Phát huy sức mạnh nhân tố tinh thần trong bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trước tác động của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay
TCCS - Nhân tố tinh thần có vai trò to lớn trong sức mạnh tổng hợp của mỗi quốc gia trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước nói chung, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia nói riêng. Đối với Việt Nam, vai trò đó đã được khẳng định và chứng minh trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Do đó, phát huy sức mạnh nhân tố tinh thần trở thành một trong những vấn đề có tính quy luật, quy tụ sức mạnh đất nước, con người Việt Nam trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biên giới lãnh thổ đất nước.
Quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế tác động đến việc phát huy nhân tố tinh thần trong bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, nhân tố tinh thần là một trong những cội nguồn sức mạnh to lớn để dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chống chọi với thiên tai, địch họa, giữ vững bờ cõi và chủ quyền đất nước. Tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải quyết giành cho được độc lập”(1) của dân tộc ta đã làm nên những chiến công hiển hách, được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Chính sức mạnh nhân tố tinh thần là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc, là giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, tạo nên động lực cho toàn bộ tiến trình dựng nước và giữ nước.
Phát huy sức mạnh nhân tố tinh thần của nhân dân và quân đội, đặc biệt là bộ đội biên phòng trong bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia là một trong những vấn đề có tính quy luật đã được chứng minh qua thực tiễn lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc ta. Biên giới là nơi xa xôi, hẻo lánh, rừng thiêng, nước độc, nhưng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, được ví như “phên giậu” của quốc gia. Để giữ vững biên cương, giữ vững từng thước núi, con sông, từng tấc đất, sải biển thiêng liêng của Tổ quốc, các triều đại phong kiến Việt Nam luôn lựa chọn những tướng lĩnh tài giỏi, trung kiên nhất trấn giữ nơi biên ải, vừa đề ra chính sách “biên viễn” để khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc của quân lính và nhân dân biên giới, vừa đề ra các điều luật nghiêm khắc để trừng phạt những kẻ để mất đất đai, sông núi của đất nước. Nhưng luật pháp đôi khi chỉ có tính răn đe, giữa núi rừng, biên giới xa xôi, hẻo lánh, không luật pháp nào có thể kiểm soát tốt hơn hành động của những người trấn ải biên cương bằng chính lương tâm, trách nhiệm và bổn phận của họ đối với đất nước, dân tộc. Muốn có những con người kiên trung trấn ải nơi biên cương, cần phải khơi dậy sức mạnh tinh thần, khơi dậy lòng trung thành và tận tụy, ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn, gian khổ, cám dỗ để làm tròn trách nhiệm, bổn phận với Tổ quốc, dân tộc.
Ngày nay, trước tác động của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, phát huy sức mạnh nhân tố tinh thần có vai trò quan trọng, đặc biệt là đối với cán bộ, chiến sĩ quân đội và nhân dân vùng biên giới, bởi những lý do sau:
Thứ nhất, tình hình thế giới và trong nước hiện nay biến động nhanh chóng, khó lường, đang đặt ra những yêu cầu, đặc điểm mới trong việc bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, đòi hỏi những người thực thi nhiệm vụ cũng phải luôn có sự rèn luyện, bồi đắp, nuôi dưỡng nhân tố tinh thần để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Nói về sức mạnh nhân tố tinh thần, V.I. Lê-nin đã từng chỉ rõ: “Trong mọi cuộc chiến tranh rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường. Lòng tin vào cuộc chiến tranh chính nghĩa, sự giác ngộ rằng, cần phải hy sinh đời mình cho những người anh em là yếu tố để nâng cao tinh thần của binh sĩ và làm cho họ chịu được khó khăn chưa từng thấy”(2). Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định, sức mạnh tinh thần của quân và dân ta là một trong những yếu tố cơ bản quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam, vì “không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc”(3).
Thứ hai, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, bảo vệ chủ quyền biên giới đang chịu tác động mạnh mẽ của hàng loạt yếu tố thử thách tinh thần, ý chí của nhân dân và quân đội của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam, đó là: 1- Xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ làm cho các quốc gia, dân tộc xích lại gần nhau, nhưng cũng làm gia tăng sự ảnh hưởng, phụ thuộc vào nhau, “biên giới mềm” dần thay thế, làm xóa nhòa ranh giới của “biên giới cứng”, phá vỡ hàng rào ngăn cách giữa các nước, dẫn đến “phai mờ dần các đường biên giới quốc gia”(4), làm gia tăng nguy cơ đe dọa đến chủ quyền, an ninh của các quốc gia. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, tài nguyên, nguy cơ xung đột vũ trang, xung đột sắc tộc, tôn giáo đòi hỏi nhân dân, quân đội phải tỉnh táo, chủ động đối phó, ngăn chặn; 2- Những thách thức nảy sinh từ các vấn đề an ninh phi truyền thống mang tính cấp bách toàn cầu, như chủ nghĩa khủng bố, an ninh tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh môi trường, an ninh thông tin, an ninh xã hội, an ninh con người, biến đổi khí hậu, tội phạm buôn lậu ma túy, tội phạm công nghệ cao, tội phạm xuyên quốc gia (buôn lậu vũ khí, ma túy, rửa tiền, buôn bán người, cướp biển), đói nghèo, di dân tự do, thiên tai, dịch bệnh, nhất là dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp; 3- Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển như vũ bão, tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực quân sự, quốc phòng, với sự xuất hiện của hàng loạt vũ khí công nghệ cao, vũ khí thông minh thế hệ mới, độ chính xác cao, tốc độ nhanh, tầm bắn rộng, sức hủy diệt lớn… Để đối phó với chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao, đòi hỏi phải nâng cao ý chí quyết tâm và khả năng tác chiến của quân đội; 4- Những căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến xung đột giữa các bên cùng tuyên bố chủ quyền, điều này sẽ tác động rất lớn đến các tuyến biên giới đất liền. Ngoài ra, những biến động về chính trị, kinh tế, xã hội của các nước láng giềng cũng ảnh hưởng nhất định đến khu vực biên giới, làm tình hình khu vực này thêm phức tạp.
Thứ ba, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế luôn nảy sinh những vấn đề cần xử lý, như mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; nguy cơ lệ thuộc vào bên ngoài, lệ thuộc kinh tế dẫn đến lệ thuộc về chính trị; sự xâm lăng văn hóa, sự xâm nhập của các phản giá trị không phù hợp với đất nước… Mặt khác, quá trình giao lưu, hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa, du lịch, phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ở nước ta, nhất là ở khu vực biên giới làm cho lưu lượng người, phương tiện và hàng hóa qua lại biên giới ngày càng lớn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhưng lại phát sinh những mâu thuẫn mới có thể gây mất ổn định xã hội. Do đó, bên cạnh yêu cầu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, cần bảo vệ, chống sự mai một, xói mòn các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại phải đi đôi với bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ở khu vực biên giới; bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc; chống buôn lậu và gian lận thương mại qua biên giới, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm; bảo vệ môi trường, nguồn tài nguyên, nhân lực, vật lực của đất nước; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh...; bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trong điều kiện còn nhiều tranh chấp, bất đồng, giữ vững môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển trong quan hệ với chính phủ và nhân dân các nước ở khu vực biên giới.
Giải quyết và ứng phó với các vấn đề trên đòi hỏi nhân dân và bộ đội biên phòng phải đề cao cảnh giác, có kiến thức toàn diện và tinh thần quyết tâm cao, phát huy sức mạnh nhân tố tinh thần để giữ vững độc lập, tự chủ và chủ quyền quốc gia, dân tộc, thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Một số giải pháp phát huy sức mạnh nhân tố tinh thần trong bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia hiện nay
Sức mạnh nhân tố tinh thần trong bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia là sức mạnh nhân tố tinh thần của toàn dân, trong đó sức mạnh nhân tố tinh thần của bộ đội biên phòng là nòng cốt, được hình thành trên cơ sở nhận thức đúng đắn, tình cảm cao đẹp, niềm tin vững chắc vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Sức mạnh ấy thể hiện ở sự đồng tâm, nhất trí của toàn dân, toàn quân; thể hiện ở bản lĩnh, ý chí quyết tâm, tinh thần chịu đựng khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh lợi ích bản thân mình để bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Để tạo nên và không ngừng bồi đắp, phát huy sức mạnh đó, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho nhân dân, các ban, ngành, đoàn thể địa phương, cán bộ, chiến sĩ quân đội ở khu vực biên giới về yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay.
Nội dung tuyên truyền, giáo dục tập trung vào lịch sử truyền thống hào hùng của dân tộc, đặc biệt là truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, tinh thần độc lập, tự chủ, tự hào, tự tôn dân tộc; ý chí kiên cường, bất khuất, sáng tạo của con người Việt Nam; các chỉ thị, nghị quyết, các chủ trương, chương trình, kế hoạch của các cấp liên quan đến bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; các hiệp định, nghị định thư về biên giới đã ký kết giữa Việt Nam và các nước có chung đường biên giới; các quy chế về khu vực biên giới; ý thức chủ quyền biên giới quốc gia. Giáo dục hệ thống pháp luật về biên giới quốc gia, nhất là Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam. Nâng cao nhận thức về tác động mang tính hai mặt của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, các thách thức của an ninh phi truyền thống đến bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia đến mỗi người dân và cán bộ, chiến sĩ ở khu vực biên giới nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Hai là, củng cố niềm tin của nhân dân, của cán bộ, chiến sĩ quân đội và bộ đội biên phòng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc ở khu vực biên giới.
Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng an ninh trên từng vùng lãnh thổ, trên các địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo”(5) và “xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(6). Trong giai đoạn hiện nay, niềm tin của nhân dân, quân đội và bộ đội biên phòng được hình thành dựa trên những thành tựu trong xây dựng và phát triển đất nước nói chung, phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới nói riêng. Do đó, bên cạnh công tác giáo dục, nâng cao nhận thức về mọi mặt, bồi đắp lý tưởng cách mạng, cần đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân khu vực biên giới; quan tâm, chăm lo đời sống của cán bộ, chiến sĩ, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, làm cho người dân và cán bộ, chiến sĩ yên tâm gắn bó với địa bàn biên giới. Cùng với đó, cần đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân, vì dân, tạo cơ sở động lực để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Ba là, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sức mạnh của truyền thống yêu nước và niềm tự hào dân tộc trở thành ý thức, trách nhiệm và hành động thực tế trong bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.
Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân đối với nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc”(7) và “xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”(8).
Truyền thống yêu nước, tinh thần dân tộc là yếu tố cơ bản, quyết định nhất tạo ra sức mạnh tinh thần to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia nói riêng. Lòng yêu nước, tinh thần dân tộc là cơ sở để hình thành nên ý thức bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia và bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, thể hiện ở tình yêu mãnh liệt đối với Tổ quốc, coi độc lập, chủ quyền của Tổ quốc là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, nguyện cống hiến hết sức lực và trí tuệ của mình cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, coi đó là mục tiêu, lý tưởng, lẽ sống và giá trị đạo đức của công dân và quân nhân ở khu vực biên giới.
Bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trong tình hình mới đòi hỏi phải biết phát huy lòng yêu nước nồng nàn, ý thức tự hào dân tộc của mỗi người dân, tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn, giúp cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Lòng yêu nước sâu sắc, ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia sẽ định hướng giá trị cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân xử lý chính xác, nhanh nhạy mọi quan hệ và tình huống trên biên giới theo tinh thần bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc.
Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu vực biên giới, tăng cường hợp tác quốc tế.
Củng cố, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu vực biên giới là cơ sở quan trọng để phát huy sức mạnh nhân tố tinh thần của toàn dân trong bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Những bài học lịch sử về xây dựng thế nước cường thịnh, trên dưới đồng lòng trên cơ sở củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động sức mạnh của toàn thể dân tộc trong bảo vệ biên giới, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, kết hợp sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế có giá trị đặc biệt đối với quá trình bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc dựa vào dân, thực hiện tốt công tác vận động quần chúng tạo nền tảng xây dựng “thế trận lòng dân” gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc; thiết lập thế trận an ninh liên hoàn bên trong với bên ngoài biên giới quốc gia và trên không gian mạng; đặc biệt coi trọng an ninh mạng”(9).
Trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, sức mạnh nhân tố tinh thần không chỉ được hình thành từ các yếu tố trong nước, mà còn được hình thành từ các yếu tố quốc tế. Vì vậy, cần tăng cường hợp tác và đoàn kết quốc tế để tạo nền tảng huy động sức mạnh vật chất, tinh thần từ sự giúp đỡ, ủng hộ của quốc tế đối với việc quản lý, khai thác và bảo vệ chủ quyền hợp pháp của Việt Nam. Điều này cũng được thể hiện rõ trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đó là: “Tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh… Chủ động phối hợp với các quốc gia bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống, tạo vành đai an ninh bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”(10). Tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta có ý nghĩa to lớn đối với xây dựng và phát huy sức mạnh nhân tố tinh thần của nền quốc phòng toàn dân nói chung và sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia nói riêng.
Năm là, nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng bộ đội biên phòng.
Xây dựng lực lượng bộ đội biên phòng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số bộ phận tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trước tác động của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Bởi lẽ, đây là lực lượng chuyên trách thực thi nhiệm vụ biên phòng làm nòng cốt cho nhân dân và các lực lượng khác ở khu vực biên giới tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Cần xây dựng lực lượng bộ đội biên phòng vững mạnh về mọi mặt, trong đó chú trọng xây dựng về tư tưởng, chính trị, đạo đức, có tinh thần trách nhiệm và ý chí quyết tâm cao trong bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, có sức đề kháng trước các tác động tiêu cực của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Phát huy truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới, tạo nền tảng để phát huy sức mạnh nhân tố tinh thần của bộ đội biên phòng trong bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia hiện nay./.
-------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 534
(2) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, t. 32, tr. 147
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 89
(4) Phan Văn Rân, Nguyễn Hoàng Giáp: Chủ quyền quốc gia dân tộc trong xu thế toàn cầu hóa, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2010, tr. 8
(5), (6), (7), (8), (9), (10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 278, 172, 161, 116, 280, 281
Lực lượng dân quân tự vệ Quảng Ninh góp phần giữ vững an ninh biên giới  (16/12/2021)
Mô hình phát triển cho các khu kinh tế cửa khẩu: Bối cảnh mới, những vấn đề đặt ra và một vài gợi ý  (15/04/2021)
Bàn về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng hiện nay  (16/12/2020)
Chung sức xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh  (07/11/2020)
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên