Bồi dưỡng niềm tin về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cho thanh niên trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
TCCS - Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có giá trị và ý nghĩa sâu sắc trong việc bồi dưỡng niềm tin về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cho thanh niên, để lực lượng kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng luôn giữ vững niềm tin “chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam (1).
Niềm tin về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của thanh niên
Niềm tin là yếu tố không thể thiếu được đối với sự tồn tại, vận động, phát triển của con người, giúp con người có thể vượt qua những khó khăn, thử thách để đạt được những ước mơ, hoài bão của mình. V.I. Lê-nin nhấn mạnh: “Lòng tin tưởng mà thiếu nó thì người đó sẽ không làm được gì cả”(2); Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Có tin tưởng thì lúc ra thực hành mới vững chắc, hăng hái, lúc gặp khó khăn mới kiên quyết, hy sinh”(3). Lịch sử xã hội ngày càng phát triển, tư duy và hoạt động thực tiễn của con người càng trở nên phong phú và sâu sắc, con người đã từng bước khám phá và nhận thức được quy luật vận động của tự nhiên và sự phát triển của xã hội. Trên cơ sở đó, niềm tin khoa học được hình thành và phát triển, chiếm vị trí quan trọng trong toàn bộ đời sống của con người. Niềm tin khoa học trở thành một động lực mạnh mẽ thúc đẩy năng lực sáng tạo của con người, tạo lập lý tưởng sống, khát vọng và hoãi bão cao đẹp, hướng con người phấn đấu thực hiện bằng được mục tiêu đã đề ra.
Niềm tin xã hội chủ nghĩa được hình thành trên cơ sở nhận thức sâu sắc những nguyên lý, quy luật của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về tính tất yếu của chủ nghĩa xã hội trong tiến trình lịch sử xã hội loài người. Đứng từ góc độ bản chất, niềm tin xã hội chủ nghĩa chính là niềm tin khoa học, phát triển trên cơ sở thế giới quan duy vật biện chứng, gắn bó chặt chẽ với hoạt động của những người cộng sản. Trong cuộc đấu tranh thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, những người cộng sản luôn phấn đấu vì hạnh phúc của toàn thể nhân loại, nhân dân lao động, vì lợi ích của giai cấp và dân tộc. Do đó xét đến cùng, niềm tin xã hội chủ nghĩa mang bản chất giai cấp công nhân sâu sắc, là sự thống nhất và biện chứng của tri thức - niềm tin - tình cảm - ý chí - hành động. Đặc trưng cơ bản nhất của niềm tin xã hội chủ nghĩa là sự nhận thức đúng đắn các quy luật phổ biến và quy luật đặc thù trong sự phát triển của tự nhiên cũng như xã hội, trên cơ sở đó “thấm nhuần chân lý các nguyên lý lý luận, sẵn sàng chứng minh, bảo vệ chân lý trong bất kỳ hoàn cảnh nào; là thái độ nhất quán giữa nhận thức chân lý và hành động theo chân lý, giữa lời nói và việc làm, dù có phải hy sinh cả tính mạng của mình cũng kiên quyết bảo vệ chân lý”(4).
Thanh niên Việt Nam là những người trẻ, khỏe, năng động, trí tuệ, sáng tạo, tiếp nhận và ứng dụng nhanh tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào học tập, rèn luyện, phục vụ công việc, có nhiều đam mê, khát vọng, có mục đích, động cơ phấn đấu vươn lên không ngừng; mong muốn được cống hiến, khẳng định mình. Thực tiễn lịch sử từ khi có Đảng ra đời đã chứng minh mục tiêu, lý tưởng, niềm tin xã hội chủ nghĩa của thanh niên. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, “thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc, rường cột của quốc gia. Thanh niên có mạnh thì dân tộc mới mạnh; trong sức mạnh của dân tộc có sức mạnh của thanh niên. Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, thanh niên luôn nêu cao truyền thống yêu nước, chí khí anh hùng, bất khuất của dân tộc, hăng hái đi tiên phong trên mọi lĩnh vực, có nhiều cống hiến to lớn vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước”(5).
Với đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng, mong muốn của các tầng lớp nhân dân, giương cao ngọn cờ độc lâp dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã tập hợp, đoàn kết đông đảo các tầng lớp nhân dân, trong đó có lực lượng thanh niên tham gia vào Mặt trận Dân tộc thống nhất. Theo tiếng gọi của non sông đất nước, lớp lớp các thế hệ thanh niên đã nối tiếp nhau nô nức lên đường kháng chiến, với tinh thần, khí thế hừng hực niềm tin vào ngày toàn thắng của cách mạng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Thanh niên Việt Nam đã không quản khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, thậm chí sẵn sàng hy sinh cả tính mạng cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân. Mục tiêu, niềm tin xã hội chủ nghĩa đã trở thành động lực mạnh mẽ thôi thúc thanh niên hành động, dâng hiến cuộc đời và tuổi thanh xuân cho dân tộc. Niềm tin xã hội chủ nghĩa đã định hướng và thôi thúc trái tim, sự nhiệt huyết cháy bỏng của thanh niên, giúp họ vượt qua muôn vàn sóng to, gió lớn, vững bước đi qua “mưa bom, bão đạn” của kè thù. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Lịch sử của dân tộc và của Đảng ta đã ghi nhận và đánh giá cao các phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, như “Cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh”, “Tòng quân giết giặc lập công trong kháng chiến chống Pháp; “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong” trong kháng chiến chống Mỹ”(6)…
Kế thừa truyền thống tốt đẹp của thế hệ cha anh, trong giai đoạn hiện nay, thanh niên Việt Nam không ngừng đổi mới sáng tạo, bắt nhịp nhanh với thời cuộc, phát huy tốt tinh thần xung kích của tuổi trẻ trên các mặt hoạt động của đời sống xã hội. Sau hơn 35 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta “chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(7). Điều này đã góp phần quan trọng vào việc củng cố, bồi đắp niềm tin về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cho thanh niên. Những phong trào lớn của thanh niên, như: “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Thanh niên tình nguyện”… khơi dậy ý khí, khát vọng vươn lên của thanh niên; thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới, tiếp sức mùa thi…, đặc biệt là trong phòng, chống đại dịch COVID - 19 vừa qua, đã chứng minh tinh thần, trách nhiệm và ý thức chính trị của thanh niên. Nhiều mô hình, cách làm sáng tạo của đoàn viên, thanh niên trong phòng, chống dịch, như: shipper tình nguyện, đi chợ giúp dân, triệu bữa cơm, san sẻ yêu thương - chung tay vượt qua đại dịch, triệu ly sữa và hành trình của những cuốn sách…; nhiều thanh niên trong lực lượng vũ trang không màng đến sự hiểm nguy để cứu người gặp nạn; trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, thanh niên luôn là lực lượng xung kích đi đầu... Nhiều thanh niên là những chủ doanh nghiệp trẻ thành công trong ứng dụng khoa học và công nghệ; tích cực giải quyết việc làm cho các bạn cùng trang lứa, như: trang thông tin kết nối tình nguyện và khởi nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh, livestream trực tuyến trên trang fanpage của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên ở tỉnh Bắc Ninh. “Thông qua hoạt động thực tiễn, tổ chức đoàn và mặt trận tập hợp, đoàn kết thanh niên không ngừng được xây dựng, củng cố, mở rộng… Đã có hàng triệu thanh niên tiên tiến được đứng vào hàng ngũ của Đoàn và hàng vạn đoàn viên, thanh niên ưu tú được kết nạp vào Đảng; góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang và niềm tự hào về thế hệ trẻ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới”(8).
Bồi dưỡng niềm tin về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cho thanh niên
Trong cuốn sách, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước”(9). Theo đó, bồi dưỡng niềm tin về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cho thanh niên là toàn bộ hoạt động giáo dục, rèn luyện của lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị, địa phương và sự tự tu dưỡng, rèn luyện của thanh niên, nhằm làm phong phú thêm tri thức, giáo dục, xây dựng tư tưởng, tình cảm và rèn luyện ý chí của thanh niên để họ luôn có niềm tin xã hội chủ nghĩa vững chắc, góp phần hình thành, phát triển phẩm chất, nhân cách cho thanh niên, xứng đáng là lực lượng kế cận sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng.
Trong giai đoạn hiện nay, bồi dưỡng niềm tin về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cho thanh niên đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Cùng với quá trình hội nhập quốc tế, nhiều luồng văn hóa, tư tưởng, lối sống… từ bên ngoài thiếu lành mạnh xâm nhập vào nước ta, trong đó có những tư tưởng phi mác-xít, thói chuộng các giá trị phương Tây… làm lệch lạc suy nghĩ, phai nhạt lý tưởng cộng sản của thanh niên. Các phương tiện truyền thông xã hội với thông tin đa chiều, thật - giả lẫn lộn, gây nhiễu loạn truyền thông, làm cho thanh niên mất phương hướng trong việc phân biệt, ứng xử thông tin, bị tác động bởi những luồng thông tin xuyên tạc về chủ nghĩa xã hội. Cùng với đó, các thế lực thù địch, phản động ra sức tuyên truyền, chống phá cách mạng Việt Nam, dụ dỗ, lôi kéo một số thanh niên tham gia vào các hoạt động “diễn biến hòa bình”. Đặc biệt, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tham nhũng, tiêu cực ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và hệ thống chính trị các cấp, nhất là người đứng đầu, có chức vụ ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương gây bức xúc, giảm sút niềm tin của nhân dân, trong đó có thanh niên.
Bên cạnh đó, hoạt động bồi dưỡng niềm tin về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội cho thanh niên ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được chú trọng, chưa có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức, biện pháp; công tác quản lý, giáo dục, bồi dưỡng giá trị, phẩm chất tốt đẹp của văn hóa, con người Việt Nam có lúc, có nơi chưa thường xuyên. Một bộ phận không nhỏ thanh niên phai nhạt mục tiêu, lý tưởng, mơ hồ về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; thiếu động cơ phấn đấu vươn lên, ngại khó, ngại khổ, ngại rèn luyện; sống thờ ơ, bàng quan, không quan tâm đến vấn đề chính trị - xã hội của đất nước; sống thực dụng, sính ngoại, buông thả, chạy theo thị hiếu, trào lưu xã hội nhất thời, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục… Xu hướng trẻ hóa tội phạm trong thanh niên vi phạm pháp luật, như cờ bạc, nghiện hút, buôn ma tuý, cướp của, giết người… đang có xu hướng gia tăng. Theo thống kê của Bộ Công an, giai đoạn 2018 - 2020, cả nước đã ghi nhận 10.786 vụ người chưa thành niên vi phạm pháp luật, với 16.583 đối tượng có liên quan. Trong đó, nữ giới chiếm 5%, nam giới chiếm đến 95%. Riêng năm 2020, các cơ quan chức năng đã xử lý 4.262 vụ, với hơn 6.500 đối tượng phạm pháp (10).
Thực tế đó càng đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ phải tăng cường bồi dưỡng đạo đức, lối sống, lý tưởng, niềm tin về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay.
Một số giải pháp bồi dưỡng niềm tin về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay
Một là, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho thanh niên.
Việc giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc sẽ giúp cho thanh niên thấy được vinh dự, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với đất nước, với sự hy sinh của lớp lớp thế hệ đi trước cho đất nước, từ đó thẩm thấu một các tự giác niềm tin của thế hệ trẻ về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Tiếp tục kiên trì, coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, học tập, nghiên cứu và vận dụng chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống”(11). Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ đoàn các cấp cần làm tốt công tác quản lý, giáo dục, bồi dưỡng thanh niên thông qua các hoạt động thực tiễn cụ thể, thiết thực, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ ở cơ quan, đơn vị, địa phương và trình độ nhận thức của thanh niên; tích cực, chủ động đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn và nhu cầu, tâm lý của giới trẻ hiện nay; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục truyền thống với phương pháp hiện đại, giữa giáo dục, thuyết phục, nêu gương với biện pháp hành chính, giữa tôn trọng nhân cách cá nhân với đặt ra yêu cầu ngày càng cao trong rèn luyện, từng bước hoàn thiện phẩm chất, nhân cách của mỗi người thanh niên.
Hai là, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, phát hiện, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão của thanh niên.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Thực hiện những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội. Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hoá Việt Nam”(12). Theo đó, công tác chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng, phát triển thanh niên phải đi vào thực chất, bền vững, dựa trên “kiềng ba chân” gia đình, nhà trường và xã hội, gắn kết với nhau trong các khâu, các bước giáo dục, bồi dưỡng thanh niên, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của gia đình: “Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ”(13).
Ba là, chú trọng xây dựng môi trường văn hoá thật sự trong sạch, lành mạnh, dân chủ, thấm đẫm giá trị nhân văn sâu sắc để thanh niên phát triển.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Cần chú ý xây dựng môi trường, điều kiện học tập, rèn luyện, lao động, giải trí để thanh niên phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hoà cả về thể lực, trí lực và tâm hồn”(14). Môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh, dân chủ, thấm đẫm giá trị nhân văn sâu sắc có ý nghĩa rất quan trọng để thanh niên phát triển. Môi trường đó là những mối quan hệ xã hội, các điều kiện tự nhiên, các điều kiện bảo đảm cho quá trình sinh sống, làm việc của thanh niên… Đây là những tác nhân, điều kiện ảnh hưởng rất lớn đến quá trình chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng, phát triển của thanh niên; môi trường không thuận lợi sẽ cản trở sự phát triển của thanh niên, ngược lại, nếu môi trường thuận lợi sẽ kích thích, tạo động lực để thanh niên công tác, làm việc theo đúng năng lực, sở trường, thế mạnh, thúc đẩy họ không ngừng phấn đấu vươn lên. Cần phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, đề cao tinh thần nêu gương của mỗi người, xây dựng môi trường dân chủ, đoàn kết, thương yêu, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau.
Bốn là, phát huy tính tích cực, chủ động trong tự bồi dưỡng, tự rèn luyện của thanh niên, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh: “Bản thân mỗi thanh niên phải luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn, giản dị, cầu tiến bộ; bồi dưỡng tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn”(15). Mỗi thanh niên thường xuyên tự phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt, tránh xa cạm bẫy của tệ nạn xã hội, rèn luyện bản lĩnh vững vàng, đạo đức trong sáng, biết “tự soi”, “tự sửa” hằng ngày, để ngày càng tiến bộ; khắc phục tư tưởng ngại khó, ngại khổ, ngại rèn luyện ở mỗi thanh niên; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám chịu đựng khó khăn, gian khổ và dám chịu trách nhiệm với hành động, việc làm của mình.
Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp thêm sức mạnh, niềm tin sâu sắc về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, để thanh niên Việt Nam vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, tự tin “tay cầm cờ sao vàng tiến lên”(16), “góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, xứng đáng với kỳ vọng và niềm tin yêu của Đảng, Bác Hồ và nhân dân cả nước đối với thế hệ trẻ”(17)./.
----------------------------
(1), (5), (6), (8), (9), (11), (14), (15), (17): Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 22, 307, 307, 309, 310, 312, tr.312 - 313, 312, 314
(2) V.I.Lê-nin, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t. 6, tr. 165
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 6, tr. 361
(4) Nguyễn Đức Tiến: Mối quan hệ giữa điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan trong phát triển lý tưởng xã hội chủ nghĩa ở thanh niên quân đội nhân dân Việt Nam, Luận án Tiến sĩ triết học, Hà Nội, 1998
(7), (12), (13): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 25, 143, 144
(10) Thái Yên: “Báo động tình trạng vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên”, báo Đại biểu nhân dân điện tử, ngày 11-11-2021, https://daibieunhandan.vn/dieu-tra-theo-don-thu/Bao-dong-tinh-trang-vi-pham-phap-luat-trong-thanh-thieu-nien-i276723/
(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 66
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về “lấy dân làm gốc” trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay  (14/11/2022)
Thanh niên Việt Nam: Nguồn nhân lực thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp  (04/10/2022)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm