Phụ nữ Việt Nam chiếm hơn một nửa dân số cả nước và là lực lượng quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Mấy chục năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn có những chính sách phù hợp để khai thác và phát huy tối đa tiềm năng của phụ nữ trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào các hoạt động ở cộng đồng không chỉ là cơ hội để phụ nữ có tiếng nói của mình, phản ánh được đầy đủ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của một nửa dân số mà còn là cơ hội phát huy tiềm năng to lớn của phụ nữ trong quá trình phát triển kinh tế -  xã hội. Trong bài viết này, chúng tôi muốn chỉ đề cập đến tính tích cực của phụ nữ trong hoạt động chính trị - xã hội tại cộng đồng qua số liệu khảo sát thực tế về việc phụ nữ tham gia hội họp và bầu trưởng thôn tại 2 huyện Thường Tín và Thạch Thất của tỉnh Hà Tây.

Phụ nữ tham gia các cuộc họp tại cộng đồng

Bảng 1. Phụ nữ tham gia các cuộc họp

Cuộc họp

Số lượng

Giới tính

Tổng

Nam

Nữ

Họp thôn

Số lượng

80

107

187

Tỷ lệ %

50.0%

48.6%

49.2%

Họp đoàn thể

Số lượng

32

29

61

Tỷ lệ %

20.0%

13.2%

16.1%

Họp phụ nữ

Số lượng

3

32

35

Tỷ lệ %

1.9%

14.5%

9.2%

Họp hợp tác xã

Số lượng

5

23

28

Tỷ lệ%

3.1%

10.5%

7.4%

Họp Phụ huynh học sinh

Số lượng

24

20

44

Tỷ lệ %

15.0%

9.1%

11.6%

Họp khác

Số lượng

16

9

25

Tỷ lệ %

10.0%

4.1%

6.6%

Khảo sát 380 người dân tại điểm nghiên cứu về việc tham gia các cuộc họp gần đây nhất mà họ đã tham gia, kết quả cho thấy, “họp thôn” là cuộc họp có tỷ lệ người dân tham gia đông nhất, trong đó, nam giới chiếm 50% và phụ nữ chiếm 48,6%. Trong các cuộc họp hội phụ nữ, họp hợp tác xã, phụ nữ tham gia đông hơn nam giới khoảng 7,4%. Còn ở các cuộc họp khác, tỷ lệ tham gia của phụ nữ đều thấp hơn nam giới.

Về độ tuổi của những phụ nữ tham gia các cuộc họp, trong cuộc “họp thôn”, nhóm có tỷ lệ vượt trội là những phụ nữ trên 50 tuổi (chiếm 72%), trong khi đó, tỷ lệ tương ứng ở 2 nhóm tuổi còn lại chỉ xấp xỉ 45%. Tuy nhiên, trong cuộc hợp phụ huynh học sinh, họ lại chiếm tỷ lệ 100%. Nhóm tuổi 36 - 50 tham gia họp hợp tác xã, họp đoàn thể và họp khác cao hơn hai nhóm tuổi còn lại. Như vậy, tuỳ vào từng độ tuổi khác nhau mà người nông dân nói chung và phụ nữ nông thôn nói riêng lựa chọn đi họp ở các tổ chức chính trị - xã hội nào là thích hợp. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi nhu cầu, lợi ích của các nhóm xã hội sẽ phụ thuộc vào các tổ chức chính trị - xã hội mà họ quyết định tham gia.

Để tìm hiểu tính tích cực của phụ nữ ở nông thôn Hà Tây khi tham gia các cuộc họp hay nói cách khác là tìm hiểu xem phụ nữ đã phát huy đến đâu quyền dân chủ “dân biết, dân bàn, …” của mình trong cuộc họp, người ta đưa ra câu hỏi: ông/bà đã tham gia cuộc họp như thế nào. 
 
Bảng 2: Ông/bà đã tham gia cuộc họp như thế nào?
 

Phương án

Số lượng

Giới tính

Tổng

Nam

Nữ

1. Phát biểu ý kiến trước cuộc họp

Số lượng

64

71

135

Tỷ lệ %

40.0%

32.3%

35.5%

2. Bàn luận với những người tham gia

Số lượng

66

108

174

Tỷ lệ %

41.3%

49.1%

45.8%

3. Đưa ra yêu cầu chất vấn

Số lượng

27

33

60

Tỷ lệ %

16.9%

15.0%

15.8%

4. Có ý kiến phản đối

Số lượng

12

10

22

Tỷ lệ %

7.5%

4.5%

5.8%

5. Biểu quyết

Số lượng

97

123

220

Tỷ lệ %

60.6%

55.9%

57.9%

6. Khác

Số lượng

7

3

10

Tỷ lệ %

4.4%

1.4%

2.6%

Số liệu bảng trên cho thấy, chỉ có hơn 1/3 số người được hỏi cho rằng mình đã phát biểu ý kiến trước cuộc họp; trong đó, tỷ lệ nam phát biểu nhiều hơn phụ nữ là 7,7%. Trong khi, “bàn luận với những người xung quanh” về những vấn đề của cuộc họp thì phụ nữ chiếm ưu thế hơn nam giới (7,8%). Như vậy, phụ nữ vẫn còn tâm lý ngại nói trước đám đông, có thể bàn luận với những người xung quanh rất sôi nổi nhưng lại ngại phát biểu trước cuộc họp, ngại nói lên chính kiến của mình trước cuộc họp.

Mặc dù số ý kiến phát biểu của phụ nữ trong cuộc họp thường ít hơn nam giới nhưng khi được hỏi: “Theo ông/bà, trong cuộc họp đó ý kiến của phụ nữ có được quan tâm/lưu ý không?” thì đại đa số người dân (86,1%) đều cho rằng “được lưu ý”, chỉ có 1,8% người được hỏi cho là “không được lưu ý” và 12,1% là “không biết”. Đáng lưu ý là không chỉ 87,7% phụ nữ khẳng định ý kiến của phái mình “được lưu ý” mà có tới 83,8% nam giới được hỏi cũng cho rằng ý kiến của phụ nữ được quan tâm. Điều đó chứng tỏ cánh “mày râu” đã ghi nhận những đóng góp của chị em trong cuộc họp.

Phụ nữ với vấn đề lựa chọn trưởng thôn

Một trong những hoạt động thể hiện vai trò của phụ nữ khi thực hiện nhiệm vụ chính trị tại cộng đồng là tham gia các cuộc bầu cử. Đặc biệt là ở thôn, bầu trực tiếp trưởng thôn là một việc làm có ý nghĩa đối với người dân. Đại đa số những người được hỏi (98,9%) đều tham gia bầu trưởng thôn, trong đó tỷ lệ phụ nữ có nhỉnh hơn nam giới nhưng không đáng kể. Như vậy, người dân nói chung và phụ nữ nói riêng rất coi trọng việc bầu trưởng thôn. Dưới góc độ nghề nghiệp của phụ nữ khi tham gia hoạt động này, những người làm nghề tiểu thủ công, buôn bán, làm thuê và nghề khác có tỷ lệ đi bầu trưởng thôn tuyệt đối (100%), những người làm ruộng là 99,2%, thấp nhất là những cán bộ, công nhân viên chức (90,9%). Phải chăng cán bộ, công nhân viên phần lớn là những người có công ăn việc làm ổn định, công việc cũng không liên quan đến cộng đồng nhiều lắm nên họ ít gắn bó với những sinh hoạt cộng đồng, do đó việc bầu trưởng thôn không làm họ quan tâm nhiều như những người khác.

Bước sang thế kỷ XXI, thế kỷ được dự báo là của phụ nữ, nhưng những định kiến về giới của cộng đồng, của xã hội liệu có còn đè nặng lên những người dân sau những lũy tre làng hay không? Sẽ không khó tìm ra câu trả lời sau khi tìm hiểu vấn đề này qua câu hỏi: “Khi bầu trưởng thôn, nếu có hai ứng cử viên là nam và nữ ông bà sẽ chọn ai?”. Kết quả là 51,8% bầu cho nam giới, 9,5% bầu cho phụ nữ và số người băn khoăn khó trả lời là 37,4%. Như vậy, mặc dù ở nhiều chỉ báo, phụ nữ ở Hà Tây luôn tự khẳng định mình cao hơn mức mà nam giới thừa nhận nhưng trong việc lựa chọn phụ nữ hay nam giới làm trưởng thôn thì sự tự khẳng định của phụ nữ giảm sút đáng kể. Bằng chứng là hơn một nửa phụ nữ (52,7%) sẵn sàng bầu nam giới làm trưởng thôn, trong khi chỉ có 9,5% bầu phụ nữ và 35% băn khoăn. Vấn đề đặt ra là tại sao tỷ lệ phụ nữ được lựa chọn làm trưởng thôn lại khiêm tốn như vậy? Tại sao chính phụ nữ cũng không tín nhiệm phụ nữ. Phải chăng phụ nữ kém cỏi hơn nam giới nên không đủ tín nhiệm để dân bầu, hay định kiến trọng nam khinh nữ từ bao đời nay vẫn hằn sâu trong đầu người nông dân đồng bằng Bắc bộ nói chung và người nông dân Hà Tây nói riêng?.

Thực ra, đa số phụ nữ Hà Tây quan niệm rất đơn giản khi chọn trưởng thôn là nam giới. Họ dường như chưa hề có nhận thức về vấn đề giới, chưa thấy được rằng cần phải nâng cao vị thế của phụ nữ lên ngang tầm với nam giới. Một phụ nữ nói rằng: “Trưởng thôn thì phải bầu cho đàn ông chứ, công việc vất vả, đi lại nhiều, đàn ông mới có sức khỏe để đảm nhận công việc ý. Đàn bà yếu mà lại chậm nữa, làm trưởng thôn thì vất lắm.” Rõ ràng, phụ nữ nông thôn chưa nhận thức được vị thế, vai trò của mình trong xã hội và họ cũng chưa tự nhận ra thế mạnh của bản thân cũng như người cùng giới trong việc tham gia làm quản lý ở các tổ chức chính trị - xã hội ở cộng đồng.

Nghiên cứu vai trò của phụ nữ trong hoạt động chính trị ở cộng đồng, cần tìm hiểu tính tích cực chính trị của phụ nữ thông qua việc chọn lựa trưởng thôn. Phụ nữ đã chủ động tham gia vào đời sống chính trị của cộng đồng như thế nào trong việc cân nhắc các tiêu chí để chọn trưởng thôn.

Bảng 3. Ông/bà coi trọng những tiêu chuẩn nào khi chọn trưởng thôn

Tiêu chuẩn

Số lượng

Giới tính

Tổng

Nam

Nữ

1. Có đạo đức tốt

Số lượng

132

198

330

Tỷ lệ%

82.5%

90.0%

86.8%

2. Có nhiều thành tích

Số lượng

57

84

141

Tỷ lệ%

35.6%

38.2%

37.1%

3. Có uy tín

Số lượng

109

175

284

Tỷ lệ%

68.1%

79.5%

74.7%

4. Có năng lực làm việc

Số lượng

153

205

358

Tỷ lệ%

95.6%

93.2%

94.2%

5. Người trong gia đình dòng họ

Số lượng

1

4

5

Tỷ lệ%

.6%

1.8%

1.3%

6. Người thân quen

Số lượng

1

0

1

Tỷ lệ%

.6%

.0%

.3%

7. Nam giới

Số lượng

32

28

60

Tỷ lệ%

20.0%

12.7%

15.8%

Số liệu bảng trên cho thấy, đa số những người được hỏi cho rằng, khi bầu trưởng thôn họ sẽ chọn “người có năng lực” (94,2%), “người có đạo đức tốt” (86,8%) và “người có uy tín” trong cộng đồng (74,7%). Chỉ hơn 1/3 số người quan tâm đến tiêu chuẩn “có thành tích” (37,1%). Tỷ lệ % chọn bầu những người trong gia đình, dòng họ hay người thân quen không đáng kể (1,3% và 0,3%). Phụ nữ và nam giới quan tâm đến tiêu chí “năng lực làm việc” của cán bộ thôn tương đối giống nhau nhưng với tiêu chí “đạo đức” và “uy tín” thì có sự khác biệt. Sau tiêu chuẩn năng lực, phụ nữ coi trọng tiêu chuẩn đạo đức và uy tín của người cán bộ thôn cao hơn nam giới với chỉ số tương ứng là 7,5% và 11,4%. Như vậy, có thể thấy, tính tích cực chính trị của phụ nữ ở Hà Tây trong hoạt động này ở cộng đồng là khá cao. Họ đã đánh giá cao tiêu chí tài, đức, uy tín khi lựa chọn trưởng thôn.

Kết quả nghiên cứu này cũng cho thấy, có sự chuyển đổi quan niệm, nhận thức về hệ giá trị của người dân Hà Tây thông qua trục biến đổi từ hệ giá trị thiên về trách nhiệm đạo đức sang hệ giá trị chức năng. Bằng chứng là, thay vì người dân chọn trưởng thôn với tiêu chuẩn của giá trị truyền thống đạo đức là hàng đầu, thì giờ đây, họ đã đề cao đến năng lực làm việc - một trong các yếu tố phát triển - coi tiêu chuẩn năng lực trên cả đạo đức.

Xem xét theo nhóm tuổi của những phụ nữ được khảo sát về vấn đề này, tiêu chuẩn “năng lực” được phụ nữ chọn với tỷ lệ cao ở cả 3 nhóm tuổi (nhóm 20 - 36: 90,3%; nhóm 36 - 50: 94,2%; và nhóm trên 50 là 96,0%). Điều đó chứng tỏ phụ nữ dù ở độ tuổi nào cũng coi trọng “năng lực” hay còn gọi là “tài” của một cán bộ thôn. Nói cách khác, kỳ vọng đầu tiên của họ đối với trưởng thôn phải là những người thực sự có năng lực làm việc, sau đó mới là vấn đề “đạo đức”. Tiêu chuẩn này được phụ nữ xếp quan trọng thứ 2 sau năng lực, nhưng mức độ coi trọng của chị em lại khác nhau tùy theo từng nhóm tuổi. Ở nhóm tuổi trên 50, 100% phụ nữ chọn trưởng thôn phải là những người có đạo đức tốt, trong khi, nhóm tuổi từ 36 - 50 có 92,5% và nhóm từ 20 - 35 là 81,9%. Như thế, các chỉ số “năng lực”, “đạo đức” và “uy tín” của trưởng thôn đều được phụ nữ ở nhóm tuổi trên 50 chọn lựa cao hơn phụ nữ ở hai nhóm tuổi còn lại. Rõ ràng, tuổi càng cao phụ nữ càng quan tâm hơn đến vấn đề đạo đức của cán bộ thôn.

Mặc dù sự coi trọng của phụ nữ Hà Tây về các tiêu chuẩn bầu trưởng thôn có khác nhau tùy theo độ tuổi, tôn giáo hay địa bàn lãnh thổ, nhưng điều chắc chắn có thể kết luận là, vai trò thực hiện nhiệm vụ chính trị của phụ nữ Hà Tây trong bầu cử là rất cao. Họ đã có ý thức, có trách nhiệm chọn lựa những người có đức, có tài đứng ra gánh vác công việc của cộng đồng, của xã hội.

Có thể nói, các số liệu khảo sát thực tế đã phần nào hé mở những biến đổi tính tích cực chính trị của phụ nữ nông thôn khi học tham gia các hoạt động cộng đồng trong quá trình đổi mới đất nước hiện nay. Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận một thực tế là, nhìn chung, phụ nữ vần còn e dè, thụ động trong các sinh hoạt động đồng so với nam giới. Họ vẫn chưa nhận thức được sức mạnh của giới mình và sự cần thiết phải thể hiện vai trò của mình trong đời sống xã hội. Cần quan tâm đến phụ nữ nhiều hơn nữa, nâng cao trình độ học vấn cho phụ nữ, giải phóng cho họ bớt gánh nặng công việc gia đình, thu hút họ vào hoạt động trong các tổ chức Hội phụ nữ là một trong những biện pháp giúp họ tự khẳng định vai trò, vị thế của mình thông qua hoạt động cộng đồng./.