Bồi dưỡng phương pháp làm việc khoa học cho đội ngũ cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh
TCCS - Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ cần phải có phương pháp làm việc khoa học; việc lớn hay việc nhỏ đều phải được xem xét, nghiên cứu tỉ mỉ, chính xác, xây dựng chương trình, nội dung, kế hoạch, biện pháp sát thực và tổ chức hoạt động thực tiễn một cách khoa học. Phương pháp làm việc khoa học gắn với cuộc đời, sự nghiệp vĩ đại của Người có giá trị định hướng quan trọng trong bồi dưỡng và xây dựng phương pháp làm việc đối với đội ngũ cán bộ hiện nay, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện mới.
Phương pháp làm việc khoa học theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Ngày 5-6-1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc với ý chí, nghị lực phi thường cho hành trình “năm châu bốn biển”, vì mục đích “muốn đi ra ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào tôi sẽ trở về giúp đỡ đồng bào chúng ta”(1). Cuộc hành trình 30 năm với tình cảm yêu nước nồng nàn, ý chí cách mạng sâu sắc, khát vọng cháy bỏng là giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc, cùng tư duy uyên bác của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rèn giũa, tôi luyện và định hình nên phương pháp làm việc khoa học của Người. Đó chính là sự kết hợp giữa tri thức, tình cảm, ý chí và thực tiễn cách mạng với quan điểm biện chứng khoa học trong nhận thức và hoạt động thực tiễn.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước khi thực hiện nhiệm vụ, bất kể việc gì, từ lớn đến nhỏ, người cán bộ đều phải xác định rõ mục đích, nội dung, chương trình, kế hoạch. Người yêu cầu tất cả cán bộ, công chức trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở phải xây dựng kế hoạch làm việc cụ thể, thiết thực, vừa sức; “nội dung một, kế hoạch mười, biện pháp phải hai mươi”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, người cách mạng phải có mục đích và tư tưởng đúng trong công việc thì hành động mới không sai lệch. Người yêu cầu mục đích, kế hoạch trong công việc phải rõ, như “người bắn cung phải hướng đích”. Kế hoạch làm việc phải cụ thể, sát thực, có trọng tâm, trọng điểm, không chung chung, dàn trải và phải có sự phân công trách nhiệm cụ thể. Người nhấn mạnh: “Cách mạng cũng như một bộ máy, phải có phân công, người làm việc này, người làm việc khác, nhưng việc nào cũng cần thiết, cũng quan trọng”(2). Những quan điểm trên đã tạo nên những giá trị đặc sắc về phương pháp luận trong hoạt động thực tiễn, đó là tính mục đích, tính sát thực, khoa học của chương trình, kế hoạch và thực hành sáng tạo, làm đến nơi đến chốn trong thực hiện các nhiệm vụ.
Theo Người, làm việc khoa học là phải giờ nào, việc ấy, chấp hành đúng giờ giấc, biết tôn trọng thời giờ của người khác, tránh lối làm việc tùy tiện, “được chăng hay chớ”, “bạ đâu hay đó”. Phong cách làm việc khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn được biểu hiện ở chỗ: Khi làm xong một công việc, dù thành công hay thất bại, đều phải tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm để khắc phục sai lầm, khuyết điểm, thực hiện các nhiệm vụ được tốt hơn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở, cán bộ, đảng viên phải thường xuyên đi sâu thực tế, bám sát cơ sở, nắm chắc toàn diện tình hình, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, lắng nghe ý kiến và học hỏi kinh nghiệm của nhân dân. Người yêu cầu cán bộ phải sâu sát, nắm tới “cái ăn, cái mặc”; nắm tâm tư, nguyện vọng, niềm vui, nỗi buồn của nhân dân; muốn vậy, cán bộ ở cơ quan hay ở cơ sở phải luôn cụ thể, tỉ mỉ, phải kết hợp giữa “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh”(3). Người đã nghiêm khắc phê phán các cán bộ tự coi mình là “quan cách mạng”, “quan nhân dân”, quan liêu, mệnh lệnh, xa rời nhân dân. Cán bộ cần thực hiện “lời nói đi đôi với việc làm”; phương pháp cơ bản trong tuyên truyền, vận động cách mạng là “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(4); phải biết đặt lợi ích tập thể, lợi ích giai cấp lên trên lợi ích cá nhân. Người viết: “Nhất là đối với chữ CẦN, chữ KIỆM, chữ HY SINH, chữ CÔNG BẰNG thì các bạn phải thực hành trước, phải làm gương cho dân chúng theo”(5). Hệ thống triết lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị đặc biệt về phương pháp luận, đặc biệt là tính thống nhất biện chứng trong nhận thức và hành động, giữa lý luận và thực tiễn, nói đi đôi với làm, gần dân, sát dân, nêu gương trong công việc hằng ngày.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân sinh động, là tấm gương sáng ngời về phương pháp làm việc khoa học, khách quan, dân chủ, trung thực, sáng tạo. Đặc biệt, Người cũng rất quan tâm đến công việc bồi dưỡng, rèn luyện phương pháp, tác phong làm việc khoa học cho đội ngũ cán bộ để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó.
Hiện nay, cùng với việc đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc cũng đặt ra đòi hỏi cao về phẩm chất và năng lực ở đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, cùng với những ưu điểm, thì đội ngũ cán bộ hiện nay vẫn còn những hạn chế về phẩm chất, năng lực, trong đó có phương pháp làm việc. Ở một số cán bộ cấp chiến lược vẫn còn có những biểu hiện giáo điều, lý luận không gắn với thực tiễn, nói không đi đôi với làm,... Cán bộ cơ sở không đồng đều về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chưa nắm vững khoa học - công nghệ hiện đại để áp dụng vào thực tiễn công tác. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, trong đó có công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn một số hạn chế, nặng về lý thuyết, thiếu cập nhật kiến thức và kỹ năng lãnh đạo thực tiễn... Trước thực trạng trên, Đảng ta đã xác định một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII là: “Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”(6). Đội ngũ cán bộ cần được thường xuyên bồi dưỡng phương pháp làm việc khoa học theo tư tưởng Hồ Chí Minh; qua đó, làm cơ sở trực tiếp để xây dựng phương pháp công tác cụ thể cho hoạt động của cán bộ các cấp. Bởi lẽ, dù người cán bộ có tri thức, trình độ lý luận và năng lực, tâm huyết, nhưng nếu không được trang bị phương pháp làm việc khoa học thì khó có thể đạt được thành công trong công việc.
Một số giải pháp chủ yếu nhằm cải tiến phương pháp làm việc khoa học của đội ngũ cán bộ hiện nay
Để bồi dưỡng phương pháp làm việc khoa học cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp:
Một là, nâng cao nhận thức về công tác bồi dưỡng phương pháp làm việc khoa học theo tư tưởng Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ.
Cần nhận thức sâu sắc về tính khách quan, tất yếu phải thường xuyên cập nhật tri thức mới, phương pháp, kinh nghiệm làm việc cho đội ngũ cán bộ. Trong đó, phương pháp làm việc khoa học theo tư tưởng Hồ Chí Minh có giá trị đặc biệt, là cẩm nang vô giá, làm cơ sở trực tiếp để định hướng phương pháp làm việc cụ thể cho cán bộ các cấp.
Người làm công tác cán bộ ở mỗi cơ quan, đơn vị cần nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò và sự cần thiết phải bồi dưỡng phương pháp làm việc khoa học; hiểu rõ những nội dung cơ bản về phong cách làm việc khoa học theo tư tưởng Hồ Chí Minh; nắm chắc điểm mạnh, yếu trong phương pháp làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên, từ đó có sự vận dụng phù hợp; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện lệch lạc về tư tưởng, những việc làm sai trái, thiếu trách nhiệm trong công tác bồi dưỡng, xây dựng phương pháp làm việc khoa học cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Hai là, bồi dưỡng hệ thống lý luận, phương pháp luận khoa học, cơ sở pháp lý và những nguyên tắc cho phương thức, biện pháp hoạt động của đội ngũ cán bộ.
Quá trình bồi dưỡng phương pháp làm việc khoa học cho đội ngũ cán bộ trước hết cần chú trọng bồi dưỡng lý luận Mác - Lê-nin gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, đặc biệt chú ý bồi dưỡng hệ thống phương pháp, phong cách, tư duy làm việc của Người; phương pháp tư duy mới, hiện đại làm cơ sở, nền tảng để nâng cao năng lực tư duy, phương pháp làm việc khoa học của đội ngũ cán bộ hiện nay. Đội ngũ giảng viên, báo cáo viên có vai trò rất quan trọng trong bồi dưỡng hệ thống lý luận, phương pháp luận khoa học cho cán bộ. Cùng với nguồn nhân lực giảng viên, báo cáo viên tại cơ sở, cần có cơ chế mở rộng hợp tác thường xuyên với lực lượng giảng viên có chất lượng cao ở các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các học viện, nhà trường và giảng viên là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị…
Trong quá trình bồi dưỡng, cần giáo dục cho đội ngũ cán bộ có tinh thần, thái độ kiên quyết đấu tranh phê phán những căn bệnh chủ quan, gia trưởng, hách dịch, kiêu ngạo, quan liêu, mệnh lệnh, thiếu kỷ luật, ghen ghét, đố kỵ, cá nhân chủ nghĩa, tư lợi, giáo điều, máy móc, làm không đến nơi đến chốn, biếng nhác…
Văn hóa là sức mạnh nội sinh, là nền tảng tinh thần cho sự phát triển bền vững, vì vậy, đội ngũ cán bộ phải được bồi dưỡng về đạo đức, văn hóa, lối sống, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đặc biệt, phải chú trọng bồi dưỡng văn hóa lãnh đạo, quản lý; văn hóa chỉ huy, tổ chức, điều hành; văn hóa công sở, văn hóa ứng xử; văn hóa từ chức...
Ba là, bồi dưỡng, cập nhật những nội dung, phương pháp làm việc mới cho đội ngũ cán bộ.
Trước sự phát triển nhanh chóng của thời cuộc, yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, cần thường xuyên, kịp thời bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ những nội dung về phương pháp lãnh đạo, quản lý mới, gắn với những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước và định hướng cách thức tổ chức, triển khai hiệu quả. Đội ngũ cán bộ phải được quán triệt một cách toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là những phương hướng, chủ trương, biện pháp mới, những phát triển đột phá... phù hợp với cương vị, chức trách được giao. Đội ngũ cán bộ cần nắm chắc những nội dung cốt lõi, nội dung mới, cấp thiết trên các lĩnh vực chuyên môn đảm nhiệm, từ đó xác định kế hoạch, giải pháp khoa học, cụ thể, sát hợp với công tác lãnh đạo, tổ chức quản lý của mình.
Trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thực hiện chương trình cải cách hành chính của Chính phủ, đội ngũ cán bộ cần cập nhật những tri thức khoa học hiện đại, có năng lực, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ vào hoạt động thực tiễn; bắt nhịp với xu thế phát triển của thế giới; đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử theo kịp sự phát triển, tiến bộ khoa học - công nghệ. Đội ngũ cán bộ cần được bồi dưỡng cách thức khai thác, sử dụng phương tiện, thiết bị hiện đại trong công việc, làm việc qua mạng, trực tuyến; gương mẫu và tích cực vận động nhân dân tham gia dịch vụ công trực tuyến, văn hóa trên không gian mạng, chú trọng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số.
Đội ngũ cán bộ phải có năng lực và kỹ năng giải quyết những vấn đề cấp bách, cấp thiết theo phạm vi, chức năng của cơ quan, đơn vị, nhất là trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 như hiện nay, cần có bản lĩnh, tri thức, phương pháp làm việc để góp phần thực hiện mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa thích nghi, ngăn ngừa, phòng, chống hiệu quả đại dịch COVID-19.
Bốn là, đổi mới và nâng cao tính thực tiễn trong công tác bồi dưỡng phương pháp làm việc khoa học cho đội ngũ cán bộ.
Cần linh hoạt, kịp thời lựa chọn các hình thức, biện pháp bồi dưỡng cụ thể, phù hợp với từng đối tượng. Đa dạng hóa các hình thức bồi dưỡng, đào tạo, như tập trung, bán tập trung; vừa làm, vừa học; bồi dưỡng từ xa, bồi dưỡng qua hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở; lấy người học làm trung tâm để thiết kế nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp, tránh tình trạng “độc thoại” của giảng viên, tăng cường các hình thức tương tác trong công tác đào tạo, bồi dưỡng. Khuyến khích tinh thần tự học của cán bộ, “lấy tự học làm cốt”, “đề cao ý thức tự học và việc lựa chọn chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức”(7). Nâng cao chất lượng bồi dưỡng qua các loại hình sinh hoạt chuyên môn và theo phương châm “cấp trên bồi dưỡng cấp dưới”. Kết hợp và phát huy hiệu quả hệ thống các thiết bị, phương tiện truyền thống và hiện đại cho công tác bồi dưỡng.
Nâng cao tính hiệu quả của công tác bồi dưỡng bằng phương pháp nêu gương. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp phải là những tấm gương sáng về phong cách, đạo đức, lối sống, chuyên môn để cho cấp dưới học tập, noi theo.
Cần chú ý bồi dưỡng phương pháp làm việc khoa học cho đội ngũ cán bộ qua thực tiễn và phong trào cách mạng của nhân dân, bảo đảm thống nhất giữa lý luận và thực tiễn; tìm ra được những phương pháp tư duy mới, ý tưởng sáng tạo, cách làm hay; chú trọng công tác tổng kết thực tiễn. Nâng cao hiệu quả công tác luân chuyển cán bộ, qua đó rèn luyện bản lĩnh, tích lũy kinh nghiệm và tạo cơ hội cho cán bộ phát huy năng lực sáng tạo, mài sắc tư duy khoa học, vốn tri thức và phương pháp làm việc khoa học.
Năm là, hoàn thiện tiêu chuẩn các đối tượng cán bộ, góp phần nâng cao khả năng làm việc khoa học cho đội ngũ cán bộ.
Quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần cụ thể hóa các tiêu chí về phẩm chất, nhân cách, năng lực… phù hợp với từng đối tượng cán bộ theo chức danh, theo ngạch, vị trí việc làm, theo cấp hành chính hoặc theo ngành, lĩnh vực công tác để làm cơ sở triển khai trong thực tiễn, trong đó, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cấp và đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, gắn với thực hiện tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Sáu là, thực hiện tốt chính sách cán bộ, đổi mới công tác thi đua - khen thưởng, tạo động lực cho cán bộ cải tiến phương pháp làm việc khoa học.
Thực hiện tốt chế độ đãi ngộ - sử dụng cán bộ; đổi mới công tác đánh giá, bình xét, thi đua - khen thưởng, lấy hiệu quả công việc làm thước đo quan trọng nhất. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ việc cải tiến phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả với phong trào thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị; đưa phong trào thực sự đi vào cuộc sống, khơi dậy, động viên, lôi cuốn cán bộ, đảng viên tích cực tham gia, hưởng ứng.
Phương pháp làm việc khoa học là một nội dung quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh, là tài sản hết sức giá trị trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Học tập phương pháp làm việc khoa học của Người chính là một cách để mỗi cán bộ, đảng viên thiết thực thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Bộ Chính trị, về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị khóa XII, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.
----------------------
(1) Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1975, tr. 13 - 14
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 180
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 233 - 234
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 284
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 109
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 334
(7) Nghị định số 101/2017/NĐ-CP, ngày 1-9-2017, của Chính phủ, “Về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức”
Bồi dưỡng phương pháp làm việc khoa học cho đội ngũ cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh  (26/05/2021)
Nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ hiện nay  (22/05/2021)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng tổ chức cơ sở đảng và sự vận dụng của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa trong thời kỳ mới  (04/05/2021)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển