Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh để tạo đột phá nâng cao hiệu quả hoạt động của Công đoàn Việt Nam hiện nay
TCCS - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã thiết kế tổ chức quần chúng của công nhân sát hợp với đặc điểm của giai cấp công nhân và đặc điểm Việt Nam. Những ý tưởng về tổ chức công hội trong tác phẩm Đường Kách mệnh của Người không chỉ được thực tiễn chứng minh là đúng đắn, độc đáo, sáng tạo, mà còn có sức sống mãnh liệt, là tư tưởng mang tính thời đại để đưa phong trào công nhân Việt Nam hòa nhập cùng dòng chảy chung của cách mạng thế giới, tạo sự đồng bộ trong phương thức vận động công nhân, tổ chức hành động và cách thức xây dựng tổ chức quần chúng cách mạng.
Công đoàn Việt Nam đã trải qua chặng đường 90 năm hình thành và phát triển với một tầm vóc ngày càng lớn mạnh, thật sự là tổ chức công đoàn cách mạng, có những đóng góp to lớn trong cuộc đấu tranh bền bỉ vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và trong quá trình sáng tạo xây dựng nước Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Bản sắc của tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày nay là kết quả của một quá trình lâu dài kiên trì thực hiện theo tư tưởng về tổ chức công hội do Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh thiết kế, với lực lượng trực tiếp là các thế hệ cán bộ công đoàn nối tiếp nhau gìn giữ, vun đắp, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa X, “Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, 7 năm thực hiện Luật Công đoàn, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã có nhiều thay đổi tích cực. Tuy vậy, hoạt động công đoàn phát triển vẫn chưa đồng bộ, chưa phát huy hiệu quả những thế mạnh của tổ chức chính trị - xã hội để chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; việc phát triển đoàn viên và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh còn thiếu sự gắn kết.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, với những yêu cầu rất lớn và hướng đến kỷ niệm 100 năm thành lập Công đoàn Việt Nam (năm 2029), đòi hỏi Công đoàn Việt Nam cần có những đột phá mang tính chiến lược trong bước chuyển quan trọng của thời kỳ phát triển mới. Đại hội XII Công đoàn Việt Nam năm 2018 đã đặt ra 3 nội dung đột phá chiến lược nhằm đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn. Những đột phá này là sự phát triển từ quan điểm, tư tưởng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã rút ra trong cuốn Đường Kách mệnh, với nguyên lý chung là: “Tổ chức công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn lợi quyền cho công nhân; năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”(1).
Xây dựng các nhiệm vụ cốt lõi của công đoàn cần đồng bộ, kết hợp cả mục tiêu trước mắt và mục tiêu lâu dài
Tư tưởng quan trọng nhất của tổ chức công hội do Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh thiết kế là hoạt động vì quyền lợi của giai cấp công nhân và được thể hiện thường xuyên trong hoạt động công đoàn: “Nghiên cứu chẳng những là giở sách vở, giở báo ra giảng; nhưng phải bàn bạc cách phấn đấu với tư bản và đế quốc chủ nghĩa”(2). Quyền lợi ấy được tiến hành từ thấp đến cao: “Giữ gìn lợi quyền là khi hội đã có thế lực rồi, thì đòi thêm tiền công, bớt giờ làm, vân vân”(3). Với nguyên tắc: Lấy lợi ích cơ bản mang lại cho người lao động để tập hợp lực lượng, phát triển lực lượng và từ đó, tổ chức hoạt động vì mục tiêu tiến bộ xã hội: “Giúp cho quốc dân và thế giới là đem lực lượng thợ thuyền cách mệnh làm cho ai cũng được bình đẳng tự do như thợ thuyền Nga đã làm từ năm 1917”(4).
Vận dụng tư tưởng này, Đại hội XII Công đoàn Việt Nam xác lập nhiệm vụ trung tâm trong giai đoạn 2018 - 2023 là: Nâng cao hiệu quả đại diện, chăm lo lợi ích đoàn viên, bảo vệ người lao động, vì việc làm bền vững, đời sống ngày càng cao. Trong đó, có ba thành tố là, nhấn mạnh vai trò đại diện; thể hiện mức độ quan tâm giữa đoàn viên và người lao động; đặt trọng tâm ở việc làm bền vững và mức sống của người lao động. Tư duy về sự hài hòa lợi ích giữa người lao động, người sử dụng lao động và đất nước, đồng thời phát huy trách nhiệm các chủ thể mang lại lợi ích cho người lao động là phương châm hành động và làm nền tảng bảo đảm quyền lợi cơ bản của người lao động.
Với tinh thần hành động và hiệu quả, Đại hội đã nêu rõ nhiệm vụ của từng cấp công đoàn: 1- Đối với cấp Trung ương, tiến hành đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, trọng tâm là hoàn thiện quy trình, nâng cao năng lực, chuyên nghiệp hóa cán bộ công đoàn tham mưu chính sách, pháp luật, hình thành Hội đồng tư vấn chính sách; nghiên cứu xây dựng thỏa ước lao động tập thể khung cấp quốc gia. 2- Ở cấp tỉnh, thành phố, quan tâm nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của đội ngũ chuyên gia về thỏa ước lao động tập thể; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ tư vấn pháp luật, hình thành mạng lưới luật sư, luật gia, thực hiện quyền và trách nhiệm tham gia tố tụng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động tại Tòa án theo quy định. 3- Cấp trên trực tiếp của cơ sở đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp luật tại nơi ở, nơi làm việc của đoàn viên, người lao động; tăng cường tổ chức tư vấn, hỗ trợ công đoàn cơ sở trong quá trình tổ chức đối thoại tại nơi làm việc. 4- Tại cấp cơ sở, cần phải chú trọng tham gia giải quyết ngay từ đầu các vướng mắc, bức xúc của người lao động; nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp, nâng cao số lượng và chất lượng hội nghị cán bộ, công chức, hội nghị người lao động và đối thoại tại nơi làm việc.
Đồng thời, các cấp công đoàn còn có trách nhiệm phối hợp, liên kết giải quyết các vấn đề lớn về quyền lợi của người lao động, như tham gia phát triển việc làm bền vững cho người lao động; đầu tư xây dựng, phát huy hiệu quả thiết chế của tổ chức công đoàn ở các khu công nghiệp, khu chế xuất trở thành biểu tượng hành động nâng cao đời sống công nhân; tập trung cải thiện các nhu cầu đời sống thiết yếu của công nhân, viên chức, người lao động; đổi mới căn bản hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động theo hướng phát triển các chương trình xuyên suốt toàn hệ thống, như một chính sách an sinh xã hội của công đoàn phục vụ trực tiếp và đúng đối tượng, thực hiện đồng bộ giữa trách nhiệm và thụ hưởng, gắn kết chặt chẽ hơn giữa đoàn viên và tổ chức công đoàn; phát triển đa dạng, hiệu quả các hoạt động chăm lo lợi ích cho đoàn viên công đoàn, đẩy mạnh chương trình phúc lợi đoàn viên công đoàn, các thiết chế của công đoàn phải có chính sách ưu đãi, giảm giá cho đoàn viên công đoàn, bảo đảm thực sự phục vụ đoàn viên công đoàn.
Điều chỉnh, phát triển các mô hình tổ chức để phục vụ hoạt động công đoàn
Hoạt động của công đoàn là biểu hiện sức sống của tổ chức. Sức sống ấy mạnh mẽ, sâu bền trên cơ sở những mô hình sát hợp nhu cầu của đoàn viên và hướng đến các mục tiêu cốt lõi của tổ chức. Từ nghiên cứu đặc điểm của công nhân Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã xác định về sự kết hợp giữa yêu cầu tập hợp và hoạt động của Công đoàn thông qua các mô hình tổ chức hành động thiết thực: “Sửa sang cách sinh hoạt như lập hiệp tác xã, mở hội học, hội chơi cho công nhân, vân vân”(5).
Từ nhận thức này, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII đã đề ra 6 mô hình tập hợp và hành động của đoàn viên công đoàn.
Mô hình nâng cao chất lượng đầu vào của đoàn viên.
Đại hội đề cập khái niệm “công tác đoàn viên” với mong muốn quan tâm toàn diện, từ việc phát triển đoàn viên mới, quản lý đoàn viên, đến việc nâng cao chất lượng đoàn viên và chăm lo lợi ích đoàn viên. Nhiệm vụ của các cấp công đoàn là phải đa dạng hóa cách thức tiếp cận, tuyên truyền, vận động người lao động; tác động đến nhận thức của người lao động để nâng cao ý thức về tổ chức Công đoàn Việt Nam; phải lấy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên làm cơ sở thu hút, tập hợp người lao động tham gia tổ chức công đoàn một cách bền vững; phải xác định rõ vai trò và nhiệm vụ của từng cấp công đoàn, nhất là vai trò của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, trong việc vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người lao động thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở.
Mô hình đoàn viên tham gia hoạt động cơ bản của tổ chức công đoàn ở cơ sở.
Trong hoạt động công đoàn ở cơ sở, hoạt động đối thoại, thương lượng có vai trò rất quan trọng, được pháp luật quy định, trực tiếp mang lại quyền lợi cơ bản cho người lao động, biểu hiện sinh động trách nhiệm công đoàn góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Điều này đòi hỏi cần hình thành, nâng cao chất lượng lực lượng nòng cốt đảm nhận nhiệm vụ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, tư vấn viên giải quyết bức xúc của người lao động, trở thành lực lượng tham gia đối thoại, thương lượng của tổ chức công đoàn ở cơ sở, là nguồn cán bộ công đoàn cơ sở. Tổ chức công đoàn có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và thực hiện các chính sách phù hợp.
Mô hình đoàn viên kiểm soát hoạt động công đoàn.
Công tác kiểm tra, giám sát là một trong những hoạt động đặc thù của tổ chức công đoàn, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn, củng cố vững chắc uy tín của tổ chức và cán bộ công đoàn. Trong tình hình mới, công tác kiểm tra, giám sát cần được thực hiện ngày càng tốt hơn nên phải tiến hành đồng bộ với các lực lượng, phương thức thích hợp, trước hết là ở cơ sở. Vì vậy, cần phát huy quyền và trách nhiệm của đoàn viên trong kiểm tra, giám sát đối với hoạt động công đoàn ở cơ sở, với cán bộ công đoàn cơ sở. Điều kiện tiên quyết để đoàn viên công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ này là trách nhiệm công khai, dân chủ của ban chấp hành công đoàn cơ sở, cả về nội dung hoạt động công đoàn, hoạt động của cán bộ công đoàn, cũng như về thu - chi tài chính công đoàn.
Mô hình tương tác giữa cán bộ công đoàn và đoàn viên công đoàn.
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 2013) đã nêu nhiệm vụ của công đoàn là “tuyên truyền, vận động người lao động”, với phạm vi thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là “học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Bên cạnh các hoạt động thường xuyên, Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đề ra các cuộc vận động mới, quan trọng nhất là yêu cầu phát triển các phương thức tuyên truyền có tác động nhanh, sức lan tỏa rộng đến đông đảo người lao động là “củng cố, sắp xếp, có cơ chế phát triển các cơ quan truyền thông công đoàn đủ mạnh, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tổ chức công đoàn”(6) và “sử dụng có hiệu quả những ứng dụng tích cực của in-tơ-nét, mạng xã hội để truyền tải thông tin và tăng cường tương tác, chia sẻ với công nhân”(7) nhằm chủ động thông tin về tổ chức và hoạt động công đoàn, tăng cường công tác định hướng thông tin.
Mô hình cả hệ thống tổ chức công đoàn thực hiện nhiệm vụ trung tâm trong tình hình mới, với giải pháp trọng tâm là huy động sức mạnh tài chính cả hệ thống tổ chức công đoàn, nghĩa vụ của đoàn viên công đoàn để chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động.
Đại hội đã quyết định dành 8% nguồn thu tài chính hằng năm để đầu tư nơi làm việc của một số cơ quan công đoàn có vị trí, đất đai thuận lợi gắn liền với các hạng mục văn hóa, thể thao và dịch vụ thương mại; đầu tư xây dựng các thiết chế của tổ chức công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất... hình thành cơ sở vật chất, tài sản thuộc sở hữu của tổ chức công đoàn, thực hiện các hoạt động phục vụ lợi ích chính đáng của đoàn viên, người lao động; dành 2% nguồn thu tài chính hằng năm cho nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, cán bộ công đoàn.
Mô hình hoạt động của cán bộ công đoàn.
Đội ngũ cán bộ công đoàn có vai trò quyết định nhiều mặt đến cả mô hình tổ chức và hoạt động, đó là những người gắn bó, thấu hiểu và một lòng hành động vì đoàn viên, vì người lao động. Vì thế, Đại hội XII Công đoàn Việt Nam yêu cầu: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm với công việc, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức”(8), trọng tâm là từng bước hình thành đội ngũ cán bộ công đoàn cấp chiến lược trưởng thành qua thực tiễn, có năng lực tham mưu và tổ chức thực hiện; hình thành đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp cấp tỉnh trong các lĩnh vực cơ bản: bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, an toàn lao động, phát triển đoàn viên và xây dựng công đoàn vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có đủ năng lực hỗ trợ cán bộ công đoàn cơ sở trong việc thương lượng tập thể, đối thoại, tư vấn pháp luật, giải quyết tranh chấp lao động, phát triển đoàn viên; bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách ở công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước có đông đoàn viên công đoàn.
Để xây dựng đội ngũ cán bộ thời kỳ mới, cần tiến hành một cách hệ thống các giải pháp, từ tạo nguồn cán bộ, bố trí cán bộ và đánh giá cán bộ và quan trọng nhất là: “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn theo chức danh, gắn lý thuyết với thực hành, bổ sung các kỹ năng xử lý tình huống nảy sinh trong thực tiễn”(9).
Nâng cao nhận thức về nhiệm vụ của cán bộ công đoàn và nhiệm vụ của đoàn viên công đoàn; đổi mới phương thức hoạt động cơ bản của tổ chức Công đoàn Việt Nam
Ngay khi giai cấp công nhân Việt Nam mới hình thành, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nhận rõ các giá trị tri thức của công nhân: “... đi lại để bày vẽ cho nhau điều khôn lẽ phải, để giao hoán tri thức cho nhau”(10). Điều này cho thấy, trong tổ chức công đoàn, chủ thể của tổ chức là đội ngũ cán bộ để điều hành nhiệm vụ của tổ chức, còn hoạt động công đoàn do lực lượng công đoàn là toàn thể cán bộ và đoàn viên phải cùng nhau học hỏi, cùng nhau thảo luận, đi đến thống nhất nội dung, phương pháp tối ưu chứ không phải theo lối mệnh lệnh, độc đoán, một chiều. Đoàn viên là người thầy về thực tế, cán bộ là người thầy về chủ trương, cần “giao hoán tri thức cho nhau”, để chủ trương có sức sống của thực tế và đòi hỏi bức thiết của thực tiễn sớm được quyết định bằng chủ trương.
Trong quá trình hình thành và phát triển của Công đoàn Việt Nam, nội dung này được chú trọng hơn từ Đại hội II (năm 1961) và không ngừng được hoàn thiện. Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đã kế thừa và nêu rõ những vấn đề quan trọng. Các cấp công đoàn cần nắm chắc cơ sở, hiểu rõ tâm tư và cuộc sống người lao động, thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, hoạt động vì người lao động. Kiên quyết chống lối làm việc quan liêu hành chính, trên dội xuống, không sát với yêu cầu cơ sở và cuộc sống của người lao động, lấy hoạt động của một số cán bộ chuyên trách thay cho hoạt động của đông đảo người lao động. Hoạt động công đoàn cần có sự linh hoạt, nhưng phải bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Xây dựng lực lượng hạt nhân vận động quần chúng, mạng lưới hoạt động ở cơ sở, nhóm công tác theo chuyên đề. Thực hiện chế độ định kỳ cán bộ công đoàn cấp trên đến cơ sở, cùng sinh hoạt với đoàn viên. Xác định rõ trách nhiệm từng cấp, từng người, quy định rõ thời gian hoàn thành, định kỳ kiểm tra, đánh giá, khen thưởng kịp thời. Thực hiện chỉ đạo điểm, nhân rộng, làm tốt công tác tổng kết kinh nghiệm thực tiễn. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ và chế độ báo cáo, xin ý kiến kịp thời. Xác định rõ hệ thống ngang và dọc vì chất lượng hoạt động công đoàn ở cơ sở. Phát huy được sức mạnh tổng hợp đáp ứng yêu cầu của công đoàn cơ sở, đẩy mạnh hoạt động của công đoàn cơ sở và từng bước cải tiến tổ chức và chỉ đạo của công đoàn các cấp trên.
Bên cạnh việc kế thừa các giá trị thực tiễn, Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đã quyết định: Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong hoạt động công đoàn. Điểm cốt lõi là xác định quan điểm “phục vụ” của tổ chức công đoàn. Tính chiến lược của quan điểm “phục vụ” là nhấn mạnh phần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công đoàn. Trách nhiệm ấy của cán bộ công đoàn là vì lợi ích có được, vì địa vị xã hội có được và vì sự phân công của tổ chức. Có người lao động tất yếu có tổ chức công đoàn để tập hợp, đại diện, lãnh đạo người lao động; song, có đoàn viên mới có tổ chức công đoàn và có tổ chức công đoàn mới có cán bộ công đoàn. Vì thế, Đại hội XII Công đoàn Việt Nam quyết định phương thức hoạt động tổng quát: cấp trên phục vụ cấp dưới, tổ chức công đoàn phục vụ đoàn viên, người lao động với yêu cầu lấy nhu cầu hợp pháp, chính đáng của tập thể công nhân, viên chức, lao động là cơ sở hoạt động và lấy việc đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động làm mục tiêu hoạt động, theo nguyên tắc hoạt động cơ bản nhất là phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương.
Để nguyên tắc này được vận hành hiệu quả, Đại hội quyết định: “Xây dựng cơ chế để các cấp công đoàn phát huy tính chủ động, sáng tạo, gắn với trách nhiệm trong hoạt động công đoàn phù hợp với thực tiễn ngành, địa phương, cơ sở và quy định của Tổng Liên đoàn”(11). Vì thế, vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là phát huy vai trò định hướng, điều phối đi đôi với tăng cường vai trò chủ động quyết định hoạt động của ban chấp hành công đoàn các cấp. Tiến hành điều chỉnh thẩm quyền các cấp công đoàn theo hướng “Đổi mới cách thức xây dựng chương trình, kế hoạch công tác của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở từ việc thụ động theo chỉ đạo của công đoàn cấp trên sang phương thức xây dựng chương trình, kế hoạch công tác căn cứ vào yêu cầu của công đoàn cơ sở trực tiếp quản lý, có giải pháp cụ thể để cùng với công đoàn cơ sở giải quyết các vấn đề chính đáng do số đông đoàn viên và người lao động yêu cầu. Chỉ đạo và phân công trách nhiệm cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp bám địa bàn, kịp thời nắm bắt thông tin, trực tiếp hỗ trợ công đoàn cơ sở, cán bộ, đoàn viên và người lao động trong phạm vi quyền và trách nhiệm của từng cấp công đoàn”(12).
Quá trình hình thành và phát triển của Công đoàn Việt Nam cho thấy một nguyên lý cơ bản để tổ chức công đoàn thật sự vững mạnh, đảm đương tốt nhiệm vụ đại diện cho đông đảo người lao động, là có đường lối đúng đắn, vừa quan tâm thường xuyên nhiệm vụ cốt lõi là quyền lợi thiết thực của đoàn viên, người lao động, vừa gắn với sự tiến bộ của xã hội; có một hệ thống tổ chức chặt chẽ, từng bước hoàn thiện sát hợp tình hình thực tiễn, lấy cơ sở làm nền tảng và có sự chỉ huy thống nhất.
Trong giai đoạn hiện nay, mục tiêu duy trì, phát triển đoàn viên công đoàn trở nên đặc biệt quan trọng. Sức mạnh của tổ chức công đoàn là từ đoàn viên, khi mỗi đoàn viên có trách nhiệm thảo luận, quyết định và thực hiện nhiệm vụ sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp, sức mạnh bên trong của tổ chức. Sức mạnh tự giác ấy phù hợp với xu hướng tiến bộ xã hội tạo nên sự bền vững của một tổ chức. Cơ sở để thực hiện mục tiêu này phải được tiến hành và căn cứ vào kết quả mang lại cho người lao động, cũng như từ chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn. Cán bộ công đoàn phải là những người có trình độ chuyên môn nền tảng phù hợp công việc; có tính chuyên nghiệp, sáng tạo trong hoạt động; trực tiếp gắn bó với người lao động; có sự phối hợp hoạt động nhịp nhàng; có khả năng tập hợp, dẫn dắt quần chúng./.
------------------------------
(1), (2), (3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 330
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 330
(6), (7), (8) Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, Hà Nội, 2018
(9) Báo cáo đã dẫn
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 330
(11), (12) Báo cáo đã dẫn
Tỉnh Nghệ An tổ chức lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2020)  (17/05/2020)
Khánh thành đền thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Nghệ An  (17/05/2020)
Nhớ lời Bác dạy, Điện lực Việt Nam vượt mọi khó khăn, thử thách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước đã giao phó  (16/05/2020)
- Hội nghị Trung ương 3 khóa XX Đảng Cộng sản Trung Quốc: Chú trọng duy trì ổn định và phát triển chất lượng cao
- Tư duy lý luận của Đảng về xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam từ năm 1991 đến nay
- Nâng cao hiệu quả công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong bối cảnh mới
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Nhận diện một số tiêu chí cơ bản của xã hội văn minh ở Việt Nam qua gần 40 năm đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm