Giải quyết những thách thức trong già hóa dân số: Kinh nghiệm Singapore và những gợi mở cho Việt Nam
TCCS - Là một trong những quốc gia có tuổi thọ cao nhất thế giới, Singapore cũng là một trong những quốc gia có dân số già nhanh nhất thế giới. Đặc biệt, khi kết hợp với tỷ lệ sinh và tốc độ tăng trưởng dân số giảm, vấn đề dân số già gây ra những thách thức không nhỏ, tác động đến nhiều khía cạnh khác nhau của xã hội và của nền kinh tế. Dân số già đi nhanh chóng của Singapore được mô tả là “quả bom hẹn giờ về nhân khẩu học”, buộc Chính phủ Singapore phải nắm rõ và không thể bỏ qua những tác động tiềm tàng, nhất là những ảnh hưởng đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Gây ra những thách thức tác động đến nhiều khía cạnh khác nhau
Dân số Singapore đang già đi với tốc độ chưa từng có. Năm 2010, cứ 10 người Singapore thì có khoảng 1 người từ 65 tuổi trở lên. Một thập niên sau, vào năm 2020, tỷ lệ này tăng lên tương ứng khoảng 6 trên 1(1). Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của Singapore tăng từ 81,9 tuổi năm 2011 lên 83,7 tuổi năm 2019, cao hơn nhiều so với mức tuổi thọ trung bình toàn cầu là 73,4 tuổi vào năm 2019(2). Singapore đang trải qua sự thay đổi nhân khẩu học đáng kể với dân số già đi nhanh chóng. Theo báo cáo dân số năm 2023 của Chính phủ Singapore, tính đến năm 2023, công dân từ 65 tuổi trở lên chiếm gần 1/5 dân số. Tỷ lệ này dự kiến sẽ còn tăng hơn nữa, với ước tính đến năm 2030, khoảng 1/4 công dân sẽ ở trong độ tuổi này(3). Kết hợp với tỷ lệ sinh và tốc độ tăng trưởng dân số giảm của Singapore, vấn đề dân số già gây ra những thách thức không nhỏ, tác động đến nhiều khía cạnh khác nhau của xã hội và của nền kinh tế.
Một là, tạo áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe. Người già có nhiều khả năng mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường và mất trí nhớ hơn so với những người trẻ tuổi. Chứng mất trí nhớ ảnh hưởng đến 5,2% số dân Singapore, là nguyên nhân gây tàn tật đứng hàng thứ năm. Với tuổi thọ tăng lên và dân số già đi nhanh chóng, số người mắc chứng mất trí nhớ dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Căn bệnh này được xác định là một trong những thách thức lớn nhất đối với vấn đề sức khỏe và chăm sóc xã hội trong thế kỷ XXI(4). Tình trạng tàn tật mãn tính do khó khăn trong vận động và nhận thức khiến việc tự chăm sóc bản thân của người già trở nên vất vả hơn, do đó cần các dịch vụ chăm sóc và phục hồi chức năng tốt hơn. Cơ sở vật chất chăm sóc sức khỏe và đội ngũ nhân viên y tế theo đó sẽ phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe.
Hai là, ảnh hưởng đến nền kinh tế. Dân số già có thể ảnh hưởng đến nguồn cung lao động khi dân số trong độ tuổi lao động giảm dần. Điều này có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, do cơ hội việc làm ít hơn, những người cao tuổi Singapore khó nâng cao khả năng tài chính, dẫn đến thiếu an ninh tài chính. Điều này tác động đến tính bền vững tài chính của chính phủ, bởi số lượng người già trong tổng dân số là không hề nhỏ, trong khi đó chi phí chăm sóc sức khỏe và dịch vụ xã hội cho người cao tuổi tăng gây gánh nặng cho nền kinh tế. Khi bước vào tuổi nghỉ hưu, nhiều người cao tuổi Singapore sống bằng nguồn thu nhập cố định, không phải lúc nào cũng đủ để trang trải các hóa đơn y tế và lối sống mà họ đã quen. Đặc biệt, trong khi ngày càng nhiều người chọn không sống cùng cha mẹ, nên người già buộc phải sống một mình, tự lo trang trải chi phí.
Ba là, thách thức về hỗ trợ xã hội và cộng đồng. Phần lớn người lớn tuổi đều do dự khi phải từ bỏ sự độc lập của mình, dù khả năng vận động, nhận thức và thể chất của họ suy giảm theo thời gian. Càng lớn tuổi, khả năng khéo léo tự nhiên của con người càng suy giảm, khiến ngay cả những công việc đơn giản nhất cũng trở nên khó khăn hơn nhiều, tạo ra những rào cản cho bản thân khi muốn sống cuộc sống như trước đây. Thêm vào đó, người lớn tuổi thường suy giảm về địa vị kinh tế - xã hội và khả năng hòa nhập xã hội, có thể dẫn đến suy sụp tinh thần và cần được chăm sóc chuyên nghiệp. Ở người lớn tuổi, sức khỏe thể chất cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và ngược lại, vì thế họ cần được hỗ trợ thường xuyên. Việc cung cấp và điều chỉnh dịch vụ chăm sóc cộng đồng và chăm sóc tại cơ sở cần được mở rộng. Do đó, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc gia đình và cộng đồng có thể phải đối mặt với những thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu của người già.
Bốn là, nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng và nhà ở thân thiện với người cao tuổi không ngừng tăng.
Tính khó ổn định của dân số ngày càng tăng, công dân già đi, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn cùng với các điều kiện khác tạo ra những tác động lâu dài. Trong khi đó, sự phát triển đô thị đặt ra yêu cầu cần giải quyết các tác động đô thị đối với phân khúc dân số già, như về nhà ở, hạ tầng giao thông... Theo đó, Singapore phải cung cấp nhiều lựa chọn chỗ ở hơn để hỗ trợ những người cao tuổi độc lập; đồng thời phải tính đến phát triển thành phố tương lai dành cho mọi lứa tuổi, đặc biệt hạ tầng giao thông, nhà ở và thành phố thân thiện với người cao tuổi.
Xây dựng, triển khai đồng bộ nhiều chính sách già hóa toàn diện
Vào những năm 80 của thế kỷ XX, Singapore bắt đầu nhận ra dân số quốc gia đang già đi nhanh chóng. Vì vậy, Ủy ban về các vấn đề của người cao tuổi trực thuộc Bộ Y tế được thành lập để nghiên cứu tác động của dân số già, đề xuất giải pháp cho những thách thức. Ngay từ thời điểm đó, Singapore xác định, Chính phủ sẽ đi đầu trong giải quyết các vấn đề già hóa dân số, bảo đảm mọi việc đi đúng hướng. Các chính sách và sáng kiến mới nhất liên quan đến già hóa dân số của Singapore được trình bày chi tiết trong Kế hoạch hành động vì già hóa thành công được ban hành vào năm 2023. Kế hoạch tập trung vào 3 chủ đề chính: chăm sóc, đóng góp và kết nối. Việc hoạch định chính sách của Singapore bắt nguồn từ các phương pháp tiếp cận dựa trên bằng chứng, sử dụng dữ liệu từ các cuộc khảo sát quốc gia, đánh giá các chương trình dựa vào cộng đồng, nghiên cứu định tính và phân tích chi phí. Kế hoạch hành động được xây dựng có sử dụng quy trình tham vấn cho phép công chúng đóng góp ý kiến, bao gồm cả người lớn tuổi và các bên liên quan khác. Chính phủ cũng hỗ trợ việc thu thập dữ liệu về người lớn tuổi(5). Các kế hoạch, chính sách giải quyết vấn đề giá hóa dân số ở Singapore thể hiện ở những điểm chính sau đây.
Thứ nhất, củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe với giá cả hợp lý đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của dân số già.
Chính sách chăm sóc sức khỏe của Singapore nhấn mạnh đến việc nâng cao sức khỏe và phòng, chống bệnh tật; đề cao trách nhiệm cá nhân; khuyến khích người cao tuổi duy trì sức khỏe và hoạt động tích cực trong cộng đồng; điều chỉnh hệ thống chăm sóc từ hệ thống chủ yếu giải quyết các nhu cầu chăm sóc cấp tính sang hệ thống tập trung bổ sung vào chăm sóc phòng ngừa, quản lý bệnh mãn tính, chăm sóc dài hạn và chăm sóc giảm nhẹ. Chiến lược Healthier SG là một ví dụ. Với Healthier SG, Bộ Y tế Singapore đặt mục tiêu chuyển trọng tâm từ “chăm sóc bệnh tật” sang “chăm lo sức khỏe dự phòng”(6). Để củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe, Singapore tiếp tục đầu tư mạnh vào việc xây dựng kết cấu hạ tầng chăm sóc sức khỏe mới và nâng cấp những cơ sở hiện có, bảo đảm dịch vụ chăm sóc chất lượng cao nhưng giá cả phải chăng cho tất cả mọi người, đặc biệt là người cao tuổi. Bộ Y tế Singapore gần đây công bố gói thầu xây dựng viện dưỡng lão mới vào năm 2027, với 458 giường, sẽ được xây dựng trong khuôn viên Cơ sở Y tế Alexandra - một di tích lịch sử và là khu y tế đầu tiên của Singapore. “Ngôi nhà” này được thiết kế dành cho những cư dân mắc chứng mất trí nhớ từ mức độ trung bình đến nặng, sẽ kết hợp không gian xanh “thân thiện với chứng mất trí nhớ”. Bộ cũng công bố kế hoạch tăng số lượng giường viện dưỡng lão lên hơn 31.000 trong 10 năm tới để phục vụ cho dân số già của đất nước. Bệnh viện Alexandra hiện tại đang trong quá trình tái phát triển, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2030, trong bệnh viện có một viện dưỡng lão tồn tại như một phần của cơ sở y tế này, từ đó mang lại lợi ích cho những người cao tuổi cần nhiều loại hình chăm sóc lâm sàng hoặc phục hồi chức năng khác nhau(7). Bên cạnh đó, Chính phủ tích cực thúc đẩy lối sống lành mạnh và khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh tật nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh hiểm nghèo song song với phát triển mạng lưới dịch vụ chăm sóc dựa vào cộng đồng.
Thứ hai, bảo đảm an ninh tài chính với kế hoạch tài chính trọn đời.
Khả năng chi trả cho việc chăm sóc sức khỏe là mối quan tâm đặc biệt của nhiều người Singapore lớn tuổi. Singapore giải quyết vấn đề này thông qua khung tài chính “S +3M” (Subsidies (trợ cấp) + MediShield Life (bảo hiểm y tế), MediSave (tiết kiệm y tế) và MediFund (quỹ y tế). Khung tài chính được xây dựng trên cơ sở các hình thức tiết kiệm y tế, người lao động bắt buộc phải nộp một khoản tiền được tính theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với thu nhập của họ. Những khoản đóng góp này được bổ sung thêm khoản hỗ trợ của Chính phủ giúp người dân Singapore tiết kiệm cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe trong tương lai(8). Qua khung tài chính tiết kiệm y tế ở các cấp độ khác nhau, Singapore nhằm đạt được sự cân bằng giữa trách nhiệm cá nhân và tập thể, đồng thời giữ cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe có giá cả phải chăng và bền vững.
Để làm tốt vấn đề đó, Quỹ Tiết kiệm Trung ương (Central Provident Fund - CPF) được Chính phủ Singapore thành lập năm 1995. Đây là hệ thống an sinh xã hội dành cho tất cả công dân và người lao động thường trú tại Singapore. Theo hệ thống CPF, các cá nhân có trách nhiệm lập kế hoạch và tiết kiệm để bảo đảm tài chính khi về già. Từ nhiều năm nay, Chính phủ Singapore tái tập trung hệ thống CPF vào các mục tiêu chính là cung cấp các nhu cầu về hưu trí, nhà ở và y tế. Các chương trình CPF thường xuyên được cập nhật để luôn phù hợp với tôn chỉ, mục đích đề ra, phù hợp với tuổi thọ ngày càng tăng và nhu cầu thay đổi của công dân.
Thứ ba, tăng độ tuổi nghỉ hưu và độ tuổi tái tuyển dụng phù hợp với những thay đổi về nhân khẩu học.
Sau lần tăng tuổi nghỉ hưu lên 63 và tái tuyển dụng lên 68 vào năm 2022, ngày 4-3-2024, Bộ Nhân lực Singapore công bố kế hoạch sẽ tiếp tục tăng tuổi nghỉ hưu và tái tuyển dụng lên lần lượt là 64 và 69 tuổi vào ngày 1-7-2026. Mục tiêu đặt ra là 65 tuổi cho ngưỡng nghỉ hưu và 70 tuổi cho người có thể tái làm việc vào năm 2030(9). Việc tăng tuổi nghỉ hưu và tái tuyển dụng của Singapore gây ra những tranh cãi nhất định, tuy nhiên nó thể hiện một bước tiến trong nỗ lực giúp người già hòa nhập với xã hội ở nơi làm việc, tạo cơ hội cho người cao tuổi tham gia nhiều hơn và lâu hơn vào thị trường lao động. Điều này cũng cho phép các doanh nghiệp Singapore mở rộng phạm vi khai thác lực lượng lao động. Sự điều chỉnh này sẽ ảnh hưởng đến các lĩnh vực như thương mại bán buôn và bán lẻ, dịch vụ hành chính và hỗ trợ, vận tải và kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống... Đây là những lĩnh vực sử dụng lao động từ 65 tuổi trở lên. Để đáp ứng nhu cầu của những người cao tuổi đang tìm kiếm công việc cường độ thấp và linh hoạt, Bộ Nhân lực khuyến khích người sử dụng lao động cung cấp các công việc phù hợp. Việc những người lớn tuổi kéo dài tuổi làm việc giúp họ khỏe mạnh hơn về tinh thần và thể chất, hòa nhập hiệu quả hơn trong xã hội, tăng cường an ninh tài chính của họ. Trong khi đó, Singapore lại có thể tận dụng lực lượng lao động lớn tuổi để đáp ứng nhu cầu nhân lực khi dân số già hoá, đồng thời hình thành nhận thức tích cực đối với người lao động lớn tuổi.
Thứ tư, thúc đẩy và nâng cao sự hòa nhập xã hội của người cao tuổi, sự gắn kết giữa các thế hệ.
Singapore luôn khẳng định và đề cao tầm quan trọng của việc người cao tuổi duy trì lối sống lành mạnh, năng động, khuyến khích người cao tuổi tham gia vào mạng lưới xã hội, học tập suốt đời, song song với việc củng cố mối quan hệ gia đình bền chặt. Ngay từ năm 1999, Bộ Cộng đồng, Thanh niên và Thể thao Singapore (MCYS) đã giới thiệu các chương trình giáo dục về già hóa tích cực, nhấn mạnh sự cần thiết phải lập kế hoạch sớm cho tuổi già và duy trì lối sống tích cực, gắn bó với gia đình của người cao tuổi. Chương trình giáo dục cho cộng đồng nỗ lực định hình lại giá trị, thái độ, nhận thức đối với sự lão hóa và người cao tuổi. Mục đích là thúc đẩy một xã hội - nơi người cao tuổi được coi trọng như những thành viên có đóng góp và vẫn tích cực tham gia, gắn kết với gia đình, cộng đồng, xã hội. Gia đình vững mạnh tiếp tục được coi là tuyến hỗ trợ đầu tiên cho người cao tuổi. Trong khi con cái có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ già, người cao tuổi cũng có thể đóng góp, chia sẻ việc nhà và hỗ trợ chăm sóc thế hệ sau. Nhằm hỗ trợ mối quan hệ gia đình bền chặt hơn, Chính phủ đưa ra các sáng kiến ủng hộ gia đình tại nơi làm việc. Một số chính sách cũng tích cực khuyến khích sự gắn kết giữa các thế hệ trong gia đình, bao gồm trợ cấp nhà ở gia đình CPF, ưu tiên cho cha mẹ và con cái đã lập gia đình mua căn hộ của Ủy ban Phát triển Nhà ở (HDB) mới để sống cùng hoặc gần nhau; ưu đãi thuế cho con cái chăm sóc cha mẹ già và các khoản đóng góp CPF giữa các thành viên trong gia đình. Trung tâm Người cao tuổi ở Singapore cũng tạo ra nhiều cơ hội đa dạng cho người cao tuổi tham gia vào các hoạt động nâng cao sức khỏe và tăng cường kết nối xã hội không chỉ trong nhóm của họ mà còn giữa các thế hệ.
Thứ năm, chú trọng tăng cường phát triển kết cấu hạ tầng và nhà ở thân thiện với người cao tuổi.
Môi trường thân thiện với người cao tuổi là yếu tố then chốt quyết định mức độ người cao tuổi được tiếp cận dịch vụ và hòa nhập vào cộng đồng. Ví dụ, kết cấu hạ tầng dễ tiếp cận giúp người cao tuổi duy trì mạng lưới xã hội và tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội. Nguyên tắc chính được Singapore áp dụng trong các chính sách về nhà ở và sử dụng đất dành cho người cao tuổi là “già tại chỗ” - cho phép người cao tuổi già đi trong nhà, cộng đồng, môi trường mà họ quen thuộc, với ít thay đổi hoặc gián đoạn trong cuộc sống và hoạt động. Các chính sách sử dụng đất cung cấp nhiều lựa chọn nhà ở đa dạng, cùng với các dịch vụ chăm sóc hỗ trợ tốt, hệ thống giao thông công cộng thân thiện với người cao tuổi nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng và kỳ vọng cao hơn của nhóm người cao tuổi. Năm 1990, “Quy tắc về khả năng tiếp cận không rào cản trong các tòa nhà” được ban hành để bảo đảm các tòa nhà mới tuân thủ bộ tiêu chuẩn về các điều khoản không có rào cản. Các căn hộ studio của HDB trang bị nội thất và tính năng thân thiện với người cao tuổi cũng được giới thiệu vào năm 1998. Từ năm 2000, Cơ quan Giao thông Đường bộ (LTA) đã trang bị thêm các ga tàu điện ngầm vận tải nhanh (MRT) để bảo đảm khả năng tiếp cận của người cao tuổi. Ngoài ra, xe buýt sàn thấp, không có bậc thang và phù hợp cho xe lăn cũng được đưa vào sử dụng(10).
Bài học kinh nghiệm và những gợi mở tham khảo cho Việt Nam
Mặc dù chưa thể giải quyết toàn bộ bài toán do vấn đề già hóa dân số đặt ra, nhưng Singapore đã có khởi đầu thuận lợi trong việc giải quyết những thách thức của dân số già và đạt được những thành tựu nhất định. Cách tiếp cận cùng những chính sách, bước đi cụ thể của Singapore có thể đưa ra những gợi mở quan trọng cho các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Một là, tiếp cận chủ động, toàn diện trong chuẩn bị cho vấn đề già hóa dân số. Singapore áp dụng cách tiếp cận “toàn chính phủ” và “toàn xã hội” để giải quyết các thách thức của già hóa dân số ở mọi phương diện. Quốc gia này nhận thấy rõ sự cần thiết phải sớm phối hợp lập kế hoạch và hoạch định chính sách, thành lập ủy ban liên bộ về các vấn đề liên quan đến già hóa vào năm 1982, khi chỉ có 5% dân số từ 65 tuổi trở lên. Cách tiếp cận toàn diện trong vấn đề già hóa dân số của Singapore cho thấy, việc phát triển xã hội thân thiện với người già sớm giúp quốc gia chủ động trong ứng phó thách thức mà già hoá dân số gây ra, thay vì chờ đất nước ở hoàn cảnh dân số già đi đáng kể mới lưu tâm giải quyết, bị động trong ứng phó. Việc hoạch định chính sách vì vậy nên nhấn mạnh đến tính chủ động, toàn diện, có các biện pháp khắc phục dựa trên cơ sở thực tế để giải quyết các nhu cầu thực tiễn, dựa vào dữ liệu cụ thể, thường xuyên về người lớn tuổi.
Hai là, các chính sách đối với người cao tuổi trước hết cần được định hướng dựa trên nguyên tắc trách nhiệm cá nhân trong việc bảo đảm hạnh phúc khi về già, với gia đình là trụ cột hỗ trợ chính. Quan điểm của Singapore trong việc thực thi các chính sách dành cho người cao tuổi, dù là về an ninh tài chính hay chăm sóc sức khỏe, là cá nhân phải có trách nhiệm với chính mình trong việc chuẩn bị cho những thách thức đến với tuổi già mà không tạo thêm gánh nặng cho các thành viên trong gia đình, cộng đồng và nhà nước. Bên cạnh đó, cộng đồng, gia đình và người cao tuổi phải hợp tác để bảo đảm sức khỏe cho người cao tuổi. Trong khi mỗi cá nhân có trách nhiệm lập kế hoạch, chuẩn bị cho tuổi già của bản thân, gia đình và cộng đồng có vai trò chăm sóc, hỗ trợ; vai trò của nhà nước là đề ra khung chính sách, đồng thời cung cấp cơ sở hạ tầng, nguồn lực cần thiết để các ngành khác phát huy vai trò của ngành trong hỗ trợ, người già.
Ba là, áp dụng quan điểm cân bằng hơn trong xem xét các cơ hội tiềm năng mà vấn đề già hóa dân số mang lại. Chiến lược của Singapore đối với dân số già cho phép người cao tuổi phát huy hết tiềm năng, đồng thời đáp ứng nhu cầu trước mắt, giảm tác động của các nhu cầu trong tương lai thông qua chăm sóc dự phòng, thúc đẩy sự hòa nhập xã hội của người cao tuổi. Các chính sách, kế hoạch và những bước đi trong triển khai ứng phó với vấn đề dân số già của Singapore cho thấy, Singapore đặt mục tiêu coi dân số lớn tuổi là những lao động, người học và tình nguyện viên có giá trị, có thể đóng góp mạnh mẽ kiến thức, kinh nghiệm, trí tuệ cho xã hội, cộng đồng trong khi đáp ứng nhu cầu của chính mình. Như vậy, chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động lớn tuổi đều đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa tầm nhìn này. Từ việc tăng tuổi nghỉ hưu và tái tuyển dụng theo luật định đến xây dựng các hướng dẫn sắp xếp công việc linh hoạt, thiết kế lại công việc; hỗ trợ, tham gia vào việc đào tạo lại kỹ năng, các bên liên quan phải cùng nhau hợp tác phát huy toàn bộ tiềm năng của người cao tuổi, hỗ trợ người cao tuổi có thể làm việc theo nguyện vọng. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, do đó, áp dụng chiến lược của Singapore cho phép người cao tuổi tiếp tục đóng góp có ý nghĩa cho xã hội, đồng thời giải quyết các nhu cầu của họ để biến “bạc” thành “vàng” và tuổi tác “chỉ là một con số” thực sự là một kinh nghiệm hữu ích.
Bốn là, để các chính sách về già hóa dân số được triển khai thực hiện hiệu quả, không chỉ áp dụng cách tiếp cận tổng hợp, toàn diện mà cần phải khuyến khích sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ hơn giữa các cơ quan liên quan. Với tính chất nhiều mặt của các thách thức được đề cập ở trên, Singapore đã giải quyết vấn đề già hóa dân số bằng cách tiếp cận liên ngành, có tính đến ý kiến đóng góp của công chúng khi cân nhắc chính sách. Một thái độ tích cực cùng nhận thức đầy đủ, chín chắn đối với người cao tuổi và vấn đề già hóa dân số ở mọi tầng lớp trong xã hội luôn là cần thiết để các chính sách được triển khai, áp dụng thành công.
Các chính sách, kế hoạch và những bước đi cụ thể của Singapore trong ứng phó, giải quyết thách thức, tác động tiềm tàng của vấn đề già hóa dân số rõ ràng có thể đưa ra những gợi ý thiết thực trong việc xây dựng kế hoạch hành động về vấn đề này cho các quốc gia khác. Trong đó, chủ động hành động, triển khai chính sách sớm, tiếp cận toàn diện đối với vấn đề già hóa dân số chính là những bài học quan trọng mà Việt Nam cần lưu ý./.
--------------------------------------
(1) Xem: Speech by Prime Minister Lee Hsien Loong at the book launch of ‘Singapore Ageing: Issues and Challenges Ahead’ on 11 April 2023 (Tạm dịch: Bài phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long tại buổi ra mắt sách “Già hóa ở Singapore: Những vấn đề và thách thức phía trước” ngày 11-4-2023, https://www.pmo.gov.sg/Newsroom/PM-Lee-Hsien-Loong-at-the-Singapore-Ageing-Issues-and-Challenges-Ahead-Book-Launch
(2) Xem: Cynthia Chen (2023), Societal aging and its impact on Singapore (Tạm dịch: Già hóa xã hội và tác động của nó đến Singapore), https://www.nber.org/system/files/chapters/c14917/c14917.pdf
(3) Xem: Audrey Wan (2023), “As Singapore’s aging population grows, businesses are courting older consumers” (Tạm dịch: Khi dân số già của Singapore tăng lên, các doanh nghiệp thu hút người tiêu dùng lớn tuổi), https://www.cnbc.com/2023/10/30/as-singapores-aging-population-grows-businesses-court-older-spenders.html
(4) Xem: Singapore’s aging population (Tạm dịch: Già hoá dân số của Singapore), ngày 7-11-2022, https://www.trade.gov/market-intelligence/singapores-aging-population,
(5) Xem: Ministry of health: Launched the 2023 Action Plan for Successful Ageing (Tạm dịch: Ra mắt Kế hoạch hành động năm 2023 cho sự già hóa thành công), 30-1-2023, https://www.moh.gov.sg/newsroom/launch-of-the-2023-action-plan-for-successful-ageing
(6) Xem: Singapore mở rộng hệ thống chăm sóc sức khỏe dự phòng, Báo Sài Gòn Giải phóng, ngày 18-10-2023, https://www.vietnam.vn/singapore-mo-rong-he-thong-cham-soc-suc-khoe-du-phong/
(7) Xem: Singapore’s aging population (Tạm dịch: Già hoá dân số của Singapore), Tlđd
(8) Xem: Yuen Jun Xian Paul: Ageing Well in Singapore, Lessons for Southeast Asia (Tạm dịch: Lão hóa khỏe mạnh ở Singapore, bài học cho Đông Nam Á), ngày 4-9-2023, https://theaseanmagazine.asean.org/article/ageing-well-in-singapore-lessons-for-southeast-asia/
(9) Xem: Singapore’s plan to raise retirement age draws mixed reactions (Tạm dịch: Kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu của Singapore gây phản ứng trái chiều), ngày 28-3-2024, https://theindependent.sg/singapores-plan-to-raise-retirement-age-draws-mixed-reactions/
(10) Xem: Successful Ageing - A Review of Singapore’s Policy Approaches (Tạm dịch: Già hóa thành công - Đánh giá về các phương pháp tiếp cận chính sách của Singapore), tháng 10-2006, https://knowledge.csc.gov.sg/ethos-issue-01/successful-ageing-a-review-of-singapores-policy-approaches
- Xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Kiên định đường lối đổi mới, đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, hướng tới xây dựng đất nước phát triển nhanh và bền vững
- Cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững
- Bộ đội Biên phòng với các giải pháp đột phá để xây dựng “thế trận lòng dân” khu vực biên giới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Đổi mới tư duy pháp lý về an ninh mạng trong kỷ nguyên mới
-
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội và thách thức của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay