Để góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và phòng, chống ùn tắc giao thông

Tạ Thanh Tình
Chi cục trưởng Chi cục Đường bộ 3, Tổng cục Đường bộ, Bộ Giao thông vận tải
16:01, ngày 04-12-2021

TCCS - Trong giai đoạn 2015 – 2020, tình hình trật tự, an toàn giao thông ở nước ta có chuyển biến tích cực. Tai nạn giao thông giảm sâu trên cả 3 tiêu chí số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương. Trên địa bàn cả nước xuất hiện nhiều mô hình thanh tra giao thông hoạt động có hiệu quả. Vì vậy, việc đánh giá tình hình, kết quả bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và đề xuất các giải pháp tăng cường năng lực lực lượng thanh tra giao thông nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và phòng chống ùn tắc giao thông trong thời gian tới có ý nghĩa quan trọng.

Lực lượng thanh tra giao thông trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

Tại Điều 86, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về thanh tra đường bộ. Theo đó, thanh tra giao thông là lực lượng thanh tra thuộc Bộ Giao thông vận tải, thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ công trình giao thông, an toàn giao thông, vận tải và xử lý các hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ công trình giao thông và an toàn giao thông vận tải đối với các cơ quan, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và mọi công dân; kể cả tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Ngoài ra, Thông tư số 02/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định thanh tra giao thông được yêu cầu dừng xe để kiểm tra, xử phạt trong một số trường hợp khi thi hành công vụ.

Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tính đến ngày 13-11-2020, tổng số cán bộ làm công tác thanh tra ngành giao thông của cả nước có 3.412 người, gồm: thanh tra Bộ Giao thông vận tải có 35 người, Tổng cục Đường bộ Việt Nam 200 người, Cục Đường sắt Việt Nam: 64 người, Cục Đường thủy nội địa: 76 người, Cục Hàng hải: 51 người, Cục Hàng không: 23 người và 2.963 người là thanh tra của 63 sở giao thông vận tải. Trong đó, về nghiệp vụ của lực lượng thanh tra giao thông, có 1.748 cán bộ được cấp thẻ thanh tra (chiếm 51,23%), 247 cán bộ được cấp thẻ công chức thanh tra chuyên ngành (chiếm 7,24%) và 1.417 cán bộ được cấp thẻ kiểm tra (chiếm 41,53%). Về trình độ của lực lượng thanh tra giao thông, hiện nay có 112 cán bộ có trình độ sau đại học (chiếm 3,28%); 1.785 cán bộ có trình độ đại học (chiếm 52,32%); 1.515 cán bộ có trình độ trung học (chiếm 44,4%). Về giới tính, lực lượng thanh tra giao thông có 2.898 cán bộ là nam giới (chiếm 84,94%); 514 cán bộ là nữ giới (chiếm 15,06%). Về độ tuổi, có 335 cán bộ của lực lượng thanh tra giao thông trên 50 tuổi (chiếm 9,83%); từ 35 tuổi đến 50 tuổi có 1.438 cán bộ (chiếm 42,15%); từ 30 tuổi trở xuống có 1.639 cán bộ (chiếm 48,04%).

Lực lượng thanh tra giao thông tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông_Ảnh: TTXVN

Tính đến tháng 12-2020, cả nước có 24.866km đường quốc lộ (bao gồm các tuyến đường chính, tuyến đường tránh, các tuyến đường gom...); 28.124km đường tỉnh; 57.032km đường huyện; 159.082km đường xã và 8.045km đường chuyên dùng và 1.009 km đường cao tốc; hành lang an toàn giao thông đường bộ hiện có 14.820 vị trí đấu nối vào quốc lộ. Chỉ tính riêng quốc lộ 1 chạy qua 31 tỉnh, thành phố đã có 5.666 công trình xây dựng trong đất hành lang an toàn giao thông đường bộ, trong đó có 194 khu công nghiệp, 2.101 khu dân cư, 1.088 cửa hàng xăng dầu, 2.363 công trình khác. Cả nước có 252 “điểm đen” về tai nạn giao thông đường bộ trên các tuyến đường quốc lộ.

Giai đoạn 2015 - 2020, dân số, nhu cầu đi lại và phương tiện giao thông cơ giới ở nước ta tăng nhanh (so với giai đoạn 2011 - 2015, mô tô tăng khoảng 50% và ô tô tăng khoảng 58%). Thống kê của Bộ Công an năm 2019 cho thấy, cả nước có trên 4 triệu xe ô tô và trên 62 triệu xe máy; cao gấp 49 lần năm 1990. Tuy nhiên, tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí (số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương). Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, toàn quốc xảy ra hơn 94.000 vụ tai nạn giao thông khiến hơn 39.900 người thiệt mạng, hơn 77.400 người bị thương, so với giai đoạn 2011 - 2015 giảm hơn 70.000 vụ tai nạn giao thông (42,71%), số người chết giảm hơn 9.300 người (19,01%) và số người bị thương giảm hơn 90.600 người (53,91%). Đặc biệt, năm 2020, tai nạn giao thông giảm sâu nhất trong vòng 10 năm qua ở cả 3 tiêu chí và lần đầu tiên số người chết do tai nạn giao thông giảm xuống dưới 7.000 người/ năm.

Để đạt được kết quả khả quan trên, trước hết do sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và quyết liệt của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Kết luận số 45-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, tập trung đôn đốc các bộ, ngành và địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đặc biệt, năm 2019, Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; ngay sau đó Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt với mức phạt nặng các vi phạm có nguy cơ gây tai nạn giao thông, nhất là vi phạm nồng độ cồn và chỉ đạo ra quân thực hiện nghiêm, đã tạo được sự chuyển biến rõ rệt về ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, nhận được sự đồng tình của nhân dân.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông được các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Công an, ngành giáo dục, y tế, các cơ quan báo chí, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai đồng bộ với nhiều cách làm sáng tạo, lan tỏa sâu rộng thông điệp về an toàn giao thông. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật về an toàn giao thông được Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương quan tâm chỉ đạo, tập trung xử lý nghiêm những vi phạm gây tai nạn giao thông.

Giai đoạn 2016 - 2020, Thanh tra Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các lực lượng thanh tra chuyên ngành của Tổng cục Đường bộ, các cục và các sở giao thông vận tải thực hiện gần 479.000 cuộc thanh tra, kiểm tra; xử phạt vi phạm hành chính hơn 447.400 vụ với số tiền hơn 1.958 tỷ đồng. Năm 2020 (tính từ ngày 16-12-2019 đến ngày 18-11-2020), lực lượng thanh tra giao thông đã xử phạt vi phạm hành chính gần 61.000 vụ, với số tiền 205,664 tỷ đồng; giám sát 743 kỳ sát hạch lái xe ô tô, 674 kỳ sát hạch lái xe mô tô. Giai đoạn 2016 - 2020, thông qua dữ liệu thu được từ thiết bị giám sát hành trình, các đơn vị chức năng đã xử lý vi phạm của gần 49.000 phương tiện giao thông đường bộ. Riêng lĩnh vực đường bộ, giai đoạn 2016 - 2020, lực lượng thanh tra giao thông đã phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông và các đơn vị chức năng xử lý gần 1.150 điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông (gấp 5 lần so với giai đoạn 2011 - 2015); sơn kẻ 14.500km vạch sơn đường; thay thế, điều chỉnh hơn 20.000 cụm biển báo... Về đường sắt, đã xóa được 480 lối đi tự mở; thu hẹp 1.500 lối đi tự mở; cắm biển cảnh báo tàu hỏa tại hơn 3.000 vị trí; sửa chữa, cải tạo bề mặt gần 2.300 đường ngang các loại, làm gờ giảm tốc; giải tỏa tầm nhìn cho hơn 6.400 đường ngang...

Thanh tra giao thông đã tham mưu với Bộ Giao thông vận tải báo cáo Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương ưu tiên đầu tư, nâng cấp, sửa chữa nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông, xử lý dứt điểm nhiều “điểm đen” về tai nạn giao thông, tạo môi trường giao thông an toàn. Công tác kiểm soát tải trọng phương tiện tiếp tục được lực lượng thanh tra giao thông triển khai quyết liệt. Riêng đường bộ 5 năm qua (2016 - 2020) xử lý hơn 126.300 xe vi phạm, tước gần 45.000 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 1.232 tỷ đồng. Thanh tra Giao thông, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa điều hành vận tải; tiếp tục siết chặt điều kiện kinh doanh vận tải đối với xe khách, xe tải nặng; đẩy mạnh giám sát, xử lý vi phạm từ dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình. Công tác đăng kiểm phương tiện; đào tạo, cấp giấy phép lái xe... được tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc, chống tiêu cực.

Trên toàn quốc xuất hiện nhiều mô hình thanh tra giao thông hoạt động có hiệu quả, như thanh tra giao thông Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra, xử lý phương tiện cơ giới vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn Thành phố; thanh tra giao thông Hà Nội kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng, rác thải sinh hoạt,… trên địa bàn Hà Nội; thanh tra giao thông tỉnh Lạng Sơn kiểm soát, xử lý vi phạm chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện trên địa bàn Lạng Sơn; thanh tra giao thông tỉnh Nam Định điều tra, khảo sát và xử lý được 3 “điểm đen”, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Nam Định  trên tuyến Quốc lộ 10…

Bên cạnh các kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, yếu kém trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông: Tai nạn giao thông tuy có giảm nhưng số người thương vong do tai nạn giao thông gây ra còn ở mức cao; ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, đầu mối giao thông trọng điểm, các đô thị loại 1, đặc biệt là trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh còn phức tạp... Một trong các nguyên nhân của tình hình trên liên quan tới lực lượng thanh tra giao thông là do thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của thanh tra giao thông còn hạn chế; chưa có các quy chế phối hợp với các lực lượng khác; biên chế lực lượng thanh tra giao thông còn thiếu, chủ yếu tập trung ở cấp tỉnh và một số quận của các thành phố lớn; chưa có các chương trình đào tạo chuẩn về nghiệp vụ thanh tra giao thông; trang bị phương tiện nghiệp vụ cho thanh tra giao thông quá còn thiếu, chủ yếu mới có công cụ hỗ trợ và xe cứu hộ, cứu nạn,…

Giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và phòng, chống ùn tắc giao thông thời gian tới

Để tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông, phấn đấu giảm số thương vong do tai nạn giao thông mỗi năm từ 5% đến 10%; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đô thị lớn và trên địa bàn thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn, không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông nói chung, các quy định về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng thanh tra giao thông nói riêng. Thanh tra giao thông cần được quy định cụ thể hơn về thẩm quyền dừng phương tiện giao thông, xử phạt vi phạm hành chính về giao thông vận tải, giải quyết tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, cứu nạn cứu hộ, giám sát quá trình đào tạo và sát hạch lái xe,… Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ nên tiếp tục duy trì lực lượng thanh tra giao thông để thanh tra, giám sát các vi phạm pháp luật về hạ tầng giao thông vận tải, cứu nạn cứu hộ và tham gia giải quyết ùn tắc giao thông.

Thứ hai, lực lượng thanh tra giao thông toàn quốc cần tập trung thực hiện hiệu quả các công tác, kế hoạch trọng điểm về trật tự an toàn giao thông. Triển khai thực hiện Đề án “Chiến lược quốc gia về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” theo hướng ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào các nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông.

Thứ ba, lực lượng thanh tra giao thông phối hợp với cảnh sát giao thông, các cơ quan báo, đài trung ương và địa phương nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị; kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân, tập trung vào các đối tượng học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức và người kinh doanh buôn bán dọc các tuyến đường, tuyến quốc lộ.

Kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân, tập trung vào các đối tượng học sinh, sinh viên_Ảnh: TTXVN

Thứ tư, lực lượng thanh tra giao thông phối hợp tham mưu hiệu quả với lãnh đạo ngành giao thông vận tải nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông vận tải, tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải. Đề xuất các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân theo lộ trình, kiểm soát chặt điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới, đặc biệt là trong các khu vực trung tâm đô thị; giám sát quá trình đào tạo và sát hạch lái xe.

Thứ năm, Bộ Giao thông vận tải, ủy ban nhân dân các cấp đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gắn với duy tu, bảo đảm an toàn giao thông và khai thác có hiệu quả các công trình hạ tầng hiện hữu; nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy. Thanh tra, giám sát và siết chặt quản lý chất lượng các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các dự án trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông; cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Bến Lức - Long Thành, cầu Mỹ Thuận 2; Cảng hàng không quốc tế Long Thành; các dự án nâng cấp đường sắt quốc gia; các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Thứ sáu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với công tác của lực lượng thanh tra giao thông trong quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông, cũng như hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Triển khai Đề án đầu tư lắp đặt camera để giám sát, chỉ huy điều hành giao thông và xử lý vi phạm giao thông trên địa bàn cả nước; trước mắt triển khai thí điểm tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tiến tới triển khai trên toàn quốc từ năm 2022. Bộ Giao thông vận tải xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an toàn giao thông; áp dụng thống nhất việc định danh các khoản thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông; kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính và chia sẻ thông tin với Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thứ bảy, tăng cường biên chế lực lượng thanh tra giao thông, tập trung cho các tỉnh, thành phố lớn, các tỉnh có quá trình đô thị hóa nhanh theo hướng có cán bộ chuyên trách thanh tra giao thông ở cơ quan giao thông vận tải cấp huyện; xây dựng các đề án trang bị phương tiện cho thanh tra giao thông, tập trung trang bị xe ô tô tuần tra, xe ô tô cứu hộ và cứu nạn, xe mô tô, công cụ hỗ trợ, thông tin liên lạc cho cán bộ thanh tra giao thông; tổ chức thường xuyên các lớp đào tạo, tập huấn về pháp luật, ngoại ngữ, tin học, nghiệp vụ chuyên ngành thanh tra giao thông. Tiến tới thành lập các khoa thanh tra giao thông và các chương trình đào tạo cử nhân, sau đại học về thanh tra giao thông tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp giao thông vận tải./.