TCCSĐT - “Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” là một trong 15 vấn đề quan trọng được đề cập trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XII và là một trong 6 nhiệm vụ trung tâm của Đảng trong nhiệm kỳ tới. Việc ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XI cũng thể hiện sâu sắc sự phát triển tư duy nhận thức lý luận của Đảng về vấn đề này.
Trong văn kiện Đại hội XI, Đảng ta ghi rõ "Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa" nhưng đến Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XII, vấn đề này được nhấn mạnh thêm cụm từ "trong tình hình mới" thành "Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới". Điều đó cho thấy, quốc phòng, an ninh là những lĩnh vực quan trọng luôn được Đảng ta đề cập trong các văn kiện đại hội Đảng. Qua mỗi kỳ đại hội, những nhận định, đánh giá, định hướng chính sách trong các lĩnh vực này có sự bổ sung, phát triển mới.

Đảng, Nhà nước và toàn dân là chủ thể bảo vệ Tổ quốc


Thuật ngữ bảo vệ Tổ quốc đã được sử dụng ngay từ khi thực dân Pháp gây hấn ở Nam bộ năm 1946. Trong lời kêu gọi quốc dân đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: Tổ quốc lâm nguy, chúng ta phải đứng cả dậy. Tất cả quốc dân Việt Nam phải đứng cả dậy bảo vệ Tổ quốc. Trải qua các giai đoạn cách mạng, chống thực dân, đế quốc xâm lược cũng như trong quá trình xây dựng hòa bình, Đảng ta luôn có quan điểm đúng đắn về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là trong khi đặt trọng tâm vào nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta không một chút lơi lỏng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, trong một thời gian khá dài cho đến những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, nội hàm khái niệm bảo vệ Tổ quốc vẫn chủ yếu là bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và bằng các phương thức đấu tranh quân sự - vũ trang là chủ yếu. Do đó, trong xã hội dần hình thành nhận thức: lực lượng vũ trang mà trực tiếp là lực lượng Quân đội nhân dân thuộc Bộ Quốc phòng quản lý là chủ thể bảo vệ Tổ quốc.

Từ khi Việt Nam tiến hành đổi mới (năm 1986), nhất là sau chiến tranh lạnh kết thúc với sự sụp đổ các nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô và Đông Âu đã làm cho nhận thức của chúng ta về nội hàm của khái niệm và nội dung của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa có sự phát triển đáng kể. Trong Văn kiện Đại hội IX và Nghị quyết Trung ương 8, khoá IX, Đảng ta khẳng định: Tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đến Đại hội X, Đảng ta lại nhấn mạnh phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh toàn diện. Đến Đại hội XI, Đảng ta nêu yêu cầu phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc của cả hệ thống chính trị. Trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XII, Đảng ta cụ thể hóa nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới: củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt.

Nhận thức, quan điểm nêu trên đã chỉ rõ vai trò chủ thể trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc với cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Đó là kết quả đổi mới về nhận thức đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ chiến lược đến năm 2020 và một số thập niên đầu của thế kỷ XXI.

Từ tổng kết thực tiễn, nhất là 30 năm đổi mới, tư duy về bảo vệ Tổ quốc của Đảng ta đã có một bước chuyển quan trọng, trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XII, Đảng ta khẳng định: bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa  bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Ngay từ Đại hội XI (năm 2011), Đảng ta đã đưa vấn đề giữ vững chủ quyền biển, đảo vào nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đưa vấn đề ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống vào nhiệm vụ an ninh, quốc phòng và nhấn mạnh vấn đề an ninh chủ động. Nhận thức mới của Đảng ta đã nêu bật những vấn đề rất cốt lõi của chiến lược bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa với tính cách một quốc gia có chủ quyền, với một cộng đồng dân tộc có nền văn hoá lâu đời được quốc tế công nhận, là thành viên của Liên hợp quốc, và nhiều tổ chức quốc tế khác...; là bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa với tính cách một quan hệ chính trị, một thể chế chính trị. Xã hội xã hội chủ nghĩa được Chủ tịch Hồ Chí Minh và toàn dân lựa chọn là xã hội phù hợp với sự phát triển khách quan của tiến trình lịch sử; là bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa với tính cách một quốc gia đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đang chuyển đổi và đang chủ động hội nhập quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia, giữ vững độc lập dân tộc.

Các mặt nêu trên tạo thành một chỉnh thể thống nhất vừa phản ánh tính vĩnh hằng của Tổ quốc xét về mặt tự nhiên đất nước, con người; vừa phản ánh tính xã hội - chính trị trong tiến trình phát triển lịch sử, làm cho thuật ngữ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa lần đầu tiên được nhận thức và trình bày một cách khoa học, hoàn chỉnh. Có thể coi đây là một trong những đóng góp quý báu vào kho tàng lý luận của của chủ nghĩa Mác- Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội.

Nguồn lực, sức mạnh và nguyên tắc lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc

Nhận thức về nguồn lực và sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong quá trình đổi mới cũng được mở rộng và cụ thể hơn bao gồm sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc (về chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại); sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, bên trong với bên ngoài, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Trong đó, sức mạnh của chế độ chính trị, của tiềm lực kinh tế và tiềm lực quốc gia, sự trong sạch của đội ngũ cán bộ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định. Phát huy sức mạnh tổng hợp là bài học kinh nghiệm truyền thống của dân tộc ta, đã được Đảng ta vận dụng một cách sáng tạo trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, trải qua các giai đoạn lịch sử khác nhau và ngày nay đã trở thành những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo trong việc xác định những nội dung, nhiệm vụ, phương thức, giải pháp để phát huy tiềm lực và sức mạnh toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Về nội dung của sức mạnh bảo vệ Tổ quốc được hiểu trên những nét chủ yếu: Đó là phát huy sức mạnh tổng hợp của nguồn lực nội sinh, của khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam; của cả hệ thống chính trị, xã hội xã hội chủ nghĩa, do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo; của tiềm lực và thế trận quốc phòng - an ninh; của sự kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch xây dựng, phát triển đất nước. Đó là phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nguồn lực bên trong và bên ngoài, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; kết hợp hoạt động quốc phòng - an ninh với hoạt động đối ngoại. Với quan điểm toàn diện và sâu sắc về sức mạnh tổng hợp nêu trên của Đảng ta, mở ra khả năng rộng lớn nhằm khai thác triệt để các nguồn lực bao gồm cả nguồn lực vật chất và tinh thần, cả nguồn lực hiện có và tiềm tàng, cả nguồn lực kết tinh của quá khứ nguồn lực mới của tương lai cho sự thành công trong quá trình đổi mới và phát triển.

Trong các Văn kiện Đại hội IX, X, XI, XII (dự thảo) và Nghị quyết Trung ương 8, khoá IX, Đảng ta đã khẳng định phải: Kết hợp phát triển quốc phòng - an ninh với tăng cường quốc phòng - an ninh, phối hợp hoạt động quốc phòng - an ninh với hoạt động đối ngoại và sự kết hợp phải trên cơ sở phát huy tiềm năng của đất nước. Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo. Khắc phục triệt để những sơ hở, thiếu sót trong việc kết hợp kinh tế và quốc phòng, an ninh tại các địa bàn, nhất là địa bàn chiến lược. Kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại; tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh. Xây dựng thế trận lòng dân, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân. Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến.

Do đó, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh vừa là một nội dung của đường lối kinh tế, vừa là một trong 5 quan điểm phát triển kinh tế - xã hội và là một trong những nguồn lực của sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc. Đây là một bước tiến quan trọng, là kết quả hoạt động thực tiễn, tìm tòi, phát hiện và vận dụng quy luật của Đảng ta trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những luận điểm về kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh được nêu trên là dựa trên những tổng kết lý luận và thực tiễn sâu sắc trong 30 năm đổi mới.

Về xác định mục tiêu kết hợp
: Nếu như trong thời kỳ chiến tranh lạnh, khi nguy cơ đe dọa đối với nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của nước ta còn lớn thì kết hợp thường nhấn mạnh đến mục tiêu phát triển cân đối hài hòa, cùng mạnh lên của cả hai lĩnh vực kinh tế và quốc phòng. Ngày nay trong điều kiện mới mục tiêu kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh cũng được điều chỉnh cho phù hợp, trước hết là nhằm khai thác, sử dụng nguồn lực tổng hợp của quốc gia có hiệu quả để thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với yêu cầu đan xen và gắn kết với nhau rất cao, tăng cường quốc phòng - an ninh đã trở thành một trong những mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Về phương thức kết hợp cũng đã được đổi mới hơn nhằm phát huy vai trò tích cực gắn kết chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Sự kết hợp được thể hiện trong từng cơ sở chủ động gắn kết giữa xây dựng với bảo vệ thường xuyên mọi lúc mọi nơi; kết hợp theo quy hoạch, kế hoạch của từng địa phương dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của Trung ương; kết hợp theo khu vực, vùng, lãnh thổ, ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên phạm vi toàn quốc. Văn kiện Đại hội IX nhấn mạnh, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế trong các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phối hợp hoạt động quốc phòng - an ninh với hoạt động đối ngoại cũng là phương thức phản ánh quan điểm mới về sức mạnh tổng hợp trong việc kết hợp nguồn lực trong nước và ngoài nước cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Ngày nay nước ta đã là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, khu vực sự hội nhập quốc tế ngày càng rộng hơn, sâu hơn là cơ hội để Đảng ta thực hiện quan điểm khai thác sức mạnh thời đại, tận dụng tối đa nguồn lực bên ngoài nhằm tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Trong quan hệ đối ngoại nhất là quan hệ kinh tế đối ngoại, thu hút đầu tư nước ngoài chúng ta không chỉ có thách thức mà còn có thời cơ thực hiện chiến lược “đan xen, cân bằng lợi ích” với các nước lớn, các nước phát triển có lợi cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; tận dụng những lợi thế so sánh của nước ta để thu hút nguồn lực bên ngoài, tạo lợi thế cạnh tranh của nước ta trên thương trường quốc tế và khu vực trong quá trình hội nhập để phát triển.

Đảng ta xác định nguyên tắc lãnh đạo “tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với sự nghiệp quốc phòng - an ninh”. Tư duy mới của Đảng là kết quả của sự tổng kết lý luận và thực tiễn của quá trình lãnh đạo toàn dân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhất là sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong 30 năm đổi mới. Trong Văn kiện Đại hội XII (dự thảo) Đảng ta tiếp tục khẳng định, để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, phải tiếp tục giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Xuất phát từ luận điểm cho rằng sự nghiệp quốc phòng - an ninh là bộ phận trọng yếu trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, nội dung, phạm vi của quốc phòng - an ninh ngày nay đang có xu hướng mở rộng hơn so với quan niệm trước đây. Với chức năng bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng - an ninh ngày càng thâm nhập sâu vào các lĩnh vực khác nhau trong quá trình xây dựng đất nước tạo nên những phạm trù mới phản ánh sự đan kết trong các lĩnh vực hoạt động đa dạng của đời sống xã hội như: an ninh quân sự, an ninh kinh tế, an ninh văn hóa, an ninh xã hội, an ninh môi trường, an ninh tài chính, an ninh lương thực, an ninh nông thôn, an ninh thông tin, an ninh mạng... Do đó, trong xây dựng đã chứa đựng những yếu tố bảo vệ, các công trình xây dựng không chỉ là đối tượng bảo vệ của quốc phòng - an ninh mà còn là điều kiện, phương tiện bảo vệ của quốc phòng - an ninh. Một khi quốc phòng - an ninh vững mạnh sẽ trở thành nhân tố góp phần quan trọng bảo đảm cho đất nước phát triển ổn định, nhanh và bền vững.

Đảng ta cũng đã coi lực lượng và thế trận là những yếu tố cấu thành tiềm lực và sức mạnh của quốc phòng - an ninh. Trong thời kỳ mới những yếu tố này cũng có sự biến đổi đáng kể. Đối với lực lượng quốc phòng - an ninh về quy mô và số lượng có xu hướng tăng lên nhưng cơ cấu lại có sự biến động đáng kể, các lực lượng vũ trang thường trực sẽ giảm đi cả tương đối và tuyệt đối, trong khi các lực lượng quốc phòng - an ninh bán vũ trang và phi vũ trang sẽ tăng lên. Con người và các trang thiết bị kỹ thuật sẽ được tinh nhuệ và hiện đại hơn, (nhất là tinh nhuệ về chính trị và nghệ thuật tác chiến) từng bước đáp ứng với nhu cầu của cuộc cách mạng, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế, quốc phòng tri thức của thời đại.

Vấn đề xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, xây dựng các khu vực phòng thủ cần đặc biệt coi trọng “thế trận lòng dân”, vì các mũi nhọn là dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, bạo loạn, ly khai mà các lực lượng thù địch đang tiến hành hiện nay (ở các nước và nước ta) đều nhằm đánh vào “trận địa lòng dân”, những điểm nóng nổi lên trong những năm vừa qua ở một số địa phương, nhất là ở Tây Nguyên cũng đã nói lên điều đó. Thực tiễn khách quan ấy đòi hỏi Đảng ta phải hoàn thiện cơ chế lãnh đạo sự nghiệp quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc - một trong hai nhiệm vụ chiến lược của quốc gia trong thời kỳ mới.

Về hoàn thiện cơ chế: Cơ chế có vai trò quan trọng bảo đảm sự vận hành có hiệu quả của các tổ chức có chức năng khác nhau trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong các tình huống chiến lược. Do đó, thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ Tổ quốc; tăng cường quản lý nhà nước về quốc phòng - an ninh trên phạm vi cả nước và từng địa phương, cơ sở...; thể chế hóa các chủ trương chính sách của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, tiến tới xây dựng bộ luật về bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là hết sức cần thiết. Những vấn đề đổi mới về quốc phòng - an ninh bảo vệ Tổ quốc cũng đã được hiến định trong Hiến pháp ban hành năm 2013 là một trong thành tựu được ghi nhận trong 30 năm đổi mới đất nước.

Những vấn đề cần cụ thể hóa trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc


Để phát huy những thành quả của sự nghiệp đổi mới và thiết thực đóng góp vào Văn kiện Đại hội XII (dự thảo) về tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc chúng ta có thể và cần quan tâm đến một số vấn đề chủ yếu sau:

Một là, cụ thể hóa việc mở rộng phạm vi áp dụng nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với các lực lượng quốc phòng - an ninh - bảo vệ Tổ quốc bao gồm: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng, lực lượng dự bị động viên, cảnh sát, an ninh, dân quân tự vệ, an ninh nhân dân, phòng thủ dân sự và các lực lượng khác có liên quan đến bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện nguyên tắc trên đây nhằm bảo đảm cho Đảng ta nắm chắc lực lượng nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Dân quân tự vệ, an ninh nhân dân, các lực lượng phòng thủ dân sự... đều là những thành phần quan trọng trong các khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) là lực lượng nòng cốt cho phong trào toàn dân chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bảo vệ ngay tại địa phương, cơ sở; là một trong những công cụ chủ yếu có vai trò trực tiếp, tại chỗ bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân và nhà nước ở cơ sở.

Hai là, xử lý thỏa đáng một số nội dung của nguyên tắc lãnh đạo trực tiếp, toàn diện đối với lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, an ninh nhân dân, phòng thủ dân sự như: nhiệm vụ lao động sản xuất, nhiệm vụ quốc tế, tổ chức nuôi dưỡng và hệ thống tổ chức cơ sở Đảng... Những nội dung nói trên không chỉ cần thiết và phù hợp với các lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng, cảnh sát và an ninh, mà còn cần thiết với tất cả các lực lượng có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên các lĩnh vực phi vũ trang; tăng cường chế độ bảo đảm thông tin thường xuyên có liên quan đến lãnh đạo, chỉ đạo cho các cấp ủy Đảng, các bộ, ngành, địa phương theo tư duy của Đảng - kết quả của 30 năm đổi mới.

Ba là, sớm tổng kết việc thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên gắn với hoàn thiện chế độ một người chỉ huy trong quân đội nhân dân phù hợp với quá trình tiếp tục đổi mới lãnh đạo, chỉ huy công tác quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Bốn là, nâng cao năng lực và phong cách lãnh đạo của các tổ chức Đảng và đảng viên (trước hết là cán bộ chỉ huy) đối với công tác quốc phòng - an ninh thông qua đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ đảng, cán bộ chỉ huy nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiệm vụ quốc phòng - an ninh bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Cần đầu tư thỏa đáng vào công tác nghiên cứu khoa học quân sự, khoa học công an trên cơ sở kế thừa những kinh nghiệm truyền thống và phát hiện những quy luật mới có thể ứng dụng vào thời kỳ chiến lược đến năm 2020-2030 - thời kỳ đang hình thành những nhân tố của quân sự, quốc phòng và an ninh tri thức trên thế giới, nhất là trong bối cảnh an ninh toàn cầu đang trong quá trình chuyển từ định hướng sang định hình.

Năm là, tăng cường hiệu lực tham mưu của các cơ quan tham mưu về lãnh đạo và chỉ huy công tác quốc phòng - an ninh, trên cơ sở làm rõ chức năng của cán bộ chính trị và cơ quan chính trị, cán bộ tham mưu và cơ quan tham mưu là tham mưu cho cấp ủy nhằm vừa tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, vai trò của các cấp chỉ huy đối với công tác quốc phòng - an ninh chứ không chỉ là cơ quan giúp việc cho cán bộ chỉ huy về công tác chính trị, tham mưu, hậu cần - kỹ thuật. Đổi mới công tác tham mưu, cần chuyển mạnh từ cơ chế tham mưu theo cấp sang cơ chế tham mưu trực tuyến và vượt tuyến song song, bảo đảm cho công tác lãnh đạo và chỉ huy được kịp thời trong các tình huống đấu tranh quốc phòng - an ninh. Thực chất của cơ chế mới là áp dụng phổ biến hơn chế độ lãnh đạo, chỉ huy, tham mưu vượt cấp và tăng cường quan hệ ngang, đặc biệt coi trọng lãnh đạo lực lượng đấu tranh quốc phòng - an ninh phi vũ trang trên các vùng biển đảo của Tổ quốc./.