Phát triển bền vững ngành công nghiệp dệt may thông qua công cụ kế toán quản trị môi trường
TCCS - Dệt may là một trong những ngành có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lớn. Để khắc phục hạn chế này, đồng thời giúp các doanh nghiệp dệt may đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, thì việc sử dụng công cụ kế toán quản trị môi trường (environmental management accounting, viết tắt là EMA) là một giải pháp hữu hiệu. EMA là công cụ giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, đổi mới sản phẩm, đổi mới quy trình sản xuất sạch hơn, định giá sản phẩm tốt hơn và tăng giá trị cho cổ đông. Những lợi ích này sẽ nâng cao danh tiếng của doanh nghiệp, từ đó tạo ra hiệu suất và phát triển bền vững.
Khái quát về EMA
EMA là một công cụ cung cấp thông tin vật chất và tiền tệ về việc sử dụng năng lượng, vật liệu và thông tin tiền tệ về chi phí liên quan đến môi trường. Có hai loại hệ thống EMA là EMA tiền tệ (MEMA) và EMA vật chất (PEMA). Trong đó, MEMA giải quyết các khía cạnh môi trường của các hoạt động của doanh nghiệp được thể hiện bằng đơn vị tiền tệ, trong khi PEMA tập trung vào tác động của doanh nghiệp đối với môi trường tự nhiên được thể hiện bằng đơn vị vật chất. Ngoài ra, EMA phân biệt giữa thông tin bất thường và thông tin thông thường theo khung thời gian trong quá khứ, hiện tại hoặc tương lai, cũng như các kỳ hạn ngắn và dài hạn. Dựa trên các khía cạnh này, các chuyên gia đã đề xuất một khuôn khổ toàn diện cho EMA và các công cụ khả thi có thể được sử dụng. EMA đã áp dụng tại nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả các nước đang phát triển và phát triển(1), tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ.
Công cụ EMA hỗ trợ các nhà quản lý đưa ra quyết định tốt hơn bằng cách thông báo về các tác động môi trường của một tổ chức và về các vấn đề môi trường ảnh hưởng đến tổ chức, bao gồm các động lực kinh tế và hậu quả của các vấn đề môi trường. EMA không chỉ giúp doanh nghiệp xác định các vấn đề môi trường gây ra, cách cải tiến hiệu suất môi trường, mà còn giúp xác định các tình huống “đôi bên cùng có lợi” giữa doanh nghiệp và môi trường nhằm cải thiện hiệu quả kinh tế và môi trường. Để làm được điều này, EMA cung cấp thông tin vật chất và tiền tệ về môi trường cho các nhà quản lý nhằm hỗ trợ quá trình đưa ra các quyết định cụ thể. Thông tin do EMA cung cấp liên quan đến mối quan tâm chiến lược ngắn hạn và dài hạn, cũng như các quyết định đột xuất; hiệu suất trong quá khứ và tương lai(2).
Những hạn chế của các thông lệ kế toán quản trị truyền thống được cho là thách thức chính trong việc áp dụng EMA(3), có thể dẫn đến việc ban lãnh đạo đưa ra quyết định dựa trên thông tin không chính xác hoặc bị thiếu và không đủ thông tin. Các doanh nghiệp cần xem xét các khía cạnh môi trường vào hoạt động kế toán vì hiện nay áp lực môi trường cho doanh nghiệp ngày càng gia tăng(4). Những áp lực bắt buộc này có thể đến từ khách hàng, cộng đồng, xã hội, ngân hàng, cổ đông(5). Trong khi áp lực về sự bền vững môi trường đến từ các bên liên quan khác nhau.
Theo Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC), có ba giai đoạn để doanh nghiệp thực hiện EMA một cách thành công và hiệu quả. Giai đoạn một là giai đoạn phát triển các chương trình quản lý môi trường để đối phó với áp lực pháp lý bên ngoài và nhận thức nội bộ về các rủi ro liên quan đến những áp lực này. Khi đó, các doanh nghiệp cần xây dựng chính sách môi trường, chương trình hành động để đạt được các mục tiêu đề ra trong chính sách và tạo ra một hệ thống quản lý môi trường. Giai đoạn này là sự phản ứng một cách thụ động với các áp lực bên ngoài như quy định hoặc nhu cầu của khách hàng của doanh nghiệp. Giai đoạn hai là giai đoạn vượt ra khỏi sự tuân thủ quy định để đạt được lợi thế cạnh tranh bằng cách sử dụng tài nguyên hiệu quả với trọng tâm chính là quản lý chi phí. Giai đoạn này bao gồm các hành động của hệ thống báo cáo môi trường; thiết kế các sản phẩm hoặc quy trình có tính đến tác động môi trường và ra quyết định kết hợp dựa trên thông tin tác động môi trường. Trong giai đoạn này, sứ mệnh của doanh nghiệp là có trách nhiệm chủ động giảm tác động tiêu cực tới môi trường. Giai đoạn ba chuyển sang tích hợp các vấn đề về môi trường vào chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp. Trong giai đoạn này, các vấn đề môi trường trở thành một phần của quá trình ra quyết định của doanh nghiệp, bao gồm hệ thống đánh giá hiệu quả tích hợp tác động môi trường, doanh thu và chiến lược tiếp thị dựa trên các sản phẩm xanh... Các doanh nghiệp trong giai đoạn này được hưởng toàn bộ tiềm năng, lợi ích của các chiến lược quản lý môi trường(6).
Những tác động của ngành công nghiệp dệt may tới môi trường
Ngành công nghiệp dệt may có thể tạo ra cả chất thải vô cơ và hữu cơ trộn lẫn với nước thải từ các quy trình sản xuất, dẫn đến thay đổi các thông số sinh học và hóa học ở các vùng nước lân cận. Nước thải dệt nhuộm phát sinh từ các công đoạn khác nhau của quá trình dệt nhuộm chứa một lượng lớn các chất ô nhiễm rất có hại cho môi trường nếu không được xử lý thích hợp. Mức độ ô nhiễm môi trường do nước nhuộm là rất cao(7). Các vấn đề môi trường liên quan đến hàm lượng thuốc nhuộm còn sót lại hoặc màu còn sót lại trong nước thải dệt nhuộm đã qua xử lý luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp dệt may lớn(8). Nước thải từ các ngành công nghiệp dệt may là hỗn hợp phức tạp của các hóa chất khác nhau. Ô nhiễm nước do quá trình xả thải công nghiệp dệt may đã trở thành một vấn đề đáng lo ngại do tác động của nó đối với sức khỏe và môi trường.
Mức độ ô nhiễm môi trường do nước nhuộm là rất cao. Trong ngành dệt may, có rất nhiều quy trình cơ học và hóa học; mỗi quy trình có tác động khác nhau đến môi trường. Nước thải có chứa lưu huỳnh, naphthol, thuốc nhuộm hoàn nguyên, nitrat, axit axetic, xà phòng, hợp chất crom, kim loại nặng như đồng, asen, chì, cadmium, thủy ngân, niken và coban và một số hóa chất phụ trợ…, tất cả đều làm cho nước thải có độc tính cao. Nước thải của doanh nghiệp cũng thường có nhiệt độ và độ pH cao và đều cực kỳ nguy hiểm. Nếu nước thải này chảy vào các cánh đồng sẽ làm tắc nghẽn các lỗ rỗng của đất, làm giảm năng suất của đất một cách trầm trọng. Kết cấu của đất sẽ bị cứng lại và do vậy, sự xâm nhập của rễ cây bị hạn chế. Hệ thống nước thải chảy trong cống làm ăn mòn và đóng cặn các đường ống thoát nước. Nếu nước thải chảy vào cống và sông thì nguồn nước không còn an toàn cho con người.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp dệt may còn tạo ra hai loại chất thải rắn độc hại và không độc hại. Loại chất thải rắn không độc hại gồm tất cả bao bì, vải vụn, ống chỉ, các bộ phận của máy cần thay thế,... Những thứ này không gây nguy hiểm cho môi trường hoặc sức khỏe con người và có thể được tái chế để tránh thiệt hại về sinh thái trong tương lai. Tuy nhiên, loại chất thải rắn độc hại, như thuốc tẩy và bùn thải, lại có thể gây hại ngay lập tức cho môi trường và gây nguy hiểm đến các sinh vật sống, kể cả con người. Hầu hết chất thải rắn được thải ra trong quá trình sản xuất sợi, kéo sợi, dệt, đan, chần sợi, hoàn tất và đôi khi là cắt sợi. Sự ô nhiễm từ sợi tổng hợp cũng đang tích tụ trong các đại dương ở mức báo động. Hầu hết con người sử dụng các loại vải tổng hợp, như polyester… mỗi ngày. Các sản phẩm, như áo sơ mi, quần tập yoga, lông cừu… cũng được làm từ vật liệu tổng hợp, hay còn gọi là nhựa. Những loại vải tổng hợp - nguyên liệu chính tạo ra 60% quần áo trên trái đất, lại tiềm ẩn nguy cơ lớn. Mỗi khi giặt một loại quần áo tổng hợp (polyester, nylon...), hơn 1.900 mảnh nhựa nhỏ, được gọi là vi sợi sẽ chảy dọc theo đường nước thải, thông qua quá trình xử lý nước và được thải vào các sông, hồ và đại dương. Khoảng 100.000 động vật biển bị giết mỗi năm bởi các mảnh vụn nhựa, bao gồm cả sợi nhỏ. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, các sinh vật nhỏ dưới nước ăn các vi sợi này, rồi bị các loài cá lớn hơn ăn, đưa nhựa vào chuỗi thức ăn của con người(9).
Thêm nữa, các loại sợi tổng hợp như polyeste thải ra nhiều khí nhà kính hơn so với sợi tự nhiên, vì có lượng khí thải carbon lớn hơn. Hậu quả của quá trình xử lý ướt đối với vải là tiêu thụ một lượng lớn nhiên liệu hóa thạch. Điều này dẫn đến sự axit hóa, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và khiến trái đất nóng lên(10). Ô nhiễm không khí gây ra các mối đe dọa nghiêm trọng đối với môi trường, góp phần gây ra các hiện tượng như mưa axit, phú dưỡng (tảo nở hoa) và sương khói, sương mù, ảnh hưởng đến đời sống thực vật và động vật, phá hủy tầng ô-dôn của trái đất. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, làm trầm trọng thêm các tình trạng hô hấp, như hen suyễn, làm hỏng hệ thần kinh và cũng có thể gây dị tật bẩm sinh với trẻ ở phụ nữ mang thai. Những khí thải này chứa nhiều chất gây ung thư, ví dụ các hợp chất có nguồn gốc từ benzen, thúc đẩy sự phát triển của ung thư. Khi nhu cầu về hàng dệt may tăng lên, các chi phí đối với môi trường cũng gia tăng đáng kể, kèm theo đó là sự suy giảm sức khỏe của con người(11). Sự ô nhiễm môi trường do ngành công nghiệp dệt may thế giới thải ra môi trường đang trở nên nguy hiểm, cho cả hành tinh và con người.
Ngành công nghiệp dệt may là ngành tiêu thụ năng lượng lớn với hiệu suất sử dụng năng lượng thấp(12). Khoảng 23% tổng năng lượng sử dụng được tiêu thụ trong lĩnh vực dệt, 34 % trong kéo sợi, 38% trong xử lý hóa chất và 5% khác cho các mục đích khác. Năng lượng nhiệt được sử dụng trong quá trình xử lý hóa học, chủ yếu dùng để đun nóng nước và làm khô vật liệu dệt, trong khi năng lượng điện là nguồn năng lượng chính trong mô hình tiêu thụ năng lượng trong kéo sợi và dệt(13). Sản lượng dệt toàn cầu ước tính đạt 60 tỷ kg vải với nhu cầu năng lượng là 1.074 tỷ kWh điện (tương đương 132 triệu tấn than) và 6 - 9 nghìn tỷ lít nước hằng năm. Một lượng lớn các nguồn năng lượng không thể tái tạo cuối cùng được tiêu thụ dưới dạng điện năng, 15-20% sử dụng trong quá trình sản xuất dệt may và 75 - 80% được dùng chủ yếu là trong các quy trình giặt và trong quá trình sử dụng của người tiêu dùng. Tổng nhiệt năng cần thiết cho mỗi mét vải (bao gồm cả sản xuất và tiêu dùng) là 18,8 - 23MJ và năng lượng điện cần thiết cho mỗi mét vải là 0,45 - 0,55kWh. Chính vì thế, ngành công nghiệp dệt may là một trong những ngành tạo ra khí nhà kính nhiều nhất, chủ yếu do quy mô khổng lồ của ngành. Do vậy, chi phí năng lượng cũng là một trong những chi phí chính của ngành công nghiệp dệt may. Đặc biệt, trong thời điểm giá năng lượng biến động cao, việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng là mối quan tâm hàng đầu đối với các doanh nghiệp dệt may.
Phát triển bền vững ngành công nghiệp dệt may thông qua công cụ kế toán quản trị môi trường
EMA cải thiện hiệu quả kinh tế
Một số nhà nghiên cứu đã khẳng định lợi ích của việc thực hiện EMA giúp doanh nghiệp đổi mới, giảm chi phí, sản xuất sạch hơn, định giá sản phẩm tốt hơn và tăng giá trị cho cổ đông. Việc sử dụng công cụ phân tích dòng chi phí nguyên liệu cho phép xác định chi phí xử lý chất thải và tổn thất từ các quy trình trên nguyên liệu thô lớn. Phân tích chi phí đã mang lại lợi ích cho doanh nghiệp bởi tiết kiệm chi phí cũng như thông tin môi trường vật chất và tiền tệ có liên quan. Một số doanh nghiệp đã sử dụng EMA để cải thiện việc quản lý môi trường. Việc thực hiện EMA đã hỗ trợ sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên trong việc phát triển sản phẩm(14).
Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ đánh giá cao việc thực hiện EMA về mặt đổi mới trong chuỗi cung ứng xanh. Một số doanh nghiệp đã phối hợp với các nhà cung cấp để thực hiện tiết kiệm chi phí môi trường. Những đổi mới hướng tới chuỗi cung ứng xanh và tinh gọn giúp cho doanh nghiệp và đối tác trong chuỗi cung ứng tiết kiệm đáng kể chi phí thông qua việc áp dụng EMA.
EMA cũng hoạt động như một liên kết giữa các khía cạnh môi trường và giá trị cổ đông. Các doanh nghiệp này đã sử dụng đánh giá tổng chi phí, hạch toán chi phí và các loại phân tích tài chính dài hạn, toàn diện khác về sản xuất sạch để xác định các chỉ số tài chính của đầu tư sản phẩm sạch. EMA hỗ trợ các doanh nghiệp giảm chi phí vận hành, định giá sản phẩm tốt hơn, cũng như tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, cho phép các doanh nghiệp phát hiện ra các chi phí môi trường thường bị che giấu trong chi phí chung và bị các nhà quản lý bỏ qua(15).
EMA hỗ trợ việc giảm tác động môi trường
Với định hướng rõ ràng từ các chính sách môi trường, một số doanh nghiệp đã xây dựng chiến lược phát triển dựa trên sự hỗ trợ của EMA để đạt được các mục tiêu về môi trường, hướng tới việc giảm các tác động môi trường, bao gồm tác động trực tiếp về nước, không khí, chất thải rắn, cũng như việc tiêu thụ năng lượng quá cao.
Các nghiên cứu ban đầu đã chứng minh rằng, để đạt được sự phát triển bền vững trong ngành công nghiệp dệt may nói riêng và ngành sản xuất nói chung, các doanh nghiệp cần kiểm soát được mức năng lượng và lượng nước tiêu thụ, bởi hai hạng mục này thể hiện tiềm năng tiết kiệm chi phí đáng kể và có thể đạt được dễ dàng trong quy trình vận hành hiện nay của doanh nghiệp. Sau khi phân tích chi phí hoạt động dựa trên EMA, có thể thấy các chi phí năng lượng tiềm ẩn quan trọng, từ đó, giải quyết các vấn đề tiêu thụ năng lượng và tối ưu năng lượng cho doanh nghiệp. Đồng thời thông qua đổi mới quy trình và đổi mới sản phẩm, các doanh nghiệp cũng có thể giảm tiêu thụ nước và năng lượng nhờ vào việc triển khai EMA.
Bên cạnh việc giảm tiêu thụ năng lượng và cải thiện vấn đề nước thải, EMA còn có vai trò hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình quản lý chất thải rắn, từ phân loại, quản lý, đến xử lý, tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu chất thải rắn theo đúng quy định và tiêu chuẩn.
Việc phân tích vai trò của EMA đối với việc phát triển bền vững của ngành công nghiệp dệt may đã tạo động lực cho các doanh nghiệp trong ngành thực hiện các chính sách môi trường phù hợp hơn. Ban đầu, nhu cầu cấp thiết để các doanh nghiệp phát triển EMA là do áp lực bên ngoài. Sau đó, khi lợi ích về tiết kiệm chi phí của EMA được xác nhận, các doanh nghiệp đã chủ động đẩy mạnh việc thực hiện EMA. Các chiến lược quản lý môi trường của các doanh nghiệp dệt may cần được thực hiện nhất quán và được đánh giá, phân tích, hỗ trợ của hệ thống EMA, kết hợp với việc thực hiện EMA, như tính toán nguyên vật liệu, năng lượng, đánh giá tác động môi trường, thiết kế vòng đời... Do đó, việc thực hành EMA có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xanh khác của doanh nghiệp dệt may bởi có thể tính toán chính xác năng lượng, nước và các loại vật liệu khác được sử dụng trong quá trình sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp dệt may. Tuy nhiên, việc áp dụng EMA trong doanh nghiệp dệt may cần có sự hỗ trợ của nhiều bên liên quan khác nhau, để tham gia thường xuyên vào hoạt động chuỗi cung ứng xanh, từ chính nhận thức và hành động của doanh nghiệp, đến các cấp chính quyền, các hiệp hội ngành hàng và người tiêu dùng…./.
---------------------------
(*) Bài viết là sản phẩm của Đề tài khoa học và công nghệ của Trường Đại học Ngoại thương, mã số: NTCS2022 - 25
(1), (2), (5) Burritt, R., Hahn, T. and Schaltegger, S.: “Towards a comprehensive framework for environmental management accounting: links between business actors and environmental management accounting tools” (Tạm dịch: Hướng tới một khuôn khổ toàn diện cho kế toán quản trị môi trường: mối liên hệ giữa các chủ thể kinh doanh và các công cụ kế toán quản trị môi trường), Australian Accounting Review, 12(2), 2002, tr. 39-50
(3), (6) International Federation of Accountants (IFAC): International Guidance Document: Environmental Management Accounting, (Tạm dịch: Tài liệu hướng dẫn quốc tế: Kế toán quản trị môi trường), IFAC, NY, 2005
(4) Parker, L. D: “Environmental Costing: A Path to Implementation”, (Tạm dịch: Chi phí môi trường: Cách thức thực hiện), Australian Accounting Review, 10(3), 2000, tr. 43-51
(8) Zaharia, C., Suteu, D., & Muresan, A.: Options and solutions for textile effluent decolorization using some specific physico-chemical treatment steps. (Tạm dịch: Phương án và giải pháp khử màu nước thải dệt nhuộm bằng một số bước xử lý hóa lý đặc thù), Environmental Engineering and Management Journal, 11(2), 2012, tr. 493 - 509
(10) Mukherjee S: "Environmental and social impact of fashion: Towards an eco-friendly, ethical fashion" (Tạm dịch: Tác động môi trường và xã hội của ngành công nghiệp thời trang: Hướng tới kinh doanh đạo đức, thân thiện với môi trường), International Journal of Interdisciplinary and Multidisciplinary Studies, 2(3), 2015, tr. 22 -35
(11) Selvakumar, K. V., Basha, C. A., Prabhu, H. J., Kalaichelvi, P., & Nelliyan, S.: "The potential of free cells of Pseudomonas aeruginosa on textile dye degradation" (Tạm dịch: Tiềm năng của các tế bào tự do _ Pseudomonas aeruginosa đối với sự phân hủy thuốc nhuộm dệt), Bioresource technology, 101(8), 2010, tr. 2678 - 2684
(12), (13), (17), (19), Bennett, M. and James P: “Environment related management accounting: current practice and future trends” (Tạm dịch: Kế toán quản trị liên quan đến môi trường: thực trạng và xu hướng tương lai), Greener Management International, 17, 1997, tr. 33-51
(14) Burritt, R. L., & Saka, C.: "Environmental management accounting applications and eco-efficiency: case studies from Japan" (Tạm dịch: Ứng dụng kế toán quản trị môi trường và hiệu quả sinh thái: nghiên cứu trường hợp từ Nhật Bản), Journal of Cleaner Production, 14(14), 2006, tr. 1262 - 1275
(15) Staniskis, J. K., & Stasiskiene, Z.: "Environmental management accounting in Lithuania: exploratory study of current practices, opportunities and strategic intents" (Tạm dịch: Kế toán quản trị môi trường ở Litva: Nghiên cứu thăm dò về thực trạng, cơ hội, thách thức và chiến lược), Journal of Cleaner Production, 14(14), 2006, tr. 1252 - 1261
Phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần tạo sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội  (05/11/2022)
Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ - Thành tựu và triển vọng  (20/04/2022)
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam