Để phát huy hiệu quả nguồn lực FDI tại Hà Nội theo hướng bền vững
Hà Nội luôn thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút FDI
Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, đến nay, thành phố Hà Nội luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Giai đoạn 2008 - 2022, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của Hà Nội huy động đạt gần 4,04 triệu tỷ đồng, tăng trung bình hằng năm 11,04%. Cơ cấu đầu tư xã hội dịch chuyển rõ nét: khu vực nhà nước giảm từ 51% năm 2010 xuống còn khoảng 34,3%; khu vực ngoài nhà nước tăng nhanh, từ 35,3% lên khoảng 54,8%. Riêng về thu hút vốn FDI, giai đoạn 2018 - 2020, Hà Nội luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước. Riêng trong hai năm 2018 - 2019, thu hút FDI của Hà Nội dẫn đầu cả nước với lần lượt 7,5 tỷ USD và 8,67 tỷ USD. Nhiều dự án đầu tư lớn đã được thành phố cấp giấy chứng nhận đầu tư, như dự án Khu đô thị thành phố thông minh (có tổng vốn đầu tư 4,1 tỷ USD); hai dự án của Tập đoàn Nidec tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (400 triệu USD); dự án Nhà máy xử lý rác Xuân Sơn (90 triệu USD); dự án Lotte Mall Hà Nội tăng vốn 300 triệu USD; dự án Trung tâm nghiên cứu R&D của Tập đoàn Samsung (210 triệu USD)... Riêng trong giai đoạn 2021 - 2022, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thu hút FDI của thành phố đã bị giảm mạnh.
Năm 2023, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam khởi sắc trở lại nhờ những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và chủ trương mở cửa trở lại nền kinh tế sau dịch COVID-19. Thành phố Hà Nội đã quay trở lại vị trí dẫn đầu cả nước với hơn 2,26 tỷ USD vốn FDI trong sáu tháng đầu năm 2023, tăng gấp hơn ba lần so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó có 196 dự án mới với tổng vốn đầu tư đăng ký mới đạt 75,33 triệu USD; 89 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 209 triệu USD...
Các nhà đầu tư từ Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Mỹ, các nước Liên minh châu Âu (EU)... tiếp tục có những dự án lớn vào Hà Nội, tập trung vào các lĩnh vực, như kinh doanh bất động sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; dịch vụ giải trí, lưu trú và ăn uống; y tế và giáo dục...
Dòng vốn FDI có xu hướng tiếp cận thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp, dự án hiện hữu và cả dự án mới. Đà tăng nguồn vốn FDI của Hà Nội từ các tập đoàn nước ngoài gia tăng là minh chứng rõ nét nhất, tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế.
Những yếu tố giúp Hà Nội luôn nằm trong top dẫn đầu các tỉnh, thành phố về thu hút vốn đầu tư nước ngoài bởi Hà Nội là Thủ đô của cả nước, với lợi thế cạnh tranh kinh tế - xã hội phát triển bền vững; nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao; thị trường tiềm năng, dịch vụ đa dạng. Hơn nữa, Hà Nội được đánh giá cao về kết cấu hạ tầng, chi phí thời gian, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, luôn sát cánh hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp.
Tính chung 8 tháng năm 2024, toàn thành phố thu hút được 1,4 tỷ USD vốn FDI, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, đăng ký cấp mới 172 dự án với số vốn đạt 1,1 tỷ USD; 120 lượt dự án tăng vốn đầu tư với 155 triệu USD; 154 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 177,7 triệu USD.
Dự kiến năm 2024, Hà Nội phấn đấu thu hút FDI đạt khoảng 3,15 tỷ USD. Trong đó, các dự án có sử dụng đất khoảng hơn 2,15 tỷ USD, các dự án thương mại, dịch vụ khoảng 1 tỷ USD. Năm 2025, Hà Nội phấn đấu thu hút FDI đạt khoảng 2,7 tỷ USD; trong đó, các dự án có sử dụng đất khoảng hơn 1,5 tỷ USD, các dự án thương mại, dịch vụ đạt khoảng 1,2 tỷ USD.
Chỉ số sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng cao
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của thành phố tháng 8 ước tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,7% và tăng 7,4%; sản xuất và phân phối điện giảm 4,2% và tăng 1%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải giảm 3% và tăng 8,8%; ngành khai khoáng tăng 2,7% và tăng 10,7%.
Ước tính 8 tháng năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 10,8%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 9%; công nghiệp khai khoáng giảm 1,5%.
Về hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo, trong 8 tháng năm 2024 có 20/23 ngành sản xuất có chỉ số IIP tăng so với cùng kỳ, trong đó một số ngành tăng khá như sản xuất máy móc, thiết bị tăng 19%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 12,3%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 10,7%; sản xuất thiết bị điện tăng 9,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 9,5%; sản xuất trang phục tăng 7,7%.
Bên cạnh đó, 3 ngành sản xuất có chỉ số IIP giảm so với cùng kỳ là chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 5,1%; sửa chữa, bảo dưỡng máy móc giảm 4,7%; sản xuất xe có động cơ giảm 1,8%.
Lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp ước đến cuối tháng 8-2024 tăng 0,6% so với tháng trước và tương đương cùng kỳ năm 2023. Tính chung 8 tháng năm nay, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước
Về thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, báo cáo cho thấy, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) do địa phương quản lý tháng 8 ước tính đạt 7.325 tỷ đồng, tăng 12,6 % so với thực hiện tháng trước và tăng 48,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vốn NSNN cấp thành phố 2.655 tỷ đồng, tăng 11,4% và tăng 53,4%; vốn NSNN cấp huyện 4.377 tỷ đồng, tăng 14% và tăng 44%; vốn NSNN cấp xã 293 tỷ đồng, tăng 3,2% và tăng 84%.
Tính chung 8 tháng năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN do địa phương quản lý thực hiện được 38,1 nghìn tỷ đồng, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm trước và đạt 46% kế hoạch năm 2024. Trong đó, vốn NSNN cấp thành phố 14,6 nghìn tỷ đồng, tăng 24,2% và đạt 40,4%; vốn NSNN cấp huyện 21,8 nghìn tỷ đồng, tăng 39% và đạt 50,3%; vốn NSNN cấp xã 1,7 nghìn tỷ đồng, tăng 64,7% và đạt 50,5%.
Trong tháng 8, thành phố Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận cho 2.204 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 35,1 nghìn tỷ đồng, tăng 0,5%; 573 doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 12%; 1.313 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 12%; 407 doanh nghiệp giải thể, tăng 18%. Tính chung 8 tháng năm 2024, thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho 20,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 198,7 nghìn tỷ đồng, giảm 5% về số lượng doanh nghiệp và giảm 7% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; 7,1 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 11%; 19,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 21%; có gần 3 nghìn doanh nghiệp giải thể, tăng 20%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, bảo đảm chất lượng và đúng hạn.
Trong tháng 8-2024, Hà Nội triển khai công tác phát triển thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại; kết nối giao thương giữa 5 thành phố trực thuộc Trung ương với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Đông Nam Bộ; kết nối về thương mại điện tử với chủ để “Doanh nghiệp Việt trong kỷ nguyên số”; tiếp tục chỉ đạo công tác bình ổn giá cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng; tăng cường liên kết vùng, xúc tiến thương mại; tập trung cung cấp hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dân nhất là trong dịp Quốc khánh 2-9-2024.
Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 544,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước.
Về xuất, nhập khẩu hàng hóa, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 ước tính đạt 1,8 tỷ USD, giảm 1,4% so với tháng trước và tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 26,8 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng năm nay tăng 5,24% so với bình quân cùng kỳ năm 2023.
Tập trung tháo gỡ những vướng mắc
Luật Thủ đô vừa được Quốc hội thông qua, từ đó hệ thống pháp lý và chính sách của Hà Nội khá đầy đủ, toàn diện. Cụ thể, về hạ tầng, Hà Nội là trung tâm đầu mối kết nối vận tải; Hà Nội có cộng đồng doanh nghiệp hiện đại; Hà Nội có cộng đồng lao động trẻ, thu hút 2/3 trí thức cả nước. Bên cạnh đó Hà Nội có lợi thế quy mô thị trường và lợi thế vùng.
Về môi trường đầu tư, Hà Nội tạo điều kiện thủ tục xét duyệt đầu tư đơn giản hơn nhiều địa phương trong cả nước. Hà Nội chủ động tiếp cận, hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tổng hợp các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc, nêu rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, đơn vị và báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo giải quyết cụ thể. Do đó, Hà Nội không chỉ là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài mà còn là trung tâm kinh tế, tài chính quan trọng của khu vực và cả nước.
Tuy nhiên, môi trường đầu tư, kinh doanh của Hà Nội vẫn còn những hạn chế, bất cập, cần được khơi thông để thu hút nguồn vốn FDI hiệu quả hơn.
Về quy hoạch, thành phố đã thay đổi địa giới hành chính năm 2008, hiện nay đang điều chỉnh một số quy hoạch dẫn tới một số dự án đã được cấp phép chậm triển khai do phải điều chỉnh cho phù hợp quy hoạch. Bên cạnh đó, những quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản... có những thay đổi, còn chồng chéo, chưa thống nhất, dẫn đến thời gian thực hiện chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án kéo dài.
Về đất đai, thành phố Hà Nội có quỹ đất hạn chế, giá thuê đất lại cao gấp từ 1,5 đến 2 lần so với các địa phương lân cận, không tạo được lợi thế cạnh tranh. Cơ sở nhà xưởng đáp ứng điều kiện cho hoạt động đầu tư mới, mở rộng sản xuất còn ít.
Đến nay, hầu hết các khu công nghiệp tập trung trên địa bàn đã được lấp đầy, các khu công nghiệp - cụm công nghiệp mới được phê duyệt đang trong quá trình giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng...
Về cơ cấu lĩnh vực thu hút đầu tư FDI vẫn đang có sự chênh lệch. Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, tỷ trọng đầu tư FDI chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, thi công xây dựng (chiếm 38,7%), công nghiệp chế biến chế tạo (31,1%); các ngành khác (30,2%); đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ còn rất hạn chế. Thành phố chưa thu hút được các dự án FDI quy mô lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, có giá trị gia tăng cao.
Để khắc phục dần những hạn chế, vướng mắc này, Hà Nội tiếp tục đặt nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh một cách hiệu quả, thực chất hơn nữa. Thành phố cần đồng hành, sát cánh cùng các nhà đầu tư, luôn lắng nghe và cố gắng giải quyết những vướng mắc mà các nhà đầu tư, dự án gặp phải trong quá trình triển khai.
Đồng thời, thành phố Hà Nội tiếp tục thành lập thêm các khu, cụm công nghiệp để thu hút FDI; rà soát, thúc đẩy tiến độ hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp theo hướng phù hợp nhu cầu thực tế.
Thành phố cũng đã tiếp nhận quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, kết hợp đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại...
Ngoài ra, thành phố sẽ tăng cường rà soát các dự án nhằm đôn đốc nhà đầu tư thực hiện đầy đủ nội dung cam kết được quy định trong giấy phép đầu tư cũng như để nhận diện những vướng mắc, khó khăn nhằm tháo gỡ cho nhà đầu tư với tinh thần đồng hành, chia sẻ.
Với các dự án quy mô lớn, phức tạp, thời gian thực hiện kéo dài nảy sinh nhiều bất cập liên quan vấn đề pháp lý, thành phố sẽ kiến nghị Trung ương và các bộ, ngành liên quan thành lập tổ công tác liên bộ để phối hợp giải quyết.
Những giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới
Để khắc phục những hạn chế, nâng cao hiệu quả sử dụng được nguồn vốn FDI trong thời gian tới, thành phố Hà Nội cần thực hiện những giải pháp sau:
Thứ nhất, việc cải thiện môi trường đầu tư, bao gồm đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo đảm tính minh bạch và ổn định của chính sách là cần thiết để thu hút và sử dụng hiệu quả FDI. Chính phủ cần tiếp tục cải cách hành chính, giảm bớt các rào cản pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, thành phố cần đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng kỹ thuật như giao thông, năng lượng, và công nghệ thông tin. Việc phát triển hạ tầng hiện đại và đồng bộ sẽ giúp các dự án FDI hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Thứ hai, thành phố Hà Nội và các doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ trong việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các chương trình đào tạo nghề, hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp, và các khóa học nâng cao kỹ năng là cần thiết để đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp hiện đại và công nghệ cao. Đồng thời, cần có các chính sách khuyến khích và hỗ trợ việc chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI sang các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Điều này bao gồm các ưu đãi về thuế, hỗ trợ tài chính, và các chương trình hợp tác nghiên cứu và phát triển.
Thứ ba, để bảo đảm sự phát triển bền vững, việc quản lý chặt chẽ các dự án FDI về mặt môi trường là rất quan trọng. Thành phố cần thiết lập các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt và thực thi các biện pháp giám sát để bảo đảm các doanh nghiệp tuân thủ và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường./.
Thành phố Hà Nội nâng cao chất lượng dân số vì sự phát triển bền vững  (05/11/2024)
Giữ gìn và phát huy những truyền thống quý báu của Đảng bộ thành phố Hà Nội trong thời kỳ mới  (05/11/2024)
Đổi mới mô hình tăng trưởng tại huyện Sóc Sơn  (03/11/2024)
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Thống nhất nhận thức và hành động, tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế
- Kỳ họp thứ 53 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên
- Thành ủy Hải Phòng và Tạp chí Cộng sản ký kết Chương trình phối hợp nghiên cứu, tuyên truyền về xây dựng chủ nghĩa xã hội gắn với con người xã hội chủ nghĩa tại thành phố Hải Phòng
- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Sắp xếp để vốn nhà nước được quản lý và phát triển tốt nhất
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm