Ngành du lịch Hà Nội góp phần khẳng định thương hiệu, hình ảnh quốc gia “an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn”
TCCS - Quán triệt Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5-5-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó xác định mục tiêu phát triển Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước, ngành du lịch của Thủ đô Hà Nội không ngừng khắc phục khó khăn do đại dịch COVID-19, đóng góp tích cực vào việc khẳng định hình ảnh Việt Nam thông qua thu hút sự quan tâm của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Trong bối cảnh triển khai Nghị quyết lần thứ XVII của Đại hội Đảng bộ thành phố cùng với việc diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của Thủ đô và đất nước; những năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và các kế hoạch 5 năm 2021 - 2025; trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; đồng thời, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tác động tiêu cực tới mọi mặt đời sống, với tinh thần chỉ đạo sâu sát của Thành ủy Hà Nội, sự vào cuộc quyết liệt thực hiện các giải pháp đồng bộ, năm 2022, các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục có sự phục hồi nhanh. Tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn Hà Nội đã tăng 8,89% so với năm 2021 (vượt kế hoạch đề ra là từ 7% đến 7,5%), cụ thể, khu vực dịch vụ năm 2022 đã tăng 10,06% so với năm 2021, đóng góp 6,44 điểm % vào mức tăng GRDP. Một số ngành dịch vụ tăng cao so với năm 2021, đóng góp đáng kể vào mức tăng chung như: Vận tải kho bãi tăng 15,36%, hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (bao gồm du lịch, lữ hành) tăng 40,51%, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,19%, bán buôn, bán lẻ tăng 8,58%... Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,8% so với năm 2021; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố Hà Nội đạt 17,1 tỷ USD, tăng 10,3% so với năm 2021 (năm 2021 tăng 2,2%); tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội thực hiện đạt 333 nghìn tỷ đồng, đạt 106,8% dự toán pháp lệnh năm và tăng 2,7% so với năm 2021(1).
Đáng chú ý, góp phần vào những kết quả đã đạt được, ngành du lịch thành phố Hà Nội đã nỗ lực triển khai hiệu quả, đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để lĩnh vực du lịch ngày càng có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong thời gian qua. Nếu như năm 2021, du lịch Hà Nội không đón khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch nội địa đạt 11,28 nghìn tỷ đồng (bằng 40% tổng thu năm 2020) thì đến năm 2022, với việc mở cửa trở lại, đặc biệt là thị trường khách du lịch quốc tế từ tháng 3-2022, tổng thu từ khách du lịch có sự tăng trưởng, đạt trên 61.000 tỷ đồng, tăng gấp 5,4 lần so với năm 2021(2). Không chỉ vậy, theo Sở Du lịch Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến nay, hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố đang có những tín hiệu tích cực, số lượng khách du lịch đến Hà Nội ngày càng khởi sắc. Hai tháng đầu năm 2023, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 3,73 triệu lượt khách, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 535 nghìn lượt khách; khách du lịch nội địa ước đạt 3,2 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt gần 13,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2022(3). Dự kiến, 6 tháng đầu năm 2023, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 44,88 nghìn tỷ đồng, tăng 74,3% so với cùng kỳ năm 2022(4).
Trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, ngành du lịch Hà Nội vẫn đạt được những kết quả khả quan do phát huy được thế mạnh, lợi thế sẵn có cùng với sự sáng tạo hiệu quả. Trên thực tế, Hà Nội có lợi thế lớn trong việc phát triển du lịch với hệ thống 5.922 di tích và 1.793 di sản văn hóa phi vật thể (5). Đặc biệt, du khách đến tham quan Hà Nội bởi nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử có kiến trúc độc đáo, mang đậm dấu ấn văn hóa Thăng Long với bề dày lịch sử hàng nghìn năm như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Phố cổ Hà Nội, chùa Một Cột, hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn, chùa Trấn Quốc… Bên cạnh đó, Hà Nội còn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách với nhiều sản phẩm du lịch làng nghề như làng nghề gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, Lễ hội Gióng đền Sóc và đền Phù Đổng, múa rối nước, hát ca trù... Vì vậy, việc khai thác hệ thống di tích lịch sử, di sản văn hóa và các làng nghề truyền thống đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế Hà Nội nói chung và ngành du lịch Thủ đô nói riêng trong nhiều năm qua.
Không chỉ phát huy những loại hình du lịch truyền thống, mục tiêu phát triển du lịch Thủ đô còn chú trọng đẩy mạnh các sản phẩm du lịch mới, sáng tạo, tập trung làm tốt từ môi trường du lịch, đồng thời phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng du lịch, đặc biệt tại các khu, điểm du lịch, mang đến cảm giác hài lòng cho du khách khi đến với Hà Nội. Vì vậy, nhiều sản phẩm du lịch mới mang dấu ấn văn hóa Hà Nội ra đời, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách. Đơn cử như, bên cạnh việc đẩy mạnh các tour du lịch đêm tại Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Văn học và các phố đi bộ đêm, Hà Nội phát triển các sản phẩm du lịch mới như du lịch văn hóa, tâm linh kết hợp chăm sóc sức khỏe như tại huyện Sóc Sơn; Bác Cổ - Mùa hoa gạo tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia; Tìm về Kinh đô người Việt cổ tại di tích Thành Cổ Loa; Hành trình di sản tại Hoàng thành Thăng Long và làng cổ Bát Tràng…
Ngoài ra, ngành du lịch Hà Nội còn tập trung phát triển loại hình du lịch MICE (du lịch hội nghị, hội thảo), du lịch golf. Những tuyến đường sông dọc sông Hồng, hồ Tây, hồ Đồng Mô… gắn với các điểm đến du lịch văn hóa, di sản, du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm tại các quận, huyện, thị xã đang được Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với Sở Giao thông vận tải nghiên cứu đầu tư nhằm khai thác du lịch trên các tuyến này. Bên cạnh đó, Hà Nội tập trung khai thác, nghiên cứu tổ chức tuyến du lịch xe buýt Bến Bạc - Bát Tràng. Các loại hình du lịch mới như du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch trải nghiệm, du lịch bay dù lượn ở Chương Mỹ, bay khinh khí cầu ở Ba Vì, du lịch ứng dụng thực tế ảo... cũng được Sở du lịch Hà Nội đẩy mạnh thực hiện khai thác. Điều này góp phần thu hút một số lượng lớn du khách trẻ năng động, thích trải nghiệm khám phá và ưa thích mạo hiểm.
Đặc biệt, một trong những sản phẩm du lịch có thể trở thành mũi nhọn, tạo sản phẩm chuyên biệt cho Hà Nội đó là du lịch nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay, du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Hà Nội bao gồm du lịch làng nghề, du lịch sinh thái, du lịch canh nông… Trong đó, các hoạt động du lịch cộng đồng với sự tham gia của người dân địa phương chiếm ưu thế. Ngoài ra, du lịch canh nông là loại hình du lịch mới phát triển trong thời gian gần đây, với mô hình nổi bật là các trang trại sinh thái, hay các hợp tác xã nông nghiệp tổ chức những hoạt động trải nghiệm về nông nghiệp, làng quê. Loại hình du lịch này giúp du khách đến tham quan Thủ đô tăng thời gian lưu trú và tăng tính trải nghiệm. Vì vậy, ngành du lịch Hà Nội phối hợp với các cơ quan liên quan định hướng triển khai mở rộng thêm nhiều mô hình điểm về du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các địa phương, phát triển loại hình du lịch này bài bản và chuyên nghiệp hơn. Cụ thể, Chương trình số 04-CTr/TU, ngày 17-3-2021, của Thành ủy Hà Nội, “Về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia “Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025”” đã định hướng việc khai thác và làm nổi bật những đặc trưng riêng về du lịch nông nghiệp, nông thôn trong phát triển du lịch của Thủ đô và cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế và kết quả tích cực thu được, các hoạt động của ngành du lịch Hà Nội vẫn còn nhiều bất cập, như: Những quy định hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành tham gia các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch của thành phố còn hạn chế. Một số quy định bất cập chưa phù hợp với tình hình hoạt động của doanh nghiệp và yêu cầu của thị trường cũng như mục tiêu đề ra khi mở cửa du lịch sau dịch bệnh COVID-19. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch tại Việt Nam nói chung, tại Hà Nội nói riêng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành, chưa ngang tầm với các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành chưa kịp thời có những chính sách hỗ trợ về kinh tế, thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp lữ hành tham gia các sự kiện, hội chợ du lịch quốc tế và trong nước để mở rộng, tiếp cận được các đối tác có tiềm năng trong nước và quốc tế; quan tâm, hỗ trợ về kỹ thuật, chuyên gia, tư vấn giúp doanh nghiệp lữ hành tiếp cận nhanh với các tiến bộ về khoa học - công nghệ, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp, góp phần tăng năng suất lao động và hội nhập quốc tế.
Đối với các loại hình du lịch, du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Hà Nội vẫn còn gặp khó khăn, hạn chế khi nhiều địa phương chưa nhìn thấy tiềm năng từ loại hình du lịch này. Không ít mô hình còn mang tính tự phát, sao chép lẫn nhau, chưa kết nối được sự tham gia của cộng đồng. Cơ chế quản lý đất đai cho nông nghiệp, nông thôn còn chưa thỏa đáng...
Trước những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết, nhất là việc khắc phục những hậu quả nặng nề do đại dịch COVID-19 đối với phát triển kinh tế - xã hội nói chung, đối với ngành du lịch của thành phố nói riêng, năm 2023 là năm được kỳ vọng sẽ tạo bước tăng trưởng phát triển toàn diện du lịch Thủ đô đạt cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, số lượng và chất lượng khách du lịch bảo đảm tính bền vững; phấn đấu năm 2023, du lịch Hà Nội thực sự phục hồi, phát triển, giữ vững vai trò là trung tâm du lịch lớn của cả nước. Vì vậy, ngành du lịch Hà Nội cần tập trung một số nội dung sau:
Một là, Sở Du lịch Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các đơn vị lữ hành, các điểm đến xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch ứng dụng công nghệ trên nền tảng các sản phẩm du lịch truyền thống, có thế mạnh của thành phố. Xác định di sản là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch. Theo đó, Hà Nội tập trung khai thác nguồn tài nguyên này trên cơ sở hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Bởi nếu chỉ khai thác, coi nhẹ bảo tồn việc xuống cấp, mai một di sản sẽ diễn ra nhanh chóng, dẫn đến di sản không đủ sức hấp dẫn du khách. Hài hòa hai yếu tố này sẽ tạo sự phát triển một cách bền vững cho du lịch và công tác bảo tồn di sản.
Đồng thời, để xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô có chất lượng cao, ngành du lịch Hà Nội cần phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung công tác quy hoạch, đầu tư, bảo tồn, trùng tu di tích gắn với phát huy các giá trị di sản, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm du lịch Thủ đô. Trong đó, tập trung vào các công trình trọng điểm, như: Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu vực thành Cổ Loa, Hoàng thành Thăng Long, làng gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc...
Hai là, để tập trung phát triển sản phẩm du lịch với tính đặc thù và có tính cạnh tranh cao, ngành du lịch Hà Nội cần tập trung đầu tư, khai thác hiệu quả, phát huy thế mạnh không gian kiến trúc, giá trị văn hóa khu phố cổ, khu phố cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; tổ chức tốt các lễ hội truyền thống và hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian. Đồng thời xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng, hấp dẫn, tạo ra nhiều sự lựa chọn cho du khách, góp phần quảng bá nét đặc trưng về văn hóa, ẩm thực và danh lam thắng cảnh của Hà Nội.
Ba là, ngành du lịch Hà Nội cần đẩy mạnh hơn nữa việc quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước, kênh CNN quốc tế, kênh truyền thông quốc tế khác. Ứng dụng công nghệ mới, Hà Nội cần thực hiện đa dạng các hình thức truyền thông trên các nền tảng số, website, nền tảng mạng xã hội (Youtube, Facebook,...) và các hình thức tuyên truyền quảng bá khác phù hợp trên không gian mạng nhằm tạo sức lan tỏa lớn và thu hút du khách đến Hà Nội với thông điệp xuyên suốt “Hà Nội - Đến để yêu” và “Hà Nội - Điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn”. Đồng thời, thiết kế, sản xuất sản phẩm quà tặng, bộ nhận diện du lịch, ấn phẩm du lịch Hà Nội đặc sắc, mang đậm nét văn hóa Thủ đô, phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch và phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm tham quan du lịch.
Bốn là, tập trung triển khai hiệu quả các loại hình du lịch, như triển khai kế hoạch nâng cấp chất lượng sản phẩm, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề tại các quận, huyện, thị xã; chú trọng nâng cấp, phát triển sản phẩm du lịch tại 4 tuyến chính từ trung tâm Hà Nội đến Làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), Khu di tích - thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức), huyện Thạch Thất, huyện Quốc Oai, thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì.
Ngoài ra, trên cơ sở triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022 - 2025 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, các sở, ngành, địa phương tiếp tục có chương trình, hoạt động lồng ghép nội dung phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Theo đó, thực hiện đánh giá một cách tổng quát tiềm năng, cách thức phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội nhằm khai thác, phát triển một cách hiệu quả loại hình này.
Năm là, bên cạnh việc hợp tác với các trọng điểm du lịch trong cả nước, Hà Nội tổ chức các hoạt động hợp tác, xúc tiến thu hút khách quốc tế tại các thị trường như: Đông Bắc Á, Pháp và một số nước châu Âu, Mỹ, Ấn Độ... Sở Du lịch Hà Nội chủ động phối hợp với các đại sứ quán, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tham gia, tổ chức các chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm tại các thị trường như: Hội chợ du lịch TOPRESA tại Pháp, Hội chợ xúc tiến du lịch JATA tại Nhật Bản… Đồng thời, thành phố thực hiện các chương trình quảng bá du lịch đối ứng với các nước thành viên thuộc Hội đồng xúc tiến du lịch châu Á (CPTA), Liên minh hợp tác các thành phố du lịch Mekong - Lan Thương…
Sáu là, trong bối cảnh chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu trên toàn cầu và với Việt Nam, ngành du lịch Hà Nội cần nắm bắt cơ hội này nhằm tạo động lực tăng trưởng. Theo đó, trang web của Sở Du lịch Hà Nội cần đổi mới hơn nữa, thu hút nhiều lượt truy cập. Song song với đó, ngành du lịch Thủ đô cần số hóa dữ liệu du lịch, có thể xây dựng các ứng dụng điện tử để tăng tính tương tác, như: ứng dụng “Hà Nội ăn gì ngon”, “Hà Nội chơi ở đâu”... Ngoài ra, ngành du lịch cần phát triển gắn với các ngành, nghề, hội nghị, hội thảo, như du lịch chữa bệnh… qua đó, thu hút khách du lịch đến với Thủ đô.
Bảy là, mỗi người dân Hà Nội tiếp tục giữ gìn, phát huy nét ứng xử văn minh, thanh lịch của người Tràng An, để mỗi người dân Thủ đô là một tuyên truyền viên tích cực trong việc quảng bá hình ảnh văn hóa, lịch sử, con người Hà Nội nhằm thu hút ngày càng nhiều hơn khách du lịch trong nước và quốc tế./.
------------------------
(1) “Kinh tế Hà Nội năm 2022 tăng trưởng 8,89%”, Báo Điện tử Nhân dân, ngày 28-12-2022, https://nhandan.vn/kinh-te-ha-noi-nam-2022-tang-truong-889-post732203.html
(2), (4) Nguyễn Văn Thắng: “Hà Nội: Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch”, Trang điện tử Thông tấn xã Việt Nam, ngày 23-6-2023, https://news.vnanet.vn/?created=7%20day&servicecateid=1&scode=1&qcode=17
(3) Đinh Thị Thuận: “Du lịch Hà Nội tạo sức lan tỏa lớn để thu hút khách”, Trang điện tử Thông tấn xã Việt Nam, ngày 1-3-2023, https://news.vnanet.vn/?created=7%20day&servicecateid=1&scode=1&qcode=17
(5) Nguyễn Văn Cảnh: “Chặng đường 5 năm phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội”, Trang điện tử Thông tấn xã Việt Nam, ngày 29-12-2022, https://news.vnanet.vn/?created=7%20day&servicecateid=1&scode=1&qcode=17
Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Hà Nội gắn kết với xây dựng thương hiệu “Thành phố sáng tạo”  (22/07/2023)
Bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội  (22/07/2023)
Hà Nội đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế  (22/07/2023)
Phát triển du lịch nông thôn ở Hà Nội: Tiềm năng và thách thức  (20/07/2023)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển