Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa, tạo động lực xây dựng thành phố Nam Định trở thành đô thị văn minh, hiện đại
TCCS - Triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, thành phố Nam Định xác định, cần phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa để xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, kết hợp hài hòa giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế, trong đó, văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển là hướng đi đúng đắn, lâu dài của thành phố Nam Định.
Thành phố Nam Định là một đô thị cổ, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Nam Định, có vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Với bề dày truyền thống và những giá trị văn hóa đặc sắc, thành phố Nam Định luôn gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, giá trị văn hóa nhân văn, tạo động lực trong sự nghiệp phát triển và hội nhập của tỉnh.
Trên địa bàn thành phố Nam Định hiện nay có 67 di tích, trong đó có 1 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt (là đền Trần, chùa Phổ Minh, phường Lộc Vượng), 8 di tích xếp hạng quốc gia, 11 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Các di sản văn hóa vật thể trên địa bàn thành phố có nhiều giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật. Tiêu biểu là lễ hội đền Trần, phường Lộc Vượng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; văn hóa ẩm thực có bánh cuốn làng Kênh, kẹo Sìu Châu Nguyên Hương, bánh Gai bà Thi… Các nghề truyền thống lâu đời, như: hương trầm với các thương hiệu “hương Hàng Giấy”, hương trầm Thuận Xương ở các phố như: Hàng Giấy (nay là phố Hoàng Văn Thụ); Hàng Nâu (nay là phố Minh Khai); làng trồng hoa, cây cảnh Phù Long (xã Nam Phong); làng làm bún Phong Lộc Tây (phường Cửa Nam), phố nghề thuốc bắc (nay là phố Bắc Ninh và Hoàng Văn Thụ)…
Thành phố Nam Định còn là vùng đất địa linh, nhân kiệt, giàu truyền thống khoa cử gắn với nhiều tên tuổi nổi tiếng của các nhân sĩ trí thức, các nhà kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hóa xã hội, cũng là cái nôi của các loại hình diễn xướng dân gian như nghệ thuật chầu văn, hát chèo.
Thực hiện Nghị quyết số 33, bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định, cả hệ thống chính trị của thành phố Nam Định đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai cụ thể hóa nghị quyết bằng nhiều kế hoạch, chương trình hành động và các văn bản chỉ đạo. Sau 10 năm triển khai thực hiện, công cuộc phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa để tạo động lực xây dựng thành phố Nam Định trở thành đô thị văn minh, hiện đại đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật là: Công tác chỉnh trang, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, các công trình công cộng được coi trọng. Các công trình chỉnh trang hè, đường các tuyến phố cổ và các tuyến trong nội đô thành phố được đầu tư. Việc hoàn thành các dự án trên góp phần nâng cao các tiêu chí "xanh, sạch, đẹp", giảm đáng kể tình trạng ngập úng khi có mưa lớn và giữ gìn được các giá trị văn hóa, kiến trúc cổ.
Các công viên, khu vui chơi công cộng được quan tâm đầu tư, như: Quảng trường Hòa Bình, công viên Vị Xuyên, công viên Prato… Gần đây nhất, thành phố đã trình Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định chủ trương xây dựng, cải tạo vườn hoa Điện Biên, giàn leo, vườn cảnh nhằm tạo cảnh quan đô thị đồng bộ với Quảng trường Hòa Bình, hình thành không gian sinh hoạt cộng đồng, góp phần hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội văn minh, hiện đại. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng văn hóa, thể thao được đầu tư. Thành phố dành nhiều nguồn lực đầu tư trang thiết bị, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới cho ngành giáo dục - đào tạo, tạo điều kiện tốt nhất cho công tác giảng dạy, học tập, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phát huy truyền thống hiếu học và tinh thần đổi mới sáng tạo trong dạy học. Thành phố đã hoàn thành xóa toàn bộ nhà học cấp 4; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở để tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia các cấp độ.
Đến nay, 100% số xã, phường trên địa bàn thành phố đều có nhà văn hóa; 100% số thôn, xóm có địa điểm sinh hoạt văn hóa. Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được quan tâm phát triển, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ngày càng phát triển cả về lượng và chất, đi vào chiều sâu. Toàn thành phố hiện có trên 90% số hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; trên 90% số thôn, xóm, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa. 100% tổ dân phố, thôn, xóm ban hành hương ước, quy ước theo đúng quy định, góp phần nâng cao vai trò tự quản của cộng đồng dân cư trong việc giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tập quán tốt đẹp, khơi dậy lối sống văn hóa lành mạnh, tinh thần đoàn kết giúp nhau cùng phát triển kinh tế. Công tác xây dựng văn hóa công vụ trong các cơ quan hành chính nhà nước được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế.
Việc vận dụng sáng tạo tư tưởng “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực văn hóa đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, nguồn lực nội sinh quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố. Kinh tế - xã hội của thành phố Nam Định những năm qua ổn định và có bước phát triển. Hạ tầng đô thị phát triển nhanh, hệ thống thương mại dịch vụ ngày càng hiện đại, đa dạng. Công tác chỉnh trang, quản lý đô thị, quy hoạch về sử dụng đất, quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật được tập trung thực hiện. Cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số được tập trung thực hiện quyết liệt, đạt những kết quả tích cực... An sinh xã hội được quan tâm; chất lượng chăm sóc sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân thành phố được cải thiện. Ý thức xây dựng nếp sống “văn minh đô thị”, “văn hóa giao thông”, “bảo đảm vệ sinh môi trường” của cán bộ, nhân dân ngày càng đi vào nề nếp.
Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn có một số khó khăn, hạn chế, đó là: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết có lúc, có nơi chưa sâu sát, triển khai còn chậm. Việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, con người thành phố Nam Định phát triển toàn diện có mặt còn hạn chế. Các thiết chế văn hóa trên địa bàn thành phố còn thiếu và chưa đồng bộ; các doanh nghiệp đầu tư dịch vụ văn hóa, thể thao và du lịch còn ít, chưa đa dạng và phong phú. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa còn gặp nhiều khó khăn.
Do đó, để phát huy vai trò của các giá trị và nguồn lực văn hóa trong công cuộc xây dựng thành phố Nam Định trở thành đô thị văn minh, hiện đại, cần tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI), tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và người dân Nam Định nói riêng.
Hai là, các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đồng bộ thực hiện có chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh, tạo môi trường lành mạnh để phát triển bền vững.
Ba là, đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa lĩnh vực văn hóa cả về cơ sở vật chất, hình thức và nội dung hoạt động. Đồng thời, nhân rộng các điển hình tiên tiến, những đơn vị xuất sắc, động viên kịp thời những nhân tố mới, quan tâm chỉ đạo những nơi phong trào còn nhiều khó khăn.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Luôn xác định việc xây dựng và phát triển văn hóa và con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục - đào tạo ở địa phương, đơn vị, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường, ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống và sản xuất.
Năm là, đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế; chú trọng xây dựng các thiết chế văn hóa từ thành phố đến có sở. Sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước và có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên những nét văn hóa truyền thống cần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, duy trì hiệu quả hoạt động các mô hình văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; nâng cao chất lượng hoạt động của nhà văn hóa ở tổ dân phố, thôn, xóm, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới./.
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Nam Định trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”  (12/09/2024)
Quy hoạch tỉnh Nam Định giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mở ra không gian mới, định hình động lực và giải pháp phát triển tỉnh  (10/09/2024)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay