TCCSĐT - Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Ðảng ta đã được công bố để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Rất nhiều vấn đề cơ bản và những câu hỏi lớn nhỏ được nêu lên để thảo luận. Trước khi đi vào nội dung cụ thể, xin thử tìm lời giải đáp cho ba câu hỏi có tính chất chung nhất:

1. Cương lĩnh có ý nghĩa như thế nào đối với quá trình lãnh đạo cách mạng của Ðảng?

2. Tại sao không viết cương lĩnh mới mà chỉ bổ sung và phát triển?

3. Cái gì là cái mới trong dự thảo Cương lĩnh lần này?

I. Cương lĩnh có ý nghĩa như thế nào đối với quá trình lãnh đạo cách mạng của Ðảng?

Ðảng ta từng khẳng định: Cương lĩnh là tuyên ngôn chính trị và là ngọn cờ chiến đấu của Ðảng. Cương lĩnh đề ra mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược, phương hướng và phương pháp cách mạng, đặt nền tảng lý luận, tư tưởng và chính trị đồng thời định hướng cho mọi hoạt động của Ðảng trong từng giai đoạn lịch sử nhất định.

Với ý nghĩa đó, ngay từ ngày thành lập, tháng 2-1930, Ðảng ta đã thông qua Chính cương vắn tắt do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khởi thảo, nêu rõ rằng Ðảng ta "chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản" (theo cách hiểu ngày nay là làm cách mạng dân tộc dân chủ để đi tới cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội). Ðây là Cương lĩnh thứ nhất của Ðảng ta.

Luận cương chính trị của Ðảng Cộng sản Ðông Dương do đồng chí Trần Phú khởi thảo (tháng 10-1930) là Cương lĩnh thứ hai của Ðảng. Luận cương cũng chỉ rõ rằng "tư sản dân quyền cách mạng là thời kỳ dự bị để làm xã hội cách mạng".

Chính cương Ðảng Lao động Việt Nam được Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Ðảng thông qua (tháng 2-1951) là Cương lĩnh thứ ba của Ðảng. Cương lĩnh nêu rõ: "Nhiệm vụ cơ bản hiện nay của cách mạng Việt Nam là đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược, giành độc lập và thống nhất thật sự cho dân tộc, xóa bỏ những di tích phong kiến, làm cho người cày có ruộng, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, gây cơ sở cho chủ nghĩa xã hội". Thực chất đây là Cương lĩnh nhằm thực hiện thắng lợi cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở nước ta.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Ðảng thông qua (tháng 6-1991) là Cương lĩnh thứ tư của Ðảng.

Bên cạnh các Cương lĩnh chung đó, Ðảng ta còn có nhiều văn kiện khác có tính cương lĩnh hoặc mang tầm cương lĩnh rất cao như: Báo cáo chính trị và Nghị quyết Ðại hội III của Ðảng (9-1960) nêu lên hai chiến lược cách mạng tiến hành đồng thời trên đất nước ta: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền nam; Báo cáo chính trị và Nghị quyết Ðại hội IV của Ðảng (12-1976) nêu lên đường lối chung và đường lối kinh tế của cách mạng xã hội chủ nghĩa trong cả nước; Báo cáo chính trị và Nghị quyết Ðại hội VI của Ðảng hoạch định đường lối và chính sách đổi mới toàn diện, mở ra thời kỳ mới chưa từng có của cách mạng Việt Nam...

Ðối với từng lĩnh vực cụ thể, Ðảng ta còn đưa ra các văn kiện như: Ðề cương văn hóa Việt Nam (1943) của Trung ương; Cương lĩnh của Ðảng Lao động Việt Nam về vấn đề ruộng đất (tháng 11-1953), v.v.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam hơn 80 năm qua cho thấy: Một chính đảng lớn, một đảng cách mạng có tính nhân dân sâu sắc như Ðảng ta, Ðảng ấy nhất thiết phải đề ra Cương lĩnh chính trị của mình cho từng thời kỳ, dù Cương lĩnh ấy được trình bày dưới hình thức nào. Cương lĩnh chính trị đúng là điều kiện tiên quyết để động viên và tập hợp đông đảo nhân dân chung quanh Ðảng, chiến đấu cho mục đích và mục tiêu cao nhất của cách mạng. Chỉ có như vậy, Cương lĩnh - ngọn cờ chiến đấu của Ðảng - mới trở thành ngọn cờ chiến đấu của nhân dân, vì sự nghiệp của nhân dân, được nhân dân cùng Ðảng giương cao lên và kiên cường giữ vững.

II. Tại sao không viết Cương lĩnh mới mà chỉ bổ sung và phát triển?

Trong hai thập kỷ qua, từ khi Cương lĩnh năm 1991 của Ðảng ra đời cho đến nay, tình hình trong nước và trên thế giới đã có nhiều biến đổi to lớn và sâu sắc. Nhiều vấn đề mới nảy sinh từng được Ðảng ta nhận thức và giải đáp có hiệu quả; nhiều vấn đề liên quan đến Cương lĩnh đã có nhận thức mới sâu sắc hơn; quan niệm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng rõ hơn, đồng thời cũng có không ít vấn đề mới đặt ra cần được giải đáp.

Tình hình đó đòi hỏi sự lựa chọn giữa hai phương án: Hoặc khởi thảo một Cương lĩnh mới, hoặc bổ sung và phát triển Cương lĩnh đã có. Vậy đạo lý của lựa chọn ấy ở đâu?

Hai mươi mốt năm trước, năm 1990, tại Hội nghị Trung ương lần thứ chín (khóa VI), bàn về vấn đề nên hay không nên đề ra Cương lĩnh của thời kỳ quá độ, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nói: "Lúc này chúng ta chưa có đủ cơ sở để vẽ ra toàn bộ bức tranh của xã hội tương lai một cách hoàn chỉnh. Nhưng căn cứ vào những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, căn cứ vào thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đặc biệt là Nghị quyết Ðại hội VI và thực tiễn đổi mới xã hội ta trong hơn 3 năm qua, chúng ta có thể vạch ra những nguyên tắc và phương hướng lớn cho thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Ðó là điều có thể làm được. Sau này, khi thực tiễn bộc lộ những vấn đề mới, qua tổng kết, Cương lĩnh sẽ không ngừng được bổ sung và hoàn chỉnh từng bước. Tóm lại là chúng ta không cầu toàn chờ cho đến khi có đầy đủ mọi điều kiện mới viết Cương lĩnh, trên thực tế điều đó không bao giờ xảy ra". (1)

Năm 2006, sau 20 năm đổi mới và 15 năm thực hiện Cương lĩnh, Ðại hội X của Ðảng nhận định: "Qua tổng kết lý luận - thực tiễn 20 năm đổi mới, chúng ta càng thấy rõ giá trị định hướng và chỉ đạo có ý nghĩa to lớn của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), đồng thời cũng thấy rõ thêm những vấn đề mới đặt ra cần được giải đáp". Ðại hội quyết định: "Sau Ðại hội X, Ðảng ta cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và phát triển Cương lĩnh, làm nền tảng chính trị, tư tưởng cho mọi hoạt động của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta trong quá trình đưa đất nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội".

Lựa chọn phương án "bổ sung và phát triển", Trung ương Ðảng ta đã thi hành đúng quyết định của Ðại hội X. Ðây là vấn đề có tính nguyên tắc. Nhưng điều quan trọng hơn là những đòi hỏi khách quan của thực tiễn. Nếu Cương lĩnh năm 1991 đã bị thực tiễn vượt qua và cuộc sống đòi hỏi phải có Cương lĩnh mới thì không có lý do gì để từ chối việc biên soạn lại. Ở đây thực tiễn lại chứng tỏ: Dù tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến đổi to lớn và sâu sắc, như đã nói ở trên, dù nhận thức của chúng ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội rõ hơn, thì những quan điểm cơ bản được nêu trong Cương lĩnh năm 1991 về thời kỳ quá độ, về đường lối chung xây dựng chủ nghĩa xã hội, những nét cơ bản về mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta cần xây dựng vẫn còn có giá trị lớn. Lựa chọn phương án "bổ sung và phát triển" là sự lựa chọn chính xác, cho phép chúng ta:

Một là, tiếp tục đổi mới trên cơ sở những quan điểm tư tưởng định hướng cơ bản của Cương lĩnh năm 1991, đồng thời bám sát được thực tiễn của đất nước và thời đại, phản ánh được ý chí và nguyện vọng của nhân dân, tạo động lực mạnh mẽ để đưa đất nước đi lên.

Hai là, kế thừa những nội dung trong Cương lĩnh vẫn còn nguyên giá trị; bổ sung các vấn đề đã được các Ðại hội, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị (từ Khóa VII đến nay) kết luận và những nội dung đã rõ, đã chín được thực tiễn chứng minh là đúng.

Ba là, sửa chữa, bổ sung hoặc viết lại những điều trong Cương lĩnh năm 1991 đến nay không còn phù hợp, đồng thời luận giải và làm rõ thêm một số mối quan hệ cơ bản có ý nghĩa chỉ đạo công việc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Cuối cùng, tuy không viết lại Cương lĩnh mới, nhưng chúng ta vẫn có được một bản Cương lĩnh (bổ sung và phát triển) với nội dung rất mới và khá hoàn chỉnh, đáp ứng được những yêu cầu của thời kỳ mới.

III. Cái gì là cái mới trong Dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển) lần này?

Cái mới thường được hiểu là cái thay thế cho cái cũ đã lỗi thời. Cái mới có thể là cái lần đầu được nêu lên, cũng có thể là cái từng được nói tới, nhưng nay đề cập với tinh thần mới và nội dung mới, cũng có cái tưởng như cũ nhưng do đặt trong bối cảnh tình hình đã khác trước mà trở thành mới. Cái mới trong Dự thảo lần này còn được hiểu là mới so với bản Cương lĩnh năm 1991, bao gồm cả những nội dung đã được phát triển qua các Ðại hội tiếp theo của Ðảng và các Hội nghị Trung ương các nhiệm kỳ, nay đúc kết lại và đưa vào văn kiện mới.

Trong bài viết "Những định hướng bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991" đăng gần đây trên Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản và một số phương tiện thông tin đại chúng khác, Giáo sư Tiến sĩ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã nêu lên 12 điểm quan trọng nhất (2). Ðó thật sự là những cái mới và có cái rất mới trong Dự thảo lần này.

Xuyên suốt 12 điểm bổ sung và phát triển ấy, thông qua việc trình bày một cách sáng tạo những quan niệm của Ðảng ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, ta thấy sự hình thành rõ nét những mô hình phát triển của Việt Nam: mô hình tổng thể về chủ nghĩa xã hội cùng các mô hình cụ thể về từng lĩnh vực như: kinh tế - xã hội, văn hóa - con người, hệ thống chính trị và Ðảng lãnh đạo.

Hai chữ "mô hình" không được chính thức viết trong Dự thảo Cương lĩnh, nhưng qua những gì đã trình bày, ta thấy các mô hình phát triển ấy đều là sản phẩm sáng tạo của Việt Nam, mang đặc điểm Việt Nam. Thông qua giao lưu và hội nhập, ta nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm hay của các nước, nhưng không sao chép mẫu hình của bất cứ nước nào.

Xin lấy "mô hình tổng thể về chủ nghĩa xã hội" ở nước ta làm thí dụ.

Cho đến nay, thế giới từng biết đến nhiều mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội: Mô hình chủ nghĩa xã hội Xô-viết (trước đây); Mô hình chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc; có cả mô hình chủ nghĩa xã hội dân chủ hay chủ nghĩa xã hội thị trường ở một số nước tư bản phát triển.

Với chúng ta, "xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Ðảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới" (theo Dự thảo lần này).

Cái mới ở đây không chỉ là điều chỉnh một số nội dung trong 6 đặc trưng của chủ nghĩa xã hội từng được nêu trong Cương lĩnh năm 1991, mà còn bổ sung hai đặc trưng nữa là: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Ðảng Cộng sản lãnh đạo. Tương ứng với tám đặc trưng này, Dự thảo cũng đã điều chỉnh và sắp xếp lại hợp lý thứ tự các phương hướng cơ bản của việc xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ từ 7 điểm thành 8 điểm.

Cái mới còn ở chỗ chúng ta nhận thức rõ ràng rằng để đạt tới một xã hội xã hội chủ nghĩa có đầy đủ 8 đặc trưng ấy, nước ta nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước phát triển, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen. Và mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ này là: "Xây dựng xong về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở làm cho nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa xã hội ngày càng phồn vinh".

Tháng 9-2010

------------------------------------

(1) Văn kiện Ðảng toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, t.50, tr 178

(2) Xem Tạp chí Cộng sản Điện tử, ngày 6-9-2010