TCCSĐT - Chiều 10-10-2014 (theo giờ Việt Nam), Ủy ban Nô-ben của Na Uy đã công bố quyết định: Cô gái 17 tuổi Ma-la-la Y-u-xáp-dai và luật sư về quyền trẻ em Cai-lát Xa-ti-a-thi đã trở thành đồng chủ nhân của giải Nô-ben Hòa bình năm 2014.

Căng thẳng Mỹ - I-xra-en liên quan đến kế hoạch xây dựng khu định cư mới

Quan hệ giữa Mỹ với I-xra-en leo thang căng thẳng sau khi Oa-sinh-tơn bày tỏ bất bình đối với những câu trả lời phỏng vấn của Thủ tướng I-xra-en Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu (Benjamin Netanyahu) chỉ trích quan điểm của Nhà Trắng trong vấn đề khu định cư Do thái. Trước đó, Nhà Trắng đã gay gắt chỉ trích kế hoạch của Ten A-víp xây khu định cư Do Thái mới gồm 2.610 căn nhà tại Đông Giê-ru-xa-lem, cảnh báo kế hoạch này sẽ đẩy I-xra-en rời xa các đồng minh thân cận nhất; đồng thời bày tỏ nghi ngờ về những cam kết của Ten A-víp đối với nỗ lực xây dựng hòa bình với Pa-le-xtin. Thậm chí, trong cuộc gặp gỡ Thủ tướng B. Nê-ta-ni-a-hu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) cũng bày tỏ quan ngại về kế hoạch này.

Đáp lại sự chỉ trích trên, trong chương trình trả lời phỏng vấn của Đài CBS ngày 05-10, Thủ tướng B. Nê-ta-ni-a-hu cho rằng quan điểm gay gắt của Oa-sinh-tơn đối với kế hoạch xây dựng khu định cư của Ten A-víp là “đi ngược lại các giá trị của Mỹ” và “không hỗ trợ cho hòa bình”. Phản ứng lại bình luận trên của Thủ tướng I-xra-en, ngày 06-10, người phát ngôn Nhà Trắng Giô-sơ Ơ-nét (Josh Earnest) khẳng định chính sách của Mỹ là rõ ràng và không thay đổi dưới thời kỳ lãnh đạo của đảng Dân chủ hay Cộng hòa. Theo ông, Mỹ phản đối các hành động đơn phương nhằm tìm cách áp đặt trong các vấn đề liên quan đến quy chế cuối cùng, trong đó có cả quy chế của Giê-ru-xa-lem, được nêu ra trong tiến trình đàm phán Trung Đông. Ông G. Ơ-nét nhấn mạnh vấn đề này chỉ có thể được giải quyết thông qua đàm phán trực tiếp giữa các bên và Tổng thống Mỹ đang nỗ lực để thúc đẩy tiến trình này. Việc I-xra-en phớt lờ sự phản đối của cộng đồng quốc tế, tiếp tục các kế hoạch xây dựng khu định cư ở Bờ Tây và Đông Giê-ru-xa-lem đã làm nảy sinh bất đồng với Mỹ và là nguyên nhân dẫn tới sự đổ vỡ tiến trình đàm phán hòa bình Trung Đông do Nhóm Bộ Tứ bảo trợ.

Thúc đẩy việc làm quyết định tương lai của EU

Ngày 08-10-2014, Hội nghị cấp cao về việc làm của Liên minh châu Âu (EU) đã diễn ra tại Mi-lan.

Mặc dù các nội dung về thúc đẩy việc làm đã được dự kiến là trung tâm trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo EU, nhưng trên thực tế, vấn đề về ngân sách quốc gia lại được lãnh đạo các nước tập trung thảo luận nhiều nhất. Theo quan điểm của nước chủ nhà I-ta-li-a, trên thực tế, vấn đề tăng trưởng kinh tế, cân đối ngân sách quốc gia và thúc đẩy việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Thủ tướng I-ta-li-a Mát-tê-ô Ren-di khẳng định cần tập trung cao độ vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mới có thể đưa EU trở lại vị thế vốn có. Ông nhấn mạnh I-ta-li-a và một số nước đang muốn kêu gọi EU nới lỏng các quy định về chi tiêu ngân sách quốc gia để có thể kích thích tăng trưởng, tạo ra nhiều việc làm bền vững hơn.

Phát biểu trong Hội nghị, Tổng thống Pháp Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ nhấn mạnh rằng Pháp “sẽ bảo đảm các cam kết” về tài chính với EU cho dù chỉ vào tuần trước, số liệu chính thức cho thấy, rất có khả năng Pháp sẽ không thể hạn chế mức thâm hụt 3% cho đến năm 2017. Tổng thống Ph. Ô-lăng-đơ cũng kêu gọi nước Đức, với vị thế của nền kinh tế lớn nhất khu vực sử dụng đồng tiền chung ơ-rô cần phải làm nhiều hơn nữa để kích cầu.

Về phần mình, Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken (Angela Merkel) gợi ý thành lập các quỹ tạo việc làm. Còn với Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Héc-man Van Rôm-pơi (Herman Van Rompuy), dường như giải pháp giảm thuế mới là hiệu quả nhất để tháo gỡ cuộc khủng hoảng về việc làm.

Người trẻ tuổi nhất đạt giải Nô-ben Hòa bình năm 2014

 
 Luật sư C. Xa-ti-a-thi và M. Y-u-xáp-dai cùng nhận được giải Nô-ben Hòa bình năm 2014 vì những đấu tranh chống bóc lột trẻ em và đòi quyền được đi học của trẻ em. Ảnh: Reuters
Chiều 10-10-2014 (theo giờ Việt Nam), Ủy ban Nô-ben của Na Uy đã công bố quyết định: Cô gái 17 tuổi Ma-la-la Y-u-xáp-dai (Malala Yousafzai) (Pa-ki-xtan) và luật sư về quyền trẻ em Cai-lát Xa-ti-a-thi (Kailash Satyarthi) (Ấn Độ) đã trở thành đồng chủ nhân của giải Nô-ben Hòa bình năm 2014. Hai nhân vật này đã xứng đáng vượt qua danh sách 278 đề cử, trong đó có 231 cá nhân và 47 tổ chức.

M. Y-u-xáp-dai trở thành nhân vật nổi tiếng toàn thế giới cách đây 2 năm khi cô bị phiến quân Ta-li-ban bắn vào đầu khi đấu tranh cho quyền được đi học của các trẻ em gái. Cô đã trở thành người trẻ tuổi nhất giành được giải Nô-ben Hòa bình. Sau khi bị Ta-li-ban bắn vào tháng 10-2012, M. Y-u-xáp-dai được đưa tới Anh và điều trị ở Bớc-minh-ham. Trong khi đó, nam luật sư 60 tuổi C. Xa-ti-a-thi được vinh danh nhờ đứng đầu nhiều cuộc biểu tình, tuần hành hòa bình chống lại việc khai thác lao động trẻ em. Cho đến nay, tổ chức Bachpan Bachao Andolan của ông đã giải thoát hơn 80.000 trẻ em khỏi cảnh lao động cực khổ, giúp các em tái hòa nhập xã hội và được đi học.

IMF, WB: Ngăn chặn dịch bệnh Ê-bô-la và biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu

Ngày 10-10-2014, tại Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), Tổng Giám đốc IMF Cri-xtin La-gác-đơ (Christine Lagarde) cho rằng cần phải có hành động trên toàn cầu để chống lại tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay. Theo bà, năm 2015 sẽ là một năm bản lề và nếu bỏ lỡ cơ hội này, thế giới sẽ không hoàn thành trách nhiệm đối với những người nghèo khó, các thế hệ mai sau và hành tinh này.

Chia sẻ quan điểm trên, Chủ tịch WB Gim Châng Kim (Jim Yong Kim) một lần nữa nhấn mạnh việc cần phải có hành động trên phạm vi toàn cầu để chống lại ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; đồng thời, ông so sánh hậu quả của biến đổi khí hậu với sự lây lan của dịch bệnh Ê-bô-la. Ông cảnh báo nếu không hành động sẽ có thêm nhiều người chết vì sự lây lan nhanh chóng của loại vi-rút này cũng như vì sự ô nhiễm của bầu khí quyển và đại dương.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đã có hơn 4.000 người tử vong trong tổng số hơn 8.000 ca nhiễm vi-rút Ê-bô-la ở 4 quốc gia Tây Phi đang bị dịch bệnh này hoành hành là Li-bê-ri-a, Ghi-nê, Xi-ê-ra Lê-ôn và Ni-giê-ri-a./.