Tạp chí Cộng sản - cái nôi góp phần hun đúc tài năng, trí tuệ, đạo đức, phong cách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
TCCS - “Là tạp chí có lịch sử hoạt động lâu đời nhất ở nước ta đến nay”(1), do đích thân lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và là chủ bút đầu tiên, sau đó, nhiều thế hệ Tổng Bí thư của Đảng kiêm Tổng Biên tập, Tạp chí Cộng sản có truyền thống là cái nôi rèn luyện và đào tạo nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, trong đó có Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong suốt cuộc đời công tác, luôn đau đáu việc Đảng, việc nước, việc dân, Đồng chí Nguyễn Phú Trọng có hơn một nửa thời gian trong sự nghiệp làm việc liên tục tại Tạp chí Cộng sản (là cơ quan công tác lâu nhất, với 28 năm 8 tháng). Chính tại môi trường làm việc giàu truyền thống và đậm chất lý luận chính trị này, nhiều phẩm chất, khí chất của một nhà lãnh đạo, nhà lý luận, nhà báo lớn đã sớm bộc lộ và không ngừng được nuôi dưỡng, trui rèn, góp phần hun đúc nên tài năng, trí tuệ, đạo đức, phong cách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng thuộc lớp cán bộ trẻ của Tạp chí Cộng sản lần đầu tiên được lựa chọn từ những sinh viên xuất sắc mới ra trường (trước đó, cán bộ làm việc tại Tạp chí Cộng sản hầu hết đều đã kinh qua công tác chuyển về). Tháng 12-1967, Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, khi vừa tốt nghiệp xuất sắc Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, bắt đầu về Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản) nhận công tác. Đây là sự phân công của tổ chức, nhưng cũng giống như mối nhân duyên đối với chàng trai trẻ khi đó mới 23 tuổi đầy nhiệt huyết, hoài bão và tràn đầy sức lực mong muốn cống hiến cho cách mạng.
Nghề tìm người, những tố chất xuất sắc vốn có của Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, như ham học hỏi, say mê nghiên cứu, có phương pháp công tác khoa học... rất phù hợp với môi trường làm việc của Tạp chí Cộng sản - nơi luôn đòi hỏi sự đào sâu suy nghĩ, mở rộng tư duy, không ngừng nghiên cứu về các vấn đề lý luận chính trị. Do đó, Đồng chí có sự trưởng thành rất vững chắc, căn bản và toàn diện; nhiều phẩm chất của một nhà lãnh đạo, nhà lý luận, nhà báo lớn, tài năng... đã sớm phát lộ và được rèn luyện, vun bồi trong những năm tháng công tác ở Tạp chí Cộng sản, từ lúc chỉ là cán bộ tập sự cho đến khi trở thành Tổng Biên tập.
Tạp chí Cộng sản góp phần rèn luyện nên nhà lãnh đạo tài năng xuất sắc của Đảng ta.
Trình độ, nền tảng lý luận sâu rộng, vững chắc, tư duy lý luận sắc sảo không ngừng được bồi đắp và vươn tầm trong thời gian công tác tại Tạp chí Cộng sản góp phần tôi luyện nên một nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng ta sau này. Những cán bộ công tác cùng thời với Đồng chí Nguyễn Phú Trọng tại Tạp chí Cộng sản đều rất khâm phục trí tuệ, niềm đam mê nghiên cứu, học hỏi của Đồng chí, vừa được học tập bài bản từ trường lớp, vừa tự nghiên cứu, tích lũy tri thức lý luận không ngừng, trong điều kiện cuộc sống và môi trường làm việc khi đó còn khó khăn, thiếu thốn mọi bề. Quá trình đó cũng như tằm rút ruột nhả tơ, đầy tâm huyết, trăn trở, nhọc nhằn, tuân thủ cao độ sự nghiêm túc trong nghiên cứu lý luận chính trị, vượt qua sự hạn hẹp của thời gian vật lý, những thiên kiến chủ quan, giáo điều, kinh nghiệm chủ nghĩa... còn khá nặng nề trong môi trường nghiên cứu học thuật khi đó, để tìm đến chân lý, chiếm lĩnh và làm chủ địa hạt nhận thức lý luận.
Nền tảng lý luận sâu rộng, tư duy lý luận sắc sảo ở Đồng chí chính là cơ sở để hình thành nhãn quan chính trị sâu sắc và tư duy chiến lược tầm cao - phẩm chất quan trọng của một nhà lãnh đạo xuất sắc. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng có tầm nhìn vượt trước, đặc biệt có sự nhạy bén trong đánh giá chiều hướng vận động, xu hướng phát triển của tình hình thế giới và khu vực, để từ đó đóng góp những bài nghiên cứu lý luận giá trị ngay khi đang làm việc tại Tạp chí Cộng sản, góp phần quan trọng vào công tác tham mưu cho Trung ương về định hướng chủ trương, chính sách của Đảng.
Từ cuối năm 1989, trước những biến động ở các nước Đông Âu và tiếp theo là những biến động ở Liên Xô, với tầm nhìn chiến lược và sự nhạy bén chính trị, dưới sự chỉ đạo của Ban Biên tập và Đồng chí Nguyễn Phú Trọng (khi đó là Ủy viên Ban Biên tập, rồi Phó Tổng Biên tập, phụ trách nội dung), Tạp chí Cộng sản có hệ bài cắt nghĩa nguyên nhân những biến động đó, thẳng thắn chỉ ra những sai lầm dẫn đến sự khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội, đồng thời đúc rút những bài học cho Việt Nam... Hệ bài đã thực sự có tiếng vang lớn, như “cánh chim báo bão”, góp phần giúp Đảng ta và đội ngũ cán bộ, đảng viên kịp thời có sự chủ động và chuẩn bị tâm thế trước những biến động to lớn của tình hình chính trị thế giới.
Năm 1991, Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã, cùng với sự tan rã của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết và sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu, gây nên “cơn địa chấn chính trị” làm rúng động những người cộng sản toàn thế giới, có tác động rất bất lợi đến tình hình trong nước. Ngay thời điểm đó, số tháng 4-1992, Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, khi đó đang là Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, có bài viết “Vì sao Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã?”. Đây là một bài viết “kinh điển”, mẫu mực, đã làm rõ nguyên nhân sâu xa chủ yếu khiến Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã, đồng thời chỉ ra những sai lầm trên là do “làm trái quy luật khách quan, làm trái các nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về xây dựng Đảng”(2), đồng thời khẳng định chắc chắn rằng “Quy luật khách quan không ai cưỡng lại được vẫn là chủ nghĩa xã hội sẽ phủ định và thay thế chủ nghĩa tư bản”(3), kiên quyết bảo vệ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Tình hình tư tưởng lúc đó rất phức tạp, không ít cán bộ, đảng viên dao động, mơ hồ, thiếu niềm tin, phai nhạt lý tưởng, thậm chí có người phản bội lại lý tưởng của Đảng; chủ nghĩa cơ hội chính trị, chủ nghĩa xét lại trỗi dậy... Trong bối cảnh đó, bài viết có giá trị định hướng rất lớn, cắt nghĩa sâu sắc, thuyết phục, lập luận chắc chắn, sắc bén đúng với phẩm chất, cốt cách chính luận của Tạp chí Cộng sản, là “cánh chim đầu đàn” cùng với hệ bài viết của một số cơ quan báo chí lớn, đã góp phần giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, niềm tin khoa học vào chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Bài viết cũng thể hiện bản lĩnh, sự kiên định chính trị, chiều sâu lý luận và tầm tư tưởng lớn, là minh chứng sống động khẳng định năng lực và trình độ lý luận của Đồng chí Nguyễn Phú Trọng.
Tình yêu thương, quý trọng, tin tưởng vào con người, vì nhân cách con người, giá trị con người làm nên tố chất, tư cách của nhà lãnh đạo lớn. Tố chất đó vừa thể hiện trong quan hệ công việc, cuộc sống thường ngày với đồng nghiệp, đồng chí, vừa tỏ rõ trong những tư tưởng, quan điểm nhất quán ở các bài viết của Đồng chí Nguyễn Phú Trọng trên Tạp chí Cộng sản. Nhiều câu chuyện kể bình dị nhưng đầy ấm áp về tình người, sự quý trọng con người, chăm lo cho con người của những người đồng nghiệp về người anh, người chú, người thủ trưởng Nguyễn Phú Trọng khiến người nghe không khỏi cảm động, rưng rưng nước mắt. Đây có lẽ cũng chính là cội nguồn tự nhiên để sau này hình thành nên quan điểm vì dân, hết lòng phục vụ nhân dân khi Đồng chí trở thành người đứng đầu Đảng và Nhà nước.
Tạp chí Cộng sản góp phần tôi luyện nên nhà lý luận xuất sắc, nhà báo lớn của Đảng.
Với lịch sử vẻ vang 94 năm, ngọn lửa lý luận chính trị của Tạp chí Cộng sản đã tôi luyện nên nhiều cây bút lý luận tài ba, trong đó có Đồng chí Nguyễn Phú Trọng - một nhà lý luận xuất sắc của Đảng - “người có năng lực đặc biệt trong tổng kết thực tiễn, khái quát lý luận”(4) ngay khi còn công tác tại Tạp chí Cộng sản.
Ngay từ cuối những năm 70 của thế kỷ XX, trước thềm đổi mới, khi mới là cán bộ biên tập của Ban Xây dựng Đảng, Đồng chí đã hòa mình vào thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của cơ quan. Tạp chí đã sớm có hệ bài viết lý luận “đi trước một bước tiến công đập tan tư duy cũ, mở đường về lý luận cho công cuộc đổi mới của Đảng”(5), thể hiện rõ vai trò của Tạp chí vào những thời điểm mang tính bước ngoặt của lịch sử đất nước, như các bài về “khoán 10”, về giá - lương - tiền, về sử dụng nhiều thành phần kinh tế, phê phán những khuyết điểm về kế hoạch hóa, đồng thời chỉ ra lợi ích kết hợp kế hoạch hóa với sử dụng quan hệ thị trường, kết hợp ba lợi ích: lợi ích của xã hội, lợi ích của tập thể, lợi ích của cá nhân...
Bước vào những năm đầu đổi mới, Tạp chí Cộng sản tiếp tục khai mở và đi thẳng vào nhiều vấn đề lý luận mới, khó, hóc búa, cho thấy rõ bản lĩnh, tầm nhìn và tính tiền phong về lý luận của Tạp chí. Bản thân Đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng nghiên cứu, viết nhiều bài lý luận quan trọng, về các vấn đề lý luận mới, phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau. Đơn cử, khi là Trưởng Ban Xây dựng Đảng, Đồng chí viết bài: “Đảng viên có được làm kinh tế tư nhân không?” (Tạp chí Cộng sản, số tháng 9-1988) - một chủ đề khi đó được coi là rất “nhạy cảm” - song được tác giả phân tích toàn diện, sâu sắc, luận giải bằng cơ sở lý luận chặt chẽ, chiều sâu, từ góc nhìn đa ngành xây dựng Đảng, kinh tế chính trị để đưa ra những quan điểm mới: “Trong điều kiện ngày nay, cần hiểu khái niệm bóc lột một cách khác hơn, đúng hơn”; “Phải chăng đảng viên không được làm giàu? Phải chăng đảng viên cứ ngồi ôm bụng chịu đói...? Không, hoàn toàn không phải như vậy”(6), từ đó “có thể cho phép đảng viên được làm kinh tế tư nhân ở một phạm vi nhất định và dưới những hình thức thích hợp”(7), bởi “đảng viên có thể phát huy được khả năng sản xuất, kinh doanh của mình, làm giàu cho xã hội, làm lợi cho một số người lao động và làm giàu cho cả bản thân. Đó là sự làm giàu chính đáng”(8)... Đây là những quan điểm lý luận đi trước mở đường hết sức tiến bộ lúc bấy giờ.
Từ đầu năm 1989, Tạp chí Cộng sản mở chuyên mục: “Chủ nghĩa xã hội: nhìn lại và đổi mới” đăng một loạt bài chuyên sâu về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, về đặc điểm và những nội dung - nhiệm vụ cơ bản của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, về những mâu thuẫn và mâu thuẫn chủ yếu trong thời kỳ quá độ... góp phần tích cực vào việc tạo dựng hệ thống quan điểm lý luận phục vụ trực tiếp cho việc chuẩn bị Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) của Đảng. Giai đoạn này, Tạp chí Cộng sản đã có những đổi mới về cả nội dung, hình thức; các bài viết giảm tính kinh viện, bám sát các vấn đề của cuộc sống, “lý luận gắn chặt với thực tiễn”. Đây cũng là nguyên tắc được Đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn quán triệt trong nghiên cứu lý luận, xem đó là “nguyên tắc tối cao của lý luận cách mạng; nguyên tắc cao nhất trong hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước”(9).
Trong bối cảnh đó, Đồng chí Nguyễn Phú Trọng viết bài: “Kinh tế thị trường và nền chính trị dân chủ ổn định” (Tạp chí Cộng sản, số tháng 8-1991), khẳng định: “Muốn thực hiện đổi mới thành công, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội một cách đúng đắn và có hiệu quả, nhất thiết phải phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước và thực hành một nền chính trị dân chủ, ổn định. Đây chẳng những là một nội dung, yêu cầu của công cuộc đổi mới, mà còn là con đường, là phương thức đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”(10). Đồng thời, bài viết phân tích sáng rõ nội hàm nền kinh tế thị trường, tính tất yếu phát triển nền kinh tế thị trường; về dân chủ xã hội chủ nghĩa, đổi mới chính trị... Có thể nói, đây đều là những vấn đề lý luận căn cốt, song khi đó còn mới, chưa được nghiên cứu và đề cập mang tính hệ thống. Việc dự báo và nghiên cứu từ rất sớm, lại là những vấn đề lý luận quan trọng, sau này đều được các văn kiện của Đảng chính thức sử dụng, cho thấy tố chất, tầm nhìn, sự nhạy bén khoa học, chính trị, bản lĩnh và năng lực nghiên cứu lý luận của Đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Điều đó cũng thể hiện Đồng chí luôn trăn trở và quyết tâm thực hiện để làm sao lý luận phải gánh vác được sứ mệnh đi trước dẫn đường, tránh sự lạc hậu, theo đuôi thực tiễn như “anh hề đồng lóc cóc chạy theo cỗ xe tam mã”. Với sự phát hiện, quan tâm, định hướng, dìu dắt của các đồng chí lãnh đạo đi trước, nỗ lực mạnh dạn tự đào sâu nghiên cứu, viết bài về những vấn đề lý luận lớn, mới, khó như vậy đã giúp trình độ nghiên cứu lý luận của Đồng chí được nâng tầm nhanh hơn, vững vàng hơn.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức, cũng như trực tiếp viết bài đấu tranh trên địa hạt tư tưởng, lý luận, thực hiện một trong những sứ mệnh quan trọng của Tạp chí Cộng sản ngay từ khi mới ra đời. Công tác nghiên cứu lý luận gắn chặt với đấu tranh lý luận, ngay trong từng bước nghiên cứu, một cách chủ động, sắc bén, liên tục và bền bỉ. Nhiều cuộc đấu tranh tư tưởng, tuyến bài đấu tranh tư tưởng ở tầm lý luận của Tạp chí có tiếng vang rất lớn trong lịch sử công tác tư tưởng của Đảng. Một trong những bài chiến luận mẫu mực của Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là bài viết “Vì sao Đảng ta kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin?” (Tạp chí Cộng sản, số tháng 9-1995). Bài viết thể hiện trình độ rất cao về bút pháp, bút lực, tính chiến đấu, được xây dựng trên nền tri thức lý luận hết sức sâu rộng, sắc bén, đã bẻ gãy những luận điệu bài bác, xuyên tạc, qua đó bảo vệ tính cách mạng triệt để, khoa học và nhân văn sâu sắc của chủ nghĩa Mác - Lê-nin bằng lý luận đanh thép: “Với linh hồn sống là phép biện chứng duy vật, với hòn đá tảng kinh tế là học thuyết giá trị thặng dư, với những phát kiến vĩ đại về chủ nghĩa duy vật lịch sử mà nội dung cơ bản là lý thuyết hình thái kinh tế - xã hội, vai trò lịch sử của giai cấp công nhân..., chủ nghĩa Mác - Lê-nin cho đến nay vẫn là đỉnh cao của trí tuệ loài người, là khoa học chính xác và hoàn bị, chưa có gì thay thế được”(11).
Chính những hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức và trực tiếp nghiên cứu, viết bài thường xuyên, không ngừng đào sâu suy nghĩ, khai phá các vỉa tầng tri thức lý luận trong thời gian dài công tác tại Tạp chí Cộng sản đã góp phần rèn luyện nên một nhà lý luận xuất sắc của Đảng ta.
Sau này, trên các cương vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong đó có giai đoạn là Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách trực tiếp công tác lý luận của Đảng, Đồng chí tiếp tục có đóng góp quan trọng vào công tác lý luận của Đảng. Đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo việc triển khai nghiên cứu, tổng kết, chuẩn bị cơ sở khoa học, thực tiễn và nội dung các vấn đề bổ sung, phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011); trực tiếp tham gia hoặc chủ trì xây dựng Văn kiện Đại hội IX, X, XI, XII, XIII, XIV của Đảng... Đặc biệt, Đồng chí Nguyễn Phú Trọng có công lao to lớn trong việc hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới ở Việt Nam, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nhiều vấn đề lý luận mang đậm dấu ấn của Đồng chí, như định hướng xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; lý luận xây dựng, chỉnh đốn và bảo vệ Đảng; các mối quan hệ lớn phản ánh các quy luật mang tính biện chứng, những vấn đề lý luận cốt lõi về đường lối đổi mới của Đảng ta; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; dân chủ xã hội chủ nghĩa... Trong đó, nhiều nội dung quan trọng đã được Đồng chí nung nấu, ấp ủ nghiên cứu, manh nha ý tưởng hoặc đã định hình những nội dung cốt yếu ngay từ khi công tác tại Tạp chí Cộng sản.
Là nhà báo trưởng thành từ tác nghiệp những công việc thông thường nhất của cán bộ tư liệu, biên tập viên đến trở thành người lãnh đạo cao nhất của Tạp chí Cộng sản, dành trọn tuổi trẻ của mình cho nghề báo, Đồng chí Nguyễn Phú Trọng thấu hiểu công việc làm tạp chí, nhất là làm tạp chí lý luận. Bản thân Đồng chí cũng chính là tấm gương không ngừng luyện rèn bút lực để trở thành cây bút chính luận mẫu mực, định hình một phong cách viết chính luận riêng có. Sau này, dù không còn trực tiếp làm tạp chí, song Đồng chí vẫn thường trực những tâm huyết, trăn trở đối với nền báo chí nước nhà, nhất là với Tạp chí Cộng sản, nơi Đồng chí có thời gian gắn bó và công tác lâu nhất.
Đồng chí thường căn dặn Tạp chí Cộng sản phải “đúng vai, thuộc bài”, giữ vững tôn chỉ, mục đích là cơ quan lý luận chính trị của Đảng, tức là giữ vững cốt cách, phẩm chất chính luận, tuyệt đối tránh “học thuật hóa” hay “báo hóa” tạp chí: Tránh cả hai khuynh hướng, hoặc “sa vào nghiên cứu những vấn đề lý luận thuần túy, thích đăng những bài có tính học thuật, hoặc ngược lại, nhấn mạnh quá đáng yêu cầu phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị, hạ thấp chất lượng lý luận của bài, đăng cả những bài mà lẽ ra thuộc chức năng của báo hằng ngày”(12) và “Tạp chí Cộng sản cần tập trung thực hiện chức năng, nhiệm vụ chính của mình, không làm thay, làm lấn sang việc của cơ quan khác”(13). Tạp chí lý luận chính trị phải gánh vác chức năng mang tính tổng hợp, bao gồm cả nghiên cứu lý luận, giáo dục lý luận và tuyên truyền lý luận; cán bộ công tác tại tạp chí lý luận chính trị của Đảng cần phấn đấu hội đủ phẩm chất của nhà lý luận, nhà khoa học và nhà báo.
Hiểu thấu ngọn ngành công việc nghiên cứu, viết lý luận, Đồng chí từng chia sẻ: “Sự nghiệp lý luận khó lắm, khó vô cùng”, “viết một bài báo đã khó, viết một bài lý luận lại càng khó”, đồng thời dẫn lại lời căn dặn của cố Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng: “Vì vậy, phải lo rèn luyện, rèn luyện công phu. Phải công phu nhiều lắm. Mỗi người phải công phu tự rèn luyện mình”(14). Mỗi tác phẩm báo chí lý luận là một sản phẩm kết tinh quá trình lao động sáng tạo tâm huyết và rất công phu. Phải dụng công mới có “đứa con tinh thần” chất lượng. Phải đo thời gian bằng nhiều tháng, năm nghiền ngẫm, thai nghén, đau đáu, nghiên cứu, tích lũy tri thức và viết, “phải tích lũy thế nào mới viết được. Tằm chín đến độ nào mới nhả tơ được...(15), chưa kể phải có tư duy sắc sảo và bút lực mạnh, có phong cách riêng - những yếu tố thuộc về năng khiếu thiên bẩm riêng có của mỗi người và trải qua quá trình rèn bút nghiêm khắc - thì mới mong có được bài lý luận chính trị chất lượng.
Các bài báo lý luận của Đồng chí Nguyễn Phú Trọng có bố cục chặt chẽ, cân đối, vững vàng, lập luận chắc chắn, lô-gíc, văn phong chính luận đĩnh đạc, trong sáng. Viết về những vấn đề lý luận lớn, song cách viết và ngôn ngữ dễ hiểu, không “đao to, búa lớn”, lại càng không lạm dụng “tầm chương trích cú” kinh điển nặng nề, mà trích dẫn rất “đắt”, tinh tế, chọn lọc. Trong khi đó, những bài đấu tranh tư tưởng của Đồng chí lại có tính chiến đấu cao, lý luận sắc bén, ngôn ngữ đanh thép, lập trường nhất quán. Đồng chí rất coi trọng việc đi thực tế, làm việc với cơ sở, để tổng kết thực tiễn ở tầm lý luận, để những vấn đề lý luận luôn được minh chứng bằng những chất liệu thực tiễn sống động, không phải “lý luận suông”. Tấm gương mẫu mực và những lời căn dặn của Đồng chí Nguyễn Phú Trọng về công tác của Tạp chí chính là kim chỉ nam đối với mỗi cán bộ, biên tập viên của Tạp chí Cộng sản. Tấm gương sáng ngời ấy cũng để lại những bài học quý về luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích của tạp chí lý luận chính trị của Đảng, về xây dựng hệ bài viết chính luận rường cột của Tạp chí có chất lượng cao, với cách thức thực hành lao động sáng tạo tác phẩm chính luận mẫu mực, phát hiện, lựa chọn và luận giải những vấn đề lý luận chính trị lớn, đang bức thiết đặt ra trong thực tiễn và trong công tác lý luận. Tác phong công tác, nếp sinh hoạt chuyên môn khởi xướng từ thời Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, đến nay vẫn được kế thừa, duy trì và phát triển ở “ngôi nhà” Tạp chí Cộng sản.
Tạp chí Cộng sản góp phần hun đúc phẩm chất của người chiến sĩ cộng sản kiên cường đấu tranh không khoan nhượng với thói hư, tật xấu, tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Trong cuộc sống hằng ngày, cũng như trong tư tưởng các bài viết của Đồng chí Nguyễn Phú Trọng khi công tác tại Tạp chí Cộng sản đều toát lên hình ảnh một con người liêm khiết, trong sạch, bình dị, đức độ, công - tư phân minh, là hiện thân của đạo đức cách mạng. Sự liêm khiết cũng đồng nghĩa với sự nghiêm khắc, không nhượng bộ với vi phạm nguyên tắc, không khoan nhượng với thói hư, tật xấu. Sự chuẩn mực và giữ vững các nguyên tắc trong công việc, cuộc sống là tính cách trước sau không đổi ở Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, từ khi còn là tập sự cho đến khi là người lãnh đạo cao nhất Tạp chí Cộng sản. Đồng chí luôn nghiêm khắc, tự khép mình vào kỷ luật, đồng thời nhẹ nhàng nói điều hay lẽ phải để uốn nắn đồng chí, đồng nghiệp vào kỷ cương. Tài sản công là xương máu của nhân dân, đã là của công thì tuyệt đối không một ai được tơ hào, dù chỉ “một đồng, một cắc”.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là người có công lớn đưa chuyên mục “Sinh hoạt tư tưởng” trở thành một thương hiệu của Tạp chí Cộng sản. Đây là chuyên mục, thể loại riêng có của Tạp chí, sử dụng lối viết trào phúng, dí dỏm, nhưng thâm thúy để phê bình, đả kích, cảnh báo thói hư, tật xấu trong nội bộ Đảng. Mặc dù ngắn, song đây lại là thể loại khó, khá kén người viết, đòi hỏi cái “duyên viết” của mỗi tác giả. “Sinh hoạt tư tưởng” trở thành nơi gửi gắm tâm tư, quan điểm, thái độ đấu tranh không khoan nhượng của Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đối với thói hư, tật xấu, tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ, với nhiều bút danh như Người xây dựng, Trọng Nghĩa, Hà Phương... Nhiều bài viết đến nay vẫn giữ nguyên giá trị, đề cập và phê phán các tệ nạn: ghen ghét, kèn cựa, móc ngoặc, tệ ăn cắp của công, lãng phí, ăn gian làm dối, hối lộ, ức hiếp quần chúng, nịnh và ưa nịnh, dân chủ hình thức, thói ba phải, tệ cánh hẩu..., như: Tre già yêu lấy măng non (Tạp chí Cộng sản, số tháng 9-1973), Bệnh sợ trách nhiệm (Tạp chí Cộng sản, số tháng 11-1973), Tình đồng chí (Tạp chí Cộng sản, số tháng 10-1979), Phán (Tạp chí Cộng sản, số tháng 7-1981), Chức vụ và uy tín (Tạp chí Cộng sản, số tháng 2-1984), “Làm xiếc” (Tạp chí Cộng sản, số tháng 6-1985)... Lối viết “Sinh hoạt tư tưởng”, ngoài việc phê phán trực diện, cũng dùng lối phê phán bằng luận bàn, ngôn ngữ trung tính hơn, nhưng có sức nặng không kém.
Cùng với “Sinh hoạt tư tưởng”, Đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng đặc biệt chú trọng các bài viết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, với số lượng và chất lượng bài nhiều nhất so với các lĩnh vực khác. Đây vừa là nhiệm vụ chuyên môn khi công tác ở Ban Xây dựng Đảng, đồng thời cũng là tâm huyết, thế mạnh, sở trường của Đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Đồng chí nhận thức nhất quán, “sự lãnh đạo của Đảng là vấn đề có tính nguyên tắc, là quy luật khách quan của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”(16), do đó, cần quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bởi đây là “nhân tố cực kỳ quan trọng”, là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với cách mạng nước ta. Sự quan tâm đó sớm thể hiện trí tuệ mẫn tiệp và trách nhiệm chính trị “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu” (lo trước cái lo của thiên hạ) của một nhà lãnh đạo lớn của Đảng.
Phần lớn bài viết là bài chuyên luận đề cập thẳng các vấn đề căn cốt nhất của công tác xây dựng Đảng, có giá trị lý luận và thực tiễn cao, đặc biệt có những phát hiện mới, đề xuất mang tính đột phá, như các bài viết: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng (Tạp chí Cộng sản, số tháng 8-1986), Nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng (Tạp chí Cộng sản, số tháng 10-1990), Để đảm bảo dân chủ trong Đảng (Tạp chí Cộng sản, số tháng 11-1990); Đảng cầm quyền: Quan niệm và phương thức lãnh đạo (Tạp chí Cộng sản, số tháng 8-1992)... Nhiều bài viết đến nay như vẫn còn giữ nguyên “sức nóng” đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Với phẩm chất đạo đức trong sáng, liêm khiết và tinh thần của người cộng sản chân chính, ngọn lửa đấu tranh với thói hư, tật xấu, tham nhũng, tiêu cực luôn được giữ trong ý chí, quyết tâm của Đồng chí. Cho đến khi đứng mũi chịu sào trở thành người lĩnh xướng, là hạt nhân, linh hồn của cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm” đầy cam go, thử thách, ngọn lửa ấy đã cháy bùng lên với những quyết sách mạnh mẽ chưa từng có, đầy dũng khí, quyết liệt, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” và đã “trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”, vì uy tín, thanh danh của Đảng, vì sự tồn vong của chế độ, để lại những dấu ấn sâu đậm không thể phai mờ theo năm tháng.
Có thể nói, Tạp chí Cộng sản chính là nơi chắp cánh cho những hoài bão, vun bồi cho những phẩm chất quý của Đồng chí Nguyễn Phú Trọng ngày càng hoàn thiện, chuẩn bị hành trang vững vàng để sau này, Đảng ta có được một nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, dạn dày kinh nghiệm, trí tuệ uyên bác, gánh vác việc giang sơn, kế tục xứng đáng thành tựu của các thế hệ tiền bối, cùng với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam cập bến bờ vinh quang, đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, để “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Đảng ta, đất nước ta tự hào có một nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, đức độ, kế tục xứng đáng những thành tựu của các bậc tiền bối, là tấm gương mẫu mực trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ở Đồng chí Nguyễn Phú Trọng có sự hòa quyện giữa tư tưởng, đạo đức và phong cách; giữa lý luận và thực tiễn; giữa tri và hành; giữa lời nói và việc làm..., suốt đời tận tâm, tận lực, tận hiến cho Đảng, cho nước, cho dân, luôn đau đáu khát vọng làm cho đất nước phồn vinh, dân tộc cường thịnh, trường tồn.
Các thế hệ cán bộ, nhân viên Tạp chí Cộng sản cũng rất đỗi tự hào có một người đồng nghiệp, đồng chí, người Thầy, một Tổng Biên tập tài năng, trưởng thành từ Tạp chí Cộng sản để rồi trở thành một nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc đứng đầu Đảng ta, Nhà nước ta.
Những trang sử vàng của Đảng, của dân tộc và của lòng dân sẽ mãi khắc ghi công lao và tên tuổi Đồng chí!
Trang sử vàng truyền thống vẻ vang gần 100 năm của Tạp chí Cộng sản cũng sẽ mãi lưu danh Đồng chí!
Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn tâm đắc và không ít lần nghẹn ngào, xúc động nhắc lại câu nói của người cộng sản trẻ tuổi Pa-ven Coóc-xa-gin, nhân vật trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nga Ni-cô-lai Ô-xtơ-rốp-xki: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí...”(17).
Tôi luyện qua nhiều môi trường công tác, trong đó có Tạp chí Cộng sản, và khi “thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, lúc đó thép trở nên không hề biết sợ”(18), cuộc đời Đồng chí cũng chính là một minh chứng sáng ngời của “thép đã tôi thế đấy”, bền bỉ cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta bằng một tinh thần thép, ý chí thép đến hơi thở cuối cùng, “để đến khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người, mang lại hạnh phúc cho nhân dân”(19)./.
--------------------------------------------
(1) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2024, tr. 652
(2), (3) Nguyễn Phú Trọng: “Vì sao Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã?”, Tạp chí Cộng sản, tháng 4-1992, tr. 122
(4) Lê Hữu Nghĩa: “Đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Nhà lý luận xuất sắc của Đảng, tấm gương đạo đức sáng ngời”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 22-7-2024
(5) Nguyễn Ngọc Hà: “Đồng chí Đào Duy Tùng với Tạp chí Cộng sản”, Tạp chí Cộng sản, số 1038, tháng 5-2024, tr. 62
(6), (7), (8): Nguyễn Phú Trọng: “Đảng viên có được làm kinh tế tư nhân không?”, Tạp chí Cộng sản, tháng 9-1988, tr. 17, 18, 18
(9): Lê Hữu Nghĩa: “Đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Nhà lý luận xuất sắc của Đảng, tấm gương đạo đức sáng ngời”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 22-7-2024
(10) Nguyễn Phú Trọng: “Kinh tế thị trường và nền chính trị dân chủ ổn định”, Tạp chí Cộng sản, tháng 8-1991, tr. 19
(11) Nguyễn Phú Trọng: “Vì sao Đảng ta kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin?”, Tạp chí Cộng sản, số 11, tháng 9-1995, tr. 33
(12), (13), (14) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Sđd, tr. 576, 660, 577
(15): Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Sđd, tr. 655
(16) Nguyễn Phú Trọng: “Phát huy những truyền thống tốt đẹp của Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước”, Tạp chí Cộng sản, số 1-1990, tr. 4
(17), (18), (19): Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025
Tình cảm của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân với đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  (07/09/2024)
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới  (30/08/2024)
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới  (30/08/2024)
Chương trình chính luận nghệ thuật “Sao Độc lập 2024” năm thứ IX với chủ đề: “Lời Bác - Lời của non sông”  (24/08/2024)
Chương trình chính luận nghệ thuật “Sao Độc lập 2024” năm thứ IX với chủ đề: “Lời Bác - Lời của non sông”  (24/08/2024)
Đoàn công tác Tạp chí Cộng sản thăm và làm việc tại Singapore  (24/08/2024)
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên