Bài học kinh nghiệm về “nắm thời cơ cách mạng” trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945
TCCSĐT - Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công có ý nghĩa quốc tế và ý nghĩa dân tộc vô cùng to lớn, như một trong những trang chói lọi nhất của lịch sử dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm của dân tộc; đưa Đảng ta từ một Đảng hoạt động bí mật trở thành một Đảng cầm quyền, công khai lãnh đạo cuộc cách mạng của dân tộc...
Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa mùa Thu năm 1945 là thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam và thắng lợi đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan của lịch sử. Về chủ quan, chúng ta có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh với đường lối lãnh đạo tài tình, sáng tạo; chúng ta có nhân dân anh dũng, kiên cường, với lòng yêu nước nồng nàn và chí căm thù giặc sâu sắc; có đường lối quân sự và nghệ thuật chiến tranh độc đáo... Thắng lợi đó còn do sự tác động không nhỏ của nhân tố khách quan, đó là thắng lợi của Liên Xô và Đồng minh trước phe phát xít trên khắp các chiến trường thế giới. Nhưng một trong những nhân tố quan trọng nhất làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 là thời cơ và sự nhạy bén chớp lấy thời cơ cách mạng của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng.
Từ lịch sử đấu tranh và thực tiễn cách mạng trên thế giới, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã chỉ ra rằng: Thời cơ của cuộc cách mạng chỉ có thể diễn ra khi xuất hiện cả 3 điều kiện sau: Một là, kẻ thù của cách mạng (giai cấp thống trị) không thể thống trị nhân dân như cũ được nữa; Hai là, nhân dân lao động không thể cam chịu ách áp bức bóc lột của giai cấp thống trị như cũ được nữa; Ba là, có một chính Đảng ra đời và sẵn sàng đảm nhận sứ mệnh lịch sử của mình là lãnh đạo cuộc cách mạng của dân tộc giành chính quyền về tay nhân dân.
Từ đầu năm 1945, ở nước ta đã xuất hiện cả 3 điều kiện trên - có nghĩa là thời cơ cách mạng đã xuất hiện đối với cách mạng nước ta. Nhưng thời cơ đó chưa thực sự chín muồi, vì vậy tiến hành khởi nghĩa vào lúc này chúng ta không thể chắc chắn giành được thắng lợi. Vì Đảng đã sẵn sàng, nhân dân vô cùng cực khổ và hết lòng ủng hộ cách mạng, nhưng kẻ thù của chúng ta vẫn còn mạnh. Cả Pháp và Nhật vẫn trên đất nước ta, dù chúng có suy yếu nhưng số lượng quân của chúng vẫn rất đông và đủ mạnh để chống lại cách mạng…
Do đó, vấn đề đặt ra - yêu cầu đòi hỏi bức thiết của cách mạng lúc này là Đảng phải xác định được thời cơ cách mạng chín muồi và nhanh chóng chớp lấy thời cơ, lãnh đạo nhân dân ta tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền… Vấn đề này đã được Đảng Cộng sản Việt Nam mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh giải quyết hết sức tài tình, sáng tạo, linh hoạt khi tình thế cách mạng xuất hiện.
Ngày 15-8-1945, trước những thất bại liên tiếp trên khắp các chiến trường thế giới, phát xít Nhật buộc phải ngậm ngùi tuyên bố đầu hàng đồng minh vô điều kiện. Đây là thời điểm lịch sử đánh dấu sự thất bại thảm hại của phát xít Nhật và là thất bại của phe phát xít trên chiến trường thế giới. Thất bại này đã khiến cho quân Nhật ở Đông Dương hoang mang cực độ, rối loạn tột cùng, đồng thời chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật ở Việt Nam cũng tỏ ra hoàn toàn tê liệt!
Đến đây, kẻ thù của cách mạng nước ta đã vô cùng suy yếu - tình thế của cách mạng đã xuất hiện. Đảng ta xác định, lúc này thời cơ cách mạng đã chín muồi, đây là thời cơ “ngàn năm có một”, nếu không nhanh chóng chớp lấy sẽ không thể có được lần thứ hai. Và thời cơ này chỉ diễn ra từ khi phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng đồng minh vô điều kiện (ngày 15-8-1945) đến trước khi quân Đồng minh kéo vào nước ta giải giáp quân đội Nhật. Đây là một nhận định hoàn toàn đúng đắn, thể hiện sự tài tình, sáng suốt của Đảng và Bác Hồ.
Bởi vì trước ngày 15-8-1945 thời cơ cách mạng đã xuất hiện trên đất nước ta. Tuy nhiên, tình thế cách mạng chưa xuất hiện, kẻ thù của cách mạng vẫn còn mạnh, chúng có thể câu kết với nhau để cùng chống lại cách mạng… Do đó, phát động khởi nghĩa vào lúc này không thể bảo đảm chắc chắn cho chúng ta giành được thắng lợi. Còn nếu khi quân Đồng minh kéo vào giải giáp quân đội Nhật thì lúc này kẻ thù của chúng ta không chỉ đông lên về số lượng mà còn mạnh hơn rất nhiều. Bởi cùng một lúc có nhiều kẻ thù, với vũ khí trang bị hiện đại, và đặc biệt, dù là quân Đồng minh vào nước ta giải giáp quân đội Nhật, nhưng bản chất của chúng là chủ nghĩa thực dân - đế quốc, với âm mưu xâm lược. Vì vậy, chúng sẵn sàng làm tất cả để đập tan mọi nỗ lực của cuộc cách mạng nổ ra, để thống trị nước ta và thống trị cả Đông Dương; đồng thời sẽ chia năm, xẻ bảy nước ta cũng như miếng mồi béo bở Đông Dương để cùng nhau ra sức xâu xé, đàn áp, bóc lột.
Tóm lại, thời cơ chín muồi đối với cách mạng nước ta là từ khi phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng đồng minh vô điều kiện (ngày 15-8-1945) đến trước khi quân đồng minh kéo vào nước ta giải giáp quân đội Nhật. Nhưng một điều vô cùng quan trọng là, Đảng phải nhanh nhạy, biết chớp lấy thời cơ chín muồi để phát động khởi nghĩa, Tổng khởi nghĩa trong cả nước, giành chính quyền về tay nhân dân.
Ngay từ ngày 13-8-1945, khi nhận được những thông tin về Nhật Bản đầu hàng đồng minh không điều kiện, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh lập tức thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. Đến 23 giờ cùng ngày, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc “đã hạ lệnh tổng khởi nghĩa” (1) - chính thức phát lệnh Tổng khởi nghĩa trong cả nước.
Từ ngày 14 đến ngày 15-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) thông qua kế hoạch lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa và quyết định những vấn đề quan trọng về chính sách đối nội, đối ngoại sau khi giành được chính quyền.
Từ ngày 16 đến ngày 17-8-1945, Đại Hội quốc dân được triệu tập ở Tân Trào. Đại hội tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua Mười chính sách của Việt Minh, cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Từ ngày 14 đến ngày 18-8, nhiều xã, huyện thuộc các tỉnh ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ đã nhanh chóng chớp thời cơ tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền. Chiều ngày 16-8, theo lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa, một đơn vị Giải phóng do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, xuất phát từ tân Trào tiến về Thái Nguyên bao vây và giải phóng thị xã Thái Nguyên. Ngày 18-8-1945, lực lượng khởi nghĩa của các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh và Quảng Nam đã giành chính quyền ở tỉnh lị sớm nhất trong cả nước.
Ngày 19-8, cả Thủ đô vùng dậy. Nhờ khí thế của quần chúng mạnh mẽ, buộc “Chính phủ Nhật phải khoanh tay chịu để cho Việt minh giành chính quyền” (2). Ngày 23-8, giành chính quyền ở Huế. Ngày 25-8, giành chính quyền tại Sài Gòn. Đến ngày 28-8-1945, cách mạng đã giành chính quyền trong cả nước.
Chiều ngày 30-8-1945, trong cuộc mít tinh lớn có hàng vạn quần chúng tham gia, vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị, giao ấn kiếm cho Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, và nói rằng: “Tôi thà làm dân một nước tự do còn hơn làm vua một nước nô lệ” (3). Đến đây, chế độ phong kiến Việt Nam hoàn toàn sụp đổ.
Ngày 02-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), trước cuộc mít tinh lớn của hàng vạn nhân dân Thủ đô và các vùng lân cận, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt chính phủ lâm thời trịnh trọng tuyên bố với toàn thể quốc dân và nhân dân thế giới: Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thành lập. Đánh dấu sự thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa mùa Thu năm 1945 trong cả nước và khai sinh ra nền độc lập của dân tộc Việt Nam.
Như vậy, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là mốc son chói lọi của lịch sử cách mạng Việt Nam. Đánh dấu cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân của nhân dân ta đã hoàn thành thắng lợi. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Một kỷ nguyên mới của dân tộc ta được mở ra, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Từ đây, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ chính thức là Đảng cầm quyền, lãnh đạo con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi sóng gió, bão giông của lịch sử, tiến tới tương lai...
Dù lịch sử đã đi qua, nhưng dư âm và những bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị. Và một trong những nhân tố góp phần quyết định làm nên thắng lợi của cuộc cách mạng chính là vấn đề thời cơ của cách mạng và việc nhanh nhạy chớp lấy thời cơ cách mạng, phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam mà người đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Rõ ràng, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là do Đảng và nhân dân ta đã chuẩn bị đầy đủ mọi tiền đề cho cách mạng suốt một chặng đường dài, khi thời cơ cách mạng đã chín muồi, thì Đảng đã nhận thức đúng đắn, nhanh chóng chớp thời cơ, phát động nhân dân tiến hành Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong cả nước. Như vậy, thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa mùa Thu năm 1945 ở Việt Nam hoàn toàn không phải là “ăn may” như một số học giả phương Tây vẫn rêu rao, xuyên tạc; đó là cái “luận điệu” hòng làm hạ thấp giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng Tám ở nước ta - một cuộc cách mạng vĩ đại, cùng một lúc đã đảm nhiệm hai sứ mệnh lịch sử. Đó là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp - cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay của đất nước, trước tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, xu thế toàn cầu hóa, đẩy mạnh hợp tác kinh tế quốc tế đang diễn ra sâu rộng..., vấn đề thời cơ cách mạng càng có vị trí, ý nghĩa và vai trò hết sức quan trọng. Nền kinh tế thị trường và xu thế hội nhập quốc tế mang lại cho chúng ta rất nhiều thuận lợi và tiền đề quan trọng để phát triển đất nước, nhưng đồng thời cũng đặt ra cho nước ta không ít những khó khăn, thách thức. Vì vậy, vấn đề hết sức quan trọng đặt ra là Đảng và Nhà nước phải hết sức linh hoạt, nhanh nhạy trong việc nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, đi tắt đón đầu... để tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc trên con đường phát triển, lãnh đạo nhân dân ta thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ thành công Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi điều kiện và hoàn cảnh, đưa đất nước, con người Việt Nam vững bước tiến vào thiên niên kỷ mới./.
----------------------------------------
Chú thích:
(1) Tìm hiểu Cách mạng Tháng Tám, Nxb. Sự thật, H, 1967, tr. 58;
(2) Tìm hiểu Cách mạng Tháng Tám, Nxb. Sự thật, H, 1967, tr. 61;
(3) Mười ba đời vua nhà Nguyễn, Nxb. Thuận Hóa, tr. 170.
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 29-7 đến ngày 04-8-2013  (06/08/2013)
Tổng Bí thư tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị  (05/08/2013)
Hà Nội: 75% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung  (05/08/2013)
Niu Di-lân coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam  (05/08/2013)
Nâng cao vai trò của luật sư trong việc tham gia tố tụng  (05/08/2013)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên