Nhìn lại hơn 20 năm đổi mới cũng là đánh giá một quá trình, một giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Sự hội nhập đó là một bộ phận cấu thành, một trong những điều kiện và nhân tố cho sự thành công của sự nghiệp đổi mới.

Hiểu hội nhập kinh tế quốc tế như thế nào? Thiết nghĩ đó trước hết là nhận thức rằng nền kinh tế thế giới và các nền kinh tế quốc gia là một thể thống nhất, trong đó sự tương tác giữa các nền kinh tế quốc gia, cũng như giữa từng nền kinh tế quốc gia với tổng thể quy luật, cơ chế, tập quán vận hành của kinh tế toàn cầu sẽ quy định một cách cơ bản sự phát triển và hưng thịnh của mỗi nền kinh tế quốc gia và của cả kinh tế thế giới. Nói cách khác, trong thời đại quốc tế hóa, không một nền kinh tế nào có thể phát triển trong sự khép kín biệt lập. Thực ra, dân tộc Việt Nam trong lịch sử của mình, đặc biệt kể từ khi có Đảng, đã khẳng định giá trị của hội nhập khi kết hợp cộng hưởng tài tình nội lực với ngoại lực trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà và lập lại hòa bình. Đương nhiên phương thức, quá trình, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế của một quốc gia sẽ tạo nên mức độ phát triển khác nhau của từng nền kinh tế quốc gia. Điều này càng đúng khi thế giới đi vào toàn cầu hóa.

Toàn cầu hóa đặt mỗi nước, mỗi xã hội trước những thực tế và những bài toán rất mới và phức tạp, đòi hỏi vừa có tầm nhìn tổng thể, biện chứng vừa có hiểu biết rất cụ thể, vừa có khả năng dự đoán xa, vừa có thể điều chỉnh và thích nghi nhanh chóng và linh hoạt. Để có thể làm được điều đó, chúng ta - Việt Nam nói chung và từng chủ thể kinh tế Việt Nam nói riêng cần nghiên cứu, suy ngẫm và tự xác định chúng ta đứng ở vị thế nào trong "thế giới phẳng", trong "dây chuyền cung toàn cầu" (global supply chain). Thiếu điều đó không thể tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế thành công, không thể phát huy đầy đủ lợi thế so sánh và tối ưu hóa các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời kỳ hậu WTO.

Nói một cách nôm na, cần có một nhận thức rõ ràng, chính xác chúng ta là ai, thực lực và lợi thế, tiềm năng, triển vọng, khả năng và giới hạn của chúng ta như thế nào? Có thể khẳng định rằng Việt Nam không phải là nước nhỏ mà là nước cỡ trung (middle power) xét về dân số, thực tế và triển vọng phát triển kinh tế, cũng như vai trò ở khu vực và cả thành quả hội nhập quốc tế. Nhìn lại tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đỉnh cao là việc gia nhập WTO cho thấy, Việt Nam đã xác lập được vị thế đối ngoại chủ động và phù hợp với nội lực của ta. Nói cách khác, vị thế đối ngoại không thể cao và vững nếu nội lực kinh tế - chính trị yếu kém. Vị thế không thể thay cho nội lực mà chỉ có thể bổ sung, phát huy nội lực. Ngược lại, nội lực thiếu, vị thế hội nhập sẽ bị giới hạn, không phát huy hết tiềm năng, khả năng. Đây là mối quan hệ biện chứng.

Trong giai đoạn hội nhập sâu rộng hơn sắp tới, chúng ta sẽ phải vận dụng phương châm về thế và lực vào điều kiện, bối cảnh toàn cầu hóa, từ tư duy đối ngoại đến chính sách đối ngoại, biện pháp, phương thức và con người hoạt động đối ngoại.

Không thể xác định xây dựng, phát huy thế, lực trong hội nhập thời đại toàn cầu hóa, thời kỳ sau “chiến tranh lạnh” nếu không xác định nhân tố chi phối hàng đầu chiến lược, sách lược đối ngoại cả về kinh tế, chính trị của tất cả các quốc gia và các nền kinh tế, đó là lợi ích quốc gia - dân tộc. Đương nhiên, nội hàm của lợi ích quốc gia - dân tộc không cố định bất biến qua thời gian và không gian. Chính việc xác định và tạo sự đồng thuận cao rộng về nội hàm của lợi ích quốc gia - dân tộc ở tầm vĩ mô trong thời đại toàn cầu hóa và thời kỳ hậu WTO là yêu cầu then chốt của chính sách đối ngoại thời hội nhập. Đó là kim chỉ nam cho mọi chủ thể tham gia mặt trận đối ngoại hiện nay và sắp tới.

Lẽ tất nhiên, thách thức chính đối với từng chủ thể tham gia hội nhập kinh tế quốc tế là vận dụng có hiệu quả kim chỉ nam đó vào hoàn cảnh, phạm vi, yêu cầu cụ thể của bản thân. Đó là một quá trình không đơn giản đòi hỏi thông tin, hiểu biết, khả năng tư duy nhanh, nhạy, sắc bén và cả kinh nghiệm thực tiễn, khả năng rút ra những bài học hữu ích từ những kinh nghiệm thành công cũng như thất bại.

Từ những nhận định trên, có thể rút ra một số yêu cầu cần chú ý:

1 - Trong giai đoạn hậu WTO, cần xác định lại vai trò và phương thức can thiệp hỗ trợ của Nhà nước đối với tổng thể nền kinh tế và đối với mỗi chủ thể kinh tế sao cho vừa có hiệu quả, vừa không trái ngược với quy định của WTO. Các nước phát triển tham gia WTO từ nhiều năm nên đã tận dụng được mọi sự linh hoạt được phép trong khuôn khổ WTO để thực chất tiếp tục trợ cấp, dù là gián tiếp nhiều tỉ đô-la, hoặc ơ-rô cho nông nghiệp, nông sản của họ. Phải chăng, Nhà nước cần hiệp sức với từng ngành, nghề để dự đoán, xác định những mắt xích yếu, dễ bị tổn thương nhất trước sự gia tăng cạnh tranh khốc liệt cũng như những lĩnh vực, mặt hàng, thị trường hứa hẹn nhiều triển vọng phát triển sau khi các cam kết hai chiều giữa Việt Nam và các thành viên còn lại của WTO bắt đầu có hiệu lực từ ngày 11-1-2007. Như vậy, vai trò của Nhà nước sẽ phải vừa mang tính chiến lược hơn, định hướng dài hạn hơn, vừa cần loại hẳn tính bao cấp, tập trung vào đúng chức năng vai trò, tạo điều kiện chung, đòn bẩy và động lực.

2 - Mặt khác, các hiệp hội doanh nghiệp, ngành, nghề cần vươn lên đáp ứng tốt hơn, chủ động hơn và chuyên nghiệp hơn yêu cầu của các hội viên trong giai đoạn mới. Một nhu cầu bức thiết và quyết định là thông tin và sự hiểu biết. Ngày nay, nếu có điều kiện vật chất hay kỹ thuật thì không thiếu thông tin, trái lại mỗi một chúng ta có thể lúng túng, choáng ngợp trước những dòng chảy thông tin như thác không ngừng của thế giới toàn cầu hóa, tin học hóa. Vấn đề đặt ra là tiếp cận thông tin như thế nào để từ một biển thông tin thô "lấy" được những thông tin cần và đủ để có thể đạt được mục tiêu. Không thể coi nhẹ tầm quan trọng của thông tin đã qua xử lý vì đó thực sự là sức mạnh. Cố Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã từng thuyết minh thực tế nêu trên một cách thuyết phục và rất hình tượng: đèn giao thông ở ngã tư đường tạo được sức mạnh vật chất, chỉ cần đèn chuyển từ đỏ sang xanh, nghĩa là tín hiệu thông tin thì hàng ngàn người chuyển động mà không cần có sự tác động vật chất trực tiếp. Nếu thông tin là sức mạnh thì biết nắm và sử dụng thông tin để khiến cho người khác hành động theo ý muốn, kế hoạch của mình, đó là quyền lực theo nhận định của giáo sư S. Hăn-ting-tơn(1) khi đưa ra sự phân biệt giữa sức mạnh và quyền lực.

3 - Tương tác quốc tế lành mạnh và bền vững không bao giờ chỉ là một chiều, chỉ đáp ứng lợi ích của một bên. Đó phải là một quá trình có đi có lại, có lợi cho đôi bên (give and take). Ví dụ, vận dụng vào hoạt động cụ thể, điều đó có ý nghĩa là, khi lý giải hành vi một đối tượng, đối tác nào đó, trước hết cần phải xác định lợi ích đằng sau, tạo động lực cho hành vi đó. Phân tích hành vi ngăn cản Thượng nghị viện Hoa Kỳ xem xét Quy chế Quan hệ Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam của hai Thượng nghị sĩ B. Đôn và L. Gra-ham đại diện cho hai tiểu bang Bắc và Nam Ca-rô-lin chuyên sản xuất và xuất khẩu hàng dệt, ta sẽ thấy lợi ích động lực “kép” của họ không phải là chống Việt Nam mà là bảo vệ cho sản xuất xuất khẩu của họ(2); đồng thời để tranh thủ lá phiếu của cử tri hai tiểu bang qua việc tỏ ra hăng hái "bảo vệ quyền lợi của người lao động" hai tiểu bang trước nguy cơ mất việc.

4 - Trong xây dựng chính sách, cơ chế và biện pháp đối ngoại trong giai đoạn hội nhập sâu rộng chúng ta cần thấy rõ tính gắn kết, tác động qua lại giữa nhân tố, lợi ích kinh tế và nhân tố, lợi ích chính trị để từ đó tạo cho hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế của chúng ta sự uyển chuyển, linh hoạt và hiệu quả cao hơn. Nói cách khác, các chủ thể kinh tế, các doanh nhân của ta hội nhập quốc tế không thể thoát ly hoàn toàn nhân tố chính trị nếu muốn thành công đầy đủ. Chẳng hạn, cần biết rằng phần lớn các chính khách Mỹ sau khi rời chức vụ chính quyền thường tham gia ban lãnh đạo các tập đoàn và hãng luật lớn ở Oa-sinh-tơn; do vậy công tác vận động hành lang (lobby) ở Hoa Kỳ, kể cả về kinh tế thương mại đòi hỏi phải xác lập được những mối quan hệ với những nhân vật “gốc” chính trị. Thí dụ: Bà Sa-len Ba-sev-xki, cựu Đại diện Thương mại Hoa Kỳ thời chính quyền B. Clin-tơn, hay ông M. Xa-mu-en, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ bên cạnh GATT. Nói cách khác, trong hoạt động đối ngoại thời hội nhập quốc tế, phương thức triển khai là đa lĩnh vực, liên thông, tổng hợp. Có rất nhiều con đường dẫn đến thành Rôm. Ngày nay, không ít con đường dẫn đến hợp tác kinh tế, kinh doanh lại thông qua hoạt động giao lưu văn hóa. Doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam cần coi trọng nhân tố văn hóa trong kinh doanh, trong tiếp cận khách hàng và người tiêu dùng trong và ngoài nước, trong xây dựng thương hiệu. Như vậy, nhân tố văn hóa ở đây hàm ý biết "ta", biết "người" như: cái gì nói lên bản sắc dân tộc của ta và cái gì hấp dẫn đối tác nước ngoài, ngoài lợi nhuận. Chính phương châm này khiến cho tập đoàn xuyên quốc gia đã mua lại và giữ thương hiệu thuốc đánh răng P/S vì đông người tiêu dùng Việt Nam đã quen với thương hiệu này như một thương hiệu "nhà thân thuộc".

5 - Tổ chức triển khai chính sách, cơ chế hoạt động và nhân lực đối ngoại trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng cần tính đến thực tế toàn cầu là sự đa dạng hóa các chủ thể tham gia hội nhập quốc tế. Mặt trận đối ngoại ngày nay không chỉ bó hẹp vào những chủ thể chính quy truyền thống là Đảng, Nhà nước. Ngày nay, cùng với hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước, Chính phủ thì đối ngoại của các đoàn thể quần chúng lớn, ngoại giao nghị viện, hoạt động giao lưu hợp tác của các doanh nhân, nhà nghiên cứu, nghệ sỹ, nhà báo, vận động viên, các tổ chức rất đặc thù như Hội nạn nhân chất độc da cam, hoặc Hội Người cao tuổi, v.v., tạo nên diện mạo hội nhập quốc tế sống động của Việt Nam. Đúng theo xu thế thời đại, chúng ta tham gia và tổ chức ngày càng nhiều hoạt động giao lưu, những hội nghị kết hợp nhiều thành phần, nhiều “kênh”. Hơn nữa, không chỉ chủ thể ở cấp cao nhất mà cả ở các cấp dưới, cấp vùng, tỉnh, huyện, xã cũng là chủ thể hội nhập. Do vậy, hội nhập quốc tế của Việt Nam, ngoại giao của Việt Nam hiểu theo nghĩa rộng phải là theo phương thức đa “kênh” (multitrack), đa cấp, tổng lực. Hoạt động đối ngoại phải vừa ngày càng chuyên nghiệp, ngày càng linh hoạt theo phong cách quần chúng.

6 - Nhìn lại hai thập niên qua, còn một yêu cầu quan trọng vừa mang ý nghĩa trung hạn, vừa mang tính thời sự, mà theo chúng tôi, nền ngoại giao Việt Nam cần quan tâm đúng mức và kịp thời mới xứng tầm của giai đoạn mới. Đó là xác định mức độ và phương châm can dự với tư cách là "người trong cuộc" (chứ không còn là người ở ngoại vi, bên lề, thậm chí ở ngưỡng cửa), là thành viên đầy đủ vừa có nghĩa vụ tuân thủ “luật chơi”, góp phần vào lợi ích chung, vừa có quyền tham gia xây dựng “luật chơi”, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Thời gian qua, chúng ta đã thành công nổi bật trong việc thực hiện chủ trương làm bạn, làm đối tác tin cậy (chủ yếu về chính trị), đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế và giữ được sự cân bằng (giữa các đối tác/đối tượng chính yếu) và "an toàn" (cẩn trọng trong bày tỏ quan điểm lập trường đối với các vấn đề quốc tế và khu vực). Tuy nhiên sắp tới, chúng ta càng phải cân nhắc và sao cho giữ được tính liên tục, ổn định và cân bằng (giữa các đối tác/đối tượng, giữa cái chung và cái riêng, giữa trong và ngoài nước, giữa yêu cầu vừa đảm bảo an ninh, chủ quyền vừa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước) nhưng đồng thời vươn lên thể hiện tiếng nói và vai trò của một nước Việt Nam đang trỗi dậy từ sự nghiệp giải phóng dân tộc oanh liệt đến quá trình đổi mới và hội nhập đầy ấn tượng. Đây là bài toán mà Việt Nam cần chuẩn bị đáp số thuyết phục cho hai "chiến trường" thử lửa quan trọng nhất và ý nghĩa nhất sắp tới là WTO và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mà nước ta dự kiến tham gia trong hai năm 2008 - 2009 với tư cách ủy viên không thường trực(3). Sắp tới, trong WTO chúng ta sẽ phải quyết định chọn những nhóm, tập hợp nào để tham gia, bảo đảm tốt nhất lợi ích của nước ta; tuy nhiên chắc chắn Việt Nam sẽ phải quan tâm đến những tập hợp, cơ chế bảo vệ có lợi cho các nước đang phát triển. Tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, khi tham gia thảo luận và biểu quyết, chúng ta sẽ phải cân nhắc cùng một lúc nhiều nhân tố, nhiều lợi ích khác nhau không chỉ của những nước khác mà có thể của chính nước ta. Sẽ có lúc chúng ta sẽ khó xác định đối với một vấn đề vào một thời điểm cụ thể, đâu là lợi ích cao nhất đối với nước ta và chọn phương cách nào để bảo vệ hoặc bảo đảm lợi ích cụ thể cao nhất đó. Không loại trừ có trường hợp chúng ta sẽ đứng trước sự lựa chọn khó khăn giữa hai bên, hai phương án mà không có phương án thứ ba. Tuy nhiên, thiết nghĩ, thời điểm để ta "ra trận" ở WTO và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã chín muồi, không nên và cũng không thể đặt vấn đề lùi thời điểm "nhảy xuống nước". Vấn đề duy nhất đặt ra là chúng ta kịp thời chuẩn bị hành trang cần thiết, thế và lực, người và la bàn để ra biển cả và tiếp tục tiến lên những đỉnh cao tiếp theo.

* Phó Chủ nhiệm ủy ban Đối ngoại của Quốc hội

(1) Tác giả của "Sự va chạm của các nền văn minh"
(2) Đó là gián tiếp vì thực ra Việt Nam chủ yếu xuất hàng may mặc sang Mỹ chứ không phải là hàng dệt: thế nhưng hai nghị sĩ đó muốn bảo vệ hàng may mặc mà Cốt-xta Ri-ca xuất sang Mỹ khỏi sự cạnh tranh của hàng Việt Nam vì Cốt-xta Ri-ca mua nguyên liệu vải từ Bắc và Nam Ca-rô-lin
(3) Ngoại trừ đột biến, hầu như chắc chắn nước ta sẽ được bầu vào vị trí đó dịp Đại hội đồng Liên hợp quốc mùa thu năm 2007 một khi nhóm các nước châu á tại Liên hợp quốc đã nhất trí đề cử Việt Nam