Nguồn lực và động lực cho thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội trong điều kiện mới
TCCS – Bức tranh kinh tế 10 tháng đầu năm 2022 của Hà Nội có những gam màu sáng khi nền kinh tế của thành phố tiếp tục đà phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau khi đạt mức tăng trưởng GRDP 9,69%. Riêng quý III-2022 đạt 15,71%. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế đều đạt mục tiêu đề ra. Qua một năm thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ, với sự linh hoạt, chủ động và sáng tạo, thành phố Hà Nội đã tập trung mở cửa, phục hồi nền kinh tế và đạt kết quả tăng trưởng vượt bậc, hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi mạnh mẽ hướng đến hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của năm 2022.
Nghị quyết số 128 của Chính phủ quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”
Ngày 11-10-2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021. Trong khi tỉ lệ bao phủ vắc-xin đang được đẩy nhanh nhưng chưa đạt độ bao phủ toàn dân và các loại thuốc điều trị COVID-19 đang được phát triển, đưa vào sử dụng nhưng chưa có thuốc đặc trị, Nghị quyết số 128 của Chính phủ đưa ra nhằm bảo đảm sự thống nhất thực hiện theo quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong kiểm soát tình hình dịch bệnh, tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của nhân dân dần trở lại tình trạng bình thường mới; không để tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội.
Về phân loại cấp độ dịch, Nghị quyết số 128 đã phân loại cấp độ dịch theo 4 cấp: Cấp 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh. Cấp 2: Nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng. Cấp 3: Nguy cơ cao tương ứng với màu cam. Cấp 4: Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ. Phạm vi đánh giá cấp độ dịch được đánh giá từ quy mô cấp xã. Khuyến khích đánh giá từ phạm vi, quy mô nhỏ nhất có thể (dưới cấp xã) nhằm bảo đảm linh hoạt, hiệu quả.
Về tiêu chí đánh giá cấp độ dịch gồm: Tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vắc-xin (lưu ý nhóm tuổi có nguy cơ cao, tỷ lệ tiêm mũi thứ nhất, tỷ lệ tiêm đủ liều); khả năng thu dung, điều trị của các tuyến (lưu ý xác định rõ khả năng thu dung, điều trị hiện có và kế hoạch bổ sung). Trong đó, Bộ Y tế hướng dẫn các tiêu chí, phương pháp đánh giá và xác định cấp độ dịch. Căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Y tế và tình hình dịch trên địa bàn, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định chuyển đổi cấp độ dịch. Trong trường hợp nâng cấp độ dịch thì phải thông báo trước tối thiểu 48 giờ cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp biết, có sự chuẩn bị trước khi áp dụng.
Về các biện pháp áp dụng theo cấp độ dịch bao gồm cách ly y tế, xét nghiệm, thu dung, điều trị, tiêm chủng thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế ở tất cả các cấp độ. Đối với một số hoạt động của tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp gồm: 1- Tổ chức hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch; 2 - Vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19; 3- Lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh hoặc liên tỉnh; 4- Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (Cơ sở sản xuất, đơn vị thi công các dự án, công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ bao gồm trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối; nhà hàng/quán ăn, chợ truyền thống; cơ sở kinh doanh các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như vũ trường, karaoke, mát xa, quán bar, internet, trò chơi điện tử, làm tóc (bao gồm cắt tóc), làm đẹp và các cơ sở khác do địa phương quyết định; hoạt động bán hàng rong, vé số dạo,...); hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp; hoạt động cơ quan, công sở; các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; hoạt động nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, tham quan du lịch; biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao; ứng dụng công nghệ thông tin. Đối với cá nhân, Nghị quyết số 128 quy định phải tuân thủ 5K; ứng dụng công nghệ thông tin; việc đi lại của người dân đến từ các địa bàn có cấp độ dịch khác nhau; điều trị tại nhà đối với người nhiễm COVID-19 ở từng cấp độ dịch.
Về điều khoản áp dụng, Nghị quyết số 128 được áp dụng thống nhất trong toàn quốc. Căn cứ vào các hướng dẫn của Bộ Y tế và các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quyết định các biện pháp hành chính phù hợp bao gồm các quy định, hướng dẫn cụ thể về công suất, số lượng người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, văn hóa, văn nghệ, sự kiện tập trung đông người,... và có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp bổ sung cụ thể nhưng không trái với quy định của Trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất, kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của nhân dân. Trường hợp các quy định, hướng dẫn của Trung ương không phù hợp, khả thi thì kịp thời báo cáo cơ quan ban hành quy định, hướng dẫn. Cơ quan ban hành quy định, hướng dẫn phải có chỉ đạo ngay để tháo gỡ vướng mắc đồng thời nghiên cứu sửa đổi quy định, hướng dẫn. Theo đó, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cách ly y tế vùng (phong tỏa ổ dịch) nhanh nhất, ở phạm vi hẹp nhất có thể và triển khai các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội, tiếp cận dịch vụ y tế để người dân yên tâm tuân thủ các quy định phòng, chống dịch. Nghị quyết số 128 cũng tạm thời không áp dụng các quy định tại Khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6-8-2021 của Chính phủ và các Chỉ thị số 15/CT-TTg, ngày 27-3-2020, Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 31-3-2020, Chỉ thị số 19/CT-TTg, ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG, ngày 31-5-2021 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Trường hợp cần thiết phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trên quy mô toàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cao hơn các biện pháp tại quy định này thì chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy, Nghị quyết số 128 đã nêu các quan điểm, phương pháp thực hiện, đặt mục tiêu sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết, do đó các giải pháp chống dịch rất khoa học và phù hợp với thực tiễn, điều kiện của Việt Nam. Đặc biệt, nghị quyết cũng đã phân công chi tiết nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương. Chính việc tuân thủ nghiêm ngặt sự phân công đó nhưng cũng rất linh hoạt xem xét diễn biến tình hình dịch, vừa chống dịch lại vừa thực thi các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đưa Việt Nam qua giai đoạn khó khăn, đồng thời mở ra cơ hội phát triển tươi sáng cho tương lai. Nghị quyết đã tạo ra sự biến đổi mạnh mẽ. Chuyển từ quan điểm “không COVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả” là một trong những cơ sở quan trọng để triển khai các chính sách cụ thể, đi đúng và trúng các điểm nghẽn, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động ổn định đời sống, giảm chi phí, khắc phục khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đây là những quyết định cân não, quan trọng và mạnh mẽ, thể hiện sự sáng suốt, quyết liệt của Chính phủ, đưa đất nước chuyển sang giai đoạn mới vừa chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Các quyết định sáng suốt mang tầm chiến lược đã chứng minh hiệu quả trong phục hồi và phát triển kinh tế để đưa Việt Nam là một trong những điểm sáng nổi bật trong phát triển kinh tế sau đại dịch. Một năm sau khi nghị quyết đươc ban hành, dịch bệnh được kiểm soát ngày càng vững chắc hơn, tình hình kinh tế - xã hội phục hồi nhanh và phát triển trên tất cả các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả tích cực, ấn tượng, nổi bật so với thế giới trong bối cảnh thế giới tiếp tục có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ.
Thành phố Hà Nội hiện thực hóa Nghị quyết số 128 vào cuộc sống
Cùng với cả nước, Hà Nội đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11-10-2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Thành phố đã thực hiện khá nghiêm túc, phát huy tinh thần trách nhiệm, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; lãnh đạo thành phố đã có những chỉ đạo hết sức cụ thể, rõ ràng trên từng lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội.
Hà Nội đã thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới, sinh hoạt bình thường lại nhưng không quên công tác phòng, chống dịch, từ việc chấp hành thông điệp "5K" xuống "2K",… Việc thực hiện nghiêm nghị quyết không chỉ trong nội thành mà ở cả các huyện ngoại thành, giúp hạn chế tối đa tổn thất của hậu COVID-19 trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, thể hiện ở các con số tăng trưởng GDP của Hà Nội tốt hơn, đời sống nhân dân dần cải thiện hơn. Song song với đó, thành phố đã triển khai hiệu quả việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng, nhất là cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi và tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi. Đồng thời, luôn quan tâm chăm lo đến người nghèo, người yếu thế, những người gặp khó khăn sau dịch COVID-19. Việc hỗ trợ được giải ngân "từng đoạn, từng khúc" rất rõ ràng tới từng phường, xã, do đó tiền hỗ trợ đến tay người dân được nhanh hơn.
Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ, thành phố Hà Nội cũng triền khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ, phát triển thị trường lao động; hỗ trợ người lao động quay trở lại nơi làm việc thông qua tăng cường các hoạt động giới thiệu việc làm, kết nối cung cầu lao động… Các hoạt động sản xuất kinh doanh của Hà Nội dần lấy lại đà tăng trưởng, cho thấy rõ những chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy rất hiệu quả trong thời gian qua.
Theo tổng cục thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,1%. Khách du lịch quốc tế và nội địa đến thành phố Hà Nội tiếp tục tăng, đạt 1.935 nghìn lượt người, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 10 tháng trên địa bàn đạt 14 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,4 tỷ USD, tăng 10,3%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 6,6 tỷ USD, tăng 17,7. Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn và tăng mạnh so với cùng kỳ như: Hàng dệt, may đạt 2,152 tỷ USD, tăng 21,6%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 1,998 tỷ USD, tăng 22%; máy móc, thiết bị phụ tùng đạt 1,661 tỷ USD, tăng 1,7%; xăng dầu đạt 996 triệu USD, tăng 88,5%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 717 triệu USD, tăng 19,4%... Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội đạt 567,5 nghìn tỷ đồng, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 364,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 64,2% tổng mức trên. Thị trường có nguồn cung dồi dào, giá cả duy trì ổn định và đang sôi động trở lại.
Trong lũy kế 10 tháng qua, thành phố có hơn 2,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 10 tháng năm 2022, Hà Nội có 24,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước; với tổng vốn đăng ký đạt 283 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Đã thực hiện thủ tục giải thể cho gần 3 nghìn doanh nghiệp, tăng 19%; 15,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 43%. Bên cạnh đó, cũng có 8,9 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, bảo đảm chất lượng và đúng hạn. Hà Nội đã thu hút thêm 1,28 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đăng ký cấp mới cho 283 dự án với số vốn đạt 185,1 triệu USD; 163 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư thêm 573 triệu USD và có 324 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 521,9 triệu USD.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 10 tháng ước đạt 294,8 nghìn tỷ đồng, đạt 94,6% dự toán pháp lệnh năm và tăng 12% so với cùng kỳ năm 2021. Hà Nội tiếp tục triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thu hút các nguồn vốn ngoài Nhà nước cho đầu tư phát triển. Tính chung 10 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện được 36,4 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước và đạt 71,4% kế hoạch năm 2022.
Năm 2022, kinh tế thành phố Hà Nội phục hồi nhanh, tăng trưởng khoảng 8,8% - đạt cao trong nhiều năm trở lại đây và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó hoàn thành cả 22/22 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt. Năm 2022, thành phố triển khai nhiệm vụ với khối lượng công việc lớn, vừa thực hiện nhiều nhiệm vụ cho trung và dài hạn như: Tổng kết Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2014 - 2020; tổng kết thi hành Luật Thủ đô; triển khai Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; rà soát tổng thể và toàn diện các lĩnh vực, các địa bàn để xây dựng và triển khai Đề án phân cấp, ủy quyền; triển khai kế hoạch đầu tư đối với 3 lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa.... Cùng với đó, sự biến động của giá cả, nguyên, nhiên vật liệu ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân...
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Trung ương và Thành ủy, chính quyền, sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp và toàn thể nhân dân Thủ đô trong thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, kinh tế - xã hội năm 2022 đã phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện. Thành phố đã hoàn thành mục tiêu tổng quát năm 2022. Trong đó, tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân, an sinh xã hội và triển khai kịp thời các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh./.
Hà Nội: Đột phá vào những khâu mới, việc khó trong công tác cán bộ, góp phần xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh  (03/11/2022)
Hà Nội xây dựng nông thôn hiện đại gắn với bảo tồn và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống  (02/11/2022)
Đẩy mạnh liên kết vùng - Đòn bẩy quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội Thủ đô  (01/11/2022)
Hà Nội tích cực xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc trong bối cảnh mới  (01/11/2022)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển