Vai trò của chính trị đối với sự phát triển kinh tế
Chính trị là biểu hịên tập trung của kinh tế. Mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị là mối quan hệ biện chứng. Nếu không có một lập trường chính trị đúng thì một giai cấp nhất định sẽ không giữ vững được sự thống trị của mình và không thể hoàn thành được nhiệm vụ trong xây dựng kinh tế. Chính trị là kinh tế được cô đọng lại; kinh tế có mạnh mới bảo đảm cho nền chính trị ổn định. Quyền lực chính trị có thể tác động tới kinh tế theo ba cách thức: thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế; thúc đẩy mặt này, kìm hãm mặt khác; kìm hãm sự phát triển kinh tế.
1 - Quan niệm chung về mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị
Mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị là mối quan hệ cơ bản nhất, trọng yếu nhất, bao trùm nhất chi phối các quan hệ khác trong đời sống xã hội. C.Mác đã chỉ rõ: "Phương thức sản xuất đời sống vật chất quyết định các quá trình sinh hoạt xã hội, chính trị và tinh thần nói chung. Không phải ý thức của con người quyết định tồn tại của họ; trái lại, tồn tại xã hội của họ quyết định ý thức của họ"(1). Cơ sở hạ tầng xã hội bao giờ cũng là nhân tố cơ bản quyết định kiến trúc thượng tầng, khi cơ sở hạ tầng thay đổi thì sớm hay muộn sự thay đổi kiến trúc thượng tầng cũng sẽ diễn ra. Ông viết: "Cơ sở kinh tế thay đổi thì toàn bộ cái kiến trúc thượng tầng đồ sộ cũng bị đảo lộn ít nhiều nhanh chóng"(2). Sự biến đổi của cơ sở hạ tầng dẫn đến sự biến đổi của kiến trúc thượng tầng là cả một quá trình hết sức phức tạp. Nguyên nhân của quá trình đó, xét cho cùng là sự phát triển của lực lượng sản xuất.
Cơ sở hạ tầng với tư cách là kết cấu kinh tế hiện thực của xã hội không chỉ sản sinh ra kiến trúc thượng tầng tương ứng, mà còn quy định cả tính chất của kiến trúc thượng tầng - giai cấp nào giữ địa vị thống trị xã hội về mặt kinh tế thì nó cũng chiếm địa vị thống trị trong kiến trúc thượng tầng xã hội; mâu thuẫn trong đời sống kinh tế, xét đến cùng, quyết định mâu thuẫn trong lĩnh vực tư tưởng; cuộc đấu tranh giai cấp trong lĩnh vực chính trị tư tưởng là biểu hiện của những mâu thuẫn đối kháng trong lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, kiến trúc thượng tầng không phải là sản phẩm giản đơn, thụ động của cơ sở hạ tầng. Toàn bộ kiến trúc thượng tầng cũng như các yếu tố cấu thành của nó có tính độc lập tương đối, có sự tác động qua lại lẫn nhau và tác động mạnh mẽ trở lại đối với cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các yếu tố nhà nước, đảng phái chính trị. Tác động của kiến trúc thượng tầng đối với cơ sở hạ tầng là tích cực khi nó tác động cùng chiều với sự vận động của các quy luật kinh tế khách quan đó, còn ngược lại thì nó sẽ là trở lực, gây tác hại cho sự phát triển của sản xuất và xã hội.
Mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị là mối quan hệ xuyên suốt lịch sử phát triển của xã hội có giai cấp, nó quy định sự vận động, biến đổi của các xã hội đó. Theo các nhà kinh điển mác-xít sự chuyển biến trạng thái xã hội từ xã hội này sang xã hội khác đều do quan hệ kinh tế - chính trị quyết định. Sự thay đổi đó có nguyên nhân sâu xa là từ sự phát triển của lực lượng sản xuất, dẫn tới sự thay đổi trong quan hệ sản xuất và toàn bộ hệ thống các quan hệ xã hội. C.Mác nhấn mạnh: "Trong sự sản xuất xã hội ra đời sống của mình, con người có những quan hệ nhất định, tất yếu, không tùy thuộc vào ý muốn của họ - tức những quan hệ sản xuất, những quan hệ này phù hợp với một trình độ phát triển nhất định của các lực lượng sản xuất vật chất của họ. Toàn bộ những quan hệ sản xuất ấy họp thành cơ cấu kinh tế của xã hội, tức là cái cơ sở hiện thực trên đó dựng lên một kiến trúc thượng tầng pháp lý và chính trị và những hình thái ý thức xã hội nhất định tương ứng với cơ sở hiện thực đó"(3). Như vậy, trong hệ thống các quan hệ xã hội, quan hệ sản xuất là bộ phận cấu thành quan trọng nhất và sự vận động của mối quan hệ kinh tế - chính trị đã đóng vai trò quyết định trong việc tạo ra tính chất đặc thù của toàn bộ hệ thống đó trong từng điều kiện lịch sử cụ thể. C.Mác đã nhận định: "Tổng hợp lại thì những quan hệ sản xuất hợp thành cái mà người ta gọi là những quan hệ xã hội, là xã hội, và hơn nữa hợp thành một xã hội ở vào một giai đoạn phát triển lịch sử nhất định, một xã hội có tính chất độc đáo riêng biệt. Xã hội cổ đại, xã hội phong kiến, xã hội tư sản đều là những tổng thể quan hệ sản xuất như vậy, mỗi tổng thể đó đồng thời lại đại biểu cho một giai đoạn phát triển đặc thù trong lịch sử nhân loại"(4). Như vậy, quan hệ sản xuất với tư cách là cơ sở kinh tế có ảnh hưởng quyết định tới sự biến đổi của chính trị.
Mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị là mối quan hệ biện chứng. Một mặt, chính trị phụ thuộc vào kinh tế, sự chuyển biến về chính trị gắn liền với sự chuyển biến về chế độ kinh tế. Theo C.Mác "chính trị tức là kinh tế được cô đọng lại". Kinh tế mạnh mới bảo đảm cho nền chính trị ổn định. Mặt khác, chính trị tác động mạnh mẽ trở lại đối với kinh tế và có địa vị hàng đầu do tính giai cấp, tính đảng của các hoạt động kinh tế trong các chế độ xã hội có giai cấp. Mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và chính trị còn thể hiện ở chỗ: chúng có thể phù hợp với nhau hoặc cũng có thể mâu thuẫn với nhau. Nếu sự thống nhất, phù hợp giữa chúng tạo nên sự ổn định và phát triển xã hội thì sự không phù hợp giữa chúng tạo nên sự bất ổn định, sự trì trệ, thậm chí còn là sự rối loạn xã hội. C.Mác và Ph.Ăng-ghen không đưa ra một cái nhìn siêu hình hoặc tuyệt đối hóa một trong hai yếu tố của mối quan hệ này, mà nó có tính biện chứng sâu sắc và có tác động tương hỗ, thúc đẩy nhau cùng phát triển.
2 - Vai trò của chính trị đối với sự phát triển kinh tế
Trước hết, vai trò của chính trị đối với sự phát triển kinh tế được thể hiện qua mối quan hệ giữa kiến trúc thượng tầng với cơ sở hạ tầng.
Vai trò của kiến thức thượng tầng đối với cơ sở hạ tầng nói chung có tác động hai mặt của nó. Nếu kiến trúc thượng tầng có tác động thuận chiều cùng với sự vận động của những quy luật kinh tế khách quan, thì kiến trúc thượng tầng sẽ có ảnh hưởng và vai trò tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển ngày càng nhanh của kết cấu kinh tế - xã hội và ngược lại.
Các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã phân tích về vai trò của chính trị đối với sự phát triển kinh tế như sau: "Tác động ngược lại của quyền lực nhà nước đối với sự phát triển kinh tế có thể có ba loại. Nó có thể tác động cùng hướng - khi ấy sự phát triển diễn ra nhanh hơn; nó có thể tác động ngược lại sự phát triển kinh tế - khi ấy thì hiện nay ở mỗi dân tộc lớn, nó sẽ tan vỡ sau một khoảng thời gian nhất định, hoặc là nó có thể cản trở sự phát triển kinh tế ở những hướng nào đó và thúc đẩy sự phát triển ở những hướng khác. Trường hợp này rốt cuộc dẫn đến một trong hai trường hợp trên. Tuy nhiên, rõ ràng là trong trường hợp thứ hai và thứ ba, quyền lực chính trị có thể gây tác hại lớn cho sự phát triển kinh tế và có thể gây ra sự lãng phí to lớn về sức lực và vật chất"(5). Ph.Ăng-ghen đã phân tích rõ vai trò và ảnh hưởng của nhà nước thông qua hình tượng của bạo lực như sau: Sau khi bạo lực chính trị đã trở thành độc lập đối với xã hội, sau khi đã từ đày tớ trở thành người chủ rồi, thì nó có thể tác động theo hai chiều hướng. Thứ nhất, nó tác động theo hai ý nghĩa và chiều hướng của sự phát triển kinh tế có tính quy luật. Như thế giữa bạo lực chính trị và sự phát triển kinh tế không có sự xung đột nào và sự phát triển kinh tế được đẩy mạnh hơn. Thứ hai, nó chống lại sự phát triển kinh tế và khi đó trừ một vài ngoại lệ ra, thường thường nó chịu sức ép của sự phát triển kinh tế.
Trong mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị, vai trò quyết định thuộc về các quan hệ kinh tế như đã trình bày ở trên. Tuy nhiên, chính trị cũng có tính độc lập tương đối trong mối quan hệ với kinh tế. Tính độc lập tương đối đó biểu hiện ra thông qua tác động trở lại của chính trị đối với kinh tế. "Tất cả các chính phủ, ngay cả những chính phủ chuyên chế nhất... có thể đẩy nhanh hoặc làm chậm sự phát triển kinh tế cùng với những hệ quả về chính trị và pháp luật bắt nguồn từ sự phát triển kinh tế ấy, song rút cục họ vẫn phải tuân theo sự phát triển ấy"(6).
Thứ hai, vai trò của chính trị đối với sự phát triển kinh tế còn thể hiện trong mối quan hệ giữa quyền lực chính trị và lợi ích kinh tế. Khi xem xét mối quan hệ giữa lợi ích kinh tế và quyền lực chính trị C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã chỉ ra rằng lợi ích kinh tế quy định quyền lực chính trị và một khi đã tồn tại như chính nó quyền lực chính trị lại tác động rất lớn đến kinh tế. Tính quy định của lợi ích kinh tế đối với quyền lực chính trị được thể hiện qua những điểm sau. Một là, lợi ích kinh tế là sự phản ánh và biểu hiện trực tiếp của quan hệ sản xuất, mà trong xã hội thì quan hệ sản xuất là quan hệ cơ bản, chi phối các quan hệ xã hội còn lại, trong đó có quan hệ về tương quan lực lượng chính trị. Hai là, cơ sở và nội dung của quyền lực chính trị là lợi ích kinh tế. Theo các nhà kinh điển mác-xít thì đằng sau những hành động chính trị là sự thúc đẩy của lợi ích vật chất, để thỏa mãn những lợi ích kinh tế thì quyền lực chính trị chỉ được sử dụng làm phương tiện đơn thuần. Ba là, sự vận động, phát triển của lợi ích kinh tế quy định sự phát triển và vận động của quyền lực chính trị. Song với tư cách là nhà duy vật biện chứng, C.Mác không bao giờ quan niệm mối quan hệ giữa lợi ích kinh tế và quyền lực chính trị là mối quan hệ một chiều. Hai nhân tố lợi ích kinh tế và quyền lực chính trị luôn luôn tác động qua lại lẫn nhau. C.Mác chỉ rõ rằng, quyền lực chính trị có thể tác động tới kinh tế theo ba cách thức: thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế; thúc đẩy ở mặt này, kìm hãm ở mặt khác; kìm hãm sự phát triển kinh tế. Ông kết luận "sự vận động của kinh tế chịu ảnh hưởng một bên là sự vận động của quyền lực nhà nước, còn một bên là của lực lượng đối lập sinh ra đồng thời với quyền lực ấy. Chính vì vậy, trong chính trị vấn đề quyền lực chính trị (biểu hiện tập trung ở quyền lực nhà nước) là một mục tiêu trọng tâm trực tiếp mà giai cấp nào, nhóm xã hội nào cũng muốn nắm và chi phối. Vì nắm được quyền lực chính trị là nắm được công cụ cơ bản, trọng yếu để giải quyết quan hệ lợi ích với các giai cấp khác, nhóm xã hội khác theo hướng có lợi cho giai cấp mình, nhóm xã hội mình. Do đó, tác động của chính trị đối với kinh tế thể hiện ở sự tác động của quyền lực chính trị đối với kinh tế.
Thứ ba, vai trò của chính trị đối với sự phát triển kinh tế thể hiện qua vai trò lãnh đạo của đảng chính trị đối với đời sống xã hội. Khi phân tích, nhận xét đánh giá về hệ quả của cuộc đấu tranh giai cấp trong xã hội, các nhà kinh điển mác-xít đã đi đến kết luận rằng: Trong cuộc đấu tranh giai cấp ấy nhất định sẽ dẫn đến việc hình thành các đảng chính trị và các đảng chính trị đó sẽ đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Đảng chính trị là tổ chức có mục đích chính trị rõ ràng, có tổ chức chặt chẽ, tập hợp lôi cuốn quần chúng cùng hành động chung để đạt mục đích đề ra. C.Mác đã chỉ ra rằng, trong xã hội có giai cấp, giai cấp nào giành được quyền lực chính trị sẽ trở thành giai cấp thống trị và thực hiện vai trò lãnh đạo xã hội. C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã chỉ ra rằng, trong việc nhận thức và giải quyết quan hệ chính trị với kinh tế, bên cạnh việc ý thức tới vị trí và lợi ích của giai cấp cầm quyền thì yêu cầu cơ bản, nền tảng trước hết mà đảng chính trị cầm quyền phải hướng tới là: quan hệ và sự tác động của chính trị đối với kinh tế, phải vì mục tiêu phát triển sức sản xuất, phát triển xã hội, tạo ra những điều kiện vật chất của một xã hội mới. Đối với đảng chính trị tiến bộ là đại diện cho lợi ích của toàn thể nhân dân lao động thì chủ trương, đường lối chính sách phát triển đất nước của nó phù hợp với quy luật phát triển chung của xã hội, nên vai trò thúc đẩy xã hội tiến lên là vô cùng to lớn. Đối với đảng chính trị phản tiến bộ thì vai trò của nó đối với xã hội chỉ là sự kìm hãm.
Do đó, đường lối, chủ trương, chính sách, các biện pháp chính trị của đảng cầm quyền có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế. Như V.I. Lê-nin đã phân tích: "Trong một nước tiểu nông... trao đổi... sự phát triển của nền kinh tế nhỏ là một sự phát triển tiểu tư sản, một sự phát triển tư bản chủ nghĩa... tìm cách ngăn cấm, triệt để chặn đứng mọi sự phát triển của sự trao đổi tư nhân... tức là của chủ nghĩa tư bản, một sự phát triển không thể tránh được khi có hàng triệu người sản xuất nhỏ. Chính sách ấy là một sự dại dột và tự sát đối với đảng nào muốn áp dụng nó. Dại dột, vì về phương diện kinh tế, chính sách ấy là không thể nào thực hiện được; tự sát, vì những đảng nào định thi hành một chính sách như thế, nhất định sẽ bị phá sản"(7).
C.Mác đánh giá cao vai trò tích cực của Đảng của giai cấp vô sản đối với sự phát triển xã hội nói chung và phát triển kinh tế nói riêng. Theo C.Mác, đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo cuộc đấu tranh chính trị thực chất là lãnh đạo sự nghiệp giải phóng kinh tế. Trong điều lệ tạm thời của Hội liên hiệp công nhân quốc tế do C.Mác soạn thảo viết: "...việc giải phóng giai cấp công nhân về mặt kinh tế là mục tiêu vĩ đại mà bất kỳ phong trào chính trị nào cũng đều phải phục tùng với tư cách là một thủ đoạn"(8). Đảng của giai cấp vô sản luôn có đường lối, chính sách hợp lý. Cơ sở của đường lối, chính sách đấu tranh của chính đảng cách mạng của giai cấp vô sản là lợi ích cách mạng của giai cấp vô sản, đồng thời có tính toán một cách khách quan đến tất cả mọi quan hệ xã hội. Nhờ có sách lược đúng đắn của đảng cộng sản đã thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia vào quá trình phát triển xã hội nhằm mục đích phát triển kinh tế đem lại đời sống ấm no cho nhân dân...
Mỹ: Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng nhanh chóng  (25/10/2008)
ASEM cam kết hợp tác đối phó với khủng hoảng  (25/10/2008)
Cu-ba - EU chính thức khôi phục quan hệ hợp tác  (25/10/2008)
Khủng hoảng tài chính đe dọa cuộc sống dân cư đô thị  (25/10/2008)
Xuất khẩu duy trì tốc độ tăng trưởng  (25/10/2008)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên