1. "Thủ đô của châu Âu" rung chuyển

Thủ tướng Bỉ Y-vét Le-tơ-me

Vừa mới được thành lập chưa đầy 4 tháng, nội các Bỉ, quốc gia được ví là thủ đô của châu Âu, đứng trước nguy cơ sụp đổ sau khi Thủ tướng Y-vét Le-tơ-me (Yves Leterme) buộc phải đệ đơn từ chức do không thể hàn gắn được sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa những người nói tiếng Hà Lan ở khu vực Phơ-le-mi-sơ (Flemish) phía bắc và cộng đồng nói tiếng Pháp ở Va-lô-ni-a (Wallonia) phía nam, đẩy quốc gia này vào vòng bế tắc nghiêm trọng. Được thành lập năm 1830, Bỉ hiện có 10,5 triệu dân và tự coi mình là thủ đô của Liên minh châu Âu. Vùng Phơ-le-mi-sơ, với 6,5 triệu dân, có nền kinh tế phát triển mạnh và tỷ lệ thất nghiệp thấp, còn vùng Va-lô-ni-a có nền kinh tế phát triển chậm, tỷ lệ thất nghiệp cao. Cộng đồng dân cư ở hai vùng này cùng tồn tại mà không hề ảnh hưởng lẫn nhau. Bi kịch chính trị bắt đầu từ cách đây hơn một năm, khi Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo ở Phơ-le-mi-sơ của ông Y-vét Le-tơ-me giành chiến thắng trong cuộc bầu cử nhưng phải mất tới 200 ngày mới thành lập được chính phủ liên minh, tập hợp trong đó nhiều mâu thuẫn giữa các Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo, Xã hội, Tự do và những người dân tộc có lập trường cứng rắn từ cả hai cộng đồng nói tiếng Hà Lan và tiếng Pháp; mâu thuẫn trong các biện pháp cải cách đất nước trong việc tập trung chuyển giao thêm quyền lực cho các khu vực, việc vẽ lại khu vực xung quanh thủ đô v.v. Thời hạn chót là ngày 15-7-2008 qua đi mà các bên không đạt được một thoả thuận nào. Vì thế, Thủ tướng Y-vét Le-tơ-me đã phải đệ đơn từ chức lên Vua An-béc-tơ II (Albert II). Đức Vua đã bác bỏ lá đơn này và yêu cầu Thủ tướng Y-vét Le-tơ-me tiếp tục tìm cách khai thông bế tắc. Nhiều nhà bình luận Bỉ đặt hy vọng vào nghệ thuật thỏa hiệp của Thủ tướng Y-vét Le-tơ-me.

2. Nga tiếp tục tăng cường hiện diện quân sự ở Bắc Cực

Ngày 14-7-2008, Nga tiếp tục phái các tàu chiến đi làm nhiệm vụ tuần tra vùng biển Bắc Cực thuộc chủ quyền Nga, nhằm tăng cường sự hiện diện của quân sự của họ tại những khu vực Mat-xcơ-va có lợi ích chiến lược quan trọng, trong đó có các hoạt động tuần tra của tàu khu trục "Severomorsk" thuộc Hạm đội Biển Bắc và tàu tuần tiễu mang tên "Nguyên soái U-xti-nốp". Từ tháng 12-2007, Nga bắt đầu cử các hàng không mẫu hạm tới Địa Trung Hải và nối lại các hoạt động tuần tra của máy bay ném bom chiến lược tầm xa hồi tháng 8-2007. Cựu Tổng thống Nga V.Pu-tin đã ra lệnh mở rộng các hoạt động tuần qua của quân đội Nga và hiện nay tổng thống kế nhiệm sẽ tiếp tục kế hoạch này. Tuy nhiên, nhiều nhà bình luận quốc tế cho rằng, động cơ chính của Nga khi cử các tàu Hải quân tới Bắc Cực không chỉ vì các lợi ích an ninh, mà còn là hành động thể hiện chiến lược nước lớn. Hiện Nga đang nỗ lực khẳng định chủ quyền của họ đối với các nguồn tài nguyên ngày càng dễ tiếp cận khi băng ở Bắc Cực tan do quá trình ấm lên toàn cầu.

3. Tổng thống G.W.Bu-sơ huỷ bỏ lệnh cấm khai thác dầu ngoài khơi

Tổng thống G.W.Bu-sơ huỷ bỏ
lệnh cấm khai thác dầu ngoài khơi

Ngày 14-7-2008, trong bối cảnh giá dầu leo thang từng ngày, Tổng thống Mỹ G.W.Bu-sơ chính thức tuyên bố huỷ bỏ lệnh cấm khai thác dầu khí ngoài khơi nước Mỹ. Giờ đây, chỉ chờ sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ, các doanh nghiệp khai thác dầu có thể chuẩn bị để vươn tới những mỏ dầu khí khổng lồ ngoài khơi nước này lâu nay nằm ngoài phạm vi khai thác. Lúc này, các đảng viên của Đảng Dân chủ ở cả hai viện của Quốc hội Mỹ vẫn bác bỏ kêu gọi trên của Tổng thống G.W.Bu-sơ với lý do động thái trên không giúp ích gì cho việc hạ nhiệt giá dầu mà còn làm ảnh hưởng tới sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và gây ô nhiễm môi trường nước Mỹ. Hiện tại,chính phủ Mỹ mới chỉ cho khai thác một phần nhỏ ở vùng Vịnh Mê-xi-cô, còn các vùng biển Thái Bình Dương và Đại Tây Dương bao quanh nước Mỹ vẫn chưa được phép khai thác. Từ năm 1983, Quốc hội Mỹ đã thông qua Lệnh cấm khai thác ngoài khơi tại những vùng biển trên. Giá xăng dầu tăng quá nhiều suốt thời gian qua khiến người tiêu dùng Mỹ phải cắt giảm chi tiêu xuống dưới mức bình thường trong khi thị trường nhà đất đang u ám, làm giảm sút sự tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng tới thu nhập của người dân. Giá dầu thô cùng các chế phẩm liên quan có vai trò hết sức quan trọng đến đời sống kinh tế. Vì thế, có khả năng Quốc hội Mỹ sẽ thông qua việc Tổng thống Q.W.Bu-sơ chính thức bỏ lệnh cấm khai thác dầu ngoài khơi nước Mỹ.

4. I-ran và Nga ký hiệp định hợp tác năng lượng

I-ran và Nga ký hiệp định hợp tác năng lượng

Ngày 14-7-2008, Công ty Dầu khí Quốc gia I-ran (NIOC) và Tập đoàn "Gazprom" của Nga ký thỏa thuận hợp tác phát triển các khu khai thác dầu khí ở I-ran trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Dầu mỏ I-ran, ông Gô-ham Hô-xây-in Nô-da-ri (Gholam-Hossein Nozari). Trên cơ sở thỏa thuận này, một công ty chung sẽ được thiết lập để phụ trách hợp tác trong lĩnh vực khai thác dầu khí, bao gồm việc phát triển khu Bắc A-da-dê-gan (Azadegan) - một phần trong khu khai thác lớn nằm ở tây nam I-ran. Việc xây dựng các cơ sở chế biến dầu khí và vận chuyển tại I-ran là một trong những chủ đề chính của Hiệp định. Thỏa thuận còn bao gồm khả năng tham gia của "Gazprom" trong hệ thống đường ống cung cấp khí đốt từ I-ran sang Ấn Độ và Pa-ki-xtan. A-da-đê-gan là khu khai thác dầu lớn nhất của I-ran, với trữ lượng ước tính 42 tỉ thùng dầu thô. Còn khu khai thác Nam Pa-xơ (South Pars) tại vùng Vịnh chứa khoảng 14 nghìn tỉ mét khối khí đốt, chiếm 8% trữ lượng khí đốt thế giới. I-ran là nước lớn thứ hai thế giới về trữ lượng dầu, lớn thứ tư thế giới về sản xuất dầu thô và đứng thứ hai trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). I-ran cũng là nước có trữ lượng khí đốt lớn thứ hai toàn cầu, sau Nga, nhưng đến nay vẫn đóng vai trò thứ yếu trong thị trường xuất khẩu loại nhiên liệu này.

5. Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép phê chuẩn Chiến lược đối ngoại mới

Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép
phê chuẩn Chiến lược đối ngoại mới

Ngày 15-7-2008, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép ký phê chuẩn “Chiến lược đối ngoại của Liên bang Nga”. Đây là văn kiện thể hiện một cách hệ thống các quan điểm cơ bản nguyên tắc, nội dung và định hướng hoạt động đối ngoại của Liên bang Nga. Trước đây, nước Nga mới đã từng có Chiến lược đối ngoại và được Tổng thống V. Pu-tin phê chuẩn vào ngày 28-6-2000. Chiến lược đối ngoại mới của Liên bang Nga bổ sung và phát triển chiến lược trước đây, tuy không có những nội dung mới có tính đột phá nhưng vẫn có những thay đổi đáng kể. Trong Chiến lược đối ngoại mới trình bày quan niệm chung của nước Nga về thế giới và về vị trí của nước Nga, về mục đích và nhiệm vụ chính sách đối ngoại của Nga, về các công cụ và định hướng của chính sách này, qua đó có thể thấy rõ, nước Nga ngày nay đang tiến hành chính sách đối ngoại thực dụng, cởi mở, nhất quán, hoàn toàn có thể dự báo trước, nhằm phục vụ lợi ích quốc gia của Nga.

6. Mỹ và Gru-di-a tập trận chung gần khu vực Nga đang diễn tập quân sự

Mỹ và Gru-di-a tập trận chung

Ngày 15-7-2008, Mỹ và Gru-di-a tiến hành cuộc tập trận chung ở Nam Cap-ca vào thời điểm Quân đội Nga cũng đang thực hiện cuộc diễn tập quân sự tại khu vực bên cạnh. Theo Bộ Quốc phòng Gru-di-a, cuộc tập trận chung với Mỹ mang tên "Phản ứng tức thời-2008" sẽ tiếp diễn trong suốt tháng 7-2008 với tổng cộng 1.650 quân nhân đến từ Ác-mê-ni-a, A-dếch-bai-dan và U-crai-na, do Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ với chi phí khoảng 8 triệu USD. Còn cuộc diễn tập quân sự chống khủng bố quy mô lớn của Nga lần này diễn ra ở khu vực Bắc Cap-ca, mang tên "Cap-ca-2008" với sự tham gia của 8.000 binh lính, 700 xe vũ trang và 30 trực thăng. Hai cuộc diễn tập này diễn ra đúng vào lúc tình hình căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và Gru-di-a đang leo thang. Tuy nhiên, phía Nga khẳng định, cuộc tập trận chống khủng bố của được lên kế hoạch từ năm 2007 và không có liên quan gì tới tình hình hiện nay trong quan hệ giữa hai nước.

7. Hàn Quốc và Nhật Bản không đạt được thỏa hiệp trong cuộc tranh chấp lãnh hải

Hàn Quốc và Nhật Bản không đạt được thỏa hiệp trong cuộc tranh chấp lãnh hải

Ngày 16-7-2008, Hàn Quốc tuyên bố loại trừ khả năng thỏa hiệp ngoại giao với Nhật Bản trong cuộc tranh cãi mới nhất xung quanh tuyên bố của Tô-ky-ô về chủ quyền của họ đối với một nhóm đảo mà Xơ-un đang kiểm soát. Phát biểu tại cuộc họp của nội các, Tổng thống Li Miêng Pắc tuyên bố, Xơ-un sẽ không nhượng bộ hay thỏa hiệp bởi Đốc-đô (Dokdo) là lãnh thổ của Hàn Quốc. Đồng thời, ông kêu gọi sự ủng hộ mang tính chiến lược và phi đảng phái ở Hàn Quốc. Lâu nay, nhóm đảo đá mà phía Nhật Bản gọi là Ta-kê-si-ma (Takeshima), còn phía Hàn Quốc gọi là Đốc-đô, là chướng ngại lớn nhất trong quan hệ giữa hai nước láng giềng ở Đông Bắc Á. Cả hai đều khẳng định họ có nhiều bằng chứng lịch sử thuyết phục hơn về chủ quyền đối với nhóm đảo này.
 
Những tranh cãi mới bắt nguồn từ cách hướng dẫn của Chính phủ Nhật Bản đối với các trường học ở nước này được công bố hôm 14-7-2008, yêu cầu học sinh "hiểu biết sâu sắc hơn" về chủ quyền của Nhật Bản đối với đảo Ta-kê-si-ma. Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố, ông rất thất vọng và rất lấy làm tiếc về cách nói của phía Nhật Bản. Hàn Quốc đã triệu hồi đại sứ nước này tại Tô-ky-ô để tỏ ý phản đối. Dự kiến, Thủ tướng Nhật Bản Phư-cư-đa sẽ tới Xơ-un trong tháng 9-2008 hoặc đầu tháng 10-2008, còn Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Pắc sẽ sang Tô-ky-ô trong tháng 9 để dự hội nghị thượng đỉnh với các lãnh đạo Nhật Bản và Trung Quốc để bàn về chủ quyền đối với nhóm đảo này.

8. Pa-ki-xtan bị tố cáo đánh bom sứ quán Ấn Độ

Pa-ki-xtan bị tố cáo đánh bom sứ quán Ấn Độ

Ông Na-rai-a-man, Cố vấn an ninh quốc gia của Ấn Độ khẳng định, Cơ quan tình báo ISI của Pa-ki-xtan đứng sau vụ đánh bom xe nhằm vào Đại sứ quán Ấn Độ ở thủ đô Áp-ga-ni-xtan ngày 7-7-2008 làm 41 người thiệt mạng. Cố vấn an ninh Na-rai-a-man tuyên bố, ông có nhiều bằng chứng cho thấy ISI liên quan tới vụ đánh bom này. Ngay sau khi sự việc xảy ra, một phát ngôn viên của Chính phủ Áp-ga-ni-xtan cũng cho rằng vụ tấn công để lại "nhiều dấu vết của một cơ quan tình báo đặc biệt". Phía Pa-ki-xtan đã phủ nhận cáo buộc trên và nói rõ rằng không có cơ quan an ninh hay cá nhân nào của Pa-ki-xtan dính dáng tới bất kỳ một vụ việc nào ở Áp-ga-ni-xtan. Bộ trưởng thông tin Pa-ki-xtan, ông Sê-ri Rây-man (Sherry Rehman), tuyên bố rằng, thật phi lý khi những cáo buộc này được đưa ra vào thời điểm Pa-ki-xtan đang nỗ lực hướng tới một tiến trình hòa bình với Ấn Độ. Cố vấn an ninh Na-rai-a-man bày tỏ hy vọng rằng, các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ấn Độ và Pa-ki-xtan được nối lại từ năm 2004 sẽ vẫn tiếp tục. Ấn Độ hiện có quan hệ thân thiết với Áp-ga-ni-xtan, đã và đang viện trợ cho một số dự án hạ tầng lớn ở nước này. Giữa Ấn Độ và Pa-ki-xtan đã từng nổ ra 3 cuộc chiến kể từ khi họ giành được độc lập vào năm 1947. Năm 2002, hai quốc gia hạt nhân này suýt lao vào chiến tranh lần thứ 4.

9. Hội nghị Liên minh Địa Trung Hải

Tuần qua, tại Pa-ri, thủ đô nước Pháp, Hội nghị Liên minh Địa Trung Hải đã kết thúc. Tham dự hội nghị này, ngoài đại biểu cấp cao của các nước thành viên EU, các nước bờ Nam Địa Trung Hải là thành viên của Tiến trình Bác-xê-lô-na, còn có Lãnh đạo của Ủy ban châu Âu, Nghị viện châu Âu, Hội đồng châu Âu, Cao ủy EU phụ trách Chính sách an ninh và Quốc phòng chung châu Âu, Liên hợp quốc, Liên đoàn các nước Ả-rập, Liên minh châu Phi, Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh, Liên minh các nước Bắc Phi, Ngân hàng thế giới, Ngân hàng đầu tư châu Âu và Ngân hàng phát triển châu Phi v.v..
 
Phát biểu tại Hội nghị, Ngoại trưởng Pháp Béc-nơ Câu-nơ (Bernard Kouchner) nhấn mạnh, sáng kiến thành lập Liên minh Địa Trung Hải là một dự án mang tính tập thể nhằm phát triển kinh tế, gìn giữ hòa bình, bảo vệ quyền lợi của các quốc gia và tăng cường mối đoàn kết; tạo điều kiện để các bên tăng cường hợp tác nhằm vượt qua các thách thức lớn của thế kỷ XXI như thay đổi khí hậu, hủy hoại môi trường, tìm kiếm các nguồn năng lượng và nguồn nước, nhập cư, đối thoại giữa các nền văn minh và nhân quyền. Tại Hội nghị này, Pháp tiếp tục đánh giá Địa Trung Hải là một khu vực có vị trí địa chiến lược quan trọng, là trung tâm của nhiều vấn đề đang được các nước trên thế giới quan tâm, không chỉ là trung tâm về mặt địa lý theo cách hiểu thông thường, mà còn là trung tâm chính trị và văn hóa. Pháp cho rằng, thế giới đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, những tham vọng chính trị, sự khác biệt về quan điểm ngày càng lớn là rất nguy hiểm cho tất cả mọi quốc gia. Trong bối cảnh đó, tất cả các nước, trước hết là các nước nằm hai bên bờ Địa Trung Hải, cần xích lại gần nhau hơn, thắt chặt quan hệ hơn; xoá bỏ sự hoài nghi, ngờ vực, không tin tưởng nhau giữa các quốc gia. Hợp tác trong khuôn khổ Liên minh Địa Trung Hải không có nghĩa là các bên sẽ áp đặt các giá trị và khuôn mẫu cho nhau, mà là thành lập quan hệ đối tác cân bằng, tăng cường cải cách và thúc đẩy đối thoại. Kết thúc Hội nghị, tổng thống hoặc thủ tướng 43 nước thành viên tham gia đã ký vào tuyên bố chung. Liên minh Địa Trung Hải ra đời sẽ là một cơ hội đối với Pháp, đặc biệt trong nhiệm kỳ Pháp là Chủ tịch luân phiên EU, thúc đẩy sự ra đời các thể chế của Liên minh và tăng cường vai trò của mình.

10. Người Mỹ bất đồng về chính sách I-rắc của các ứng viên tổng thống Mỹ

Ứng cử viên tổng thống Mỹ
Ba-rắc Ô-ba-ma và Giôn Mắc-kên

Theo kết quả cuộc thăm dò trong tuần qua của các báo "Washington Post" và "ABC News", các cử tri Mỹ có quan điểm khác biệt về cách tiếp cận của các ứng cử viên tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma và Giôn Mắc-kên về cuộc chiến tại I-rắc. Mặc dù không hài lòng về cuộc chiến, nhưng chỉ có 50% người được hỏi tán đồng kế hoạch rút hầu hết quân Mỹ khỏi I-rắc trong vòng 16 tháng lên nắm quyền nếu trúng cử của ứng viên Đảng Dân chủ Ô-ba-ma. Có 49% tỏ ra ủng hộ ứng viên Đảng Cộng hòa Giôn Mắc-kên khi ông không đưa ra thời gian cụ thể cho việc rút quân và tuyên bố để các sự kiện thực tế quyết định việc này. Sự khác biệt của những người dân Mỹ tham gia cuộc điều tra dư luận còn thể hiện ở chỗ, trong khi B.Ô-ba-ma vượt xa G.Mắc-kên trong việc giải quyết hầu hết các vấn đề đối nội, thì việc đánh giá khả năng xử lý vấn đề I-rắc của hai ứng viên chiếm tỷ lệ xấp xỉ 45%-47%. Cuộc chiến ở I-rắc đã trở thành vấn đề quan trọng trong chiến dịch tranh cử của hai ứng viên, chỉ sau vấn đề kinh tế. Cuộc thăm dò cũng cho thấy, người dân Mỹ thực sự lo ngại về tình hình xung đột ở Áp-ga-ni-xtan. Có tới 51% người được hỏi cho rằng chiến dịch của Mỹ chống lại Ta-li-ban và An Kê-đa tại Áp-ga-ni-xtan là không thành công. Trong bối cảnh đó, ứng cử viên B.Ô-ba-ma quyết định tiến hành cuộc vận động tranh cử tại các "điểm nóng" ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan.

11. Lần đầu tiên I-ran và Mỹ đàm phán song phương

Lần đầu tiên I-ran và Mỹ
đàm phán song phương

Ngày 19-7-2008 diễn ra cuộc đàm phán giữa đại diện I-ran với Liên minh châu Âu tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sỹ) có sự tham gia của các đại diện các nước trong Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, trong đó có Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Uy-li-am Buốc.
 
Trước thềm sự kiện này, Tổng thống I-ran tuyên bố, Tê-hê-ran không chấp nhận bất cứ điều kiện nào của phía EU, song lại khẳng định sẵn sàng đàm phán với Mỹ về cuộc khủng hoảng hạt nhân. Trong khi đó, chính quyền Mỹ đã có bước chuyển hướng đáng chú ý trong chính sách với I-ran khi cử Thứ trưởng Ngoại giao tham dự cuộc đàm phán giữa I-ran với EU với nỗ lực thuyết phục I-ran từ bỏ chương trình làm giàu hạt nhân. Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố, Thứ trưởng Ngoại giao Uy-li-am Buốc-nơ sẽ tái khẳng định những yêu cầu của Mỹ rằng, I-ran phải dừng chương trình làm giàu và tái xử lý hạt nhân. Mỹ là một trong 6 cường quốc đưa ra đề xuất trọn gói với I-ran, trong đó có liên lạc và hội đàm trực tiếp nếu Tê-hê-ran dừng chương trình làm giàu urani. Ông Gô-lam Hô-xây-in En-ham (Gholam-Hossein Elham), phát ngôn viên chính phủ I-ran cho biết, Tê-hê-ran sẵn sàng hội đàm với các nước khác, kể cả Mỹ; thời gian của những hội đàm đơn phương và áp lực đã chấm dứt. Tuyên bố của Gô-lam Hô-xây-in En-ham đưa ra sau khi Mỹ sẵn sàng mở một văn phòng tại Tê-hê-ran để phục vụ việc cấp visa và thực hiện các hoạt động trao đổi văn hóa. Còn Tổng thống I-ran, ông Ma-hơ-mút A-ma-đi-nê-dat tuyên bố sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Tổng thống Mỹ Q.W.Bu-sơ.
 
Tuy nhiên, cuộc đàm phán ngày 19-7-2008 tại Giơ-ne-vơ kết thúc mà không đi đến bất kỳ thỏa thuận nào. Phát biểu sau cuộc đàm phán, ông Gia-vi-ơ Sô-lan-na (Javier Solana), quan chức cấp cao phụ trách vấn đề an ninh và chính sách đối ngoại chung của Liên minh châu Âu (EU), cho biết, cuộc gặp diễn ra trong "bầu không khí xây dựng, có đạt tiến bộ, nhưng chưa đủ".

12. Người dân Nhật biểu tình rầm rộ phản đối tàu chiến Mỹ triển khai tại đây

Tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân "USS George Washington"

Ngày 19-7-2008, hơn 10.000 người dân Nhật Bản đã xuống đường tuần hành qua một căn cứ hải quân Mỹ gần Tô-ky-ô và kêu gọi chính phủ Nhật Bản không chấp nhận kế hoạch của Mỹ lần đầu tiên triển khai tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân "USS George Washington" trên vùng biển nước này. Cuộc biểu tình phản đối diễn ra vào thời điểm dư luận ở Nhật Bản ngày càng lo ngại về độ an toàn của tàu chiến Mỹ sau khi hoả hoạn đã từng bùng phát trên tàu sân bay "USS George Washington" được đánh giá là hiện đại nhất hồi tháng 5-2008. Theo dư luận ở Nhật Bản, Quân đội Mỹ không tiết lộ bất cứ thông tin nào về cấu trúc của tàu sân bay dùng năng lượng nguyên tử làm sức đẩy, hồ sơ hoạt động trên biển và các tai nạn có liên quan đã từng xảy ra. Theo người dân Nhật Bản, sự hiện diện của tàu sân bay "USS George Washington" chẳng khác gì đưa một lò phản ứng hạt nhân vào một quốc gia khác, và Chính phủ Nhật Bản đang hy sinh sự an toàn của người dân địa phương vì các lợi ích của họ. Theo tin của giới truyền thông Nhật Bản, tàu sân bay "USS George Washington" dự kiến sẽ tới vùng biển U-cô-xu-ca (Yokosuka) vào tháng 8-2008. Nếu kế hoạch được thực thi, "USS George Washington" sẽ là tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên neo đậu ở Nhật Bản, quốc gia duy nhất bị ném bom nguyên tử hồi Thế chiến II./.