Những nhân tố tác động và ảnh hưởng đến quá trình dân chủ hóa ở nước ta

Trần Đức Châm Học viện An Ninh nhân dân
23:33, ngày 02-02-2016
TCCSĐT - Có thể nói, một trong những tiêu chí cơ bản của nước công nghiệp theo định hướng xã hội chủ nghĩa là xã hội đó phải là một xã hội thực sự dân chủ. Ở đây cần phải thấy rõ, sự khác biệt giữa dân chủ tư sản với dân chủ xã hội chủ nghĩa là ở chỗ hiến pháp và pháp luật bảo vệ, đại diện cho lợi ích của giai cấp nào. Và, để đạt tới một chế độ dân chủ thực sự trên thực tế hoàn toàn không đơn giản, bởi vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, bị chi phối bởi nhiều quy luật.
Sự tác động, ảnh hưởng của quá khứ đến quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội nước ta

Trước hết, theo các nhà nghiên cứu, tư tưởng dân chủ mới được du nhập vào nước ta từ đầu thế kỷ XX, khi người Việt Nam tiếp xúc với văn hóa phương tây. Quan điểm này có người cho rằng không đúng, bởi vì trước đây hàng chục thế kỷ đã có người nói “dân vi quý” (tức là dân có giá trị cao nhất), “dân vi bang bản” (được hiểu là dân là gốc nước). Nhưng nói như vậy không có nghĩa là đề xướng dân chủ. Như chúng ta đã biết, chế độ chuyên chế phương Đông lấy Nho giáo làm nền tảng tư tưởng trong một thời gian dài đã in đậm tư tưởng không dân chủ vào cách nghĩ, cách sống, tâm lý, thói quen của người Việt Nam. Chế độ chuyên chế phương Đông là một thể chế cực quyền với Hoàng đế - con Trời, thu gọn vào tay mình mọi quyền hành chính trị, quân sự, kinh tế, tôn giáo, pháp luật… dùng bộ máy quản lại để trị nước, không chí quyền cho quý tộc… Người dân theo hộ (gia đình) sống trong làng xã. Làng xã quan hệ về mặt nhà nước với vua quan. Vua ban phát tước vị cho mọi người, dân được cấp ruộng, quan được cấp tước vị, bổng lộc, tạo ra một trật tự trên dưới nhiều bậc. Mỗi người đều có vị, theo vị mà có danh, có phận, có quyền, có lợi. Trật tự trên dưới đó xây dựng theo mẫu mực quan hệ cha - con trong gia đình (quan hệ gia trưởng): cha từ, con hiếu, dưới phục tùng trên với tấm lòng biết ơn, người dân dễ chấp nhận ý kiến của bề trên, của vua quan trong nước và cha chú trong làng. Đối với vua quan, dân là “con đỏ”. Là phận con em, họ phải chờ đợi người trên chiếu cố, đối xử khoan huệ, ban ơn. Có oan thì kêu, không được oán trách, chống đối.

Thứ hai,
truyền thống đặt “tình cao hơn lý” cũng là một lực cản của quá trình dân chủ hóa. Trật tự trên dưới kiểu gia đình, trong không khí tình nghĩa, người ta mong muốn tình trạng hòa mục, ổn định, trật tự, trên ra trên, dưới ra dưới, chứ không đặt vấn đề giành nhân cách, không đòi khẳng định cá nhân. Trong trật tự đó, con người khó thấy mình mất nhân cách. Nhiều nhà nho đem lời thánh hiền nhắc vua “dân vi quý” , “dân vi bang bản”, dựa vào người hiền tài, ngheo theo lời can gián, không chỉ cho mình là phải… Nhưng nói như vậy là để giữ một trời, bảo vệ ngôi vua, chứ không phải đòi dân chủ, không phải đòi cho người dân được tham gia quyết định công việc chung. Không ai giám đòi chia quyền quyết định của vua, càng không ai dám làm trái ý vua. Trong điều kiện đó, mọi người sống an phận: “ai lo phận nấy”, “đèn nhà ai, nhà ấy dạng”, khôn ngoan trốn tránh. Trong những ngộ hoạn lạc, đen tối, người dân phải chịu cảnh oan ức, bất công thì người ta chờ “minh quân, lương tướng” đến cứu vớt, chứ không nghĩ đến tự giải phóng mình. Thiếu một tinh thần duy lý thì chưa thể nói đến cuộc đấu tranh giành lấy dân chủ.

Đến thời Pháp thuộc, một bộ phận trí thức thị dân đã hiểu rõ hơn về dân chủ phương Tây. Song do không được nuôi dưỡng bởi khát vọng cách mạng làm chủ đời sống xã hội nên chỉ tiếp thu được dân chủ phương tây phần liên quan đến tự do cá nhân. Họ tố cáo sự chật hẹp của quan hệ phong kiến, nhưng cũng sẵn sàng chấp nhận cái quyền tự do nhỏ nhoi do chính quyền thực dân ban phát. Do đó, nếu không duy lý triệt để thì cũng khó lòng tiếp cận được bản chất của một nền dân chủ thực sự.

Thứ ba, với tư cách là những người lao động, dân ta chưa quen sống trong những thiết chế dân chủ, chưa có đòi hỏi bức thiết về dân chủ, nhất là ở nông thôn, nơi quan hệ họ hàng - làng xóm, nơi các tập tục cũ vẫn chi phối cuộc sống. Dưới thời thuộc địa nửa phong kiến, nhân dân mong chờ được giải phóng cũng thiết tha với độc lập và “cơm no, áo ấm” hơn là đòi dân chủ. Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nhân dân ta náo nức chào đón đất nước sạch bóng thực dân và vua quan phong kiến chứ cũng chưa được quan tâm nhiều đến quyền dân chủ cụ thể mà chính quyền mới đưa lại. Sau ngày giải phóng miền Nam năm 1975, thống nhất đất nước, Hiến pháp xã hội chủ nghĩa được ban hành, dân chủ xã hội chủ nghĩa thay cho dân chủ nhân dân không phải vì trong thực tế chế độ dân chủ nhân dân qua thử thách tỏ ra chật hẹp, mà chủ yếu vì xu thế khách quan theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ tư, một thời kỳ dài trong cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, làm cho dân chủ xã hội chủ nghĩa lại biến dạng. Chức năng của Đảng, các đoàn thể đều nhà nước hóa, bộ máy nhà nước sa vào tình trạng hành chính, quan liêu. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất, suy thoái về chính trị, tư tưởng, không giữ được vai trò của người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân. Hiện tượng chạy theo danh lợi địa vị, cơ hội chủ nghĩa trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là không hiếm. Tệ ức hiếp dân, tham nhũng, hối lộ có lúc trở thành quốc nạn và là một trong các nguy cơ, thách thức sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Thứ năm,
khi chúng ta bước vào xây dựng, phát triển nền kinh tế thì định hướng xã hội chủ nghĩa, dường như xã hội lại đi vào quá trình “tái sinh những cái cũ”, nhưng phức tạp hơn, tinh vi hơn và nguy hiểm hơn. Trong xã hội nhiều hiện tượng tiêu cực, tệ nạn và tội phạm phát triển. Tất cả tình hình đó trở thành vật cản lớn cho quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội nước ta, đòi hỏi chúng ta phải khắc phục, đấu tranh để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Sự tác động, ảnh hưởng của các trào lưu dân chủ khác nhau

Mở cửa, hội nhập quốc tế, đa phương hóa quan hệ là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trên con đường đi tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mở cửa, hội nhập, tất yếu phải có những thuận lợi, khó khăn, thách thức; phải chịu sự tác động của cả cái tốt, cái xấu, cái hay cái dở trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều quan trọng là các chủ thể xã hội không những chủ động hội nhập mà phải tự giác hội nhập; có nghĩa là trên bình diện chung phải nhận thức cho được cái nào là tốt, là hay, là phù hợp với dân tộc để tiếp thu, học tập và biết rõ cái nào là xấu, là dở và là độc hại để ngăn chặn, phòng tránh…

Dân chủ cực đoan là một xu hướng cần lên án, phê phán. Đây là thứ dân chủ đề cao quá mức tự do cá nhân, dẫn tới tự do vô chính phủ, vượt ra ngoài khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật. Từ đó, dễ dẫn đến những hành vi nổi loạn, vi phạm pháp luật, lấy lệ làng để thay cho kỷ cương, phép nước. Ở nước ta, sự xâm nhập của trào lưu này bắt đầu từ chiến dịch “dân chủ hóa” - “công khai hóa” ở Liên Xô (cũ) sau cải tổ. Một số người đã công khai chống lại Đảng, bán rẻ lợi ích quốc gia, công khai phản bội Tổ quốc, bôi nhọ thế hệ cha anh.

Một xu hướng khác đang tác động tới quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội nước ta là trong hoạt động thực tiễn, còn tùy tiện định ra các chế độ trái với luật pháp, với nguyên tắc sinh hoạt cơ bản hoặc làm chiếu lệ, hình thức. Chẳng hạn, mọi công dân đều có quyền học tập, nhưng các trường lại thu lệ phí quá cao, nên nhiều thanh thiếu niên nông thôn không có điều kiện học tập. Hoặc vấn đề dân chủ trong bầu cử vào các cơ quan lãnh đạo của chính quyền nhà nước các cấp trong thời gian qua, nhiều khi cũng còn rất hình thức.

Việc trưng cầu ý kiến nhân dân, thăm dò dư luận xã hội là cần thiết, nhưng cần phải có biện pháp xử lý, giải quyết ngay những kiến nghị hợp lý, chính đáng, nếu để kéo dài sẽ sa vào tình trạng dân chủ hình thức. Nếu như xu hướng dân chủ cực đoan gây ra tình trạng rối loạn vô chính phủ cho xã hội, thì xu hướng dân chủ hình thức sẽ làm cho nhân dân mất lòng tin đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.

Trong thời kỳ hội nhập, mở cửa, chúng ta còn gặp một trào lưu khác, một biến tướng của dân chủ tư sản về quyền con người - nhân quyền. Có thể trên thực tế, do một số thiếu sót, sai lầm của công tác quản lý của một số cơ quan chức năng mà đã tạo cớ cho một số người công kích Đảng và Nhà nước vi phạm nhân quyền. Phải thừa nhận rằng, hệ thống pháp luật hiện nay ở nước ta còn nhiều bất cập mà trong thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện và bổ sung. Tuy nhiên không phải vì vậy mà nói Đảng và Nhà nước ta không vì lợi ích của nhân dân, vi phạm dân chủ, nhân quyền.

Sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường có thể làm biến dạng mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân

Những tác động tích cực của cơ chế thị trường trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội là không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, cơ chế thị trường còn có những mặt trái, những tác động tiêu cực của nó. Nếu chúng ta không có các giải pháp để phòng ngừa, khắc phục, ngăn chặn thì nguy cơ sẽ dẫn tới chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, đối với quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, chúng ta cần lưu ý tới những vấn đề cơ bản sau:

Một là, sự phân hóa xã hội diễn ra khá nhanh chóng, phổ biến và sâu sắc. Nhiều người chỉ chú ý đến vấn đề phân hóa giàu - nghèo, mặc dù đây là vấn đề bức xúc, là một trong những khó khăn, thách thức hiện nay, mà chưa thấy được sự biến động về kết cấu xã hội - giai cấp đang diễn ra sự phân hóa đó còn diễn ra cả trong lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội. Hiến pháp và pháp luật đều ghi “mọi công dân có quyền bình đằng” trước pháp luật, song trên thực tế còn có trường hợp “đứng ngoài” và “đứng trên” pháp luật. Bên cạnh đó, trình độ dân trí cũng có sự phân hóa. Nếu như trước đây, thông thường người có trình độ học vấn cao cũng là người có trình độ dân trí, văn hóa cao, thì nay chưa hẳn như vậy. Có nhiều người học cao, nhưng lại rất thiếu văn hóa, có người bằng cấp cao nhưng lại thiếu tri thức. Ấy là chưa kể đến khoảng cách về nhiều mặt giữa các vùng miền khác nhau như: nông thôn, đô thị, đồng bằng, miền núi. Như vậy, quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội nước ta đang diễn ra trong tình trạng biến động, phân hóa xã hội sâu sắc. Nhấn mạnh điều này để chúng ta tránh xu hướng “ảo tưởng, nôn nóng” khi tìm các giải pháp khả thi cho quá trình dân chủ hóa.

Hai là,
cơ chế thị trường đề cao giá trị của đồng tiền, do đó tác động tiêu cực đến các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đạo đức của xã hội. Các tệ nạn xã hội gia tăng và có tác động xấu đến thế hệ trẻ như tệ nạn ma túy, cờ bạc, mại dâm… đang len lỏi vào học đường. Thực trạng này là một lực cản lớn cho quá trình dân chủ hóa, làm xuyên tạc, méo mó mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân. Đảng và Nhà nước ta không bao giờ chủ trương thương mại hóa văn hóa, thương mại hóa giáo dục, song trên thực tế nền giáo dục của nước ta còn nhiều bất cập, chưa ngang tầm với các nước trong khu vực và quốc tế. Và chúng ta đang tiến hành “đổi mới căn bản và toàn diện” nền giáo dục để phù hợp với xu thế và tình hình mới. Đảng và Nhà nước ta cũng không chủ trương tạo ra sự bất công xã hội, song chưa có nhiều biện pháp, chính sách hữu hiệu để kiểm soát cơ chế thị trường, vì vậy dẫn tới tình trạng bất công đó. Cho nên, môi trường dân chủ hóa không trong sạch thì khó lòng dân có thế “biết thật”, “bàn thật”, “làm thật” và “kiểm tra thật”.

Tranh thủ những điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh tính dân chủ hóa đời sống xã hội nước ta


Vấn đề quan trọng là cần khai thác, phát huy những nhân tố tích cực, những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quá trình dân chủ hóa. Trong các nhân tố đó, có nhân tố bên trong, nhân tố bên ngoài, có yếu tố chủ quan, yếu tố khách quan; có cái bắt nguồn từ truyền thống, có cái mang tính thời cơ do điều kiện thời đại mang lại. Có thể khái quát một số nhân tố chủ yếu sau đây:

Thứ nhất,
sau 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, đặc biệt là sự phát triển về kinh tế, làm cho đời sống của các tầng lớp nhân dân được cải thiện, nâng cao. Đó chính là điều kiện dân sinh, là nền tảng của quá trình dân chủ hóa.

Thứ hai, chúng ta trước sau như một kiên định với lý tưởng xã hội chủ nghĩa và đang làm hết sức mình vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Một mặt, Đảng và Nhà nước khuyến khích mọi người phấn đấu làm giàu chính đáng; mặt khác lại tích cực thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo, thực hiện một hệ thống chính sách xã hội, hỗ trợ đắc lực cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các hoạt động nhân đạo được cổ vũ, khuyến khích. Đó chính là bầu không khí chính trị - xã hội, là môi trường xã hội thuận lợi để phát triển dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Thứ ba, trình độ dân trí nhìn chung đã được nâng lên đáng kể, điều đó không chỉ thông qua hệ thống giáo dục, đào tạo mà còn thông qua hệ thống truyền thông đại chúng ngày càng được mở rộng và phát triển. Sóng truyền hình được phủ khắp các địa phương trong toàn quốc, phương tiện truyền thanh và sách báo rất phong phú, đa dạng tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận với thông tin nhiều chiều. Đây là một bước tiến lớn của tình hình hiện nay so với những năm trước đây.

Thứ tư, cùng với sự hội nhập, giao lưu quốc tế, với sự phát triển của đầu tư nước ngoài và của dịch vụ du lịch, các tầng lớp nhân dân ta được trực tiếp tiếp xúc với người nước ngoài, từ đó bớt đi những mặc cảm, tâm lý tự ty dân tộc - yếu tố quan trọng để hình thành ý thức dân chủ.

Thứ năm, chúng ta cũng thấy rõ và rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm từ sự thất bại của các trào lưu dân chủ cực đoan, dân chủ giả hiệu hình thức (ở Đông Âu, Liên Xô cũ, ở một số nước tư bản hiện nay). Đó là điều kiện thuận lợi để chúng ta từng bước thực hành dân chủ xã hội xã hội.

Việc nghiên cứu, làm rõ những nhân tố tác động và ảnh hưởng đến quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội nước ta, giúp chúng ta có cái nhìn khách quan, khoa học và toàn diện trong quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa để cho quyền lực thực sự thuộc về nhân dân. Mặc dù sau 30 năm đổi mới, bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được, Đảng và Nhà nước ta vẫn luôn luôn nhận thức rõ: nước ta vẫn đứng trước nhiều thách thức lớn, đan xen nhau, tác động tổng hợp và diễn biến phức tạp. Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, vẫn tồn tại tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng. Những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Chính vì vậy, nhận thức hiểu rõ những khó khăn, thách thức cùng với những thuận lợi và thời cơ đó càng làm cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phát huy hơn nữa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, mọi đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân…/.