Quảng Ninh đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân
TCCS - Xác định chuyển đổi số là xu thế toàn cầu, có tác động sâu rộng trên các lĩnh vực kinh tế - chính trị - xã hội, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện chuyển đổi số với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, thiết thực, sát thực tiễn và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp
Chuyển đổi số là khâu đột phá, một nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, thời gian qua, tỉnh đã khẩn trương xây dựng, ban hành đầy đủ, kịp thời kế hoạch và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn. Cụ thể, như Chương trình hành động số 36-CTr/TU, ngày 10-1-2020, của Tỉnh ủy, “Về thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019, của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”; Quyết định số 662/QĐ-UBND, ngày 2-3-2021, của Ủy ban nhân dân tỉnh, “Về việc phê duyệt đề cương Đề án chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”; Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 9-4-2021, của Tỉnh ủy, “Về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”; Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 5-2-2022, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về “Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Kế hoạch số 59/KH-UBND, ngày 1-3-2022, của Ủy ban nhân dân tỉnh, về “Chuyển đổi số toàn diện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Kế hoạch số 254/KH-UBND, ngày 12-10-2023, của Ủy ban nhân dân tỉnh, “Về việc Đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp xã, cấp huyện và cấp sở tỉnh Quảng Ninh năm 2023”;… Nhờ nhận thức rõ vai trò của chuyển đổi số, đến nay, toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh Quảng Ninh đã vào cuộc và triển khai các nhiệm vụ một cách đồng bộ. Với sự chỉ đạo quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, năm 2022, tỉnh Quảng Ninh nằm trong nhóm top đầu về chuyển đổi số toàn quốc, đứng vị trí thứ 3/63 các tỉnh/thành phố, tăng 4 bậc so với năm 2021. Quảng Ninh tiếp tục giữ vững vị trí thứ 3/63 về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index) năm 2022, đứng thứ nhất toàn quốc về cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Năm 2023, kết quả công bố cải cách hành chính các tỉnh, thành phố, Quảng Ninh đứng vị trí thứ 2 về Chỉ số thành phần chính quyền số. Tại hội nghị tổng kết công tác chuyển đổi số năm 2023 của Ủy ban Quốc gia chuyển đổi số, Quảng Ninh được biểu dương là địa phương điển hình trong nhóm top đầu về hạ tầng số.
Đẩy mạnh xây dựng, phát triển ba trụ cột “Chính quyền số - Kinh tế số - Xã hội số”
Với sự quan tâm và nỗ lực trong công tác điều hành, chỉ đạo, xây dựng chính quyền số, tỉnh bước đầu đạt được một số kết quả nhất định. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành 10/11 mục tiêu của trụ cột phát triển chính quyền số, một mục tiêu còn lại đang thực hiện. Theo báo cáo 9 tháng năm 2024, số hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến của cấp tỉnh là 99.300 hồ sơ (đạt 84,3%), cấp huyện là 388.266 hồ sơ (đạt 84,4%). Tổng hợp từ Cổng Dịch vụ công của tỉnh, số hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến của cấp tỉnh là 40.356 hồ sơ (đạt 98,55%), cấp huyện là 110.942 (đạt 98,6%), cấp xã là 143.424 hồ sơ (đạt 97%). Từ ngày 1-8-2024 đến hết ngày 31-8-2024, số hồ sơ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia là 30.164/52.571 (đạt 57,4%). Bên cạnh đó, tỷ lệ khai khác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa toàn tỉnh đạt 78,01% trong khi mục tiêu đề ra là tối thiểu 50%”.
Qua theo dõi thực tế trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã cơ bản đạt chỉ tiêu 90% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ/số thủ tục hành chính phát sinh hồ sơ. Đến tháng 10-2024, toàn tỉnh thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính đạt 100% (10.823/10.823 hồ sơ). Cấp tỉnh đã thực hiện số hóa 133.345 hồ sơ đầu vào (đạt 90,7%), trả 52.113 kết quả bản điện tử (đạt 35,2%). Kết quả chỉ tính trên hệ thống Một cửa điện tử tỉnh, cấp tỉnh đã số hóa 51.776 hồ sơ đầu vào (đạt 99,1%), trả 51.846 kết quả bản điện tử (đạt 97,8%); cấp huyện đã số hóa 128.066 hồ sơ đầu vào (đạt 99,3%), trả 124.779 kết quả bản điện tử (đạt 93,9%); cấp xã đã số hóa 180.803 hồ sơ (đạt 98,2%), trả 179.309 kết quả bản điện tử (đạt 96,5%). Kết quả xử lý hồ sơ thủ tục hành chính của tỉnh được đồng bộ đầy đủ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và công bố, công khai thủ tục hành chính đúng hạn đạt 100% (411.654 hồ sơ). Đảm bảo công bố công khai 100% thủ tục hành chính được trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ công việc (trừ hồ sơ mật) trên môi trường mạng: Đối với các sở, ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện đạt 100%; đối với ủy ban nhân dân cấp xã đạt tối thiểu 90%. Mức độ hài lòng trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp đạt 17,7/18 điểm, bằng 98%.
Cùng với đó, tỉnh cũng tích cực đào tào, bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho người đứng đầu, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương và đội ngũ nhân lực công nghệ số nòng cốt trong bộ máy nhà nước và cán bộ, công chức của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Tính đến nay, có 7.006 cán bộ, công chức, viên chức tham gia 9 khóa học chuyển đổi số do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức; 5.961 học viên tham gia tập huấn trực tuyến về “Nâng cao nhận thức chuyển đổi số hỗ trợ triển khai Đề án 06”; 300 cán bộ công chức, viên chức tham gia đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng.
Xác định kinh tế số phải được triển khai từ những phần việc, nội dung thiết thực nhất gắn với doanh nghiệp và người dân, để doanh nghiệp, người dân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng thụ hưởng những thành quả, thời gian qua, các sở, ngành chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều nhiệm vụ phát triển kinh tế số, tỉnh đã đạt được nhiều bước tiến trong hoạt động thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến… Đến hết tháng 9-2024, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 3,4 triệu tài khoản cá nhân, gần 62.000 tài khoản doanh nghiệp; trong đó có hơn 2,5 triệu tài khoản đang hoạt động, hơn 595.000 tài khoản mở bằng hình thức xác minh danh tính điện tử, nhận diện khách hàng bằng công nghệ AI dựa vào thông tin sinh trắc học, giấy tờ tùy thân... Bình quân toàn tỉnh có 2,5 tài khoản đang hoạt động/người dân từ 15 tuổi trở lên. Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn có gần 802.000 tài khoản ví điện tử được sử dụng trên nền tảng di động được định danh qua số điện thoại chính chủ.
Đến hết tháng 9-2024, theo số liệu thống kê có 70% sản phẩm OCOP từ 3 sao của Quảng Ninh được quảng bá, kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử có tên tuổi của Việt Nam, như Voso, Postmart, Tiki… Sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh hiện giới thiệu và bán 393/393 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao của tỉnh; ký kết hợp tác với các đối tác phân phối chuyên nghiệp, như giao hàng nhanh - GHN Express, giao hàng Viettel - Viettel Post, VNPT - VietNamPost... và thiết lập liên kết trên các sàn giao dịch điện tử lớn. Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 19 chợ hạng I; 11 chợ hạng II và 13 chợ hạng III triển khai mô hình Chợ 4.0; 100% các chợ trung tâm chấp nhận thanh toán các khoản phí, thanh toán hóa đơn điện, nước thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; tỷ lệ số hộ kinh doanh tại chợ chấp nhận phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đạt trung bình 83%...
Cùng với chính quyền số, kinh tế số, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy hoạt động xây dựng xã hội số với nhiều kết quả quan trọng. Tỉnh đã và đang tập trung phổ biến, phổ cập kỹ năng số cho người dân thông qua các khóa tập huấn, đào tạo trực tuyến, các chương trình truyền thông để nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng, thay đổi thói quen hành vi về công nghệ số, bảo đảm “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình chuyển đổi số. Tỉnh cũng đạt được nhiều thành công trong xây dựng các dịch vụ số, tạo môi trường thuận lợi để giúp người dân, doanh nghiệp có thể lựa chọn dịch vụ phù hợp với nhu cầu, như sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ y tế thông minh, giáo dục thông minh, giao thông thông minh, thông tin bất động sản, việc làm, các tiện ích thương mại điện tử và kinh tế chia sẻ…, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và mang lại sự hài lòng cho người dân
Xác định xây dựng xã hội số cần phải có hạ tầng viễn thông, internet để thực hiện các giao dịch, theo đó, tỉnh đã quan tâm đầu tư đường truyền mạng internet tốc độ cao, phủ lõm sóng, mạng internet diện rộng trong nhân dân. Tính đến hết quý III- 2024, trên địa bàn tỉnh có 6.359 trạm thu phát sóng di động (trạm BTS), cơ bản đảm bảo phủ sóng 100% số thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh; trong đó chủ yếu là các trạm công nghệ 3G trở lên chiếm tỷ lệ 80,26%. Đáng chú ý, từ ngày 15-10-2024, nhà mạng Viettel, chính thức phát sóng thương mại 5G tại 4 thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Uông Bí; nhà mạng VNPT đang triển khai lắp đặt 50 trạm 5G trên địa bàn tỉnh; nhà mạng Mobifone đang xây dựng kế hoạch lắp đặt và phát sóng 5G vào dịp cuối năm 2024. Theo đó, ước tính, hết năm 2024, mạng di động 5G sẽ đạt tỷ lệ 95% tại các khu vực đô thị trung tâm 4 thành phố của Quảng Ninh. Tỷ lệ dân số được phủ sóng mạng di động 4G đạt 100% (tăng 27% so với năm 2020), hoàn thành kế hoạch phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G. Số thuê bao điện thoại di động là 1.767.462 thuê bao, đạt tỷ lệ 128 thuê bao/100 dân, cao hơn so với tỷ lệ chung của cả nước (tỷ lệ trung bình của cả nước là 119 thuê bao/100 dân). Số thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh là 1.658.363 thuê bao, chiếm tỷ lệ 93,83% số thuê bao di động. Hoàn thành kế hoạch phổ cập điện thoại thông minh. Ước đến hết năm 2024, tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh chiếm 95% tổng số thuê bao trên địa bàn tỉnh. Hạ tầng mạng cáp quang đến hộ gia đình đạt 97%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, về đích sớm hơn 1 năm. Tỷ lệ dùng chung cơ sở hạ tầng trạm BTS của các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đạt 30% (tăng 15% so với năm 2020 và cao hơn tỷ lệ chung của cả nước 8%).
Công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cũng được triển khai tốt, không ghi nhận sự cố nào đáng chú ý trên toàn hệ thống; các thiết bị, phần mềm đảm bảo an ninh, an toàn cho kết nối giữa Cổng Dịch vụ công tỉnh với Cổng Dịch vụ công Quốc gia và hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được duy trì và vận hành hiệu quả. Hiện toàn bộ hệ thống cơ sở dữ liệu từ cấp tỉnh tới các địa phương, sở, ngành và các trung tâm hành chính công trong tỉnh được liên thông, lưu trữ và quản lý tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh. Trung tâm hiện được bảo vệ bởi Hệ thống giám sát và cảnh báo sớm tấn công, gây mất an toàn mạng và Trung tâm điều hành an ninh mạng (SOC). Các hệ thống này có khả năng thu thập lịch sử hoạt động hệ thống, giám sát và cảnh báo về các nguy cơ gây mất an toàn thông tin mạng, giúp nhân viên quản trị hệ thống có căn cứ để kịp thời đưa ra những phương án ứng phó kịp thời. Những kết quả đạt được trong xây dựng xã hội số trên địa bàn tỉnh tạo tiền đề quan trọng trong việc phát triển chính quyền số và kinh tế số, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ người dân và doanh nghiệp, hướng đến một nền hành chính minh bạch, hiện đại.
Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh gặp một số khó khăn như: Các đơn vị triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số còn chậm, chưa quyết liệt. Cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền một số đơn vị, địa phương còn chưa sâu sát, quyết tâm chuyển đổi số chưa cao. Nhiều đơn vị không quan tâm đến việc đánh giá mức độ chuyển đổi số nên không thu thập, cung cấp đầy đủ hồ sơ minh chứng để đánh giá, dẫn đến kết quả chung thấp. Chuyển đổi số là lĩnh vực mới, khó, bao trùm nhiều nội dung đan xen. Nhận thức của một số cán bộ, công chức, viên chức và người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên có mặt còn hạn chế. Kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số của cán bộ tham mưu tại một số đơn vị cấp sở, một số đơn vị cấp huyện và hầu hết đơn vị cấp xã chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Việc triển khai các giải pháp về an toàn thông tin, phê duyệt hồ sơ cấp độ trên toàn tỉnh còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu, tiến độ quy định của Chính phủ. Mức độ ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ công vụ còn nhiều hạn chế, hầu như chưa có ứng dụng.
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong thời gian tới
Để quá trình chuyển đổi số diễn ra hiệu quả, bền vững, thực chất, đồng bộ, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp, tổ chức và người dân, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp, tạo điều kiện thúc đẩy chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn cho chuyển đổi số; xây dựng, ban hành các quy định hoàn thiện quy trình hoạt động, phối hợp của các cơ quan nhà nước để bảo đảm phù hợp với môi trường số, thúc đẩy chuyển đổi số trong khu vực tư nhân, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Thứ hai, chú trọng tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng số cho các cán bộ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước, đội ngũ làm công tác truyền thông. Chú trọng đào tạo kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số cho người đứng đầu; lãnh đạo chuyên trách về công nghệ thông tin; cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin tại các cơ quan nhà nước;… Cán bộ, công chức, viên chức phải là lực lượng chủ động, tiên phong sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số và dẫn dắt quá trình chuyển đổi số. Xây dựng và phát triển mô hình, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương có ít nhất một nhân sự nòng cốt về chuyển đổi số theo hướng đào tạo tại chỗ từ nguồn nhân lực tại chỗ để từ đó tiếp tục nhân rộng, lan tỏa.
Thứ ba, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số cải cách hành chính công, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, các chỉ số về kinh tế số tạo môi trường thuận lợi cho việc thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư các giải pháp chuyển đổi số. Hỗ trợ các doanh nghiệp số khởi nghiệp, hình thành cộng đồng doanh nghiệp số và khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, từng bước thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thứ tư, đầu tư phát triển, hoàn thiện hạ tầng phục vụ cho việc xây dựng và hoạt động của chính quyền số. Chú trọng bảo đảm hạ tầng để kết nối, khai thác dữ liệu hiệu quả từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu dùng chung của các bộ, ngành và các hệ thống thông tin có phạm vi quy mô từ tỉnh tới cơ sở nhằm giảm thiểu giấy tờ cho người dân và doanh nghiệp, hướng tới người dân, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp dữ liệu một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Thứ năm, truyền thông đồng bộ, toàn diện bằng nhiều hình thức trên toàn bộ các hạ tầng, ấn phẩm để nâng cao nhận thức cho các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân về chương trình chuyển đổi số toàn diện của tỉnh, vai trò của chuyển đổi số nhằm tạo sự đồng thuận trong các cấp chính quyền, nhân dân để triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế để trao đổi kinh nghiệm về đào tạo, nghiên cứu khoa học về công nghệ số, kỹ năng số; khuyến khích các cơ sở đào tạo của tỉnh xây dựng, triển khai các chương trình hợp tác đào tạo, trao đổi giảng viên, học viên, sinh viên với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu về chuyển đổi số, công nghệ số, kỹ năng số có uy tín trên thế giới. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến hỗ trợ đầu tư, ưu tiên thu hút đầu tư quốc tế vào các ngành kinh tế mũi nhọn, các dự án có trình độ công nghệ cao, thân thiện môi trường, nghiên cứu phát triển, cam kết chuyển giao công nghệ, có khả năng lan tỏa, liên kết với các doanh nghiệp trong nước theo chuỗi giá trị./.
Khơi dậy tiềm năng du lịch văn hóa để phát triển bền vững  (15/11/2024)
Quảng Ninh: An sinh bảo đảm, phúc lợi nâng cao, nhân dân hạnh phúc  (10/11/2024)
Quảng Ninh bảo đảm an sinh xã hội góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội  (10/11/2024)
Huyện Bình Liêu đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử  (10/11/2024)
Huyện Bình Liêu: Tích cực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc  (05/11/2024)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên