Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam đồng hành cùng Chiến lược chuyển đổi số quốc gia
TCCS - Trước xu hướng số hóa mạnh mẽ của nền kinh tế nói chung và của lĩnh vực tài chính ngân hàng nói riêng, nhiều năm qua Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã đầu tư các nền tảng ứng dụng và hạ tầng cho chuyển đổi số, đã và đang là một trong những đơn vị mũi nhọn thực hiện chiến lược chuyển đổi số ngành ngân hàng, tích cực đồng hành cùng Chính phủ trong Chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
Chuyển đổi số đối với ngành ngân hàng hiện nay là yêu cầu bắt buộc, hướng đi chiến lược nhằm giúp ngành cạnh tranh hiệu quả và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới. Sớm nắm bắt xu hướng này, BIDV xác định, việc phát triển ngân hàng số là một phần quan trọng trong chiến lược kinh doanh tổng thể giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030 theo Nghị quyết số 468/NQ-BIDV, ngày 31-5-2021, về việc phê duyệt “Chiến lược chuyển đổi số của BIDV giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” của BIDV. Trong bối cảnh hàng loạt đơn vị gia nhập cuộc đua chuyển đổi số, BIDV là cái tên nổi bật nhờ sở hữu tiềm lực mạnh và định hướng phát triển bền vững. Mục tiêu của BIDV là từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, BIDV tiếp tục chuyển đổi số với 4 trụ cột và 8 phương diện. Trong đó, 4 trụ cột bao gồm: Số hóa 360 độ; xây dựng hệ sinh thái số đa dạng xung quanh các dịch vụ của BIDV; xây dựng nền văn hóa, năng lực số và phát triển nguồn nhân lực; trở thành một trong những đơn vị đồng hành cùng Chính phủ thí điểm dẫn dắt thị trường chuyển đổi số…
Số hóa hoạt động ngân hàng
Trong những năm qua, BIDV đã đẩy mạnh số hóa các dịch vụ tài chính ngân hàng nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn. BIDV có nhiều tiềm năng để triển khai số hóa khách hàng, với hơn 50% số khách hàng cá nhân có độ tuổi từ 35 tuổi trở xuống. Hiện ngân hàng đã kết nối với hầu hết các công ty fintech, gần 1.000 nhà cung cấp dịch vụ để đưa ra thị trường hơn 1.600 dịch vụ thanh toán chi tiêu cho khách hàng. Với những lợi thế lớn về khách hàng và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, cùng quyết tâm bứt phá để dẫn đầu trong hoạt động ngân hàng số, ngân hàng BIDV đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 80% lượng khách hàng tiếp cận và sử dụng các kênh ngân hàng số. Năm 2022, BIDV đã ra mắt sản phẩm BIDV iConnect, cho phép doanh nghiệp kết nối và thực hiện các giao dịch trực tiếp trên phần mềm quản lý của ngân hàng. Ngoài ra, BIDV đã hợp tác với Ngân hàng Phát triển châu Á triển khai thành công nền tảng số BIDV SMEasy dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho phép tiếp cận dịch vụ tài chính và phi tài chính trên một nền tảng duy nhất, nhờ đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này tại Việt Nam.
Tiếp nối thành công, năm 2023, BIDV đã tiên phong tích cực phối hợp cùng Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam hoàn thiện bộ tiêu chuẩn kỹ thuật và phát triển dịch vụ rút tiền QR qua máy ATM liên thông giữa các ngân hàng bằng mã VietQR (VietQRCash). Sau khi ra mắt dịch vụ, khách hàng BIDV có thể sử dụng ứng dụng điện thoại SmartBanking rút tiền qua dịch vụ VietQRCash đơn giản, nhanh chóng, an toàn tại hơn 12.000 máy ATM trên toàn quốc. Số lượng ATM triển khai dịch vụ VietQRCash hiện chiếm hơn 60% tổng số lượng ATM trên thị trường, giúp khách hàng dễ dàng giao dịch khi cần thiết. Xác định nguồn lực tài chính từ ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong phát triển tín dụng xanh và thúc đẩy các khoản đầu tư hạ tầng năng lượng bền vững, BIDV luôn ưu tiên tập trung vốn tín dụng tài trợ các dự án tín dụng xanh. Hiện tại, BIDV là ngân hàng dẫn đầu thị trường với thị phần 13% tổng dư nợ cho vay lĩnh vực xanh toàn bộ nền kinh tế. Với nhiều giải pháp, BIDV nằm trong tốp 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2023, xếp thứ 3 về giá trị thương hiệu ngành ngân hàng; là thương hiệu có mức tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (69%), đạt 1,4 tỷ USD. Giá trị thương hiệu của BIDV tăng trưởng phần lớn là nhờ sức mạnh thương hiệu được cải thiện khi BIDV liên tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong năm qua.
BIDV đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực công
Trong thời gian vừa qua, BIDV đã phối hợp với nhiều đơn vị sở ban ngành, trong đó có Tổng Cục thuế, để triển khai nhiều dịch vụ công tiện ích, hiệu quả, điển hình, như: Kết nối Cổng thanh toán điện tử; thanh toán thuế phí đa phương tiện trên ứng dụng ngân hàng điện tử; thanh toán các loại thuế phí trên các Cổng Thông tin quốc gia, Cổng Dịch vụ công quốc gia… Đặc biệt, ngày 21-3-2022, BIDV phối hợp với Tổng Cục thuế ra mắt ứng dụng eTax Mobile trên nền tảng thiết bị di động. Đây là ứng dụng triển khai trên thiết bị di động dành cho người nộp thuế là cá nhân sử dụng nền tảng iOS, Android. Khách hàng tải ứng dụng eTax Mobile về thiết bị di động, sau đó đăng ký tài khoản, khai báo, xác thực thông tin người dùng, tra cứu và lựa chọn khoản thuế/phí phải nộp. Tại màn hình thanh toán, khách hàng chọn BIDV và hoàn tất các bước tiếp theo như giao dịch tài chính cá nhân thông thường. Bên cạnh đó, trên cơ sở nền tảng CoreBanking hiện đại, đặc biệt, nguồn lực nội bộ chủ động giúp tạo lợi thế cho BIDV tham gia tích cực trong việc đồng hành cùng các ban, bộ, ngành địa phương xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia. Hoạt động đó được Chính Phủ đánh giá cao, lựa chọn là đơn vị phối hợp, tham gia vào quá trình triển khai dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia cho người dân, doanh nghiệp.
Đến nay, BIDV đã và đang tích hợp triển khai cho các dịch vụ thu phí, lệ phí dịch vụ công, dịch vụ thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, dịch vụ nộp thuế trước bạ, nộp bảo hiểm xã hội, thanh toán tiền điện,… đồng hành cùng Văn phòng Chính phủ kiểm thử, tích hợp Cổng Dịch vụ công quốc gia cho tất cả địa phương và các ban, bộ, ngành, địa phương. Với nền tảng công nghệ hiện đại, đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, sản phẩm dịch vụ đa dạng, mạng lưới rộng khắp, BIDV ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế. Với mục tiêu lấy khách hàng và việc tối ưu trải nghiệm khách hàng làm trọng tâm, BIDV trở thành ngân hàng tiên phong đồng hành cùng các cơ quan, ban, ngành liên quan trong tiến trình cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực thuế, phí, dịch vụ công… Sự kết hợp hiệu quả tạo thuận lợi cho cả khách hàng cá nhân và cộng đồng doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Nhà nước. Việc triển khai dịch vụ này không chỉ tiết kiệm ngân sách nhà nước, thời gian, công sức cho người dân, doanh nghiệp, mà còn góp phần phòng, chống tham nhũng nhờ hạn chế tiếp xúc, giao dịch trực tiếp giữa cán bộ, công chức và người làm thủ tục.
BIDV iBank - ứng dụng ngân hàng điện tử dành cho doanh nghiệp của BIDV
Bên cạnh Business Online - kênh giao dịch điện tử trực tuyến, sự ra đời của BIDV iBank, việc ứng dụng ngân hàng điện tử đã cung cấp các giải pháp số và tiện ích đa dạng dành cho khách hàng doanh nghiệp của BIDV. Ngoài các tính năng hiện có như hỗ trợ kết nối trực tiếp với hệ thống kế toán của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp quản lý dòng tiền một cách hiệu quả, BIDV sẽ tiếp tục đưa các dịch vụ mới lên nền tảng BIDV iBank. Qua BIDV iBank, khách hàng có thể thực hiện thanh toán hóa đơn online, đăng ký sử dụng dịch vụ trực tuyến hay mua bán ngoại tệ. Ngoài ra BIDV iBank sẽ cung cấp các giải pháp quản trị tài chính thông qua tích hợp với hệ thống ERP của doanh nghiệp với phương thức, như Host-to-host/firm Banking/ngân hàng mở (open API).
Giai đoạn 2021 - 2022 được coi là giai đoạn bùng nổ của BIDV iBank khi ngân hàng tiếp tục phát triển các tính năng với hàm lượng công nghệ cao, như: Nộp thuế và Bảo hiểm xã hội, tài trợ nhà cung cấp (e-AR loan), xây dựng trợ lý ảo Chatbot, xác thực số e-KYC cho phép khách hàng mở tài khoản, thực hiện giao dịch ngân hàng mà không cần trực tiếp đến ngân hàng; ứng dụng công nghệ Scraping, ứng dụng BlockChain trong các giao dịch tài trợ thương mại….
Là ngân hàng thương mại tiên phong chuyển đổi số, BIDV đưa ra tầm nhìn đến 2030 trở thành định chế tài chính hàng đầu khu vực Đông Nam Á, có nền tảng số tốt nhất Việt Nam, phấn đấu thuộc nhóm 100 ngân hàng lớn nhất châu Á. BIDV tập trung nguồn lực xây dựng và phát triển đồng bộ các kênh phân phối hiện đại, như internet Banking, Mobile Banking, SMS Banking, WebChat, Facebook, Youtube... Đồng thời, xây dựng các kênh tự phục vụ (e-zone) tại phòng giao dịch, chuyển đổi quy trình thủ công tại quầy lên quy trình tự động vận hành trên các kênh ngân hàng số đối với hoạt động chuyển khoản, thanh toán, trả nợ vay, gửi tiền online, quản lý và trả nợ thẻ tín dụng. Bên cạnh đó là các hoạt động phối hợp triển khai một số sản phẩm sáng tạo như Samsung Pay, QR Pay, Chat-bot trên ứng dụng Mobile Banking, Swift GPI, rút tiền ATM trên điện thoại, phát triển ứng dụng BIDV Home, ứng dụng BlockChain, công nghệ mới về tự động hóa và trí tuệ nhân tạo... Cùng với đó là triển khai và xây dựng các mô hình khai thác dữ liệu lớn, dữ liệu phi cấu trúc, ứng dụng các mô hình phân tích để đánh giá giá trị vòng đời khách hàng, marketing, bán chéo sản phẩm đúng đối tượng khách hàng…
Hoạt động chuyển đổi số của ngân hàng đã tạo nhiều ấn tượng trên thị trường. BIDV đã triển khai thành công cổng thanh toán trực tuyến các dịch vụ công cấp độ 4 trên cổng dịch vụ công quốc gia. Đây cũng là một trong bốn ngân hàng đầu tiên triển khai thành công dự án thanh toán bù trừ liên ngân hàng, triển khai hệ thống đăng ký trực tuyến BIDV SmartBanking, nghiên cứu áp dụng công nghệ OCR, nhận dạng khuôn mặt, livecheck. Ngân hàng còn tích hợp tính năng mua sắm tại Vinmart trên ứng dụng SmartBanking; ra mắt nền tảng BIDV Home đã mở ra hệ sinh thái kết nối khách hàng với thị trường địa ốc; kết nối thành công kiến trúc API với MISA giúp khách hàng doanh nghiệp thực hiện các giao dịch tài chính. BIDV cũng là ngân hàng đầu tiên cung cấp dịch vụ tài khoản định danh và chi hộ online 24/7, hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ và fintech quản lý dòng tiền hiệu quả, ứng dụng Machine Learning - AI trong việc xây dựng mô hình dự đoán khách hàng từ bỏ dịch vụ.
Việc xây dựng hệ sinh thái số đa dạng giúp ngân hàng mở rộng thị phần, đồng thời hỗ trợ người dùng thực hiện nhiều giao dịch thanh toán với một tài khoản, ứng dụng duy nhất. Cùng với đó, BIDV vẫn duy trì nghiên cứu, thử nghiệm các sản phẩm chuyển đổi số mới để bắt nhịp với xu thế chung của thế giới. Nhờ đó, BIDV tạo ra nền tảng vững chắc cả về lượng và chất, sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ trong vai trò tiên phong trên hành trình số hóa nền tài chính - ngân hàng Việt Nam.
Đồng hành cùng chính quyền trong chiến dịch chuyển đổi
Đồng hành cùng chính sách chuyển đổi số của quốc gia, BIDV xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Ban lãnh đạo BIDV chỉ đạo quyết liệt các bộ phận kinh doanh khai thác thế mạnh đã có và dựa vào chủ trương, chính sách của địa phương nơi đóng trụ sở để khai thác, quảng bá sản phẩm số của BIDV đến với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Đến nay, toàn hệ thống đã có khối lượng khách hàng doanh nghiệp, khách hàng cá nhân sử dụng dịch vụ Ibank, Smartbanking lớn, chiếm hơn 60%. Trong thời gian tới, BIDV tiếp tục phủ sóng số lượng khách hàng sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số, tiến tới tất cả khách hàng đều sử dụng sản phẩm số theo đúng định hướng chuyển đổi số của ngành ngân hàng nói chung, BIDV nói riêng.
Là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên chuyển đổi thành công hệ thống Core Banking, BIDV sẵn sàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao đến khách hàng. Cùng với đó, BIDV còn phát huy tinh thần xung kích, tiên phong, chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học của cán bộ, nhân viên, với hàng trăm đề tài, sáng kiến được nghiệm thu, đưa vào áp dụng có hiệu quả trong hoạt động thực tiễn, góp phần vào Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia nói chung, chuyển đổi số tại BIDV nói riêng và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên mới của dân tộc./.
Chuyển đổi số toàn diện ở tỉnh Quảng Ninh: Những kết quả đạt được và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới  (29/11/2024)
Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam  (28/11/2024)
Quảng Ninh đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân  (16/11/2024)
Huyện Bình Liêu đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử  (10/11/2024)
BIDV ủng hộ 100 tỷ đồng chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát  (10/10/2024)
- Quản lý văn phòng đại diện của các cơ quan báo chí tại khu vực miền Trung hiện nay
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay