Tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân - nguồn sức mạnh nội lực của Đảng
TCCSĐT - Lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh rằng, không phải ngẫu nhiên Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền và cách mạng Việt Nam từng bước giành được những thắng lợi quan trọng, thống nhất Tổ quốc, xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đó chính là vì Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân, luôn củng cố và tăng cường mối liên hệ gắn bó mật thiết với nhân dân.
1. Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, tiên liệu về sự vận động của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc phải tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Từ tác phẩm Đường Cách mệnh (năm 1927), Sửa đổi lối làm việc (năm 1947), Bài nói chuyện trong buổi lễ bế mạc Hội nghị cán bộ của Đảng lần thứ sáu (tháng 01-1949), Đạo đức cách mạng (năm 1958), Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (tháng 02-1969),… cho đến Di chúc (1965 - 1969), xuyên suốt và nhất quán trong tư tưởng của Người là phải thường xuyên củng cố và tăng cường mối liên hệ này, nhằm nhân lên nguồn sức mạnh nội sinh của Đảng.
Ngay khi vận động thành lập Đảng, viết tác phẩm Đường Cách mệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Cách mạng Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mạng thành công thì phải lấy dân chúng công nông làm gốc”(1). Trên tinh thần đó và phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời - đó là kết quả của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lê-nin, phong trào công nhân và phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân ta. 15 năm sau đó, nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc “xét về mặt lịch sử, giai cấp nào lãnh đạo được quần chúng nhân dân thì giai cấp đó sẽ chiến thắng” và “cần những Đảng có liên hệ thực tế thường xuyên với quần chúng và biết lãnh đạo những quần chúng đó”(2), với đường lối chiến lược đúng đắn, sách lược mềm dẻo, Đảng ta đã tập hợp quần chúng, tổ chức quần chúng, lãnh đạo họ đấu tranh cách mạng và giành được thắng lợi trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, bắt đầu một thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc, thời kỳ xây dựng một Nhà nước Việt Nam mới, một thời kỳ nhân dân Việt Nam là chủ nhân của một nước Việt Nam độc lập. Kế thừa và phát huy truyền thống, thấu triệt sâu sắc triết lý, “nước lấy dân làm gốc”, “chở thuyền cũng là dân và lật thuyền cũng là dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân vì dân là chủ”(3). Đồng thời khẳng định: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân... Trong xã hội, không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân” (4), vì “gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.
Không chỉ khẳng định vai trò của nhân dân trong cách mạng, quyền lợi của người làm chủ nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đồng thời nêu rõ, dân chủ không có nghĩa là nhân dân được ban phát những quyền lợi đó và mặc nhiên thụ hưởng; trái lại, chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ, nhưng mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi và thực thi nghĩa vụ của mình. Theo đó, với vai trò cầm quyền, một mặt, Đảng và Chính phủ có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ chế độ xã hội mới; tạo điều kiện, tổ chức thực hiện để nhân dân nâng cao trình độ kiến thức, trình độ chính trị, năng lực làm chủ, tham gia quản lý nhà nước; không để người dân đói, rét,... Mặt khác, phải xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ, đảng viên “đều sẵn lòng cầu tiến bộ, sẵn chí phụng sự nhân dân”, để nhân dân tin yêu, gắn bó. Thực tế, Đảng lãnh đạo nhân dân thông qua Nhà nước và đội ngũ cán bộ, đảng viên “là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành”, nên muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ, đảng viên tốt hay kém.
Là người lãnh đạo, nhưng toàn bộ sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; từ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Vì vậy, để phát huy được sức mạnh của mình với vai trò là Đảng lãnh đạo toàn xã hội thì Đảng phải thực hiện tốt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, và quan hệ đó phải được đặt trong mối quan hệ hai chiều. Đó là, Đảng có trách nhiệm trước nhân dân, phục vụ nhân dân và nhân dân có trách nhiệm đối với sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Chỉ khi nào mối quan hệ đó được phát huy từ cả hai phía Đảng và nhân dân thì sức mạnh của Đảng mới được phát huy dựa trên nền tảng nhân dân. Điều này cho thấy, do nhu cầu của nhân dân trong sự nghiệp giải phóng và xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, nhân dân rất cần Đảng dẫn đường - chịu sự lãnh đạo của Đảng. Nhưng khi Đảng đã quan liêu, xa dân, “tự đánh mất bản thân mình” thì mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng và nhân dân tan vỡ; sức mạnh và vai trò lãnh đạo của Đảng vì thế cũng không còn. Trong bao năm qua, để xứng đáng vừa là người lãnh đạo sáng suốt, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân, Đảng ta luôn đặc biệt chăm lo củng cố mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân và mối liên hệ này đã góp phần củng cố và tăng cường sức mạnh của Đảng về mọi mặt, làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh.
Không chỉ quan tâm đến mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm đến vai trò lãnh đạo của Đảng với Mặt trận và các đoàn thể của nhân dân. Lãnh đạo nhưng không phải là áp đặt, Đảng phải tự tỏ ra xứng đáng với vai trò của mình: “Đảng không thể đòi hỏi mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình... Chỉ trong đấu tranh và công tác hàng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”(5). Sự ra đời, hoạt động và những đóng góp của Mặt trận Việt Minh (năm 1941), Mặt trận Liên Việt (năm 1951), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (năm 1955), Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (năm 1960) vào thắng lợi chung của sự nghiệp cách mạng Việt Nam là những minh chứng hùng hồn cho một quan điểm nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc nhận thức và phát huy vai trò của nhân dân trong tiến trình đấu tranh cách mạng.
2. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng của người công bộc, trong đó, quyền lực đối với Người chỉ là sự ủy thác của nhân dân và Người đón nhận nó “như một người lính vâng lệnh quốc dân ra mặt trận”. Với tầm nhìn xa, Người đã không chỉ quan tâm đến việc củng cố, tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, mà còn sớm chỉ ra nguy cơ một bộ phận cán bộ, đảng viên “tự đánh mất mình”, rời xa quần chúng; “những người trong lúc tranh đấu thì hăng hái, trung thành... Song đến khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác mà biến thành người có tội với cách mạng”(6). Theo Người, bản chất của Đảng cách mạng chân chính khác với các đảng phái khác chính là ở chỗ “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng phải luôn giữ tư cách của người cách mạng, tận trung với nước, tận hiếu với dân và thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng “như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.
Vì vậy, nếu cán bộ, đảng viên quan liêu, tham nhũng, vô kỷ luật, coi thường phép nước, tự cắt đứt mối liên hệ với quần chúng, sa vào chủ nghĩa cá nhân,… thì họ không còn là “công bộc” mà trở thành “những ông quan phụ mẫu”. Những người như họ đã làm mất niềm tin của nhân dân, làm cho nhân dân xa Đảng, làm mất uy tín, danh dự của Đảng, đe dọa sự sinh tồn của Đảng và chế độ. Thấu hiểu bài học xương máu của các đảng cầm quyền là nguy cơ tự đánh mất mình, mất quần chúng, nhất là khi chiến tranh kết thúc, đường lối của Đảng sẽ quan liêu nếu xa thực tế, không phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Vì vậy, trước khi đi xa, Người dặn lại trong Di chúc: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân…”.
85 năm qua, nhất là ở vào những thời khắc quan trọng của lịch sử, bài học kinh nghiệm về việc thường xuyên, xuyên suốt, nhất quán phải gắn bó mật thiết với nhân dân của Đảng Cộng sản Việt Nam theo những chỉ dẫn của V. Lê-nin và Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một trong những nguy hiểm lớn nhất và đáng sợ nhất” đối với Đảng là “tự cắt đứt mối liên hệ với quần chúng”(7), “sống trong lòng quần chúng. Biết tâm trạng của quần chúng. Biết tất cả. Hiểu quần chúng. Biết đến với quần chúng, giành được lòng tin tuyệt đối của quần chúng”(8), “dễ mươi lần không dân cũng chịu/Khó trăm lần dân liệu cũng xong”(9) vẫn luôn được Đảng ta thấu triệt và thực hiện. Theo đó, trong cuộc đấu tranh vì độc lập tự do, vì hòa bình, thống nhất đất nước, “Đảng ta có đường lối chính trị đúng đắn được nhân dân ủng hộ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên làm tiên phong chiến đấu, gắn bó chặt chẽ với nhân dân đã trở thành nguồn sức mạnh và truyền thống vô cùng quý báu của cách mạng Việt Nam”. Điều này đã được khẳng định trong các Văn kiện của Đảng qua các kỳ Đại hội Đảng. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội, “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”(10).
Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế đòi hỏi Đảng phải nâng cao năng lực và sức chiến đấu của từng cán bộ, đảng viên và các tổ chức đảng ở cơ sở; phải luôn gắn bó mật thiết với nhân dân để tạo điều kiện phát huy vai trò làm chủ của nhân dân. Để mối liên hệ mật thiết này luôn được củng cố và tăng cường, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, đấu tranh với nạn quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi,… trong các cơ quan Đảng và Nhà nước. Sự cảnh báo nghiêm khắc và những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự và cần phải được tiếp tục quán triệt và nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác xây dựng Đảng, Đảng ta cũng nghiêm túc chỉ ra những nguy cơ làm giảm đi nguồn sức mạnh nội lực của Đảng, làm tan vỡ mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân. Đó là khi cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân; khi việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở một số nơi chưa đến nơi đến chốn; kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, nói không đi đôi với làm, hoặc làm chiếu lệ;…
Trước thực trạng đó, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”; chỉ rõ nguyên nhân và đề ra các nhóm giải pháp thực hiện. Trong đó, Nghị quyết cũng đồng thời yêu cầu “mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý kiểm điểm, liên hệ theo chức trách, nhiệm vụ được giao, tự phê bình và phê bình thẳng thắn, dân chủ, nghiêm túc, chân thành, gắn với thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm, theo cương vị công tác…”. Tiếp đó, Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI “Về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đối với công tác xây dựng Đảng, mà còn yêu cầu: “Đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào sinh hoạt thường xuyên của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể. Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt chương trình hành động của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị; chương trình tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Lấy kết quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một trong những tiêu chuẩn đánh giá, bình xét, phân loại đảng viên, tổ chức đảng hằng năm”.
Gắn thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW, triển khai các nhóm giải pháp của Nghị quyết Trung ương 4, các nội dung của Chỉ thị 03-CT/TW; chú trọng thực hiện tự phê bình và phê bình trong Đảng trên tình thương yêu đồng chí lẫn nhau; phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong tham gia, giám sát việc rèn luyện đạo đức cách mạng theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công tác xây dựng Đảng đã có bước chuyển biến. Niềm tin của nhân dân với Đảng, mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, giữa đội ngũ cán bộ, đảng viên với quần chúng nhân dân được tăng cường, thiết thực xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.
Kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm tăng cường hơn nữa mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân - nguồn sức mạnh nội lực của Đảng và đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh để Đảng luôn là đạo đức, là văn minh như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn, trước hết, các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng từ trung ương đến địa phương và mỗi cán bộ, đảng viên tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03-CT/TW. Đặc biệt, chú trọng “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 10 khóa XI.
Hai là, các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác vận động nhân dân, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức, trách nhiệm và hành động thiết thực của mỗi tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, của cán bộ, đảng viên để đưa các nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống một cách thiết thực, hiệu quả.
Ba là, Nhà nước, chính quyền các cấp tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương mới của Đảng về vận động nhân dân thành các văn bản pháp luật. Tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức phải có trách nhiệm với nhân dân; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Tăng cường đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với nhân dân; thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc chính đáng của nhân dân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tầng lớp nhân dân.
Bốn là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, theo phương châm hướng về cơ sở, sát cơ sở. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng để mỗi chi bộ thực sự là hạt nhân lãnh đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước ở địa bàn cơ sở.
Năm là, đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng; đẩy mạnh và đổi mới phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “dân vận khéo” gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tổ chức, động viên quần chúng nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhân rộng các tấm gương người tốt, việc tốt trong mọi lĩnh vực. Cổ vũ, khuyến khích nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh./.
-------------------------------------------------
Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1995, t. 2, tr. 266
(2) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 4, tr. 285 - 286
(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 6, tr. 515
(4) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 8, tr. 276
(5) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 3, tr. 139
(6) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 6, tr. 494
(7) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M, 1977, t. 44, tr. 426
(8) V.I. Lê-nin: Sđd, t. 44, tr. 608
(9) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 12, tr. 212
(10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 89
Bồi dưỡng đội ngũ đảng viên trẻ có trình độ cao là nhiệm vụ hàng đầu  (02/02/2015)
Đại biểu 40 quốc gia sẽ tham dự chuỗi sự kiện văn học Việt Nam  (02/02/2015)
Những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về Đảng và Đảng cầm quyền  (02/02/2015)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh  (02/02/2015)
Hội báo Xuân toàn quốc Ất Mùi 2015 sẽ khai mạc vào ngày 07-02  (02/02/2015)
- Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia: Động lực quan trọng để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới
- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại Cộng hòa Séc
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư gặp mặt các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm