Vận dụng bài học kinh nghiệm của chiến thắng Điện Biên Phủ trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới

PGS, TS NGUYỄN XUÂN TÚ - TS VÕ THỊ DƯƠNG
Đại tá, Nhà giáo ưu tú, Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục lý luận chính trị quân sự, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp, Bộ Công Thương
05:14, ngày 07-05-2024

TCCS - Xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh là chủ trương lớn, đúng đắn, thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Trong quá trình thực hiện chủ trương này, cần tiếp tục kế thừa, vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm quý báu từ chiến thắng Điện Biên Phủ. Qua đó, bảo đảm đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu đến năm 2030 xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Chiều ngày 7-5-1954, lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” do Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm Sở Chỉ huy quân Pháp tại Mường Thanh, báo hiệu Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định, đập tan ý chí xâm lược, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (ngày 21-7-1954) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, trong đó cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương. Đây là chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử; là chiến thắng của đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, biết đánh và đánh thắng, phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Chiến thắng vĩ đại đó “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ 20, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”(1).

Tái hiện hình ảnh bộ đội kéo pháo vào mặt trận Điện Biên Phủ (một phần trong bức tranh panorama tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ)_Nguồn: tuyengiao.vn

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào của quân và dân Việt Nam. Đặc biệt, chiến thắng để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu mà đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, trong xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới hiện nay nói riêng.

Một là, bài học về đường lối chính trị và đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, sáng tạo của Đảng.

Đây là bài học quan trọng nhất, cũng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ - đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, “trận công kiên lớn nhất từ trước tới nay”(2). Đường lối chính trị và đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, sáng tạo của Đảng được thể hiện tập trung nhất là ở đường lối vừa kháng chiến vừa kiến quốc; kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính để giành độc lập, tự do thực sự cho dân tộc. Nhờ có đường lối chính trị và đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, phù hợp với điều kiện cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã tiến hành cuộc kháng chiến bằng sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại, với tinh thần: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”(3). Chúng ta đã phát động được cuộc chiến tranh nhân dân phát triển rộng khắp trên cả nước, với lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt, giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi quyết định bằng trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch lịch sử này, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với chủ trương chiến lược, phương châm tác chiến đúng đắn, sáng tạo, cùng với tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sức mạnh của cả dân tộc đã được phát huy cao độ, là cơ sở vững chắc, yếu tố quyết định làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Ngày nay, vận dụng bài học kinh nghiệm này, trên cơ sở tiếp tục giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội, Đảng đã đề ra chủ trương đúng đắn về xây dựng quân đội nói chung, xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh nói riêng. Tại Đại hội XIII, Đảng xác định: “Xây dựng Quân đội nhân dân… cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội… tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân… cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”(4).

Trọng tâm của xây dựng quân đội từ năm 2021 đến năm 2025 là điều chỉnh cơ cấu tổ chức, xây dựng lực lượng cơ bản tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại vào năm 2030. Theo đó, quá trình xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh phải đồng thời thực hiện ba nội dung khác nhau nhưng gắn kết chặt chẽ và không được xem nhẹ bất cứ nội dung nào. Đó là: Về quân đội “tinh”: nghĩa là tinh nhuệ, là chất lượng con người “tinh binh, tinh cán” và vũ khí, trang bị; trước hết là phải tinh nhuệ về chính trị và có trình độ tác chiến cao. Về quân đội “gọn”: nghĩa là các đầu mối tổ chức cơ quan, đơn vị được xây dựng cân đối, đồng bộ, hợp lý, khoa học giữa các thành phần, lực lượng, không cồng kềnh, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Về quân đội “mạnh”: nghĩa là sức mạnh, trước hết là sức mạnh chiến đấu, sức mạnh chính trị, được hội tụ bởi nhiều yếu tố, dựa trên sự kết hợp giữa yếu tố tổ chức, con người với vũ khí, trang bị và nghệ thuật quân sự Việt Nam, tạo thành sức mạnh tổng hợp vượt trội để đánh thắng mọi kẻ thù trong các hình thái chiến tranh. Nhằm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, Đại hội XIII của Đảng còn xác định chủ trương: “Xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng… hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội”(5).

Hai là, bài học về sự chỉ đạo chiến lược nhạy bén, sắc sảo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nắm vững quy luật của chiến tranh xâm lược, những mâu thuẫn và nhược điểm của thực dân Pháp ở thời điểm cuối năm 1953, đầu năm 1954, đặc biệt là dựa trên sự phân tích, đánh giá chính xác, khoa học hình thái chiến trường, nhất là âm mưu, thủ đoạn của địch ở Điện Biên Phủ, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định phá kế hoạch Nava - điểm mấu chốt trong chiến lược của thực dân Pháp. Trên cơ sở đó, Trung ương Đảng đề ra chủ trương chiến lược: Phát động chiến tranh du kích trên khắp các địa bàn, tập trung lực lượng mở các cuộc tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà địch sơ hở và lực lượng tương đối yếu, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực của chúng; đồng thời, buộc quân Pháp phải phân tán lực lượng để đối phó với ta trên những địa bàn xung yếu mà chúng không thể bỏ được. Quán triệt phương châm chiến lược “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo tổ chức bộ đội chủ lực tiến công trên các hướng chiến lược nơi địch sơ hở, làm cho chúng phải thay đổi kế hoạch, từ chỗ tập trung lực lượng cơ động chiến lược lớn ở đồng bằng Bắc Bộ, sang phân tán để tăng viện cho các hướng bị ta tiến công. Qua đó, chúng phải điều động binh lực theo ý định của ta, tạo thuận lợi cho việc tổ chức trận quyết chiến chiến lược trên chiến trường do ta lựa chọn là Điện Biên Phủ.

Đặc biệt, sự chỉ đạo chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thể hiện nét đặc sắc ở chỗ, kịp thời chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đồng thời, chỉ đạo các chiến trường phối hợp hoạt động liên tục để tiêu diệt sinh lực và giam giữ lực lượng địch, không để chúng dễ dàng tăng viện cho chiến trường chính Điện Biên Phủ.

Bài học kinh nghiệm về sự chỉ đạo chiến lược nhạy bén, sắc sảo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị trong việc vận dụng vào xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh đáp ứng yêu cầu mới hiện nay. Theo đó, để cụ thể hóa và chỉ đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về quốc phòng, ngày 17-1-2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TW, “Về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo”. Tiếp đó, ngày 26-1-2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW, “Về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo”. Ngày 2-4-2022, Quân ủy Trung ương ban hành Nghị quyết số 230-NQ/QUTW, “Về lãnh đạo thực hiện tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo”. Đây là những chủ trương, định hướng đúng đắn của Đảng về xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, trong đó chỉ rõ mục tiêu, thời gian cụ thể cơ bản hoàn thành mục tiêu là năm 2025, nhằm tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Trên cơ sở quán triệt, thực hiện quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng về xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, từng cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ Quân đội đã chủ động triển khai những giải pháp thiết thực, khả thi, tiến hành chặt chẽ, khoa học, theo lộ trình, bước đi cụ thể, điều chỉnh tăng, giảm tổ chức, quân số của từng khối phù hợp với đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, khả năng bảo đảm vũ khí, trang bị, giữ vững và phát huy truyền thống quân đội, nghệ thuật quân sự Việt Nam. Xây dựng, điều chỉnh tổ chức quân đội theo hướng tinh, gọn, mạnh, có cơ cấu đồng bộ, hợp lý giữa các thành phần, lực lượng; giảm đầu mối trung gian và đơn vị phục vụ, bảo đảm. Đồng thời, chỉ đạo tiếp tục tổ chức một số đơn vị dự bị chiến lược theo Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Chỉ đạo xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, bảo đảm quân đội thực sự là lực lượng nòng cốt cùng toàn dân hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.

Ba là, bài học về phát huy sức mạnh nội lực, tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ.

Dù là một đội quân non trẻ, vũ khí thô sơ, nhưng quân đội ta đã đánh bại quân Pháp - đội quân nhà nghề với xe tăng, đại bác, máy bay, tàu chiến hiện đại. Sở dĩ chúng ta làm được điều này là vì, ngay từ đầu cuộc kháng chiến, quân đội ta đã cùng cả dân tộc thực hiện đường lối kháng chiến đúng đắn: toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính. Chiến dịch Điện Biên Phủ là trận công kiên lớn nhất, diễn ra ở xa hậu phương, có quy mô lớn, trong điều kiện địa hình, thời tiết khó khăn, phức tạp. Đặc biệt, việc thực hiện chiến dịch theo phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc” đòi hỏi phải chiến đấu kéo dài trong nhiều ngày, đêm, yêu cầu huy động và vận chuyển khối lượng vật chất, hậu cần kỹ thuật vô cùng lớn trong điều kiện mạng lưới giao thông, đường sá hầu như chưa có và địch đánh phá rất ác liệt. Tất cả những vấn đề này đòi hỏi phải có sự phát huy cao độ sức mạnh nội lực, tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, quyết tâm cao nhất của cả dân tộc, ở cả tiền tuyến và hậu phương, trước hết là quân đội để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, quyết giành chiến thắng.

Trong tình hình hiện nay, việc điều chỉnh tổ chức quân đội tinh, gọn, mạnh là vấn đề thuộc về khoa học tổ chức lực lượng quân sự có tính đặc thù cao, liên quan đến nhiều yếu tố, với không ít khó khăn, phức tạp. Vì vậy, việc vận dụng bài học kinh nghiệm từ chiến thắng Điện Biên Phủ vào quá trình xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh phải đề cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, triệt để tuân thủ tính khoa học; nghiên cứu kỹ, sâu tình hình, thực trạng, những vấn đề có liên quan, phát huy sức mạnh nội lực và ý chí quyết tâm cao độ, tránh những sai lầm, thiếu sót làm ảnh hưởng xấu đến kết quả.

Xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh được Đảng xác định là vấn đề rất lớn, rất hệ trọng, liên quan đến công tác tư tưởng, công tác chính sách. Do đó, Đảng ta, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã chỉ rõ: Quá trình thực hiện phải chặt chẽ, kiên quyết, kiên trì, có lộ trình, bước đi thích hợp, không chủ quan, nóng vội; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng với công tác chính sách. Kịp thời phát hiện, giải quyết các vấn đề phát sinh, không làm ảnh hưởng đến các mặt công tác khác. Quản lý tốt cơ sở vật chất, tài sản, vật tư, trang, thiết bị; chống thất thoát, lãng phí, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Triển khai xây dựng đồng bộ các quy định về chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm mọi mặt hoạt động của các đơn vị được điều chỉnh nhịp nhàng, hiệu quả. Sau điều chỉnh, sáp nhập, toàn quân phải giữ vững được sự ổn định; sức mạnh chiến đấu phải mạnh lên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu. nhiệm vụ(6).

Khối chiến sĩ đặc công trong lễ diễu binh, diễu hành tại Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ_Nguồn: vnexpress.net

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, phát huy sức mạnh nội lực, tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, quân đội tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo. Về tổ chức, tiến hành điều chỉnh tổ chức từ cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng đến các cơ quan, đơn vị cấp chiến dịch, chiến thuật. Điều chỉnh thế bố trí lực lượng để đáp ứng nhiệm vụ trên cả 5 môi trường tác chiến (trên không, trên bộ, trên biển, không gian mạng, không gian vũ trụ). Trong đó, chú trọng việc giải thể, sáp nhập, điều chuyển một số cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng; điều chỉnh và tổ chức lại các đơn vị thuộc khối quân khu, quân chủng, quân đoàn, binh chủng, khối học viện, nhà trường, khối viện, trung tâm nghiên cứu, khối kho hậu cần - kỹ thuật, khối doanh nghiệp quốc phòng... Về quân số, trên cơ sở thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, quy định của Luật Quốc phòng về tổng quân số, tiến hành điều chỉnh cơ cấu quân số theo hướng nâng tỷ lệ thành phần hưởng lương để đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng và làm chủ vũ khí, trang bị mới, hiện đại,...

Tập trung rà soát, điều chỉnh tổ chức, biên chế theo hướng giảm đầu mối trung gian và quân số phục vụ, bảo đảm; bổ sung chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, khắc phục sự chồng chéo để tăng cường quân số cho các đơn vị thành lập mới, đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện trên các địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo. Đối với khối đơn vị chiến đấu, cần điều chỉnh tổ chức theo hướng tăng cường sức mạnh chiến đấu, khả năng cơ động. Sắp xếp lại các nhà máy sản xuất, cơ sở sản xuất quốc phòng và điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, biên chế các nhà trường quân đội phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ. Quá trình rà soát, điều chỉnh bảo đảm tính toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, theo hướng có giảm, có tăng, trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ của từng loại hình cơ quan, đơn vị và lực lượng. Qua đó, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về tổ chức, biên chế, trang bị của quân đội, với cơ cấu hợp lý, số lượng phù hợp, chất lượng ngày càng cao, tinh, gọn, mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Bốn là, bài học về phát huy cao độ ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn quân và toàn dân.

Với Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế”(7). Vì thế, nhiệm vụ trọng đại mà Đảng và Chính phủ đề ra cho toàn quân, toàn dân là: nêu cao quyết tâm, phát huy tinh thần chiến đấu anh dũng, chịu đựng gian khổ, giành toàn thắng cho chiến dịch. Thực tế diễn biến chiến dịch cho thấy, quân và dân ta đã thực hiện nhiệm vụ trọng đại đó với một quyết tâm rất cao, sự bền bỉ vượt qua khó khăn, gian khổ rất lớn và tinh thần chiến đấu rất dũng cảm, ngoan cường để giành chiến thắng. Ý chí quyết chiến, quyết thắng cao độ của bộ đội được thể hiện rõ trong việc hoàn thành một khối lượng lớn công việc ở giai đoạn chuẩn bị chiến dịch và tiếp đó là trong quá trình tiến hành chiến dịch. Đặc biệt, khi ta thay đổi phương châm tác chiến, từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, có một loạt vấn đề đặt ra về mặt tư tưởng phải giải quyết. Trong 56 ngày đêm chiến đấu liên tục, bộ đội ta thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng với sức mạnh phi thường - người trước ngã, người sau xông lên. Trong quá trình chiến đấu và phục vụ chiến dịch đã xuất hiện nhiều tấm gương anh hùng liệt sĩ, như Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn,… và hàng nghìn, hàng vạn chiến sĩ, đồng bào kiên cường, dũng cảm, không sợ gian khổ, hy sinh, với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta còn được thể hiện sinh động ở sự chi viện đắc lực của hậu phương qua những đoàn dân công hỏa tuyến nườm nượp vận tải lương thực, thực phẩm ra mặt trận, với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, huy động cao nhất nhân lực, vật lực, tài lực chi viện cho chiến dịch. Với lực lượng kháng chiến lớn mạnh về mọi mặt và ý chí quyết chiến, quyết thắng, ta đã huy động 5 đại đoàn chủ lực và nhiều đơn vị phục vụ chiến đấu, với gần 61.000 cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch. Các hội đồng chi viện tiền tuyến được thành lập khắp nơi. Đồng bào các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu III, Liên khu IV đã đóng góp 25.056 tấn lương thực, 907 tấn thịt, hàng nghìn tấn thực phẩm khác, với 14 triệu ngày công; riêng đồng bào các dân tộc Tây Bắc tiếp tế cho bộ đội 7.310 tấn gạo, 389 tấn thịt, 700 - 800 tấn rau xanh, với 1.296.078 ngày công cho chiến dịch(8). Cùng với mặt trận Điện Biên Phủ, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta còn được thể hiện rõ ở các mặt trận phối hợp và ở các địa phương để góp thêm sức mạnh chiến đấu, cùng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

Vận dụng bài học về phát huy cao độ ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn quân và toàn dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vào sự nghiệp xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh hiện nay, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị - tư tưởng, tăng cường xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị. Trong đó, tập trung giáo dục cho bộ đội về lý tưởng cách mạng, mục tiêu chiến đấu, kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có bản lĩnh chính trị cao, luôn quán triệt và chấp hành nghiêm túc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự biễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” quân đội, đòi hỏi quân đội càng phải coi trọng công tác xây dựng Đảng; giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, bảo đảm để quân đội thực sự là lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhân dân và là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, cần tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII, Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh””; đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Qua đó, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và giữ gìn đạo đức, lối sống. Đồng thời, phải giữ vững và phát huy phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới; tăng cường đoàn kết quân - dân, tích cực xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, tạo niềm tin yêu, quý mến của nhân dân đối với quân đội./.

--------------

(1) Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, tr. 55 - 56
(2) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t. 14, tr. 594
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 534
(4), (5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 157 - 158, 158 - 159
(6) “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị Quân chính toàn quân năm 2022: Đảng bộ Quân đội phải làm gương, làm mẫu về mọi mặt trong toàn Đảng”, Báo Nhân dân, số 24522, ngày 21-12-2022, tr. 2
(7) Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh - Trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 202
(8) Xem: Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh - Trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học, Sđd, tr. 202