Công tác trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới tỉnh Lào Cai

QUÁCH THỊ HỒNG NGÂN
Trường Chính trị tỉnh Lào Cai
17:00, ngày 20-03-2025

TCCS - Thời gian qua, công tác trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới luôn được tỉnh Lào Cai quan tâm và đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, củng cố an ninh biên giới. 

Tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho học sinh trường trung học cơ sở trên địa bàn huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai_Ảnh: pbgdpl.laocai.gov.vn

Những kết quả đạt được và một số hạn chế

Bám sát quan điểm của Đảng về trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số, như: Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số (thuộc Tiểu Dự án 1, Dự án 10 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025); Kế hoạch số 20/KH-UBND, ngày 15-1-2024, của Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2024; Kế hoạch số 159/KH-UBND, ngày 12-3-2024, của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lào Cai… 

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số góp phần nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người dân. Năm 2024, Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai tổ chức 27 hội nghị tập huấn, tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (trong đó, có 14 hội nghị tập huấn cho 1.244 lượt cán bộ đoàn thể ở thôn, bản, tuyên truyền viên, người có uy tín về kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn, vận động về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; 13 hội nghị tuyên truyền cho trên 1.750 lượt người dân về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, các quy định của pháp luật liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và các chính sách dân tộc mới được Trung ương và tỉnh ban hành); tổ chức 3 hội thi tìm hiểu pháp luật cho 330 cán bộ thôn, bản, người có uy tín, tuyên truyền viên và người dân(1)

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác trợ giúp pháp lý được tỉnh Lào Cai quan tâm 

Năm 2024, tỉnh Lào Cai tổ chức 4 lớp tập huấn điểm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về tiếp cận trợ giúp pháp lý cho 233 già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng tại huyện Mường Khương, Bát Xát, Bảo Thắng và Si Ma Cai; 1 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức trợ giúp pháp lý điểm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững cho 126 cán bộ thôn, người đại diện cộng đồng, lãnh đạo tổ, nhóm, cán bộ chi hội, đoàn thể, cộng tác viên giảm nghèo 4 huyện. Nội dung tập huấn, bồi dưỡng kiến thức gồm: Luật Trợ giúp pháp lý (năm 2017) và các văn bản hướng dẫn thi hành; Thông tư số 03/2021/TT-BTP, ngày 25-5-2021, của Bộ Tư pháp, “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2017/TT-BTP, ngày 15-11-2017, của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý; Thông tư số 12/2018/TT-BTP, ngày 28-8-2018, của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý”; thực hành các bài tập tình huống và bộ câu hỏi trắc nghiệm về trợ giúp pháp lý… Nhờ đó, đại biểu tham gia tập huấn, bồi dưỡng hiểu rõ hơn về chính sách trợ giúp pháp lý, làm tốt công tác giới thiệu, thông tin, giải thích về trợ giúp pháp lý, là cầu nối giữa người dân và các tổ chức trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Lào Cai đã tổ chức 88 đợt (176 buổi) nói chuyện chuyên đề, phổ biến pháp luật, cung cấp thông tin, truyền thông trực tiếp về trợ giúp pháp lý tại 176 thôn, bản với 6.763 người tham dự. Các trung tâm trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã trực tiếp xử lý, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả hàng trăm vụ việc, trong đó có nhiều vụ việc phức tạp, như tranh chấp rừng, xâm phạm quyền sử dụng đất, nạn nhân bị lừa đảo, buôn người; phổ biến một số quy định pháp luật liên quan về hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai…, tiếp nhận và tư vấn pháp luật cho 530 trường hợp(2).

Tỉnh thường xuyên tổ chức các chương trình trợ giúp pháp lý lưu động. Hàng nghìn lượt người dân ở các xã biên giới của tỉnh đã được tiếp cận với các thông tin pháp luật quan trọng. Giai đoạn 2017 - 2023, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lào Cai đã tổ chức 405 đợt truyền thông cho các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn với hơn 14.175 lượt người tham dự. Qua đó, giúp tuyên truyền, phổ biến tới bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số các quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017; về 14 nhóm đối tượng được hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí; về những cán bộ tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý; phạm vi, lĩnh vực trợ giúp pháp lý; các quy định của pháp luật hình sự, dân sự, đất đai... Tổ chức, lắp đặt 51 bộ bảng thông tin, hộp tin trợ giúp pháp lý, thay thế các hộp tin cũ, đặt tại đồn biên phòng các xã biên giới, trụ sở các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh; cung cấp miễn phí mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý và cấp phát “tờ rơi” phổ biến pháp luật cho người dân…

Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, việc sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ trong các buổi tư vấn pháp luật giúp họ dễ dàng tiếp cận và hiểu đúng nội dung pháp luật. Một số cán bộ và trợ giúp viên pháp lý ở Lào Cai thông thạo tiếng H’Mông, Dao, Tày, Giáy, vì thế, các chương trình trợ giúp pháp lý bằng ngôn ngữ địa phương đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giảm thiểu rào cản ngôn ngữ. Các thông điệp pháp luật được truyền tải dễ nhớ, dễ thuộc, phù hợp với văn hóa, phong tục từng dân tộc. Những kết quả nêu trên không chỉ phản ánh nỗ lực của các cơ quan chức năng mà còn thể hiện ý nghĩa thiết thực của chính sách trợ giúp pháp lý đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, công tác trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới tỉnh Lào Cai vẫn còn một số hạn chế sau: 

Thứ nhất, khó khăn, thiếu thốn về nhân lực, vật lực và tài chính. Các trung tâm trợ giúp pháp lý tại tỉnh Lào Cai thiếu đội ngũ trợ giúp viên pháp lý chuyên nghiệp, đặc biệt là những người sử dụng thành thạo các ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Nhiều khu vực biên giới hẻo lánh, địa lý hiểm trở còn thiếu các dịch vụ trợ giúp pháp lý do thiếu nhân sự hoặc kinh phí. Đội ngũ trợ giúp pháp lý tại địa phương hạn chế về kinh nghiệm và trình độ, năng lực xử lý.

Thứ hai, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc tổ chức và triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý chưa chặt chẽ. Một số nơi, việc phổ biến pháp luật chưa thường xuyên, dẫn đến sự gián đoạn trong quá trình hỗ trợ người dân. Ngoài ra, cơ chế giám sát và đánh giá chất lượng, hiệu quả của các chương trình trợ giúp pháp lý chưa đồng bộ.

Thứ ba, có một số rào cản trong giao tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số. Quá trình trợ giúp pháp lý và triển khai các hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý cho đồng bào các dân tộc thiểu số phải thông qua phiên dịch. 

Thứ tư, các chương trình trợ giúp phần lớn tập trung vào giải quyết các vấn đề pháp lý cụ thể, mang tính tình thế, chưa chú trọng nhiều đến việc nâng cao nhận thức pháp luật bền vững trong cộng đồng nên nhận thức pháp luật của một số đồng bào dân tộc thiểu số chưa đầy đủ, một số bộ phận đồng bào còn e ngại chưa chủ động tìm đến các dịch vụ trợ giúp pháp lý, vẫn giải quyết tranh chấp theo hướng chưa tuân thủ theo pháp luật... 

Một số nhiệm vụ cần tập trung trong thời gian tới

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới, thời gian tới, tỉnh Lào Cai sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ cơ bản sau:   

Một là, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào. Nội dung, hình thức và ngôn ngữ tuyên truyền phải phù hợp với trình độ văn hóa, phong tục, tập quán của bà con các dân tộc thiểu số. Xây dựng các chương trình tuyên truyền bằng ngôn ngữ dân tộc; sử dụng đài phát thanh, loa truyền thanh ở các bản, làng, dựng các video ngắn phát trên các nền tảng mạng xã hội; lồng ghép các buổi tuyên truyền pháp luật vào các lễ hội, phiên chợ vùng cao hay các sự kiện văn hóa cộng đồng…, giúp bà con dễ dàng tiếp cận và tiếp nhận thông tin.

Động viên, khích lệ đồng bào tích cực tham gia vào các chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật tổ chức tại thôn, bản_Ảnh: baolaocai.vn

Hai là, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác trợ giúp pháp lý. Đội ngũ trợ giúp pháp lý cần được đào tạo chuyên sâu, không chỉ về nghiệp vụ chuyên môn mà còn về kỹ năng giao tiếp, văn hóa địa phương và sử dựng ngôn ngữ dân tộc. Đặc biệt, ưu tiên tuyển dụng, đào tạo trợ giúp viên pháp lý là người dân tộc thiểu số địa phương, góp phần tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền và trợ giúp pháp lý cho đồng bào.

Ba là, thường xuyên tổ chức các hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động đến các thôn, bản khu vực biên giới. Đây là giải pháp quan trọng, phù hợp, cần được tổ chức định kỳ, có sự tham gia của các luật sư, trợ giúp viên pháp lý, cán bộ địa phương để tư vấn và giải quyết trực tiếp, kịp thời các vấn đề pháp lý cho người dân. Đồng thời, cần trang bị đầy đủ phương tiện và công nghệ thông tin, như xe lưu động, tài liệu pháp luật đa ngôn ngữ, thiết bị hỗ trợ trình chiếu…

Bốn là, xây dựng và hoàn thiện mạng lưới trợ giúp pháp lý tại cơ sở. Các tổ chức, câu lạc bộ pháp lý tại cộng đồng là “kênh” kết nối giữa người dân và các cơ quan pháp luật. Đặc biệt, ở các khu vực biên giới xa xôi, cần thiết lập “Đường dây nóng” hoặc hệ thống tư vấn pháp lý trực tuyến. Nhà nước cần tăng cường ngân sách cho các trung tâm trợ giúp pháp lý, đồng thời huy động sự tham gia, vào cuộc của các doanh nghiệp và các cá nhân. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa tài liệu pháp luật và xây dựng cơ sở dữ liệu pháp lý trực tuyến cũng là giải pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả trợ giúp pháp lý. 

Năm là, lồng ghép các chương trình phổ biến pháp luật vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Việc lồng ghép sẽ giúp đồng bào dân tộc thiểu số hiểu rõ hơn về quyền lợi và nghĩa vụ trong quá trình tham gia các hoạt động kinh tế và xã hội. 

Sáu là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nghiên cứu, xây dựng các nền tảng trực tuyến cung cấp thông tin pháp lý cơ bản, hướng dẫn về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, các chính sách trợ giúp pháp lý, các quy định pháp luật liên quan đến đất đai, hôn nhân, thừa kế…, trên các trang điện tử hoặc ứng dụng di động. Tổ chức các buổi tư vấn pháp lý trực tuyến qua video call, hotline hoặc ứng dụng tin nhắn; các chuyên gia pháp lý có thể trực tiếp giải đáp thắc mắc, tư vấn về các vấn đề pháp lý cụ thể, giúp đồng bào không cần đến trung tâm hoặc cơ quan nhà nước khi sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý.  

Bảy là, động viên, khích lệ đồng bào tích cực tham gia vào các chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật tổ chức tại thôn, bản để hiểu rõ hơn về quyền lợi, nghĩa vụ pháp lý của mình. Khuyến khích, tạo điều kiện cho đồng bào tham gia các lớp học, hội thảo về pháp luật; chủ động trao đổi và làm việc với các cán bộ pháp lý để nâng cao kiến thức pháp luật. Đồng thời cần xây dựng chương trình giáo dục pháp luật dài hạn, nhất là chương trình dành cho thanh niên và trẻ em dân tộc thiểu số. Các trường học cần lồng ghép nội dung giáo dục pháp luật vào chương trình giảng dạy, giúp thế hệ trẻ hiểu biết và tuân thủ pháp luật từ sớm./.

-------------------

(1), (2) Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai: Báo cáo số 561/BC-UBND, ngày 29-11-2024, tổng kết công tác tư pháp năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2025