Tác phẩm "Làm gì để đưa nhanh Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống" - (5 kỳ) của tác giả Hải Đường, Báo Năng lượng mới đoạt Giải B - Giải Búa liềm vàng lần thứ nhất - năm 2016.
Điều quan trọng lúc này là đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, là tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết có hiệu quả. Làm sao để khắc phục được tình trạng Nghị quyết thì đúng, thì hay, nhưng chậm đi vào cuộc sống; thậm chí có trường hợp nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít...
Bài 1: Không để Nghị quyết trên mây, trên giấy
Tại Hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng. Trong đó, đáng chú ý, Tổng Bí thư nhắc nhở: “Điều quan trọng lúc này là đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, là tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết có hiệu quả. Làm sao để khắc phục được tình trạng Nghị quyết thì đúng, thì hay, nhưng chậm đi vào cuộc sống; thậm chí có trường hợp nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít”.
Sau Đại hội XII của Đảng, đây là hội nghị đầu tiên được tổ chức với quy mô toàn quốc tham gia, số lượng lên đến gần 1.400 người. Báo cáo viên giới thiệu những vấn đề cốt lõi trong các văn kiện Đại hội là các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Đủ thấy Đảng ta hết sức quan tâm việc nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết, coi đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, có tầm quan trọng đặc biệt, nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức thống nhất về ý chí, hành động.
Sau hội nghị này, những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị sẽ trực tiếp truyền đạt cho đội ngũ cán bộ, đảng viên tới cấp cơ sở. Cách làm này không phải như có người cho rằng xem nhẹ đội ngũ báo cáo viên - những “thợ nói” chuyên nghiệp. Bí thư cấp ủy trực tiếp truyền đạt nghị quyết có ưu điểm cơ bản là bản thân đã hiểu sâu sắc các chủ trương, mục tiêu, giải pháp và nắm rất vững tình hình thực tiễn của địa phương mình, ngành mình. Đó là mối liên hệ rất biện chứng giữa lý luận và thực tiễn. Nếu như một nghị quyết đúng là do khi xây dựng đã bám sát thực tiễn, đã đưa cuộc sống vào nghị quyết thì khi triển khai, điều căn cốt nhất là làm cách nào đưa nhanh nghị quyết trở lại cuộc sống. Mỗi chủ trương, chính sách, chương trình hành động phải góp phần cải tạo hoàn cảnh, giúp cho kinh tế - xã hội phát triển, người lao động có việc làm, đời sống ngày càng khá giả.
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng là những văn kiện mang tính lý luận và tổng kết thực tiễn sâu sắc, vì nó được tập hợp từ nhiều nguồn ý kiến đóng góp của toàn Đảng, toàn dân; được thảo luận qua các đại hội từ cơ sở tới toàn quốc. Một chủ trương hay và đúng vào cuộc sống bằng cách nào? Câu hỏi tưởng như ai cũng biết, cũng dễ trả lời, nhưng trong thực tế thì không phải như vậy. Có người nói rằng, cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả sáu nhiệm vụ trung tâm Đại hội XII đã nêu; làm kiên quyết, kiên trì, tránh hình thức. Nói như vậy là quá đúng, nhưng xem ra vẫn còn chung chung. Người khác bàn, phải có sáu ông tư lệnh, mỗi ông đảm nhận một nhiệm vụ trung tâm. Nghe có vẻ cụ thể hơn, nhưng cũng là điều không tưởng. Chọn ở đâu những tư lệnh đủ tâm, tầm, tài để gánh vác công việc to lớn này?
Đảng lãnh đạo bằng chủ trương, đường lối, bằng việc nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đảng lãnh đạo thông qua bộ máy Nhà nước, các tổ chức quần chúng. Cho nên điều quan trọng nhất là cụ thể hóa nghị quyết vào hoàn cảnh, điều kiện thực tế của mỗi địa phương, đơn vị. Và điều thứ hai là chọn đúng cán bộ, đào tạo cán bộ tại chỗ, phân công đúng người thực hiện, nhất là người đứng đầu. Điều này ngay từ năm 1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác Hồ đã chỉ rõ: “Một lẽ nữa, cũng vì cách lãnh đạo và cách làm không đúng. Khi chúng ta muốn lập một làng hoặc một đội kiểu mẫu, chúng ta đem cán bộ ngoài đến, để xung phong, mà không đào tạo cán bộ ngay ở đó. Khi cán bộ xung phong phải điều động đi nơi khác, thì làng kia hoặc đội kia lại xếp. Như cái bong bóng, thổi hơi vào thì phồng lên, hơi ra hết thì xẹp xuống”.
Có một cách làm truyền thống: Xây dựng chương trình hành động. Chương trình ấy đòi hỏi nhiều công phu của cấp ủy, chính quyền các cấp. Nghị quyết đúng và hay đến mấy nếu không được cụ thể hóa thì cũng chỉ nằm trên giấy mà thôi. Cho nên người dân ở một buôn làng xa xôi trên Tây Nguyên mới bảo cán bộ rằng: Chúng mày nói hay lắm nhưng đường lối thì trên mây, nghị quyết thì trên giấy. Dân tin Đảng trên cây, nhưng Đảng dưới gốc thì chưa tin đâu.
Trên mây và trên giấy, tức là không vào được cuộc sống. Không vào được cuộc sống thì đời sống đồng bào còn khổ. Đồng bào vùng sâu Tây Nguyên ngày xưa phải chịu ba chữ Đ là “đói, đau, đẻ”. Đói mòn đói mỏi, đau ốm liên miên và đẻ như cỏ mọc, đẻ nhiều nuôi được ít. Nay nhờ đổi mới người Tây Nguyên đã đổi đời. Cây cao su, cà phê và nhiều loại cây công nghiệp khác một thời thành vàng ròng trên đất bazan. Nhưng trồng rồi chặt. Chặt rồi trồng cây khác. Thế là tái cơ cấu cây trồng một cách tự phát, thiếu quy hoạch, thiệt hại rất lớn. Vậy thì có phải “tái cơ cấu” trên mây không? Cách làm truyền thống là xây dựng chương trình hành động. Đương nhiên chúng ta vẫn tiếp tục làm. Và đương niên chúng ta nhớ lời F.Ăng-ghen, “trong truyền thống cũng có một lực lượng bảo thủ rất ghê gớm”.
Truyền thống không phải là bia đá, ngựa đá khắc ghi chiến công oanh liệt. Truyền thống là một dòng chảy không ngừng nghỉ, như nước sông ra biển lớn. Hôm nay, một tập thể xây dựng chương trình hành động theo cách riêng của mình, cách riêng trên nền đổi mới và sáng tạo. Chương trình ấy chỉ đích danh ai làm việc này, cần bao nhiêu kinh phí, nhân lực ra sao, làm đến bao giờ thì xong…? Chương trình ấy hoàn toàn dị ứng với những câu khẩu hiệu: Nâng cao, đẩy mạnh, tích cực, tăng cường!
Làm thế nào để nghị quyết vào cuộc sống? Nhiều đồng chí bí thư, chủ tịch cấp huyện, cấp tỉnh có dịp trao đổi bằng những kinh nghiệm tự đúc kết đều cho rằng: đi liền với chương trình tổng thể là phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách. Như vậy sẽ là một chương trình động. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung là việc phải làm ngay, làm hằng ngày. Người dân Tây Nguyên đang gặp hạn. Cơn khát cháy thế kỷ, do bị lấp sông, do biến đổi khí hậu, thiên tai hoành hành, nhưng bây giờ không phải là lúc ngồi bàn nguyên nhân, đổ lỗi cho ai. Phải cứu dân, làm ngay và làm nhanh. Dân được giúp bao nhiêu tiền, bao nhiêu cân gạo? Tính toán ngay. Ngoài nguồn của Chính phủ trợ giúp, các nguồn khác lấy từ đâu? Chúng ta rất cần những cán bộ ứng phó nhanh, xử lý tình huống nhanh, miệng nói, chân bước, tay làm là vì thế.
Cuối cùng cái gốc vẫn là con người. Tìm người tài - đức, như Bác Hồ căn dặn. Những anh khư khư giữ ghế như “kỳ đà cản mũi” hầu như ở đâu cũng thấy. Những anh mang thân ra để che cái tài thời nào cũng có, vậy mà thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các chi bộ chỉ ra chưa được bao nhiêu. Vậy nên, cùng với việc phải làm tốt công tác đánh giá cán bộ, sử dụng, đề bạt cán bộ phải mạnh dạn thay thế, cách chức cán bộ. Công tác bổ nhiệm lại cán bộ lâu nay vẫn làm nhưng ít có cán bộ nào không được bổ nhiệm lại. Đã có cơ chế, chính sách thì phải thực hiện thật nghiêm, không làm nghiêm thì nên bỏ cái cơ chế, chính sách đó đi, cho đỡ lãng phí và hình thức. Chừng nào còn những cán bộ cơ hội, kém tài, kém đức thì không thể sáng tạo được bất cứ điều gì trong việc triển khai và thực hiện nghị quyết.
Vẫn cần nhắc lại câu này, mang tính nguyên lý: Lãnh đạo mà không có kiểm tra thì coi như không lãnh đạo. Tại Đại hội XII, Đảng ta nhấn mạnh yêu cầu kiểm tra và giám sát. Kiểm tra nhằm mục đích xây là chính, xây tốt để chống, chống cũng là để xây. Kiểm tra thường xuyên việc lãnh đạo, thực hiện nghị quyết của đảng bộ các cấp chính là thêm một lần nhắc nhở tinh thần, ý thức, trách nhiệm, sớm bổ sung, điều chỉnh những gì đã trở nên lạc hậu, lỗi thời, thậm chí là sức ỳ cho phát triển. Kiểm tra cũng là để chống thói quan liêu, phát hiện, bồi dưỡng nhân tài, thay thế những cán bộ không còn khả năng làm việc./.
Bài 2: Nói như quả núi, làm như hòn cuội
Mới đây tại cuộc họp giao ban trực tuyến của Chính phủ với các bộ, ngành và địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã công bố con số đáng giật mình: Trong số 11 triệu người hưởng lương và các khoản mang tính chất lương có tới 2,5 triệu người là cán bộ, công chức.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương thực hiện quyết liệt việc tinh giản biên chế, để góp phần giảm chi ngân sách. Yêu cầu phải có chế tài cụ thể đối với người đứng đầu trong việc tinh giản biên chế.
Cách đây không lâu bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế cũng đã khẩn thiết đề nghị, cần có một “Khoán 10” trong thực hiện tinh giản biên chế, nên chăng bỏ hẳn biên chế đi? Còn cách bỏ thế nào thì phải tính toán, có bước đi, cách làm cho phù hợp. Bởi chúng ta không thể để tình trạng vô lý này kéo dài hết năm này qua năm khác.
Hãy làm phép so sánh đơn giản, bộ máy hành chính của Việt Nam đang lớn gấp 4 lần bộ máy hành chính của Mỹ, nếu xét về số lượng công chức cho mỗi 100 triệu dân (315 triệu dân của Mỹ có 2,1 triệu công chức). Ấy là chưa kể chất lượng công chức Mỹ, họ được đào tạo cơ bản, kỹ năng lao động hơn hẳn ta về nhiều mặt.
Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 39 về việc tinh giản biên chế bộ máy Nhà nước. Chúng ta đều thấy rõ căn bệnh nan y lâu nay, càng hô giảm thì biên chế càng phình to. Từ cuối thế kỷ XX người ta đã nói một cách khôi hài “giảm biên chế tăng ghế nhà ăn”. Bây giờ thì ông lãnh đạo nào cũng hô giảm, giảm thật mạnh biên chế, nhưng là giảm ở chỗ khác, đừng đụng đến cơ quan tôi, con cháu tôi, họ hàng tôi (!). Theo Nghị quyết Bộ Chính trị thì từ năm 2015 đến 2021 phải giảm được 10% cán bộ, công chức thuộc diện yếu kém trong bộ máy Nhà nước. Nghĩa là mỗi năm giảm chưa tới 1,5%. Tưởng ngon lành, mà không phải thế. Một báo cáo mới đây của Bộ Nội vụ trước Quốc hội, tuy thực hiện đề án tinh giản biên chế, nhưng từ nay đến hết năm 2016 về cơ bản vẫn… giữ nguyên. Bộ máy hành chính không những không gọn lại mà ngày càng phình to.
Việc này minh chứng cho một nhận xét đáng buồn của một tổ chức quốc tế, rằng ở Việt Nam, việc ban hành các luật, nghị định, các chính sách cụ thể thuộc loại hàng đầu thế giới, nhưng việc thực thi thì lại ở hàng cuối. Nói như quả núi, làm như hòn cuội là do, trong tất cả các khâu của quy trình xây dựng chính sách, yếu nhất vẫn là khâu triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát và đánh giá tác động. Cho nên có một câu chuyện dân gian mới, rằng việc gì muốn không thực hiện thì cứ đưa ra hội thảo. Ở đó người ta sẽ đề xuất vô số lý luận và cả núi khó khăn để bào chữa cho căn bệnh cá nhân chủ nghĩa.
Vì sao biên chế ngày mỗi phình ra? Vì sao chất lượng hoàn thành nhiệm vụ, làm hài lòng dân thì lại giảm đi? Liệu có bao nhiêu phần trăm trong số dôi dư kia kém tài, thất đức? Trả lời câu hỏi này một cách đơn giản nhất là do ảnh hưởng tâm lý tiểu nông phong kiến, rằng cha mẹ bằng mọi giá phải cho con cái đi học, kiếm mảnh bằng, rồi chen chân vào biên chế, cho nó... chắc ăn. May mắn ra mươi năm lên được chức này chức nọ thì hơn đứt những anh chân trắng, lại kéo được anh em họ hàng. Nhiều kỹ sư, cử nhân khó xin việc bèn đi học tiếp rồi nhận bằng thạc sĩ. Thế nên cả nước hiện có tới 225 nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Thật là lãng phí. Trong khi đó ở nhiều tỉnh miền núi, vùng cao, vùng sâu kiếm đâu ra một ông thạc sĩ.
Nhưng, nguyên nhân cơ bản, cái lỗi lớn thuộc về những cán bộ có chức, có quyền. Họ thừa biết nguy cơ khủng hoảng thừa cán bộ, nhưng vì các khoản lợi đơn, lợi kép mà họ “bán ghế”. Nhiều kỹ sư trẻ mới ra trường than phiền: Chúng tôi không được đi tìm việc, đi xin việc mà là đi mua việc. Không có tiền là chấp nhận thất nghiệp. Từ cuối năm 2012, ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, đã phát biểu tại cuộc họp HĐND thành phố việc “chạy” để trở thành công chức phải mất hàng trăm triệu đồng. Đương nhiên con số thực còn lớn hơn nhiều. Vì vậy, có nhiều bài thi công chức giống đáp án đến từng dấu chấm, dấu phẩy.
Cho nên muốn giảm biên chế phải công khai, minh bạch chủ trương tuyển dụng. Dứt khoát phải tổ chức thi tuyển để lựa chọn những người thực đức, thực tài. Bằng cấp chỉ là điều kiện cần. Chọn cán bộ phải căn cứ vào nhiệm vụ, công việc cụ thể, tuyển ai, làm việc gì, chứ không tuyển người theo cách thầy lang bốc thuốc.
Có người cho rằng, chúng ta nói lý thuyết thì đều đúng, đều trúng, nhưng rất khó cho người làm thực tiễn. Thí dụ, Nghệ An mới đây thông báo, tỉnh này hiện thừa 200 phó chủ tịch UBND ở 198 xã trong tỉnh. Trong số đó, dư thừa 25 phó chủ tịch xã thực hiện theo “Đề án 600 phó chủ tịch xã tăng cường”, được tiếp tục thực hiện đến hết tháng 6-2017. Tại Hà Nội cũng thừa hàng chục phó trưởng phòng phải đưa xuống làm chuyên viên.
Giảm ai, giảm bằng cách nào? Khó mới cần có lộ trình. Không được “làm cái rụp” đẩy cán bộ, công chức ra đường. Vì thế cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Lúc này phát triển mạnh kinh tế - xã hội chính là giải pháp căn cơ nhất, đặc biệt phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ để thu hút việc làm, để kéo cán bộ bàn giấy sang làm lao động thực thụ tại các công ty, xí nghiệp.
Giảm biên chế, giảm số người hưởng lương Nhà nước là để sử dụng hiệu quả tiền thuế do dân đóng góp, tăng nguồn đầu tư phát triển đất nước. Chuyện chỉ có thế mà gian nan, cấp bách biết chừng nào! ./.
Bài 3: Bản lĩnh trước những điều “nhạy cảm”
Thời nay sao mà lắm sự nhạy cảm!
Hễ nhà chức trách đụng vào đâu cũng bị nhắc: coi chừng, chuyện nhạy cảm. Anh nào nói năng buông tuồng thì “bắn” thẳng: “Đánh chó phải ngó chủ”. Định nghĩa nhạy cảm thật khó chính xác và đầy đủ. Vì cái điều người này coi là nhạy cảm, với người khác lại “chả có chi”. Cái năm xửa năm xưa là rất nhạy cảm, nhưng năm nay lại là chuyện thường. Thường như “thông điếu phải có lông gà” vậy.
Những ai thường đối mặt với chuyện nhạy cảm? Công an, thuế vụ, kiểm lâm, hải quan, nhà báo… nghĩa là những người làm các công việc liên quan đến điều tra, để tìm chứng lý phục vụ cho xử lý công việc, xét xử, định hướng dư luận. Nhưng khối việc, khối chuyện chẳng hề liên quan đến điều tra lại cũng rất nhạy cảm.
Thí dụ như chuyện góp ý, phê bình, xem xét kỷ luật. Cẩn thận đấy, “nó lú nhưng chú nó khôn”. Anh phê bình cậu A, đúng quá, nhưng bố cậu ấy lại là quan chức cỡ bự, dưới một người trên muôn người, cho nên liệu đường mà uốn lưỡi. Chị định bác bỏ cái dự án “khủng” đầu tư tiền tấn của tổng công ty do cô B làm tổng giám đốc ư? Bác bỏ là hoàn toàn đúng, vì rước toàn công nghệ, máy móc lạc hậu, nhưng nên nhớ, bác ruột B là người “nói có kẻ nghe, đe có kẻ sợ”. Và cái dự án này còn được “Cụ” N bảo kê. Nghe thế chị chỉ còn nước nuốt cục tức vào bụng và… dè chừng.
Mấy năm qua có hàng chục dự án xin xây dựng tượng Bác Hồ và quảng trường lớn, phải đầu tư hàng trăm, cho đến nghìn tỉ đồng. Địa phương nào cũng nêu rất nhiều lý do vì sao lại đề nghị xây tượng Bác. Nhiều vị lãnh đạo từ cấp chuyên viên thẩm định đến ông cục, ông bộ đều ngần ngại. Không muốn cho xây dựng tràn lan như thế, nhưng ngại nói ra, chuyện “quá nhạy cảm” mà! Đến khi có chủ trương từ cấp cao nhất, chưa đồng ý cho xây dựng, bởi tỉnh còn nghèo, trước mắt nên ưu tiên xây dựng các công trình phục vụ an sinh xã hội, thì bấy giờ ai cũng thấy thật thỏa đáng. Vậy đâu phải là vấn đề quá nhạy cảm. Vấn đề ở tư duy con người thôi. Các vị muốn né tránh nên mới đổ riệt cho là, việc ấy việc nọ liên quan đến những chuyện tày trời. Né tránh chính là đầu hàng, chứ không phải như có người nói “cẩn tắc vô ưu”.
Lại có bao chuyện khó xử nữa, vì nó liên quan đến chuyện đất đai, dân tộc, tôn giáo, nhân quyền… Cấp dưới họp lên họp xuống không dám quyết định, lại đẩy quả bóng lên cấp trên. Cấp trên hỏi lại, đã hỏi ý kiến dân chưa? Trả lời, chưa, vì chuyện này nhạy cảm, đưa ra lấy ý kiến rộng rãi dễ làm rối tình hình. Thế là không huy động được nguồn trí tuệ của nhân dân, bỏ lỡ nhiều thông tin quý từ tai mắt nhân dân. Không phải cái gì không muốn làm, sợ đụng chạm, ảnh hưởng đến lợi ích cục bộ, đến cá nhân người lãnh đạo là lại đóng khung vào hai chữ “nhạy cảm”, để tìm kế hoãn binh.
Trong khi đó có quá nhiều chuyện thật sự nhạy cảm, nhưng người ta lại không thấy hoặc vờ như không thấy. Như chuyện người anh họ ở tỉnh Sơn La vì nghèo quá đã phải đèo cô em xấu số vừa mất về quê bằng xe máy. Không ít bài báo, không ít tấm ảnh trên báo và trên mạng xã hội cứ khoan sâu mãi vào nỗi đau thương buốt nhói tâm can! Rồi chuyện một bé gái 13 tuổi bị lão hàng xóm giở trò đồi bại đến mức bé có con, cũng rất nhiều bài báo kể lại câu chuyện một cách rất vô lương, lại còn đăng ảnh cô bé ngây thơ, người mẹ tội nghiệp. Chuyện lấy vợ, lấy chồng cận huyết thống; chuyện bố mẹ nhẫn tâm giết con; chuyện sếp quấy rối tình dục nữ nhân viên bằng những trò thô bỉ… cũng được phơi bày trên mặt báo. Rất tiếc, sự việc được viết một cách trần trụi, với lời lẽ khi lạnh lùng, nhẫn tâm, lúc buông tuồng, rơm rác, mà không hề có sự phân tích một cách khách quan, khoa học, một lời phê phán, cảnh tỉnh.
Thời công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, cùng với những thông tin chính xác được cung cấp từ nguồn tin chính thống là khá nhiều những thông tin bịa đặt với tâm địa, dụng ý khác nhau. Mạng xã hội cùng với những mặt tích cực cũng làm nảy sinh tệ a dua, chém gió, buôn dưa lê và thói vô cảm. Cho nên thái độ tích cực nhất của người tiếp nhận thông tin là bình tĩnh sàng lọc, nhìn sâu vào sự phát triển của sự vật để thấy cái bình thường trong cái bất thường và ngược lại, để có thái độ tích cực, cách xử lý tích cực, luôn ở thế chủ động tiến công. Nói nôm na rằng, trước rất nhiều tin đồn, anh phải là người có bản lĩnh. Đừng bao giờ để tin đồn cầm tay anh kéo đi. Khi người ta tiếp cận được sự thật thì sự thật bao giờ cũng vô cùng đơn giản.
Trở lại với câu chuyện thực hiện chức trách, nhiệm vụ của nhà quản lý và những người làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Xin chớ bao giờ đầu hàng những gì nhân danh nhạy cảm. Như câu chuyện nêu ở phần đầu bài viết, về cái dự án “khủng”, khi sự việc vỡ lở, kẻ phạm tội vào tù mọi người mới rõ, chẳng hề có “Cụ” nào bảo kê cả.
Không chỉ nghề công an, nghề báo mới cần trái tim nóng và cái đầu lạnh. Sự dũng cảm bao giờ cũng đi liền với trí tuệ, lương tâm và bản lĩnh. Khéo léo trong phương pháp đấu tranh khác với sự trì trệ, hèn nhát. Thẳng thắn, dũng cảm phê bình, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực khác với sự làm liều, làm ẩu, thiếu cẩn trọng, tùy tiện. Tuyệt nhiên không có sự nhạy cảm nào ngăn cản thái độ nghiêm túc, trách nhiệm trong công việc, dũng khí của người cán bộ.
Thái độ, tinh thần phụ trách của người lãnh đạo, đặc biệt người đứng đầu là: dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Như thế chẳng còn lo “gà mổ mối, mối đục chân vua, vua ăn thịt gà”. Vì suy cho cùng, còn khoanh ra những vùng cấm, vùng tránh cho nên mới có nhiều nỗi sợ treo lơ lửng trên đầu như thế./.
Bài 4: “Chạy”… không lên chức
Lâu nay người ta thường nói tới nạn chạy chức, chạy quyền. Ai cũng hiểu nững vị chạy để được lên chức, được luân chuyển, giống như máy bay vào đường băng để chuẩn bị cất cánh. Chao ôi, đường “chạy” thật lắm công phu. Trước hết phải “chạy” đi học lớp lý luận cao cấp, rồi nếu bằng cấp chưa có thì chạy đi học tại chức nhì nhằng, theo kiểu đánh trống ghi tên. Kế đến là “chạy” vào quy hoạch. Vào quy hoạch rồi mới đến các vòng khác theo… quy trình.
Cái khổ của người “chạy” chức thì ai cũng rõ. Nhưng rõ nhất là anh ta lúc nào cũng phải “đi nhanh, nói chậm, hay cười/ chuyện đâu bỏ đó là người phiếu cao”. Lúc nào cũng phải lo “thăm nom”, “chăm sóc” cấp trên và… đại gia đình cấp trên.
Thôi thì, sinh nhật, giỗ chạp, tân gia, đầy tháng, vợ sếp đi Tây… Anh cơ hội đang ngắm cái ghế kia ghi đầy đủ các ngày quan trọng của sếp trong sổ.
Đó là chạy lên. Còn chạy ở lại thì có khác. Tức là nó đột xuất quá. Không có thời gian để “thăm nom” ai cả. Đùng một cái sếp đánh tiếng sắp tới sẽ đưa cậu lên chức nọ, ghế kia. Nghe mà choáng luôn. Có anh đang làm lãnh đạo ở một huyện, quyền sinh quyền sát, mỏ than, mỏ đất hiếm đang thời kỳ khai thác, ngày nào cũng có nguồn thu. Bỗng dưng lãnh đạo tỉnh báo động sắp tới sẽ đưa về một phòng trên huyện. Choáng! Và rồi tức thì hôm sau anh ta tìm đến nhà một vị lãnh đạo, gọi là có chút quà mừng anh vừa tái cử thường vụ: “Anh ơi, em còn vài năm nữa, thủ trưởng thương em…”.
Ở một tỉnh đồng bằng sông Hồng, mới rồi kiện toàn HĐND nhiệm kỳ 2016-2020, cần tìm một ông phó chủ tịch HĐND. Thường vụ bàn mấy buổi không xong. Nhắm ông bí thư huyện ủy huyện A, ông này giãy nảy, tôi chỉ còn ba năm nữa, tôi muốn nghỉ hưu ở chức vụ này, ở quê hương của tôi, xin nhường chức này còn mấy anh trẻ. Lại nhắm sang ông Giám đốc Sở Nội vụ. Ông này cũng lý do còn mấy đề án chưa hoàn thành. Ông đề xuất mấy anh giám đốc khác, tuổi trẻ hơn, nên đưa lên, rồi còn… phát triển.
Đương nhiên, lý do như vậy không dễ được chấp thuận. Cả ông bí thư huyện ủy, ông giám đốc sở phải xách cặp chạy khắp nơi. Chạy đi ăn trưa. Chạy đi đánh golf. Chạy đi… cùng học nghị quyết với cấp trên. Chạy lên nhà con trai sếp ở Hà Nội vào ngày nghỉ. Cuối cùng thì hai vị này “thoát”, không phải lên chức phó hội đồng. Thành ra, ở tỉnh này cứ loang ra câu chuyện “rung chà cá nhảy”. Và cái suất phó hội đồng ấy cuối cùng rơi vào tay một anh giám đốc sở khác còn khá trẻ. Anh này ngồi vào đây là ngồi vào bệ phóng. Có người bảo âu cũng là cái “số” con người ta. Người khác mỉm cười ý nhị.
Trước đại hội đảng bộ tỉnh vừa qua, ở một tỉnh phía nam, có bà giám đốc sở cũng được chuẩn bị vào thường vụ để làm công tác dân vận. Bà này sau khi trân trọng cảm ơn đã gặp lãnh đạo tỉnh để… xin cứ để em làm “chấp hành”, vào thường vụ e quá sức. Rồi sau đó, bà giám đốc sở vẫn cứ bị điều chuyển. Quân tử nhất ngôn, bà giám đốc đệ đơn xin… nghỉ hưu sớm.
Dẫn chứng chuyện này còn nhiều. Chung quy là, những vị không muốn lên chức thường là cái chức đó “hữu danh vô thực”. Hội nghị nào cũng nói, phải đưa những cán bộ có năng lực sang làm công tác mặt trận, dân vận, hội đồng chuyên trách thế nhưng điều đó vẫn dừng lại ở chủ trương. Còn đối với cán bộ làm công tác Đảng thì phần lớn vẫn thích làm công tác tổ chức, thứ đến là kiểm tra, văn phòng. Được giao làm tuyên giáo, dân vận, thì coi như… lên mà xuống đấy. Vì vậy, dân văn phòng thường truyền tai nhau: “Oai như tổ chức, bực như kiểm tra, nhạt nhòa như dân vận…”.
Cách đây 25 năm, một nhà báo viết bài “Em lạy anh” đăng Báo Nhân Dân. Chuyện rằng, có một bà tỉnh ủy viên, phó chủ tịch UBND tỉnh dự kiến đưa vào thường vụ để làm trưởng ban tuyên giáo. Nghe vậy, bà tức tốc sang gặp bí thư tỉnh ủy: “Em lạy anh. Anh còn coi em là cô em gái thì cứ để em bên ủy ban”. “Em lạy anh” đã trở thành câu chuyện điển hình chỉ những người không muốn làm công tác đảng, đoàn thể. Đã một phần tư thế kỷ rồi mà tình hình vẫn giống như thế. Khuyết điểm của công tác tổ chức cán bộ, hay của công tác tư tưởng đây? Không thể nói chung chung “khuyết điểm của chúng ta là chưa sắp xếp, bố trí đúng cán bộ”.
Ai có hiến kế gì về chuyện này? Một vị giáo sư ở Trường Đảng nói như sách: Phải thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ. Phải có chế độ “dưỡng liêm” cho những đồng chí làm công tác kiểm tra, dân vận, đừng để anh em khó khăn về đời sống, đi đứng vẹo vọ quá.
Một đồng chí ở tỉnh ủy H bảo rằng, cứ phải luân chuyển các vị trí thường xuyên: vào kiểm tra, ra tổ chức, lại vào dân vận, ra mặt trận. Xem chừng cái chiến thuật “xóc như xóc ốc” này cũng không ổn. Thế thì làm sao có cán bộ trẻ? Ở đây dường như đang có sự nhầm lẫn giữa cán bộ lãnh đạo với cán bộ làm chuyên môn, nghiệp vụ.
Chừng nào chưa có giải pháp tốt, chưa có chính sách cán bộ đúng thì chuyện “chạy” vẫn tồn tại dai dẳng. “Chạy” để không lên chức tuy không phổ biến bằng “chạy” lên, nhưng cũng là một dấu hiệu không bình thường và cũng kéo dài nhiều năm. Có điều gần đây thì nó bộc lộ rõ ràng hơn. Vậy, việc đánh giá rằng, chúng ta đã làm tốt công tác quy hoạch, có đúng không? Hay vẫn chỉ là bệnh thành tích? Quy hoạch tốt tại sao đốt đuốc tìm một ông phó chủ tịch HĐND không nổi?
Câu hỏi ấy dành cho các nhà tổ chức và các cấp ủy đảng, nhất là người đứng đầu./.
Bài 5: Lỗi không phải tại quy trình
Bây giờ đến đâu cũng thấy nhắc đến “quy trình”. Trường hợp cậu A được bổ nhiệm cục trưởng là đúng quy trình đấy chứ! Còn cô B lên chức tổng thư ký cũng đúng luôn, chỉ có điều do không giải thích kỹ, nên nảy sinh thắc mắc. Đồng chí H, 28 tuổi, được bổ nhiệm phó tổng giám đốc, là vì lãnh đạo công ty đích danh làm công văn xin cán bộ. Sao lại bảo không đúng quy trình?
“Đúng quy trình”, những kết luận nhanh như điện và nhạt nhẽo. Nhạt nhẽo ở chỗ, nó đã được hợp thức hóa bởi vô số “quy định” và “trình tự”. Nào là lấy phiếu thăm dò tín nhiệm. Nào là cán bộ ấy thuộc diện quy hoạch. Nào là cấp ủy đã bỏ phiếu giới thiệu với tỷ lệ quá bán... Nhưng có một thứ nhạt nhất không ai muốn nói ra là: Tại sao cậu ấy được làm quy trình nhanh đến thế? Nếu không phải là con trai bộ trưởng, bí thư tỉnh ủy thì liệu người ta có đưa ra bỏ phiếu lẹ đến thế không?
Rồi nữa, đơn vị cậu ấy đang làm ăn thua lỗ, nội bộ mất đoàn kết, bị cho thôi chức tổng giám đốc, tại sao lại được “đá” lên làm cục trưởng một cục nắm cái bị tiền ngân sách khổng lồ? Tóm lại, vải thưa không che được mắt thánh, vì cái anh cán bộ được “ngồi tót sỗ sàng” vào ghế kia thật sự là một anh kém đức, bất tài, dù đã được bao bọc rất kỹ bởi “quy trình”.
Thế là, từ chỗ quy trình sinh ra để giúp cấp ủy, lãnh đạo đơn vị chọn đúng cán bộ giỏi, nhiều khi đã trở thành cái bình phong che đậy ý đồ cá nhân. Khách quan như quy trình, nhưng mặt khác cũng dễ bị nhân danh, bị người ta lợi dụng để làm những điều mờ ám. Có người than thở, chao ôi, quy trình bây giờ nhiều khi trở thành lá bùa của thầy cãi. Nào anh chỉ cho tôi xem đi, sai quy trình ở chỗ nào? Trong mỗi trường hợp cất nhắc, đề bạt cán bộ một cách không bình thường, có biết bao điều “ngẫu nhiên”, có bao bàn tay sắp đặt cho một cái ghế. Biết mà rất khó chỉ mặt đặt tên cái sai ấy ở điều nào, khoản nào?
Đấy là nói chuyện quy trình đề bạt cán bộ. Trong cuộc sống còn biết bao thứ “đúng quy trình” khác. Một sự đúng quy trình đến mức hành dân, vô cảm. Làm “sổ đỏ” nhà đất, xin cấp phép đầu tư, làm thủ tục nhập viện và điều trị, thi tuyển công chức, xin học cho con... Những việc mới nghe đã thấy toát mồ hôi hột. Lâu nay ta vẫn nói cải cách thủ tục hành chính, thực hiện “một cửa, một dấu”. Thế nhưng, một cửa mà còn quá nhiều khóa.
Đầu năm 2016, một người dân ở quận Đống Đa, Hà Nội, thấy lãnh đạo thành phố liên tục yêu cầu các cơ sở đẩy nhanh việc hoàn thành cấp “sổ đỏ”, nên cứ yên chí... chờ. Thế rồi hàng xóm lần lượt được gọi lấy “sổ đỏ”, còn mình thì không thấy ai mời, bà lật đật ra phường hỏi, anh cán bộ địa chính lập lờ: muốn có sổ đỏ nhanh thì phải năng đến phường… Mãi về sau bà mới biết, vì không chịu mất phí “bôi trơn” mà cuốn “sổ đỏ” đã đi lòng vòng từ quận về phường, rồi lại ngược lên quận. Người dân gọi cái “quy trình” ấy bằng cái tên... “lắt léo”.
Liệu còn bao nhiêu những quy trình vô cùng đơn giản biến thành phức tạp, không đáng tốn thời gian lại bị kéo rất dài? Tất cả là do sự sách nhiễu của người làm công vụ. Không sách nhiễu, không vòi vĩnh thì không kiếm được tiền lót tay. Qua cửa đòi phong bì. Đóng dấu đòi phong bì. Nhận kết quả đòi phong bì. Đương nhiên, muốn nhanh cũng... phong bì. Thế nên câu ca buồn “thật thà ăn cháo, láo nháo ăn cơm, lôm côm ăn thịt” từ thời bao cấp, nay vẫn tồn tại dai dẳng.
Quy trình cũng như cơ chế vốn không có lỗi. Có quy trình là để hướng tới sự chuyên nghiệp hóa trong bộ máy nhà nước, để thực hiện một cách bài bản, khoa học, tạo sự dân chủ, khách quan, công bằng cho mọi người. Bởi vậy, làm đúng quy trình là chuyện rất nên. Chỉ có điều đáng buồn là đang có quá nhiều cái “đúng quy trình”, nhưng là xét về mặt hình thức, là ngụy biện, khiến cho người dân mất niềm tin vào Đảng, vào bộ máy công quyền; khiến cho người dân loay hoay trong vòng xoáy, chả biết bấu víu vào đâu. Cái mất ấy là mất lớn nhất./.
Bài cuối: Trông người lại ngẫm đến ta
Lâu nay đã nói quá nhiều về việc dùng xe công. Nói mãi tưởng thành nhàm. Vì tệ sử dụng lãng phí xe công hầu như càng phê phán lại càng tăng. Xe biển xanh gây tai nạn rồi bỏ chạy. Xe tư nhân tùy tiện gắn biển xe công. Xe của sếp thành xe của vợ sếp, nai lưng phục vụ cả nhà, cả họ. Một sếp giữ riêng cho mình tới 3 xe, từ 4 chỗ tới 7 chỗ...
Bên Ta thì vậy, bên Tây thì sao?
Ở nước ngoài, chuyện Tổng thống, Thủ tướng tự lái xe riêng là bình thường. Không chỉ đi ôtô mà còn đi xe máy. Rồi nguyên thủ quốc gia đi máy bay vé hạng thường cũng là chuyện chẳng hiếm.
Còn nhớ câu chuyện cựu Tổng thống Indonesia Joko Widodo tới dự lễ tốt nghiệp trung học của con trai tại Singapore bằng máy bay thương mại, không phải chuyên cơ Tổng thống. Ông đã cùng phu nhân đi máy bay thương mại , ngồi hạng ghế thường, xếp hàng như mọi hành khách khác.
Mới đây là câu chuyện xôn xao dư luận thế giới, bà Aida Hadzialic, nữ Bộ trưởng 29 tuổi, trẻ nhất Thụy Điển từ chức chỉ vì lái xe sau khi uống rượu vang với lượng rượu vượt mức cho phép. Bà tự nhận đã uống hai ly rượu trước khi bị cảnh sát dừng xe kiểm tra trên cây cầu nối Đan Mạch và Thụy Điển.
Gần Việt Nam hơn, cuối tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã bị cảnh sát giao thông phạt vì không đội mũ bảo hiểm khi lái xe máy.
Trung úy cảnh sát giao thông Sun Nem ở huyện Sre Ambel, tỉnh Koh Kong cho biết, ông Hun Sen đã vi phạm điều 6 luật Giao thông và bị phạt 3,75 USD. Về phần mình, ông Hun Sen nói: “Tôi đánh giá cao cảnh sát huyện Sre Ampel ở tỉnh Koh Kong vì đã thực thi pháp luật mà không phân biệt đối xử cũng như không e ngại những người có quyền lực, kể cả Thủ tướng”.
Và còn nhiều câu chuyện tương tự
Đây không chỉ là câu chuyện quan chức nước ngoài chấp hành nghiêm pháp luật về giao thông. Có lẽ lớn hơn, sâu xa hơn là đạo đức công vụ, là ý thức công dân của họ. Bất kể anh giữ chức vụ gì trong bộ máy nhà nước, trừ những khi thực thi công vụ, ngoài giờ, đều phải sống cuộc sống bình thường như mọi người dân, gương mẫu chấp hành pháp luật. Cựu Tổng thống Indonesia không dùng chuyên cơ vì ông bảo ông đi vì chuyện gia đình, chuyện riêng. Nữ Bộ trưởng Thụy Điển, một nước giàu có hàng đầu thế giới sẵn sàng từ chức chỉ vì uống hai li rượu vang. Nghe thật khó tin. Có người sẽ hỏi: Sao lại máy móc, cứng nhắc thế? Nhưng ở một đất nước trình độ phát triển cao thì điều đó là có lý. Ở ta thật hiếm có vị Bộ trưởng nào tự lái xe. Và nếu có tự lái, khi cảnh sát giao thông “sờ” tới thì chỉ cần xưng danh là xe đã có thể nhấn ga vút đi mất tăm mất tích.
Tuy nhiên, ở ta cũng đã có những tấm gương sáng. Bác Hồ đi chiếc xe cũ Pôvêda của Liên Xô suốt bao năm. Khi về thăm quê ở Nghệ An năm 1957, tỉnh bố trí một chiếc xe sang trọng, kết hoa rực rỡ. Bác bất ngờ tiến đến chiếc xe U-oát của bộ phận bảo vệ. Người ngồi lên phía trước xe và bảo cảnh vệ tháo tấm bạt che bên trên để có thể vẫy chào đồng bào đang đón ở hai bên đường. Bác Tôn Đức Thắng khi đã là Phó Chủ tịch nước, phu nhân của Bác khi đi khám bệnh vẫn vẫy xe xích-lô để đi. Mấy năm trước Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng yêu cầu, tất cả cán bộ trong Bộ đi công tác trong nước hạng vé phổ thông để tiết kiệm cho ngân sách. Bộ trưởng cũng đi “vé thường”. Rồi một vị Phó Chủ nhiệm một Ủy ban của Quốc hội ngày ngày đi xe ôm. Rất tiếc, không ai học theo ông cả. Ông thành lẻ loi, thậm chí có kẻ bảo ông lập dị, “đánh bóng” tên tuổi.
Thế là khi có chức quyền, người ta đua nhau sắm xe mới. Xe của người tiền nhiệm vừa mới sử dụng được một năm cũng bị chuyển cho văn phòng. Rồi thì tiêu chuẩn được đi xe “chấm tám”, cũng cố sắm xe “hai chấm”, “ba chấm”. Rồi yêu cầu văn phòng đổi xe sơn màu đồng, màu xanh sang màu đen. Nên chẳng lạ khi mấy ông quan chức cấp quận, cấp tỉnh bị báo chí vạch chuyện đi xe quá tiêu chuẩn, lại còn lên báo thanh minh thanh nga.
Khôi hài hơn, có anh cán bộ nọ chức tước tầm tầm cũng mua đâu được cái đèn nhựa lắp trên nóc xe, đèn xoay nhoáng nhoàng, hú còi ưu tiên inh ỏi, khiến máy bác dân quê được phen mừng hụt vì làng mình có ông quan lớn (!).
Đến đây thì đã rõ, không còn là “chuyện giao thông” nữa, mà là đạo đức, phẩm giá con người.
Cái tư duy một thời làm quan hưởng lợi, làm quan để đè đầu cưỡi cổ thiên hạ, không ai dám động đến ta, đã ngấm quá sâu vào xương tủy không ít vị có chức có quyền. Ngấm quá sâu và nó dần hủy hoại con người anh ta, chị ta. Vậy nên họ mới cho mình cái quyền đứng trên luật pháp.
Cái áo không làm nên thầy tu. Nhưng vì sao vẫn còn quá nhiều người thích khoác lên mình chiếc áo quá rộng, quá lòe loẹt mà chẳng khi nào bình tĩnh tự hỏi: mình có còn xứng đáng? ./.
Việt Nam có tỷ lệ ức chế virus HIV thuộc hàng cao nhất thế giới  (20/08/2019)
Chương trình giao lưu điển hình toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh  (20/08/2019)
Tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng của Công an nhân dân Việt Nam  (19/08/2019)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
- Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương
- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh
- Quản trị di sản bền vững để góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh
- Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng Thư ký Đảng Hành động Nhân dân, Thủ tướng Singapore
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay