Văn hóa dân gian ứng dụng
TCCSĐT - Văn hóa dân gian ứng dụng (applied folklore) là một phân ngành của văn hóa dân gian, nghiên cứu và sử dụng nguồn tài liệu văn hóa dân gian để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Từ cuối thập kỷ 70 của thế kỷ XX đến nay, văn hóa dân gian ứng dụng ngày càng phát triển và đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh tế - xã hội.
Những nghiên cứu về văn hóa dân gian ứng dụng
Hiện nay, văn hóa dân gian ứng dụng ở Việt Nam tuy còn khá mới mẻ, chưa hình thành một phân ngành riêng, song nghiên cứu ứng dụng văn hóa dân gian vào thực tiễn cuộc sống đương đại đã được một số nhà khoa học quan tâm và bước đầu gặt hái được những thành quả nhất định.
Một số công trình nghiên cứu mang dấu ấn văn hóa dân gian ứng dụng đã được xuất bản, tiêu biểu như “Lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại” (Đinh Gia Khánh, Lê Hữu Tầng (đồng chủ biên), năm1994); “Làng nghề, phố nghề” (Trần Quốc Vượng, Đỗ Thị Hảo, năm 2000); “Luật tục và phát triển nông thôn hiện nay ở Việt Nam” (Ngô Đức Thịnh, Phan Đăng Nhật (đồng chủ biên), năm 2000)... Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam bước đầu đã chú trọng đến công tác nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng. Ngày 15-12-2001, Hội đã phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học “Văn hóa dân gian và sự phát triển đô thị” tại TP. Hồ Chí Minh. Khái niệm “văn hóa dân gian đô thị”, các vấn đề về sự biến đổi, vận hành của các loại hình văn hóa dân gian ở đô thị, tác động của văn hóa dân gian với đời sống đô thị đương đại… cũng được đề cập đến trong hội thảo. Ngày 11-4-2004, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin Lào Cai (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai) tổ chức Hội thảo khoa học “Văn hóa dân gian và du lịch - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” tại Sa Pa. Hội thảo đã đề cập đến mối quan hệ giữa văn hóa dân gian với du lịch, xác định văn hóa dân gian thực sự là nguồn lực du lịch; đồng thời đề ra các khuyến nghị về phát triển du lịch bền vững, định hướng phát triển du lịch văn hóa cộng đồng, phát triển các sản phẩm du lịch mới mang đậm dấu ấn văn hóa dân gian.
Trong các hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam và Hội Folklore châu Á trong những năm gần đây, xuất hiện nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian ứng dụng. Tại Hội thảo “Giá trị và tính đa dạng của Folklore châu Á trong quá trình hội nhập” tại Hà Nội ngày 25 và ngày 26- 9-2005, các tham luận của GS, TSKH. Tô Ngọc Thanh, GS,TS. Ngô Đức Thịnh, PGS,TS. Lê Hồng Lý... đã gợi mở một số vấn đề nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng cũng như cơ chế biến đổi của văn hóa dân gian cổ truyền trong cuộc sống đương đại, đưa ra các vấn đề biến đổi về cấu trúc, chức năng của các loại hình văn hóa dân gian và đề ra các giải pháp bảo tồn văn hóa phi vật thể của cộng đồng. Trong các hội thảo “Văn hóa biển miền Trung và văn hóa biển Quảng Ngãi” (ngày 04-7-2007) và “Văn hóa du lịch biển đảo Tây Nam Bộ” (ngày 29-11-2007), một số tác giả đã tiếp cận hiện tượng văn hóa sông, biển dưới góc độ văn hóa dân gian ứng dụng.
Một số lĩnh vực ứng dụng văn hóa dân gian ở Việt Nam
Việt Nam là quốc gia đa tộc người với tính đa dạng và đặc thù văn hóa nổi trội nên khả năng ứng dụng văn hóa dân gian để giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội càng phong phú và trở thành vấn đề cấp bách, nhất là với các tỉnh miền núi - nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, nhiều thành tố văn hóa dân gian không còn tồn tại như một thực thể mà đã biến đổi cả cấu trúc và chức năng. Tuy vậy, văn hóa dân gian vẫn tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội. Các thành tố ngữ văn dân gian, nghệ thuật dân gian, tập quán xã hội, tri thức dân gian, lễ hội truyền thống, nghề thủ công,... tuy không tồn tại theo cả một cấu trúc, hệ thống nhưng lại trở thành một bộ phận “tái cấu trúc” tạo nên bộ mặt văn hóa của xã hội đương đại. Ở những vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, môi trường sản sinh ra các loại hình văn hóa dân gian, các loại hình văn hóa dân gian vẫn còn tồn tại ở phạm vi nhất định và giữ vai trò quan trọng. Các loại hình văn hóa dân gian mô phỏng xuất hiện ngày càng nhiều ở vùng đồng bằng hoặc đô thị và cũng phổ biến ở miền núi với tên gọi văn nghệ quần chúng, thu hút được lượng khán giả đông đảo ở các kỳ hội diễn, liên hoan,... Đặc biệt, ở một số điểm du lịch cộng đồng như Mai Châu (Hòa Bình), Mộc Châu (Sơn La), Mường Thanh (Điện Biên), Mường Lò (Yên Bái)... các chương trình biểu diễn nghệ thuật (nhất là nghệ thuật múa) chủ yếu thuộc loại hình văn hóa dân gian mô phỏng. Hiện nay, xu hướng tổ chức các lễ hội du lịch hoặc khôi phục lễ hội đang diễn ra khắp nơi, đều dựa vào chất liệu của văn hóa dân gian mô phỏng. Vì vậy, văn hóa dân gian mô phỏng là một loại hình đặc biệt đang đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần và cần được nghiên cứu dưới góc độ văn hóa dân gian ứng dụng.
Văn hóa dân gian ứng dụng còn là một ngành khoa học được ứng dụng vào nghiên cứu đô thị, trở thành văn hóa dân gian đô thị, nghiên cứu các thành tố văn hóa dân gian đã thích ứng và “chung sống” với người dân đô thị. Nó tập trung nghiên cứu về đời sống văn hóa của người dân nhập cư cũng như người “đô thị gốc”. Các yếu tố của văn hóa dân gian (nhất là tập quán, phong tục) đã chi phối đến đặc điểm cư trú cũng như quá trình xóa đói, giảm nghèo của một bộ phận người dân nhập cư. Đặc biệt, tín ngưỡng dân gian chi phối hầu hết các gia đình cư dân đô thị với nhiều hiện tượng khác nhau như thờ “thần tài”, lễ cúng ngày mồng một, ngày rằm, quan niệm “mở hàng” ở các cửa hàng, các phong tục, tập quán về đón xuân, mừng nhà mới, “cưới xe”, “cưới chợ”… Sự xuất hiện các lễ hội, ngày lễ mới đã tạo ra môi trường sinh hoạt văn hóa dân gian mới. Như vậy, văn hóa dân gian đô thị tập trung nghiên cứu quá trình hình thành các xu hướng thích nghi văn hóa của các nhóm người di cư vào đô thị; nghiên cứu các phố nghề, làng nghề ở các thành phố, các loại hình kinh tế phi chính thức, những đặc trưng văn hóa, nếp sống, sinh hoạt văn hóa của người dân, tổ chức tôn giáo tác động đến đời sống cư dân đô thị. Văn hóa dân gian đô thị còn chú trọng nghiên cứu loại hình nghệ thuật ngôn từ như giai thoại, truyện tiếu lâm, ca dao, tục ngữ mới...; nghiên cứu các phong tục tập quán cũ và mới đang vận hành trong xã hội đô thị...
Kết quả nghiên cứu văn hóa dân gian đô thị còn giúp các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý trong công tác quy hoạch, phát triển đời sống kinh tế - văn hóa ở khu dân cư, nắm bắt tâm trạng, nhận thức, thái độ của người dân để điều chỉnh, thực thi chính sách cho phù hợp.
Văn hóa dân gian ứng dụng còn là nguồn lực quan trọng trong phát triển du lịch. Nhiều lĩnh vực của du lịch ở vùng đồng bào các dân tộc ít người như vấn đề quy hoạch, vấn đề chính sách ở tầm vĩ mô, việc tổ chức các điểm du lịch, văn hóa cũng như các chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch (nghệ thuật ẩm thực, nghệ thuật trình diễn, sinh hoạt văn hóa, sản phẩm thủ công truyền thống…) luôn đòi hỏi phải có sự tham gia của văn hóa dân gian ứng dụng. Bởi vậy, bất cứ việc quy hoạch hoặc đề xuất phương thức khai thác, xây dựng sản phẩm du lịch ở đâu cũng cần các nhà văn hóa dân gian ứng dụng tư vấn, đánh giá trữ lượng, tài nguyên, tiềm năng của du lịch (nhất là tài nguyên du lịch nhân văn).
Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng sẽ tập trung nghiên cứu bản sắc văn hóa dân tộc tạo thành sản phẩm, thương hiệu du lịch; nghiên cứu mối quan hệ giữa các yếu tố văn hóa dân gian với du lịch; nghiên cứu mối quan hệ về chủ sở hữu sản phẩm du lịch, quan hệ giữa du khách và người dân, quan hệ giữa doanh nghiệp với cư dân bản địa... nhằm tư vấn xây dựng các định hướng phát triển du lịch bền vững. Bài học kinh nghiệm ở nhiều điểm du lịch trên thế giới và ở Việt Nam đã chỉ ra rằng, du lịch không phát triển vì chưa chú trọng đến mối quan hệ giữa khách thể và chủ thể. Hiện nay, vấn đề phát triển du lịch bền vững đang là định hướng chung của toàn ngành và đòi hỏi việc khai thác tài nguyên du lịch một cách hợp lý vì cả lợi ích của thế hệ tương lai. Điều này đòi hỏi phải xây dựng mối quan hệ thân thiện với môi trường, hài hòa xã hội, bảo vệ lợi ích cộng đồng cư dân bản địa cũng như bảo vệ di sản văn hóa, tôn trọng sự đa dạng văn hóa các tộc người. Trong định hướng phát triển du lịch bền vững đòi hỏi sự tham gia tích cực của văn hóa dân gian ứng dụng.
Văn hóa dân gian ứng dụng còn có đóng góp quan trọng trong phòng, chống và giảm thiểu tác hại do thiên tai đang xảy ra ngày càng nhiều với mức độ ngày càng nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu. Ở Việt Nam, chỉ riêng tỉnh Lào Cai, trong 20 năm gần đây, đã xảy ra 43 vụ lũ quét, lũ ống gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Hiện tượng cháy rừng, mưa đá, băng giá… cũng xảy ra thường xuyên. Các dân tộc ở Việt Nam đã sáng tạo cả một kho tri thức dân gian về phòng, chống thiên tai và bảo vệ môi trường.
Thực tiễn cho thấy, đầu tháng 02-2010, khi rừng quốc gia Hoàng Liên bị cháy dữ dội, đám cháy lan rộng hàng trăm héc-ta; hơn 3.000 bộ đội, dân quân cùng nhiều phương tiện hiện đại tiến hành chữa cháy nhưng đám cháy vẫn lan rộng. Trước tình hình đó, lãnh đạo tỉnh Lào Cai đã huy động hơn 100 dân quân là con em đồng bào các dân tộc Mông, Dao áp dụng tri thức dân gian để dập lửa cứu rừng. Hệ thống tri thức dân gian (từ việc dự báo hướng gió, sức gió đến việc làm đường ranh cản lửa, cách dập lửa ở đỉnh núi cao...) của người Mông, người Dao đã được vận dụng đồng bộ, nhờ vậy, trận cháy rừng lịch sử đã được dập tắt. Kinh nghiệm dân gian này được vận dụng để chữa cháy rừng xảy ra từ năm 2010 đến nay một cách hiệu quả. Ở các vùng ven biển miền Trung, người dân địa phương cũng có nhiều kinh nghiệm dự báo và phòng, chống bão lũ.
Do đó, nghiên cứu văn hoá dân gian, cụ thể là tri thức dân gian trong phòng chống thiên tai cần được coi trọng và xây dựng thành một lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu của văn hóa dân gian ứng dụng. Trước hết, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cần phối hợp với ngành khí tượng thủy văn và các ngành hữu quan tập trung sưu tầm, nghiên cứu, xây dựng các dự án về kinh nghiệm phòng, chống thiên tai như: dự án sưu tầm các truyền thuyết, truyện cổ, tục ngữ, dân ca về các hiện tượng thiên tai đã xảy ra trong quá khứ, hoặc nghiên cứu các tri thức dân gian trong phòng, chống các hiện tượng thiên tai cụ thể (phòng, chống cháy rừng, lũ quét, bão lũ...). Dựa vào các nguồn thông tin, tri thức của thế hệ đi trước truyền lại, các nhà nghiên cứu có thể phân tích các kinh nghiệm về dự báo thiên tai, khắc phục thiên tai, nhưng quan trọng hơn là “chung sống” với thiên tai mà giảm thiểu được tối đa các thiệt hại.
Phong trào xây dựng nông thôn mới đang diễn ra ở hầu khắp các vùng nông thôn trong cả nước, từ đồng bằng đến miền núi. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã gặt hái được nhiều thành công, xuất hiện nhiều mô hình trở thành điểm sáng ở nông thôn, bộ mặt nông thôn đã thay đổi, hệ thống giao thông (nhất là giao thông liên thôn) phát triển rộng khắp... Bên cạnh các kết quả đã đạt được, phong trào xây dựng nông thôn mới còn một số điểm hạn chế, nhất là ở khu vực miền núi, vùng đồng bào các dân tộc ít người cư trú. Nguyên nhân chủ yếu là do các nhà hoạch định chính sách chưa am hiểu thực tiễn ở miền núi cũng như nắm vững đặc điểm văn hóa dân gian, đặc trưng văn hóa tộc người... nên đã xây dựng các tiêu chí chưa thật phù hợp.
Ở vùng cao của các tỉnh miền núi, diện tích đất canh tác ít nên không thể đáp ứng được tiêu chí về xây dựng các trụ sở, các thiết chế văn hóa, thể thao theo quy định. Các nhà hoạch định chính sách cũng chưa hiểu về đặc điểm sinh hoạt chợ, điều kiện và nhu cầu mở chợ ở vùng cao nên thời kỳ đầu đã có chủ trương mỗi xã muốn đạt tiêu chuẩn nông thôn mới phải xây dựng một chợ của riêng xã đó, dẫn đến tình trạng nhiều chợ xây xong lại bị bỏ hoang, người dân không đến họp chợ hoặc không họp vào điểm chợ đã được quy hoạch. Tương tự như vậy, các tiêu chí về môi trường, giao thông, quy hoạch, thủy lợi... có nhiều điểm không phù hợp với miền núi và không thể thực hiện được. Trong khi đó, nhiều vốn tri thức dân gian trong sản xuất, quản lý xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống... ít được vận dụng và phát huy. Tri thức dân gian cũng như tri thức bản địa đóng vai trò vô cùng quan trọng trong xây dựng nông thôn mới hiện nay, do vậy cần được vận dụng trong việc thực thi chính sách ở vùng đồng bào các dân tộc ít người và ở nông thôn.
Văn hóa dân gian ứng dụng cũng làm thay đổi vai trò, trách nhiệm của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian. Nhà văn hóa dân gian không còn đi sâu vào “tháp ngà khoa học”, không chỉ mải mê sưu tầm vốn cổ dân gian mà phải “xung trận” tham gia giải quyết những vấn đề bức thiết của cuộc sống đương đại.
Đất nước đang trong quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa, các kế hoạch, các chương trình, đề án, dự án,... được thực thi ở khắp mọi miền. Các chính sách liên tiếp được ban hành. Nhưng các chính sách, các kế hoạch, các chương trình này có đến được với người dân hay không, người dân có nhiệt tình tham gia hay không? Các dự án lớn được xây dựng có tác động như thế nào đối với đời sống nhân dân, nhất là những tác động về văn hóa - xã hội? Những vấn đề như vậy đòi hỏi có sự tham gia của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cũng như các nhà nhân học. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian với tư cách là người am hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc, am hiểu về nếp sống, về tri thức dân gian nên sẽ có điều kiện trở thành nhà tư vấn cung cấp các thông tin cho những người xây dựng và thực thi chính sách, kế hoạch, chương trình, dự án. Đồng thời các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cũng trở thành những người thẩm định đánh giá kết quả thực hiện chính sách, dự án đó. Chẳng hạn, khi xây dựng một nhà máy thủy điện, một khu công nghiệp ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, nhà văn hóa dân gian sẽ tham gia thẩm định tác động của các công trình đó với đời sống người dân như thế nào? Nếp sống của người dân, kho tàng tri thức dân gian của người dân bị ảnh hưởng ra sao khi xây dựng nhà máy thủy điện, khu công nghiệp? Ở mỗi địa phương nhất là khu vực miền núi, hải đảo, biên giới, vùng dân tộc thiểu số cư trú,... đều có những đặc thù riêng. Tính đặc thù đó chi phối cả quá trình thực hiện chính sách, đòi hỏi chính sách phải được vận dụng phù hợp với từng địa phương. Nhà văn hóa dân gian là người am hiểu về tính đặc thù đó nên họ có thể trở thành những người đồng tham gia hoạch định và xây dựng chính sách cho phù hợp với từng vùng, miền cụ thể. Mặt khác, khi triển khai chính sách cũng như xây dựng các mô hình, dự án (như dự án du lịch cộng đồng, dự án khôi phục làng nghề, hay mô hình xóa đói, giảm nghèo ở tộc người nhất định) đòi hỏi phải có sự tham gia của các nhà văn hóa dân gian ứng dụng với tư cách là người hướng dẫn, tập huấn (cùng các nhà chuyên môn khác) nhằm thực hiện dự án đó phù hợp với người dân bản địa, phù hợp với nếp sống văn hóa của từng dân tộc. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng vừa đóng vai trò cung cấp thông tin lại cũng đóng vai trò xây dựng chính sách, thiết kế dự án và cả vai trò người thực thi, người huấn luyện, truyền dạy một bộ phận của dự án liên quan đến yếu tố văn hóa - xã hội.
Như vậy, văn hóa dân gian ứng dụng vừa mở ra chân trời mới vừa đòi hỏi trách nhiệm mới của nhà nghiên cứu, cùng hướng tới mục tiêu chung là xây dựng một đời sống văn hóa - xã hội phát triển vững bền./.
Việt Nam lên án mạnh mẽ vụ IS sát hại con tin người Nhật Bản  (03/02/2015)
Phó Chủ tịch nước dự lễ kỷ niệm thành lập Đảng tại Thái Nguyên  (03/02/2015)
Kỷ niệm 65 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Cộng hòa Séc  (03/02/2015)
Các địa phương kỷ niệm trọng thể 85 năm Ngày thành lập Đảng  (03/02/2015)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên