợ cho 292.637 người, hộ kinh doanh với kinh phí phê duyệt là 305,2 tỷ đồng (đã tổ chức chi trả cho 292.002 đối tượng với kinh phí 304,4 tỷ đồng).
Thứ ba, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thành phố tích cực hỗ trợ người dân trong thời gian dịch bệnh COVID-19.
Với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, từ khi thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND, ngày 23-7-2021, của Ủy ban nhân dân thành phố, về “Thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố để phòng chống dịch COVID-19”, đến nay, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố, như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Bộ Tư lệnh Thủ đô, các cấp Công đoàn thành phố, Thành đoàn Hà Nội, Hội Chữ thập đỏ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ,… đã huy động nhiều nguồn lực xã hội và quà của các nhà hảo tâm để cùng chung sức hỗ trợ cho gần 1,1 triệu lượt người, hộ gia đình khó khăn trên địa bàn ổn định cuộc sống với số tiền 322,8 tỷ đồng.
Thứ tư, hiệu quả thực hiện một số chính sách khác trên địa bàn thành phố.
Trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, liên ngành lao động - thương binh và xã hội, tài chính, kế hoạch và đầu tư, Ngân hàng nhà nước chi nhánh Hà Nội, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, chuyển nguồn vốn ngân sách thành phố năm 2021 ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố số tiền 500 tỷ đồng giúp người lao động trên địa bàn thành phố vay vốn phục hồi sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ tạo việc làm, khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Tính đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố đã thực hiện cho 10.388 lao động vay vốn với số tiền 500 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch giải ngân cho người lao động trên địa bàn thành phố vay phục hồi sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ tạo việc làm, khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Nhìn chung, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến chính quyền cơ sở, việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Để công tác hỗ trợ tiếp tục được triển khai có hiệu quả, trong thời gian tới, các cấp ủy và chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ, thành phố và ngành y tế. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền nâng cao ý thức trong toàn ngành về phòng, chống dịch; bảo vệ thành quả chống dịch, tuyệt đối không chủ quan, lơi lỏng công tác phòng dịch; cố gắng không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan tại cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các đối tượng phục vụ. Tiếp tục chủ động phối hợp các sở, ngành, địa phương thực hiện gói hỗ trợ của Chính phủ đến đúng đối tượng, hiệu quả, minh bạch; chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, ổn định an sinh xã hội./.
Thành phố Hà Nội thực hiện nghiêm Công điện 15 và sự chủ động ngay từ cơ sở cùng với sự đồng hành của người dân là quan trọng nhất để “khóa chặt” COVID-19  (20/07/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Tập trung lực lượng kiểm soát dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương phía Nam  (20/07/2021)
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Cấp ủy Đảng phải coi phòng, chống dịch là nhiệm vụ chính trị ưu tiên số 1  (17/07/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính họp trực tuyến với các tỉnh, thành phía Nam về công tác phòng, chống dịch COVID-19  (16/07/2021)
“Ba tại chỗ” trên các công trình dầu khí  (15/07/2021)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay