Giải bài toán ô nhiễm không khí cho Hà Nội
TCCS - Trong 2 năm trở lại đây, vấn đề ô nhiễm không khí tại Hà Nội luôn được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông. Cùng với đó là những lo ngại về ảnh hưởng tới sức khỏe khi các chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở ngưỡng “xấu” có chiều hướng gia tăng. Thế nhưng, để giải được bài toán này không đơn giản.
Hệ lụy từ gia tăng phương tiện giao thông
Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, trên cơ sở dữ liệu thu được từ 10 trạm quan trắc chất lượng không khí trong năm 2017, 2018 và các số liệu tại các trạm quan trắc khác trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, nồng độ các chất ô nhiễm có trong không khí thường có xu hướng tăng cao vào các tuần cuối năm, vào những ngày có điều kiện khí tượng bất lợi; giảm vào tuần nghỉ lễ, tết và những ngày có điều kiện khí tượng thuận lợi. Kết quả quan trắc chất lượng không khí trong 3 tháng đầu năm 2019 cũng thể hiện xu hướng này. Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định, một trong những nguyên nhân chính khiến chất lượng không khí xấu đi tại 2 thời điểm trên là do điều kiện khí tượng bất lợi, cùng với đó là sự gia tăng của các phương tiện tham gia giao thông, ảnh hưởng từ các công trình xây dựng,...
Trước đó, tại Hội nghị triển khai các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổ chức ngày 8-1-2019, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, theo tài liệu khảo sát, nghiên cứu thì trong tổng lượng phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí đô thị, khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chiếm vị trí hàng đầu. Trong các loại phương tiện giao thông thì xe mô tô, xe gắn máy chiếm tỷ lệ lớn nhất đồng thời cũng là nguồn phát thải chất gây ô nhiễm lớn nhất.
Số liệu thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, hiện xe mô tô, xe gắn máy vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu trên địa bàn Hà Nội, với trên 5,25 triệu xe máy, 10.686 xe máy điện và 4.367 xe mô tô 3, 4 bánh tự chế (không được cấp đăng ký), đáp ứng gần 90% nhu cầu đi lại trong Thành phố. Đáng nói, chiếm tỷ lệ không nhỏ xe trong số này được sản xuất, sử dụng từ những năm 90 của thế kỷ trước, thậm chí có nhiều xe tuổi thọ đã trên 30 năm vẫn đang tham gia giao thông. Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia cũng đã chỉ ra, 70% - 90% ô nhiễm không khí tại đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh do các hoạt động giao thông vận tải. Trong đó, xe máy chỉ tiêu thụ 56% xăng nhưng lại thải ra 94% hyđrô cácbon (HC); 87% cácbon ôxít (CO); 57% ôxít nitơ (NOx). Những khí này khi ra môi trường sẽ tạo ra khí độc hại làm cho con người bị ngộ độc, thậm chí ngạt thở. Động cơ diesel gây ra bụi, khi hít thở vào sẽ gây độc hại cho phổi và có nguy cơ gây ra các bệnh về tim mạch. Mặt khác, nếu các phương tiện vận hành bình thường, lượng khí phát thải ra môi trường sẽ ổn định theo mức độ cho phép, nhưng khi người điều khiển phương tiện thường xuyên tăng ga hay khởi động lại máy thì lượng khí phát thải ra môi trường sẽ tăng lên.
Cần thay đổi phương pháp tiếp cận “từ dưới lên”
Được biết, để bảo đảm môi trường, cải thiện chất lượng không khí, trong 3 năm, từ 2016 - 2018, Hà Nội đã phê duyệt hơn 1.100 báo cáo đánh giá tác động môi trường, 520 đề án bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường; đã điều tra, khảo sát tình hình bảo vệ môi trường tại 300 cơ sở hoạt động tại 8 khu công nghiệp, 500 cơ sở hoạt động tại 42 cụm công nghiệp; đã xử lý triệt để 25/25 cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; di dời 67 cơ sở công nghiệp không phù hợp quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị; đã tập trung xử lý ô nhiễm môi trường nước tại 129 hồ; công tác thu gom rác, vệ sinh môi trường theo hướng cơ giới hóa; tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đạt 98% ở khu vực các quận nội thành và 87% ở khu vực ngoại thành. Tỷ lệ chất thải y tế nguy hại được thu gom và xử lý đạt 100%; đưa vào vận hành thí điểm công nghệ nghiền phế thải xây dựng;…
Hiện nay, Hà Nội đã đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc không khí tự động; 1 xe quan trắc lưu động, 6 trạm quan trắc nước mặt; xây dựng trung tâm điều hành và quản lý dữ liệu tài nguyên môi trường và nhiều phương tiện, công nghệ, thiết bị quan trắc môi trường hiện đại khác; số liệu quan trắc môi trường không khí được cập nhật liên tục 24/24h, được công bố rộng rãi trên nhiều phương tiện thông tin khác nhau… góp phần giúp người dân nắm được chất lượng không khí theo từng khu vực và cùng chung tay bảo vệ môi trường. Mặt khác, Hà Nội cũng đã hoàn thành Chương trình 1 triệu cây xanh cho Thủ đô và đang tiếp tục triển khai trồng 600 cây xanh; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông, tăng số lượng cầu vượt nhằm tránh ùn tắc, tổ chức lại vỉa hè, lát lại vỉa hè để khuyến khích người dân đi bộ, triển khai các giải pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, thay thế xăng A92 bằng xăng E95, tăng cường kiểm soát chất lượng xe tham gia giao thông, thay thế than tổ ong, cấm và hạn chế đốt rơm rạ. Đối với các hoạt động xây dựng, các công trình cũng bắt buộc phải được che chắn, giảm thiểu các ảnh hưởng tới môi trường không khí xung quanh, xe tải trọng cao, xe chuyên chở vật liệu, phế thải xây dựng phải được đóng kín thùng, rửa trước khi vào thành phố và trước khi ra khỏi công trường...
Trao đổi về vấn đề này, TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nhận định, các giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí tại Hà Nội đã có nhưng chưa triệt để nên hiệu quả chưa như mong muốn. TS Hoàng Dương Tùng cho rằng, Hà Nội cần thay đổi phương pháp tiếp cận vấn đề môi trường “từ dưới lên” chứ không phải “từ trên xuống” như hiện tại. Nghĩa là cần phải huy động sự vào cuộc của người dân vào công tác quy hoạch, xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường. Người dân không chỉ phản ánh mà phải là chủ thể tích cực nhất, tham gia đồng hành cải thiện môi trường, vì lợi ích của chính bản thân và cộng đồng. Hơn nữa, việc kiểm kê, kiểm soát phát thải cần phải chi tiết, rõ ràng hơn. “Chúng ta đã đưa ra các chỉ số AQI hàng ngày, vậy cần phải có thông tin đánh giá các nguồn cơ bản tạo nên chỉ số AQI đó, ví như bao nhiêu phần trăm do phát thải từ giao thông, bao nhiêu phần trăm từ xây dựng… Từ sự định vị đó, gắn trách nhiệm đối với các cấp quản lý nhằm đưa ra chế tài, biện pháp phù hợp để giảm thiểu và ngăn chặn”, TS. Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh./.
Thực tế cho thấy, mặc dù Hà Nội đã rất nỗ lực trong việc bảo đảm môi trường, cải thiện chất lượng không khí, thế nhưng, ở vào một số thời điểm trong năm, chỉ số AQI (thể hiện chất lượng không khí và tác động đến sức khỏe) ở mức rất cao, thậm chí báo động đỏ. Đây là mức độ không khí có chất lượng kém, người già, trẻ em và những người mắc bệnh hô hấp (nhóm nhạy cảm) cần hạn chế ra ngoài. Cùng đó, nồng độ bụi PM 2.5 (bụi có đường kính động học ≤2,5µm) có ngày vượt tiêu chuẩn quốc gia và thế giới.
- Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia: Động lực quan trọng để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới
- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại Cộng hòa Séc
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư gặp mặt các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm