Đương đầu với khủng hoảng - một vài suy nghĩ
TCCS - Ngày 31-3-2009, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo cho thấy, kinh tế thế giới năm nay có thể tăng trưởng thấp nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. GDP của nhiều nước phát triển sẽ tăng trưởng âm trong năm nay như GDP của Mỹ âm 2,4%, GDP của Nhật Bản giảm 5,3%. Trước tình hình ngày một nghiêm trọng của tài chính và kinh tế thế giới, Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Luân-đôn (ngày 2-4-2009) đã quyết định bơm thêm 1.100 tỉ USD vào hệ thống tài chính thế giới, kiểm soát chặt chẽ các "thiên đường thuế", cam kết xây dựng một nền kinh tế Xanh và bền vững.
Nội lực hay ngoại lực
Sau khi giành được độc lập, các nước Thế giới thứ ba nỗ lực xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, nâng cao năng lực chế tạo hàng trong nước thay thế nhập khẩu. Đường lối phát triển này kéo dài đến giữa những năm 70 thế kỷ XX tương ứng với thời kỳ toàn dụng lao động, nhà nước can thiệp và hạn chế tích lũy tư bản theo học thuyết Kên (J.M.Keynes). Những nhà kinh tế học chủ lưu cho rằng học thuyết Kên đã lỗi thời, đường lối thay thế nhập khẩu đòi hỏi các công cụ bảo hộ như thuế quan, hạn ngạch, luật lao động... làm biến dạng nền kinh tế, thực chất họ muốn thi hành chính sách tự do mới nhằm tăng tích lũy tư bản, khai thác các nước Thế giới thứ ba giàu tài nguyên mà không cần quan cai trị.
Trong hai thập niên qua, trước áp lực của phương Tây và sự sụp đổ của mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, chiến lược công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu hay dựa vào nội lực để phát triển phải nhường chỗ cho tăng trưởng lấy xuất khẩu làm động lực, tương ứng với thắng lợi của học thuyết cổ xúy chủ nghĩa tự do mới - đồng thuận Oa-sinh-tơn thay cho chủ nghĩa tư bản toàn dụng lao động - nhà nước phúc lợi. Kết quả là tích lũy tư bản tự do mới hậu Kên tăng lên mãnh liệt. Đông - Tây tỉ phú hội ngộ trên tạp chí Forbes.
Có một thực tế là các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu như Nhật Bản và bốn con "hổ" Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Xin-ga-po tăng trưởng rất nhanh từ những năm 60, các nước Đông Nam Á như Ma-lai-xi-a, Thái Lan từ những năm 70, Trung Quốc từ những năm 80 và Ấn Độ từ những năm 90. Trong tất cả các trường hợp nói trên và ở một số ít nước khác, chủ yếu là các nước châu Á, vấn đề đặt ra là phải có một nền kinh tế toàn cầu phát triển không ngừng để hấp thụ sản phẩm không ngừng tăng lên đó.
Dựa vào nội lực hay ngoại lực, dựa vào xuất khẩu để công nghiệp hóa hay công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu? Ngay từ Đại hội VI năm 1986, Đảng ta đã nhấn mạnh: Trong toàn bộ công tác kinh tế đối ngoại, khâu quan trọng nhất là đẩy mạnh xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu. Sản xuất đủ tiêu dùng và có tích lũy... tạo ra cho được một cơ cấu kinh tế hợp lý, hướng vào việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là lương thực thực phẩm, đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu(1). Đến Đại hội VII, nước ta vẫn đứng trước hai hệ thống kinh tế và thị trường thế giới, xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, vẫn theo hai phương thức thanh toán bằng đồng rúp và đô-la. Xuất khẩu chưa đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu và trả nợ, tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm thô còn lớn, quản lý kinh tế đối ngoại còn kém, tranh mua, tranh bán hàng xuất khẩu dẫn đến bị nước ngoài dìm giá. Trong 5 năm 1991 - 1995, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 17 tỉ USD, tổng kim ngạch nhập khẩu lên tới 21 tỉ USD. Nhà nước đã mở rộng quyền xuất, nhập khẩu cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và ban hành một số chính sách khuyến khích xuất khẩu, chấm dứt thời kỳ nhà nước độc quyền ngoại thương.
Thời kỳ này cũng là thời kỳ hoàn thiện từng bước khuôn khổ pháp lý cho đầu tư nước ngoài, thu hút tài trợ phát triển song phương và đa phương (ODA), đến cuối năm 1995 đạt 19 tỉ USD. Tại Đại hội IX, Đảng chủ trương "giảm mạnh xuất khẩu sản phẩm thô và sơ chế, tăng nhanh tỷ trọng sản phẩm chế biến và tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm; nâng dần tỷ trọng sản phẩm có hàm lượng trí tuệ, hàm lượng công nghệ cao"(2). Từ Đại hội này, đường lối kinh tế của Đảng ta là "Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ... phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài..." (3).
Cuộc khủng hoảng toàn cầu một lần nữa đặt ra câu hỏi về nội lực hay ngoại lực, xuất khẩu và nhập khẩu. Thừa nhận những thách thức đi kèm những thuận lợi do hội nhập quốc tế, Đảng cho rằng "cần phải phát huy cao nội lực với phương châm “nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng”, xây dựng được nền kinh tế độc lập, tự chủ... phấn đấu không ngừng để các cân đối lớn của nền kinh tế ngày càng phải vững chắc hơn"(4).
Nói nội lực là quyết định thể hiện hướng vào nhu cầu trong nước, sức mua trong nước, phát huy tiềm năng trong nước, nâng cao tích lũy trong nước, cải thiện đời sống nhân dân, có nhiều giải pháp kích cầu, mở rộng, phát triển thị trường trong nước. Sử dụng các biện pháp không trái với các quy định của WTO để hạn chế nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu. Nói ngoại lực là quan trọng thể hiện trong thu hút đầu tư và đẩy mạnh xuất khẩu. Văn kiện trên khẳng định, "Tạo mọi điều kiện để khuyến khích xuất khẩu, quản lý chặt chẽ nhập khẩu, kiềm chế nhập siêu, phát triển thị trường trong nước... có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích xuất khẩu (thuế, lãi suất, tỷ giá...) để phát triển, mở rộng thị trường, bao gồm các thị trường truyền thống và các thị trường mới có nhiều tiềm năng và đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu." Có các chính sách để cơ cấu lại mặt hàng xuất khẩu theo hướng giảm dần xuất khẩu tài nguyên khoáng sản và sản phẩm nguyên liệu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao. Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu theo hướng giảm dần xuất khẩu tài nguyên, hạn chế nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu là chủ trương đúng, vấn đề là thực thi như thế nào.
Chúng ta đã từng phấn đấu công nghiệp hóa (và tập thể hóa), nhưng kết quả bị hạn chế bởi phải kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, không tập trung được nguồn lực. Doanh nghiệp nhà nước thay vì giữ vai trò chủ đạo đã biến thành độc quyền quá lâu, không có cạnh tranh. Nay chuyển sang mô hình công nghiệp hóa theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu. Nhờ đó kinh tế tăng trưởng khá nhanh và tỷ trọng xuất khẩu ngày càng tăng. Việt Nam là quốc gia có kim ngạch xuất khẩu tăng trên 20% liên tục trong nhiều năm. Ngay như năm 2008, lạm phát cao như vậy nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt 62,7 tỉ USD, tăng 29,5% so với năm 2007, và tăng gấp gần 3,7 lần cả 5 năm 1991 -1995.
Bên cạnh đó, vẫn còn một hạn chế rất lớn là giá trị gia tăng rất thấp, hàm lượng nhập khẩu trong hàng hóa xuất khẩu rất lớn do công nghiệp phụ trợ chưa phát triển. Tính chung cả năm 2008, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa lên đến 80,7 tỉ USD, tăng 28,3% so với 2007, bao gồm khu vực kinh tế trong nước đạt 51,8 tỉ USD, tăng 26,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 28,6 tỉ USD, tăng 31,7%. Trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2008, tư liệu sản xuất chiếm 88,8%; hàng tiêu dùng chiếm 7,8%, vàng chiếm 3,4%.
Đối phó với chủ nghĩa bảo hộ
Không khó để nhận ra rằng thâm hụt cán cân thương mại dễ thổi bùng chủ nghĩa bảo hộ. Theo thăm dò tháng 12-2007 của NBC và Tạp chí Phố Uôn (Wall Street Journal), gần 60% người Mỹ cho rằng toàn cầu hóa không tốt vì nó làm cho công nhân và doanh nghiệp Mỹ không được cạnh tranh công bằng. Nếu toàn cầu hóa mang tiếng xấu ở nước này (?) thì thâm hụt cán cân thương mại phải gánh phần lớn sự chỉ trích. Mỹ và các nước phát triển khác ngày càng kém ưa chuộng hàng xuất khẩu của các nước đang phát triển, Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Thuế cao cũng là trở ngại. Các nước đang phát triển cạnh tranh nhau cùng những mặt hàng giống nhau, đó là hiện tượng "chen vai thích cánh" để bán hàng và hậu quả là sự tranh giá, giành giật thị trường của nhau.
Xuất khẩu ngày càng trở nên gay cấn. Phải chăng vì vậy mà cựu Thủ tướng Thái Lan Thạc-xỉn Xin-vát khi lên cầm quyền năm 2001 đã đề ra “chuyển hướng từ sản xuất hàng loạt cho xuất khẩu sang tăng trưởng theo đòi hỏi của nhu cầu trong nước." Thái Lan cùng Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin là các nước lấy xuất khẩu làm động lực tăng trưởng sau bốn con "hổ". Năm 1985, xuất khẩu của Thái Lan mới đạt 7 tỉ USD (tương đương con số ta đạt năm 1996), và chỉ sau một thập niên tăng gấp tám lần lên tới trên 56 tỉ USD (năm 2008 ta đạt 62,7 tỉ USD). Nhưng Thái Lan cũng nhận thức sớm cần hạn chế xuất khẩu tài nguyên, nên đến năm 1995 nước này đã có ba phần tư xuất khẩu là chế phẩm. GDP trên đầu người của Thái Lan năm 1985 là 800 USD, năm 1995 nhờ xuất khẩu mà vọt lên đến 3.000 USD, đứng thứ ba ở Đông Nam Á, chỉ sau Xin-ga-po và Ma-lai-xi-a.
Cuộc khủng hoảng toàn cầu này cũng là cơ hội cho một số học giả và chính trị gia nêu lại tư tưởng của M.Gan-đi về "Swadeshi", được hiểu là kinh tế quốc nội. Tên tuổi của M.Gan-đi thường được gắn với phong trào chống sự đô hộ của thực dân Anh, nhưng lớn lao hơn là quan điểm swadeshi của ông về trao phần lớn quyền lực cho bảy trăm ngàn làng xã địa phương theo một chương trình sinh tồn bền vững. M.Gan-đi lập luận "không phải là sản xuất hàng loạt mà là sản xuất bởi số đông". Ấn Độ không phát triển nhanh như Trung Quốc về thương mại, xuất khẩu và nhập khẩu năm 2007 của đất nước hơn một tỉ dân này còn thấp hơn so với Xin-ga-po - đất nước chỉ có khoảng bốn triệu dân; GDP của Ấn Độ trên đầu người tính theo so sánh sức mua (PPP) đứng thứ 162 thế giới với 2.625 USD, chỉ trên Việt Nam một bậc, Trung Quốc với 5.370 USD, đứng thứ 130.
Về lâu dài, nhu cầu trong nước vẫn đóng vai trò quyết định. Thành công của bốn con "hổ", theo học giả Xát (1998), đã tạo điều kiện để Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khuyến nghị cho 75 "khách hàng" là quốc gia đang phát triển lấy đó làm mô hình phát triển toàn cầu trên thực tế. Nhưng thực tế không phải nước nào cũng có thể trở thành "ông Ba mươi". Tăng trưởng của kinh tế thế giới trong thời kỳ lấy xuất khẩu làm đầu tàu đã bị chậm lại, đặc biệt ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Thời kỳ 1990 - 1996 thấp hơn thời kỳ 1980 - 1989, vốn đã thấp hơn thời kỳ 1965 - 1980. Tình hình đó buộc phải đặt dấu hỏi mô hình dựa vào xuất khẩu, cũng như trước đây mô hình thay thế nhập khẩu bị chất vấn.
Sai lầm của mô hình dựa vào xuất khẩu là ảo tưởng mọi quốc gia đều có thể dựa vào nhu cầu tăng trưởng của nước khác. Nhưng khi ứng dụng vào một thị trường thế giới bị co lại thì sẽ xảy ra tình trạng cung vượt cầu. Các nước xuất khẩu cạnh tranh nhau, có " kẻ được người thua " chứ khó có "anh và tôi cùng thắng". Bản thân xuất khẩu không phải là " tội đồ " bởi nước nào cũng phải cần có xuất để nhập, có bán để mua những thứ cần cho sản xuất và tiêu dùng của mình. Thực tế là các nước tăng trưởng dựa vào xuất khẩu phải chú ý tới một số lĩnh vực có các thành tố của thay thế nhập khẩu. Không chỉ với Hàn Quốc mà trong thế kỷ XIX, Đức rồi Mỹ và tiếp ngay sau đó là Nhật Bản đều có các chính sách bảo hộ những ngành công nghiệp non trẻ. Cho đến những năm 60 của thế kỷ XX, Nhật Bản vẫn xin được bảo hộ ngành công nghiệp ô-tô, và đến khi mở rộng cửa thì ít có nhà sản xuất ô-tô Âu - Mỹ nào cạnh tranh nổi với Nhật Bản, bởi nước này đã biết chọn những thiết kế tiết kiệm nhất, hiệu năng nhất, cạnh tranh nhất.
Trong thực tế, hiện tượng "chen vai thích cánh" hay "bị đánh bật" khá phổ biến. Xuất khẩu của bốn con "hổ" Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông và Xin-ga-po bị hàng Trung Quốc " cho ra rìa ". Tương tự, hàng Nhật Bản không cạnh tranh nổi với hàng Mê-hi-cô trên thị trường Mỹ. Những tác động mất thị trường, giảm thị phần cho thấy, mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu khó có thể đứng vững lâu dài trên cơ sở toàn cầu, bởi các nước phát triển không đều và có "sở trường, sở đoản" khác nhau, lại thường sản xuất những mặt hàng giống nhau. Hơn nữa và là điều cực kỳ quan trọng: nước nhập khẩu có quyền lựa chọn mua hay không, nước xuất khẩu không có quyền đó. "Mua khôn bán khéo" vẫn có ý nghĩa quyết định.
Một nước này xuất khẩu cho nước kia có nghĩa là nước kia nhập khẩu. áp dụng vào các nước phát triển Âu - Mỹ thì đó là "chiếm dụng nội nhu của nước kia". Các nước đang phát triển cạnh tranh nhau để giành thị phần ở các nước phát triển. Và nếu một nước tăng được thị phần thì nước kia mất thị phần. Đó là hiện tượng “bị đánh bật” nói ở trên. Cũng có nghĩa là nếu chỉ vài ba nước cùng xuất khẩu một mặt hàng thì có thể có lợi, nhưng nếu nhiều nước cùng nhằm vào một nước để bán cùng một mặt hàng thì lợi nhuận của các nước đó sẽ bị triệt tiêu. Thêm vào đó là hiện tượng tranh mua tranh bán gây biến động giá, tất cả đều bị thua thiệt, các nước phải cạnh tranh nhau không chỉ giá cao thấp mà còn cả điều kiện lao động và môi trường. Các nước phát triển thừa cơ chuyển đến những nơi có điều kiện dễ dãi hơn, hoặc buộc nước sở tại phải có những sửa đổi về pháp chế bất lợi cho đất nước nhưng cốt để giữ chân nhà đầu tư, như hiện nay họ phản đối hàm lượng nội địa.
Nội lực là chính
Đảng ta đã có quan điểm đúng khi xác định "Nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng". Chúng ta đang hội nhập vào một thế giới toàn cầu hóa, tự do hóa và tư nhân hóa theo học thuyết chủ nghĩa tự do mới. Thực tế cho thấy trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay, các nước hội nhập càng sâu thì tổn thất càng lớn. Căn cứ vào các số liệu của WTO, các nước phát triển chỉ đạt tăng trưởng bình quân 0,8% so với 2,5% năm 2007 và bình quân 2,2% từ 2000 - 2008; các nước đang phát triển tăng 5,6%, thấp hơn mức 7,5% năm 2007 nhưng vẫn bằng mức bình quân 2000 - 2008. Các nước kém phát triển (LDC) đạt tăng trưởng bình quân 6,6%, cao hơn mức bình quân 6,3% những năm 2000 - 2008. Tăng trưởng kinh tế khu vực Đông - Nam Á, theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẽ chỉ xấp xỉ 0,7% trong năm 2009, so với mức 4,3% của năm ngoái. Ba nền kinh tế xuất khẩu mạnh nhất khu vực là Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po và Thái Lan sẽ đều tăng trưởng âm trong năm nay, trong đó GDP của Xin-ga-po âm tới 5%. Việt Nam sẽ tăng trưởng 4,5% (theo dự báo của WB, IMF, con số đó từ 4% đến 5%).
Chúng ta chủ trương "tạo mọi điều kiện để đẩy mạnh xuất khẩu", nhưng cần lưu ý những lý do dẫn đến sự đình đốn thương mại được nêu trong báo cáo mới nhất của WTO trong bối cảnh suy thoái: Nhu cầu giảm phổ biến hơn và diễn ra tức thì khắp các khu vực trên thế giới. Thương mại tăng hay giảm không còn chỉ là chuyện bên bán và bên mua bởi còn chịu tác động của hệ thống cung ứng toàn cầu và luật lệ của WTO, của các hiệp định song phương, khu vực. Thiếu tài chính thương mại, tài chính hóa khiến tiền đẻ ra tiền không phải qua sản xuất, nhập khẩu và xuất khẩu, nên không dễ kiếm. Chủ nghĩa bảo hộ đang là nguy cơ đe dọa sự phục hồi tăng trưởng.
Vẫn chưa đến hồi kết
Có thể thấy cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang tác động hầu khắp thế giới, những nước hội nhập sâu chịu tác động lớn hơn những nước không gắn kết với các thiết chế tài chính, kinh tế, thương mại của chủ nghĩa tư bản. Khủng hoảng năm 1997 từ Thái Lan ảnh hưởng mạnh đến In-đô-nê-xi-a, Hàn Quốc, 100 tỉ USD đã chạy khỏi "đất nước của những nụ cười", nhưng căn bản không ảnh hưởng đến Việt Nam vì chúng ta chưa hội nhập sâu như bây giờ. Chúng ta đã trải qua thời kỳ tiến hành công nghiệp hóa dưới sự quản lý của Nhà nước, có kế hoạch tập trung thường được gắn thêm từ quan liêu, bao cấp. Chúng ta đang tiến hành đổi mới, chủ động hội nhập, phấn đấu cho một toàn cầu hóa tốt đẹp hơn. Phải dựa vào nội lực vì đó là nhân tố quyết định, nhưng phải coi trọng ngoại lực. Không mở thị trường, không xuất khẩu được thì không có "đầu ra" cho cá tra, hạt tiêu, nhân điều, cà phê (rồi ca cao), gạo. Đó là chưa nói tới than đá, dầu thô là những thứ phải bất đắc dĩ xuất khẩu. Cho nên phải cân đối xuất khẩu và nhập khẩu, hài hòa nội lực và ngoại lực.
Lại còn phải thống nhất lợi ích chung và lợi ích riêng, công và tư, Nhà nước và công dân, tập thể và cá thể, phải dứt khoát đặt kinh tế nhà nước làm chủ đạo, xác định kinh tế thị trường là phương tiện. Định hướng xã hội chủ nghĩa trước hết là lo cho dân, dân có giàu nước mới mạnh, và muốn thế phải bảo đảm cho dân có vốn, có tay nghề tức là được giáo dục đào tạo theo chủ nghĩa xã hội. Xóa đói, giảm nghèo không thể dừng lại ở các con số thu nhập. Cái cao hơn là xây dựng một xã hội công bằng và dân chủ. Bác Hồ nói "Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng". Phản ánh và phản biện là ủng hộ và hậu thuẫn tích cực cho đường lối xã hội chủ nghĩa của Đảng, phê phán đường lối tiệm cận chủ nghĩa tư bản. Định hướng xã hội chủ nghĩa phải chú ý tới GDP Xanh là hiệu số của tổng sản phẩm quốc nội với sự mất mát tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Thương mại công bằng không phải là thương mại chủ lưu nhưng nó coi trọng con người, xóa đói, giảm nghèo, không chỉ đơn thuần vì lợi nhuận. Đó là đôi nét chấm phá của bức tranh xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang góp công sức xây dựng.
Chủ nghĩa tự do mới đang len lỏi vào nước ta, đang tìm cách biến thị trường từ phương tiện thành mục đích, giảm nhẹ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.
Cuộc khủng hoảng toàn cầu đã phơi bày những chỗ yếu chí mạng của chủ nghĩa tư bản. Trước khi "về vườn", tại Hội nghị G20 (ngày 15-11-2008), Tổng thống G. Bu-sơ còn " nhắn nhủ " chủ nghĩa tư bản phải được bảo vệ, kinh tế thị trường phải được cứu vãn.
(1) Xem: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Đại hội VI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005 (Báo cáo của Tổng bí thư Trường Chinh, ngày 15-12-1986, tr 43 và 85)
(2) Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới đã dẫn, tr 730
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr 89
(4) Văn kiện Hội nghị lần thứ chín, Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr 87
Hoạt động của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại I-ta-li-a  (12/12/2009)
Liên hợp quốc thông qua nhiều nghị quyết hỗ trợ các nước đang phát triển  (12/12/2009)
EU cam kết hỗ trợ các nước nghèo chống biến đổi khí hậu  (12/12/2009)
Hai năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng  (12/12/2009)
Tăng cường vai trò của Nghị viện trong phòng chống HIV/AIDS  (11/12/2009)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay