Quản lý phát triển xã hội trên phương diện lao động, việc làm

Phạm Quang Minh(*), Nguyễn Tuấn Anh(**)
(*) GS, TS, (**) PGS, TS Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
06:14, ngày 04-07-2019
TCCSĐT - Mục tiêu chung của quản lý phát triển xã hội là nhằm thúc đẩy sự phát triển xã hội một cách hiệu quả, công bằng, bền vững; cải thiện điều kiện sống của người dân; sử dụng hiệu quả nguồn lực công; cải thiện các chính sách, dịch vụ công. Hướng tới mục tiêu trên, một trong những điểm quan trọng của quản lý phát triển xã hội là giải quyết các vấn đề xã hội, nhất là những vấn đề có thể tạo nên rủi ro, hoặc cản trở sự phát triển bền vững của xã hội. Khuôn khổ của bài viết bàn về vai trò lãnh đạo của Đảng và kết quả hoạt động quản lý phát triển xã hội trên phương diện lao động, việc làm ở một số địa phương; phân tích những vấn đề đặt ra liên quan đến lao động, việc làm ở các địa phương và nêu một số đề xuất, giải pháp đối với các vấn đề này (1).

Vai trò lãnh đạo của Đảng và kết quả hoạt động quản lý phát triển xã hội trên phương diện lao động, việc làm ở một số địa phương

Lao động, việc làm là lĩnh vực mà đảng bộ ở các địa phương đặc biệt coi trọng. Điều này trước hết được thể hiện trong các văn kiện đại hội đảng bộ các địa phương. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, đã khẳng định giải pháp: “Giải quyết có hiệu quả các vấn đề lao động việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Giải quyết kịp thời các vấn đề xã hội bức xúc, nhất là lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao thu nhập cho người lao động; chất lượng sống của nhân dân”(2). Ở Sơn La, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015 - 2020, đã đề ra chỉ tiêu phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 đạt khoảng 50% - 55%, trong đó lao động được cấp bằng, chứng chỉ đạt 15% - 20% (3).

Trên thực tế, nhiều địa phương đã đạt được những kết quả quan trọng, như ở tỉnh Quảng Trị, trong năm 2016, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Trường Trung cấp nghề Quảng Trị, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh tổ chức hội nghị phổ biến các chính sách và tư vấn về việc làm, xuất khẩu lao động; hội nghị tập huấn về kỹ năng, phương pháp phân tích thông tin thị trường lao động ở một số cụm xã. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị cũng tập trung thực hiện các nội dung, giải pháp để hỗ trợ người lao động các xã vùng ven biển trong việc định hướng, chuyển đổi nghề và tạo việc làm, như tổ chức đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; chỉ đạo tổ chức sàn giao dịch việc làm tại các xã, cụm xã ven biển; phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền, tuyển dụng lao động đi xuất khẩu lao động tại các xã, đặc biệt là các xã ven biển. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị đã tổ chức điều tra, khảo sát thông tin về nhu cầu học nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, chuyển đổi sinh kế của các hộ gia đình 16 xã vùng biển bị ảnh hưởng do môi trường sinh thái biển bị ô nhiễm. Kết quả là năm 2016, tỉnh Quảng Trị đã giải quyết việc làm cho khoảng 10.600 lượt lao động (đạt 112 % kế hoạch), trong đó có 6.312 lượt lao động làm việc trong tỉnh, 2.809 lượt lao động làm việc ngoài tỉnh và 1.479 lao động làm việc ở ngoài nước (Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a, Lào và các thị trường khác), tỷ lệ thất nghiệp thành thị giảm còn 3,6% (4).

Ở Bình Dương, trong 6 tháng đầu năm 2016, hoạt động tư vấn việc làm đã thu hút 1.276 doanh nghiệp và 42.378 lao động tham gia. Tỉnh cũng đã giải quyết việc làm cho 25.692 lao động (5). Các trường, cơ sở dạy nghề ở tỉnh Bình Dương trong năm 2016 đã tuyển sinh gần 32.000 học viên và đào tạo nghề cho 1.481 lao động (6). Năm 2016, Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết việc làm cho 310.512 lượt người (đạt 115% kế hoạch năm), số việc làm mới tạo ra là 129.800 (đạt 103,8% kế hoạch năm), tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề ước đạt 75,2% (7).

Người lao động đến tìm hiểu, nghe tư vấn giới thiệu việc làm, tư vấn đào tạo nghề tại Bộ phận một cửa Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An_Nguồn: vanhoadoanhnghiepvn.vn

Như vậy, ở các địa phương khác nhau, vai trò của Đảng trong quản lý phát triển xã hội trên phương diện lao động, việc làm được thể hiện rõ trước hết qua các văn kiện quan trọng của đảng bộ các địa phương và trên thực tế, nhiều địa phương đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy vậy, lĩnh vực lao động, việc làm ở các địa phương cũng đặt ra những vấn đề đáng quan tâm từ góc độ quản lý phát triển xã hội.

Một số vấn đề đặt ra liên quan đến lao động, việc làm

Qua kết quả khảo sát thực tế các địa phương, từ góc nhìn quản lý phát triển xã hội cho thấy nhiều vấn đề đặt ra liên quan đến lĩnh vực lao động việc làm.

Trước hết, hiệu quả của việc dạy nghề phụ thuộc vào từng nhóm ngành, nghề ở từng địa phương. Tại tỉnh Bình Dương, đào tạo nghề được chia thành hai mảng: dạy nghề phi nông nghiệp và dạy nghề liên quan đến sản xuất nông nghiệp. Việc dạy nghề phi nông nghiệp cơ bản là tốt, nhưng dạy nghề nông nghiệp lại bất cập. Lĩnh vực sản xuất phi nông nghiệp, trong đó quan trọng là lĩnh vực công nghiệp ở Bình Dương hiện nay mỗi năm nhu cầu cần thêm 45.000 - 47.000 lao động. Đối với đào tạo nghề phục vụ ngành công nghiệp, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở Bình Dương đã liên kết với các địa phương để đào tạo lao động, tạo nguồn tuyển dụng. Đối với đào tạo nghề phục vụ sản xuất nông nghiệp thì khó khăn hơn do nhiều người không muốn học nghề liên quan đến sản xuất nông nghiệp, nhiều người đã được đào tạo nghề nhưng lại không thích ứng được với việc làm (8).

Ở tỉnh Đắk Lắk, việc đào tạo nghề phi nông nghiệp và đào tạo nghề phục vụ sản xuất nông nghiệp đều có những kết quả khá tốt. Khoảng 70% số lao động được đào tạo nghề có việc làm liên quan đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt, việc đào tạo nghề đã thực sự giúp nâng cao năng suất lao động. Đây có thể là do đặc thù của tỉnh Đắk Lắk, địa phương mà lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 80% lực lượng lao động. Đối với đào tạo nghề phi nông nghiệp, như các nghề cắt, hàn, tiện thì người lao động sau đào tạo được tuyển vào làm việc trong các nhà máy trên địa bàn. Một số ngành nghề khác, sau khi được đào tạo người lao động có thể tự khởi nghiệp, thành lập các nhóm, các tổ xây dựng và tự tạo việc làm cho mình (9). Như vậy, điểm đáng lưu ý liên quan đến công tác dạy nghề là phải dựa vào đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương để đào tạo các nhóm ngành, nghề phù hợp, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động ở các địa phương.

Thứ hai, những khó khăn trong cấp bằng, chứng chỉ nghề. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều lao động có nghề nhưng không có chứng chỉ nghề, nhất là đối với những nghề có tính chất gia truyền và người lao động học được những nghề này qua con đường truyền nghề, hoặc người lao động tự đi học nghề. Lý do là có nhiều ngành, nghề không nằm trong danh mục đào tạo. Hoặc là nhiều lao động tự làm ở các cửa hàng cắt tóc, sửa xe, làm đẹp. Họ có kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp nhưng lại không tham gia chương trình đào tạo cụ thể nên không được cấp chứng chỉ nghề (10).

Thứ ba, giới thiệu việc làm cho người lao động sau đào tạo nghề. Kết quả khảo sát 350 cán bộ lãnh đạo địa phương cho thấy, nhiều cá nhân và tổ chức xã hội khác nhau có vai trò quan trọng trong giới thiệu việc làm cho người lao động ở các địa phương. Các trung tâm dịch vụ việc làm, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị, xã hội và anh em, bạn bè... đều được cho là có vai trò quan trọng trong giới thiệu việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, vai trò của cá nhân được đề cao hơn vai trò của tổ chức trong việc giới thiệu việc làm. Cụ thể là tỷ lệ cao những người trả lời cho rằng anh em họ hàng và bạn bè có vai trò quan trọng trong việc giới thiệu việc làm cho người lao động. (Xem biểu đồ 1)

 http://www.tapchicongsan.org.vnhttp://media.tapchicongsan.org.vn:8066/Uploads/thuylinh/linh%202019/thang%206/01.7.bieu%20do%201.Picture.jpg.bmp


Khảo sát 700 người dân ở các địa phương cho thấy có khoảng hơn một phần năm số người được hỏi cho rằng hộ gia đình họ không gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm. Khoảng hơn một phần tư số người được hỏi (26,6%) cho rằng khi bản thân họ hoặc thành viên trong gia đình gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm thì không ai hỗ trợ hay giúp đỡ họ. Khoảng một phần hai số người tham gia khảo sát cho rằng họ hoặc thành viên trong hộ gia đình của họ đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ cá nhân hay tổ chức để tìm kiếm việc làm. Trong đó, đối với việc tìm kiếm sự giúp đỡ của cá nhân, tỷ lệ khá lớn những người trả lời cho rằng họ hay thành viên gia đình của họ tìm kiếm việc làm thông qua giới thiệu của bạn bè (29,0%), anh em họ hàng (28,3%) và hàng xóm láng giềng (10,6%), tiếp đến là người làm việc cùng cơ quan, tổ chức (8,6%). Đối với sự giúp đỡ của các tổ chức, chính quyền trong việc tìm kiếm việc làm, các tổ chức mà tỷ lệ người trả lời cho là họ hoặc thành viên hộ gia đình họ dựa vào để tìm kiếm việc làm lần lượt là trung tâm dịch vụ việc làm thuộc nhà nước (19,1%), trung tâm dịch vụ việc làm không thuộc nhà nước (11,7%), tổ chức xã hội - nghề nghiệp (11,0%), chính quyền địa phương (9,3%), tổ chức chính trị - xã hội (3,1%). Như vậy, điều đáng lưu ý là chỉ một bộ phận nhỏ người dân tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tổ chức chính trị - xã hội, hay chính quyền địa phương khi họ hay thành viên gia đình của họ cần tìm kiếm việc làm. (biểu đồ 2)

 http://www.tapchicongsan.org.vnhttp://media.tapchicongsan.org.vn:8066/Uploads/thuylinh/linh%202019/thang%206/01.7.bieu%20do%202.%20Picture%20(1).jpg.bmp


Thứ tư, vấn đề lao động di cư không có hợp đồng lao động. Ở tỉnh Bình Dương, nhiều người dân địa phương có diện tích lớn trồng cao-su, thu hút nhiều lao động ở các nơi khác đến làm việc, thu nhập có thể từ 4 triệu đến 7 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là nhiều người lao động và nhiều chủ cơ sở sản xuất chỉ nói miệng với nhau về việc làm, tiền công, cách thức trả công chứ không có hợp đồng lao động chính thức giữa hai bên (11). Thực trạng này có thể tiềm ẩn những rủi ro liên quan đến người lao động và người sử dụng lao động.

Thứ năm là khó khăn trong xuất khẩu lao động, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các khó khăn này liên quan đến chi phí cho việc đi xuất khẩu lao động, tâm l‎ý e ngại đi xuất khẩu lao động, kiến thức, kỹ năng của người lao động. Chẳng hạn, ở một số địa phương của tỉnh Đắk Lắk, nhiều người dân tộc thiểu số Ê-đê vẫn có tâm lý lo sợ việc đi lao động ở nước ngoài. Thêm nữa, quan niệm của đồng bào dân tộc thiểu số là không muốn xa nhà. Cũng có những trường hợp người lao động muốn đi xuất khẩu lao động nhưng điều kiện kinh tế hạn hẹp, không thể bỏ ra một khoản chi phí lớn để đi. Nhiều hộ gia đình có thể vay mượn ngân hàng hoặc vay mượn người ngoài nhưng họ không dám vay vì sợ rủi ro. Vì vậy, khi các cơ sở, đơn vị tổ chức thông tin, tư vấn, hội thảo về xuất khẩu lao động thì đồng bào đến dự rất đông. Tuy nhiên, số lượng người đi xuất khẩu lao động lại rất ít (12). Thực trạng vấn đề xuất khẩu lao động của đồng bào dân tộc thiểu số ở một số địa phương của tỉnh Sơn La cũng khá giống với thực trạng vấn đề này ở đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk. Mỗi năm, tỉnh Sơn La có thêm gần 17.000 lao động, nhưng xuất khẩu lao động rất khó khăn. Lý do là người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số không mặn mà, không muốn xa gia đình. Thêm nữa, xuất khẩu lao động đạt được tỷ lệ thấp còn do người lao động chưa đáp ứng tiêu chí về sức khỏe, trình độ (13).

Một số đề xuất, giải pháp

Thứ nhất, việc đào tạo nghề cần căn cứ vào nhu cầu thực tế của từng địa phương, trên cơ sở đặc điểm riêng về kinh tế - xã hội, thị trường lao động; tránh tình trạng những nghề địa phương có thế mạnh, có nhu cầu nguồn nhân lực thì không đào tạo mà lại đào tạo những nghề mà thị trường lao động không có nhu cầu.

Thứ hai, các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền các địa phương cần có những giải pháp thiết thực từ đào tạo nghề, tạo việc làm sau đào tạo, cho vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh... để hỗ trợ những người lao động cần sự hỗ trợ trong quá trình tìm kiếm việc làm.

Thứ ba, cơ quan chức năng có thẩm quyền cần nghiên cứu để đưa những nghề mà nhiều người lao động có nghề nhưng không có chứng chỉ hành nghề do những nghề này không có trong danh mục đào tạo vào danh mục đào tạo và cấp chứng chỉ cho những người được đào tạo, có tay nghề.

Thứ tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có những giải pháp cụ thể để hạn chế thực trạng lao động di cư không có hợp đồng lao động, nhất là những lao động di cư làm việc trong các trang trại, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Thứ năm, các cơ quan có thẩm quyền và chính quyền các địa phương cần có những giải pháp cụ thể hỗ trợ những người lao động là người dân tộc thiểu số đi xuất khẩu lao động. Không chỉ trợ giúp về kinh tế, hỗ trợ đào tạo các kỹ năng lao động cần thiết mà còn phải thông tin, tuyên truyền để đồng bào dân tộc thiểu số vượt qua những rào cản về tâm lý./.

--------------------

 (1) Bài viết dựa trên dữ liệu của Đề tài “Quản lý phát triển xã hội ở nước ta: Thực trạng, vấn đề đặt ra và định hướng chính sách”. Trong khuôn khổ Đề tài, bên cạnh phân tích tài liệu có sẵn và thực hiện các phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm, khảo sát xã hội học liên quan đến vấn đề lao động, việc làm đã được tiến hành đối với 350 cán bộ địa phương và 700 người dân tại 7 tỉnh/thành phố đại diện cho các vùng, miền, với những điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa khác nhau, trình độ phát triển khác nhau trên cả nước, bao gồm Sơn La, Hà Nội, Quảng Trị, Đắk Lắk, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Sóc Trăng

(2) Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, tr. 7

(3) Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015 - 2020, tr. 4

(4) Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Báo cáo tình hình thực hiện công tác Lao động - Người có công và Xã hội năm 2016, kế hoạch công tác năm 2017,  tr. 2

(5) Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương: Báo cáo tình hình phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh 6 tháng đầu năm và những nhiệm vụ chủ yếu 6 tháng cuối năm 2017, phương hướng nhiệm vụ năm 2017, tr. 6

(6) Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương: Báo cáo tình hình phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh năm 2016, phương hướng nhiệm vụ năm 2017, tr. 6

(7) Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh: Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành năm 2016 và phương hướng nhiệm vụ năm 2017, tr. 11

(8) Tọa đàm được tổ chức tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương ngày 02-8-2017 với sự tham gia của cán bộ một số sở, ngành

(9) Tọa đàm tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk ngày 9-8-2017 với sự tham gia của cán bộ một số sở, ngành

(10) Tọa đàm với Phó Giám đốc và cán bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 4-8-2017

(11) Tọa đàm với nhóm cán bộ lãnh đạo xã Lai Hưng, huyện Bầu Bàng, tỉnh Bình Dương, ngày 3-8-2017

(12) Tọa đàm với nhóm cán bộ lãnh đạo xã Ea Tul, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk, ngày 8-8-2017

(13) Tọa đàm với một số lãnh đạo, cán bộ các sở, ban ngành của tỉnh Sơn La, ngày 21-8-2017