Võ Chí Công - Người con ưu tú của quê hương đất Quảng, Nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng Việt Nam
Võ Chí Công - Người con ưu tú của quê hương đất Quảng
Là người con của quê hương đất Quảng trung dũng, kiên cường, đồng chí Võ Chí Công, tên khai sinh là Võ Toàn, sinh ngày 7-8-1912, tại xã Tam Xuân, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Sinh ra trong một gia đình nhà nho giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, ngay từ nhỏ, Võ Chí Công đã được giáo dục về tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc và chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng và chí khí cách mạng của các chí sỹ lừng danh xứ Quảng như Hoàng Diệu, Trần Quý Cáp, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng… Cũng từ nhỏ, Võ Chí Công đã đắm mình trong không khí cách mạng sục sôi ở địa phương với những phong trào đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng, đòi quyền dân sinh, dân chủ... của đồng bào miền Trung.
Như một sự tất yếu, Võ Chí Công đã tích cực tham gia hoạt động trong phong trào thanh niên yêu nước ở cơ sở từ các năm 1930 - 1931. Năm 1935, Võ Chí Công được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) và sớm trở thành nhân vật chủ chốt của phong trào cách mạng địa phương. Là một người cộng sản trẻ tuổi hoạt động hết sức năng nổ và tích cực nên năm 1936, khi mới 24 tuổi, đồng chí đã được Đảng tin cậy giao nhiệm vụ làm Bí thư Chi bộ ghép của nhiều xã ở huyện Tam Kỳ. Năm 1939, đồng chí được giao nhiệm vụ là bí thư Huyện ủy huyện Tam Kỳ, Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1940, ở tuổi 28, Võ Chí Công đã được giao nhiệm vụ làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Quang Nam - Đà Nẵng vừa được tái lập sau chiến dịch khủng bố trắng của thực dân. Năm 1941, khi Xứ ủy Trung Kỳ được tái lập, đồng chí được cử làm Xứ ủy viên đặc trách miền Trung với địa bàn rộng lớn gồm các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên.
Đầu năm 1942, thực dân Pháp điên cuồng khủng bố phong trào cách mạng miền Trung, nhiều tổ chức cơ sở đảng bị tan vỡ, nhiều đồng chí lãnh đạo bị địch bắt, đồng chí Võ Chí Công được điều chuyển vào cực Nam Trung Bộ hoạt động để tiếp tục xây dựng phong trào; đồng thời, tạm lánh sự khủng bố dã man và truy lùng bố ráp của kẻ thù. Tháng 6-1942, khi những cán bộ lãnh đạo cao nhất của tỉnh Quảng Nam bị địch bắt, đồng chí đã được Đảng giao nhiệm vụ làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam lần thứ 2. Tháng 10-1943, khi đang là Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và kết án tù chung thân (sau đó được giảm xuống còn 25 năm) và chuyển đi biệt giam cấm cố ở nhà lao Buôn Ma Thuột. Trong nhà tù thực dân, mặc dù bị biệt giam, cấm cố, bị tra tấn hết sức dã man, nhưng Võ Chí Công, với bản lĩnh của một nhà lãnh đạo, với khí tiết của người cộng sản chân chính luôn luôn chủ động tấn công kẻ thù, vững vàng đấu tranh chống chế độ hà khắc và lao dịch khổ sai của nhà tù thực dân; đồng thời, kiên quyết đấu tranh chống tư tưởng dao động của một số cán bộ, đảng viên không chịu nổi sự tra tấn dã man của kẻ thù trong nhà tù. Võ Chí Công, trong nhà tù thực dân đã tỏ rõ bản lĩnh chính trị không thể khuất phục và phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản.
Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp, cùng các tù chính trị khác, đồng chí được trả tự do. Ngay sau khi ra khỏi nhà tù thực dân, đồng chí trở về Quảng Nam và được phân công vào Ban Cứu quốc của Tỉnh bộ Việt Minh Quảng Nam. Đồng chí được tín nhiệm giao trọng trách Trưởng Ban khởi nghĩa, chuẩn bị giành chính quyền. Là một nhà cách mạng trưởng thành từ cơ sở, vốn thông minh, sắc sảo, nhạy bén và quyết đoán, qua phân tích tình hình, đồng chí nhận ra thời cơ giành chính quyền ở Quảng Nam đã xuất hiện và kiên quyết lãnh đạo các tầng lớp nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền. Chính từ sự chủ động, sáng suốt, táo bạo và quyết đoán của đồng chí Võ Chí Công và các đồng chí trong Ban khởi nghĩa, ngày 17-8-1945, Quảng Nam đã trở thành 1 trong 4 tỉnh giành chính quyền sớm nhất trên cả nước.
Lịch sử cách mạng khu vực miền Trung Trung Bộ giai đoạn 1930 - 1945, cho thấy, khi Võ Chí Công dấn thân vào con đường cách mạng ở địa phương thì đó cũng là thời điểm phong trào cách mạng ở đây đã bị chính quyền thực dân khủng bố hết sức ác liệt, tổ chức cơ sở đảng từ cấp cơ sở đến huyện ủy, tỉnh ủy đã bị chúng đàn áp, phá hủy và tan rã. Đa số các đồng chí lãnh đạo Đảng ở địa phương hoặc bị hy sinh hoặc bị kẻ thù bắt giam trong các nhà tù. Nhìn chung, phong trào cách mạng ở đây thời kỳ này là giai đoạn thoái trào, tạm thời lắng xuống. Chính Võ Chí Công với nghị lực phi thường và lòng nhiệt huyết cách mạng của tuổi trẻ đã không quản khó khăn gian khổ, không quản hy sinh mất mát, đã len lỏi, lăn lộn, kết nối cùng các chiến sĩ trung kiên còn lại ở địa phương, từng bước khôi phục và xây dựng lại phong trào từ tổ chức cơ sở đảng cấp thấp nhất đến huyện ủy, tỉnh ủy. Có thể nói, đó là những việc làm phi thường, nếu không có bản lĩnh chính trị vững vàng, không có trí tuệ hơn người, không có phẩm chất anh hùng quả cảm và không có một niền tin sắt đá ở sự tất thắng của cách mạng thì các chiến sĩ cộng sản ở khu V nói chung và đồng chí Võ Chí Công nói riêng không thể hoàn thành nhiệm vụ lịch sử vẻ vang mà Đảng và nhân dân đã tin cậy trao cho.
Sau khi giành được chính quyền về tay nhân dân, Võ Chí Công vẫn tiếp tục gắn bó với phong trào cách mạng của quê hương xứ Quảng. Đồng chí được cử làm Trưởng ty Tư pháp tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Khi Pháp quay trở lại tái chiếm Đông Dương, đồng chí được điều làm Chính trị viên Trung đoàn 93. Đầu năm 1951, đồng chí được cử làm Bí thư Ban cán sự Đông - Bắc Miên, Khu ủy viên Liên khu V. Tháng 3-1952, đồng chí được tái cử làm Bí thư tỉnh ủy Quang Nam - Đà Nẵng lần thứ 3. Đầu năm 1954, đồng chí làm Trưởng đoàn cán bộ Liên khu V ra miền Bắc học tập kinh nghiệm về cải cách ruộng đất và được phân công trực tiếp làm Đoàn ủy viên cải cách ruộng đất ở Việt Bắc. Là người trưởng thành từ cơ sở, luôn luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, luôn lắng nghe ý kiến của nhân dân, nhạy bén nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của nhân dân, trong quá trình thực hiện cải cách ruộng đất, Võ Chí Công đã sớm nhận ra những sai lầm nghiêm trọng và đã mạnh dạn đề xuất những suy nghĩ của mình với Trung ương. Chính từ những ý kiến đề xuất trung thực và thẳng thắn này của không ít cán bộ lãnh đạo của Đảng, trong đó có đồng chí Võ Chí Công mà cải cách ruộng đất đã không bị thực hiện một cách triệt để đến cùng. Điều này đã góp phần hạn chế những sai lầm nghiêm trọng và những hậu quả khôn lường của cải cách ruộng đất.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, đồng chí Võ Chí Công được giao nhiệm vụ bí mật trở lại làm Phó Bí thư Khu ủy, lãnh đạo phong trào cách mạng ở Khu V. Khi đó tình hình cách mạng miền Nam có những diễn biến phức tạp: Ngụy quyền Sài Gòn không thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định Genève mà dùng nhiều thủ đoạn thâm độc đàn áp phong trào cách mạng và trả thù những gia đình có thân nhân tham gia kháng chiến một cách hết sức dã man. Là một người hoạt động bí mật trong lòng miền Nam, hơn ai hết, Võ Chí Công hiểu rõ bản chất của tình thế cách mạng và bản chất thâm độc của kẻ thù. Năm 1960, khi ra Bắc, ông trở thành một trong những người cán bộ lãnh đạo chủ chốt của cách mạng miền Nam kiên quyết ủng hộ chủ trương chuyển hướng chiến lược đấu tranh và tích cực xây dựng Nghị quyết số 15 của Trung ương Đảng.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9-1960), đồng chí Võ Chí Công được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Khu ủy Khu V. Tháng 1-1961, khi Trung ương Cục miền Nam được thành lập, đồng chí được phân công làm Phó Bí thư Trung ương Cục. Võ Chí Công đã tích cực thúc đẩy phong trào và vận dụng sáng tạo sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, cùng Trung ương Cục lãnh đạo đồng bào miền Nam đứng lên phá “ấp chiến lược” và làm phá sản hoàn toàn chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ Ngụy ở miền Nam, đưa cách mạng miền Nam bước vào một giai đoạn phát triển mới.
Sau khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận. Từ năm 1964 - 1975, đồng chí được giao trọng trách là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Bí thư Khu ủy Khu V, đồng thời là Chính ủy Quân Khu V. Với cương vị quan trọng này, trên mảnh đất chiến trường vô cùng tàn khốc của Khu V và vào thời điểm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Võ Chí Công đã tỏ rõ tài năng xuất chúng của một vị lãnh đạo chiến trường. Đồng chí đã cùng Trung ương Cục miền Nam nói chung và Khu ủy Khu V nói riêng trực tiếp lãnh đạo quân và dân Khu V giành những thắng lợi mang tính quyết định, góp phần quan trọng làm phá sản hoàn toàn chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ.
Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, cục diện chiến trường miền Nam đã có những dấu hiệu thay đổi mang tính chiến lược toàn diện. Từ thế giằng co, sau khi Buôn Ma Thuột thất thủ, quân đội ngụy Sài Gòn có dấu hiệu hoảng loạn tháo chạy, co cụm và đứng trước nguy cơ tan rã. Nhạy bén nắm bắt được tình thế, làm chủ tình hình và táo bạo chớp thời cơ, Võ Chí Công cùng các đồng chí lãnh đạo Khu V đã đề xuất ý kiến với Bộ Chính trị và sau khi được sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, đồng chí đã lãnh đạo quân và dân Khu V quyết định bất ngờ tấn công giải phóng Đà Nẵng trong khi ở Đà Nẵng lực lượng quân đội Sài Gòn rất đông và đang trở thành nơi tập kết co cụm tử thủ của chúng ở miền Trung. Đòn tấn công táo bạo, quyết liệt và bất ngờ này đã làm cho chúng choáng váng không kịp trở tay, ngụy quân, ngụy quyền ở Đà Nẵng nhanh chóng rối loạn, sụp đổ, tan rã và tháo chạy.
Tấn công giải phóng Đà Nẵng là một đòn đánh chí mạng vào ý chí và tinh thần của ngụy quân ngụy quyền Sài Gòn. Nó đã chia cắt, cô lập quân địch thành nhiều mảnh biệt lập với nhau; đồng thời, tạo ra thế và lực mới cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của cả miền Nam. Các chuyên gia quân sự đánh giá rất cao tầm nhìn chiến lược của các đồng chí lãnh đạo đã quyết định và chỉ huy cuộc tấn công giải phóng Đà Nẵng vào thời điểm chiến lược đó. Chính chiến thắng giải phóng Đà Nẵng cùng với chiến thắng Buôn Ma Thuột đã thực sự tạo ra sự đột biến chiến lược quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam với thời gian nhanh nhất.
Khu V là mảnh đất chiến lược trong cả hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đây là nơi các đội quân viễn chinh của cả Pháp và Mỹ đổ bộ đưa quân lên xâm lược, chiếm đóng đất nước ta và cũng là nơi các đội quân viễn chinh xây dựng những căn cứ quân sự quan trọng và tối tân nhất của chúng. Chính vì thế chiến trường Khu V trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ là mảnh đất tranh chấp chiến lược giữa ta và địch, là chiến trường khốc liệt nhất, là địa bàn các chiến sĩ cách mạng và quân giải phóng hy sinh nhiều nhất. Xuất thân từ mảnh đất giàu truyền thống cách mạng này, từ khi tham gia cách mạng (năm 1930) đến khi hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (năm 1975), suốt 45 năm gian khổ và anh dũng hy sinh, đồng chí Võ Chí Công đã gắn bó với mảnh đất này, chiến trường này. Võ Chí Công thực sự trở thành linh hồn của phong trào cách mạng Khu V. Là nhà lãnh đạo chiến lược bám trụ kiên cường ở Khu V, trong suốt hai cuộc kháng chiến, Võ Chí Công đã lãnh đạo quân và dân Khu V hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cách mạng góp phần quan trọng đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng. Có thể khẳng định, mảnh đất xứ Quảng anh hùng đã sinh ra đồng chí Võ Chí Công và đồng chí Võ Chí Công đã góp phần làm vẻ vang cho xứ Quảng anh hùng.
Võ Chí Công - Nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng Việt Nam
Sinh ra trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, thấm nhuần tinh thần yêu nước, thương nòi, lại được sự dìu dắt, giáo dục bởi thế hệ cha anh đang trực tiếp tham gia phong trào cách mạng ở địa phương, đồng chí Võ Chí Công sớm bộc lộ những phẩm chất lỗi lạc của một nhà cách mạng, một thủ lĩnh phong trào đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Vào đầu những năm 1930, khi Võ Chí Công tham gia hoạt động cách mạng, cũng là thời điểm phong trào cách mạng ở quê hương đang ở giai đoạn thoái trào, chính quyền thực dân đàn áp phong trào hết sức dã man, khốc liệt, hệ thống tổ chức đảng từ cơ sở đến huyện, tỉnh hầu như đều tan rã. Những người lãnh đạo Đảng ở đây hoặc đã hy sinh hoặc đã bị địch bắt giữ giam cầm. Không sờn lòng, không dao động, không nhụt ý chí, với trí thông minh và bản lĩnh của nhà cách mạng trẻ tuổi, Võ Chí Công đã cùng các đồng chí còn lại của phong trào lăn lộn, liên lạc, kết nối gây dựng lại phong trào cách mạng từ cơ sở. Khi ở lứa tuổi 20, đồng chí đã được Đảng tin cậy giao các trọng trách: Bí thư Chi bộ ghép, Bí thư Huyện ủy và Bí thư Tỉnh ủy.
Do sớm bộc lộ tài năng trong trực tiếp lãnh đạo thực tiễn cách mạng ở nơi gay go, ác liệt nhất nên Võ Chí Công đã được Đảng tin cậy giao nhiệm vụ trực tiếp lãnh đạo Khu V không chỉ trong giai đoạn đấu tranh giành chính quyền mà trong suốt cả 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong những thời điểm ác liệt nhất của chiến tranh, đồng chí đã ba lần được giao nhiệm vụ làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, được giao trọng trách Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam và Bí thư Khu ủy Khu V, đồng thời là Chính ủy Quân Khu V.
Trong quá trình lãnh đạo quân và dân miền Nam nói chung và miền Trung nói riêng kháng chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập, tự do cho dân tộc, Võ Chí Công là một trong những người lãnh đạo quan trọng nhất của miền Nam, đặc biệt là ở Khu V, nơi đồng chí được giao nhiệm vụ người lãnh đạo trực tiếp. Trong thực tiễn kháng chiến, Võ Chí Công thực sự trở thành linh hồn, người trực tiếp dẫn dắt cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân Khu V trong suốt 30 năm.
Với bản lĩnh chính trị vững vàng, với phẩm chất anh hùng, gan dạ, với một tư duy chiến lược sắc bén, với kinh nghiệm hoạt động thực tiễn dạn dày, phong phú, với một tinh thần bất khuất, kiên quyết tấn công kẻ thù, với tính cách dám nghĩ, dám làm, quyết liệt và táo bạo, Võ Chí Công cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam nói chung, Khu ủy Khu V nói riêng đã có những quyết định xoay chuyển tình thế cách mạng, tạo ra những bước ngoặt lịch sử.
Đó là, sự nhạy bén nắm bắt thời cơ, chủ động cướp chính quyền ở tỉnh Quảng Nam, tạo ra phong trào chủ động cướp chính quyền ở các tỉnh miền Trung làm cho chính quyền thực dân của cả miền Trung nhanh chóng sụp đổ. Thực ra đây là một biện pháp giành chính quyền hoàn toàn mới, sáng tạo so với chủ trương trước hết giành chính quyền ở nông thôn, bao vây thành thị và cuối cùng mới đánh đổ chính quyền thực dân ở thành thị.
Đó là, vào năm 1959, khi chế độ Ngô Đình Diệm lê máy chém khắp miền Nam, đồng chí đã kịp chuyển hướng đấu tranh xây dựng chiến khu ở miền núi, vừa bảo toàn lực lượng, vừa phát triển phương pháp đấu tranh mới. Chính từ thực tiễn đó, đồng chí góp phần đề xuất và ủng hộ Nghị quyết số 15 thay đổi chiến lược cách mạng miền Nam phù hợp với tình hình mới, đưa cách mạng miền Nam bước vào một giai đoạn phát triển mới, làm phá sản hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ Ngụy. Có thể nói nếu không xuất phát từ thực tiễn, không có một tư duy sắc bén để đề ra những quyết định chiến lược đưa phong trào đấu tranh cách mạng kịp thời phù hợp với thực tiễn cách mạng, thì sẽ bỏ lỡ thời cơ, dễ đưa đến những tổn thất lớn lao cho lực lượng cách mạng.
Đó là, quyết định dám đánh Mỹ và đánh thắng Mỹ ngay ở trận đầu. Khi Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam Việt Nam, với một lực lượng quân đội tinh nhuệ, được trang bị vũ khí, khí tài và phương tiện chiến tranh hết sức hiện đại, tối tân... không chỉ không ít cán bộ và chiến sĩ của chúng ta băn khoăn, đắn đo, thậm chí không ít các nước anh em của chúng ta cũng tỏ ra lo ngại, nghi ngờ, không dám trực tiếp đối đầu với quân đội Mỹ. Nhưng những chiến thắng Núi Thành, Chu Lai... không chỉ làm nức lòng nhân dân cả nước, tạo ra sự tự tin trong chiến đấu và mở ra một phong trào mạnh mẽ tấn công tiêu diệt Mỹ, mà còn làm cho quân đội viễn chinh Mỹ từ thế thượng phong trở nên vô cùng hoảng sợ rơi vào thế bị động. Những thắng lợi này chính là điểm khởi đầu cho sự thất bại hoàn toàn của chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ và bọn tay sai.
Đó là, khi lãnh đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, đến ngày thứ 7, khi bắt đầu gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ và nhận ra âm mưu thâm độc của địch ở các thành phố lớn, trên cơ sở nắm vững và làm chủ tình hình, đồng chí Võ Chí Công và các đồng chí lãnh đạo Khu V nhận thấy nhiệm vụ của cuộc tập kích chiến lược đã cơ bản hoàn thành và quyết đoán chuyển lực lượng về hậu phương miền núi và củng cố nông thôn, một bước đi trước hết sức kịp thời. Chính quyết định sáng suốt này đã tránh được những tổn thất nặng nề cho quân và dân Khu V khi sau đó địch tập trung toàn bộ lực lượng để phản kích quân giải phóng.
Đó là, sau chiến thắng chiến lược Buôn Ma Thuột, đồng chí cùng lãnh đạo Khu V theo dõi sát tình hình, nhận thấy địch có dấu hiệu hoảng loạn, tan rã bỏ chạy khỏi Tây Nguyên, mặc dù tại Đà Nẵng lực lượng quân ngụy rất đông (hơn 10 vạn quân), các tướng ngụy lớn tiếng hô hào tử thủ, nhưng đồng chí đã nhạy bén nhận ra sự rối loạn, mất tinh thần của ngụy quân, ngụy quyền, do vậy đã đề xuất với Bộ Chính trị cho phép chớp thời cơ tấn công giải phóng Đà Nẵng. Trên cơ sở sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, đồng chí đã cùng lãnh đạo Khu V khẩn trương, thần tốc tổ chức lực lượng cùng quân chủ lực bất ngờ mở cuộc tấn công dữ dội vào Đà Nẵng - nơi đầu não miền Trung của quân ngụy Sài Gòn. Đòn đánh bất ngờ, táo bạo và chí mạng này đã làm cho hàng chục vạn ngụy quân hoảng loạn, vứt vũ khí bỏ chạy, ngụy quyền nhanh chóng sụp đổ. Chiến thắng giải phóng Đà Nẵng là chiến thắng mang tính chiến lược, trực tiếp quyết định thay đổi toàn bộ cục diện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí Võ Chí Công được Đảng và nhân dân ta giao nhiều trọng trách. Đồng chí là Đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII,VIII; là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa III, IV, V, VI; là Ủy viên Bộ Chính trị các khóa IV, V, VI và từng giữ các trọng trách: Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản; Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Trưởng Ban Cải tạo nông nghiệp miền Nam; Bí thư Trung ương Đảng, Thường trực Ban Bí thư; Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng; Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII và VIII...
Trên cương vị công tác nào, đồng chí Võ Chí Công cũng luôn thể hiện rõ tài năng lãnh đạo xuất sắc của mình. Quan điểm thực tiễn, quan điểm quần chúng là phương pháp lãnh đạo nhất quán của nhà cách mạng Võ Chí Công. Đối với đồng chí, mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước phải xuất phát từ thực tiễn cách mạng, phải đáp ứng đúng và kịp thời tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Gần dân, lắng nghe dân, làm theo dân, vì dân mới được dân tin, dân theo sẽ thành công; trái lại, xa dân, quay lưng lại với dân, trái ý dân sẽ dẫn đến thất bại. Quan điểm lãnh đạo vì dân này của đồng chí có được là do đúc kết từ những năm tháng hoạt động đầy hy sinh máu lửa trên chiến trường khốc liệt Khu V.
Nhất quán với quan điểm lãnh đạo như thế, khi làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, đồng chí đã nhạy bén nhận ra những hạn chế, sai lầm trong phương pháp quản lý nông nghiệp, trong cách thức tổ chức các hợp tác xã và xuất phát từ thực tiễn, đồng chí là người quyết liệt ủng hộ chủ trương khoán sản phẩn trong nông nghiệp mà chúng ta vẫn thường gọi là khoán 100 và khoán 10. Chính sự thay đổi cách thức quản lý nông nghiệp theo hướng khoán này đã tạo ra sự đột phá khởi đầu trong đổi mới tư duy kinh tế, mở ra một giai đoạn phát triển mới của đất nước - đó là đổi mới toàn diện đất nước.
Với những đóng góp vô cùng lớn lao cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc trong gần một thế kỷ, đồng chí Võ Chí Công đã được Đảng, Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều huân, huy chương cao quý khác và tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Võ Chí Công là hết sức vẻ vang; cả cuộc đời hết mình vì dân, vì nước. Trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc tại Lễ truy điệu đồng chí Võ Chí Công đã khẳng định, đồng chí Võ Chí Công là “Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta; người chiến sĩ cách mạng kiên cường, suốt đời phấn đấu cho độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân và vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa”, “Đồng chí luôn thể hiện phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng cách mạng, làm hết sức mình để giữ gìn, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự gắn bó máu thịt giữa Đảng và nhân dân; luôn gần gũi, quý trọng nhân dân; sống giản dị, khiêm tốn, đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết; được đồng chí, đồng bào quý mến, tin cậy; được bạn bè quốc tế trân trọng”./.
Bốn mươi lăm năm Cộng đồng ASEAN và vai trò của Việt Nam  (06/08/2012)
Tổng quan kinh tế 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2012  (06/08/2012)
Thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Cao Bằng  (06/08/2012)
Chấn chỉnh công tác dạy thêm, học thêm tràn lan  (05/08/2012)
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên