Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một nhà lãnh đạo mẫu mực
Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in về ấn tượng của mình sau khi được nghe báo cáo viên báo cáo chuyên đề “Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân”. Đó là khoảng năm 1990, khi ấy tôi vừa tốt nghiệp đại học, chuyên ngành kinh tế chính trị, mới được nhận vào công tác tại Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Năm đó, thế giới bắt đầu chứng kiến những rung lắc, chấn động, dẫn tới sự sụp đổ chế độ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu. Còn trong nước, cuộc sống vẫn rất khó khăn, thiếu thốn. Một chủ đề vốn bị cho là “khô khan” lại được trình bày trong bối cảnh như vậy thường sẽ khó hấp dẫn, thu hút người nghe. Nhưng thật bất ngờ, bài thuyết trình nghe rất hay và hấp dẫn từ đầu đến cuối. Hay bởi cách trình bày, lý giải đầy sức thuyết phục, tâm huyết của báo cáo viên. Vì vào muộn nên tôi không kịp nghe giới thiệu, cuối buổi, tôi mới biết được đó là đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Xây dựng Đảng của Tạp chí Cộng sản.
Sau này khi chuyển về công tác tại Ban Tạp chí Cộng sản điện tử của Tạp chí Cộng sản, tôi và một cán bộ của Ban có may mắn được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi đó là Chủ tịch Quốc hội, nhận trả lời phỏng vấn. Một chi tiết “bên lề” nội dung phỏng vấn mà tôi “ghim” lại để cố gắng thực hành trong suốt thời gian cầm bút viết và biên tập bài, đó là tính cẩn thận, chu đáo, tinh tế, không đưa ra sự so sánh dễ dẫn đến những suy diễn, hiểu lầm.
Hôm ấy, sau khi trả lời phỏng vấn xong, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã nói, khi nào bài phỏng vấn được biên tập, hoàn thiện thì chuyển lại để Đồng chí đọc. Đồng chí cũng nhấn mạnh, phải nhớ là trong bài không đưa ra những so sánh, chẳng hạn như, những năm gần đây (tôi hiểu ý là những năm Chủ tịch Quốc hội bắt đầu nhiệm kỳ của mình) đạt được những thành tựu nổi bật hơn những năm trước. Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở như vậy bởi trong số các câu hỏi của chúng tôi có câu thể hiện ý hỏi mang tính so sánh những năm này với những năm trước. Chủ tịch Quốc hội giải thích, không nên nói như vậy, bởi thành quả đạt được hôm nay là sự kế thừa từ những năm trước. Chúng tôi hứa sẽ biên tập cẩn thận, không phạm “những lỗi đó” và chào Chủ tịch Quốc hội ra về. Thế mà, vừa bước ra khỏi phòng, cánh cửa vừa khép lại, đã thấy trợ lý của Chủ tịch chạy theo và dặn đừng quên những gì Chủ tịch vừa nhắc nhé. Tính cẩn thận, tinh tế, khiêm nhường, chu toàn trước sau của Tổng Bí thư thực sự gây ấn tượng mạnh mẽ đối với chúng tôi.
Vì được “là người nhà” - công tác ở cơ quan cũ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nên tôi có vinh dự được trực tiếp nghe Tổng Bí thư nói chuyện, dặn dò trong những lần được gặp Tổng Bí thư ở Văn phòng Tổng Bí thư và khi Tổng Bí thư về thăm Tạp chí Cộng sản. Có lẽ câu nói, lời dặn dò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với Tạp chí Cộng sản mà tất cả những cán bộ công tác tại đây đều nhớ, đều thấm hiểu, đó là “sắm đúng vai, học thuộc bài”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giải thích rằng: “Sắm đúng vai” là phải hiểu rõ tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của Tạp chí; “thuộc bài” là phải hiểu rõ, thực hành đúng chức năng, nhiệm vụ đó, hiểu rõ đâu là sở trường, sở đoản của mình, cái gì mình cần phải làm thì tập trung làm cho tốt và cái gì thì không nhất thiết phải làm vì không thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh rằng, nói nghe thì đơn giản vậy, nhưng để thực sự hiểu rõ “vai” của mình, rồi thuộc và làm đúng “vai” không dễ dàng chút nào, nên phải luôn học, luôn ngẫm và luôn nhớ. Trong bối cảnh báo chí, các phương tiện truyền thông phát triển mạnh, đa dạng như hiện nay, lời dặn dò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn là “kim chỉ nam” để Tạp chí Cộng sản khẳng định vai trò, thế mạnh, uy tín, vị thế, thương hiệu đã được xây đắp qua chiều dài lịch sử gần 95 năm của mình.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người lãnh đạo điềm đạm, có phong thái ung dung, tự tại, khiêm nhường, khi tiếp chuyện luôn chăm chú lắng nghe, lúc nói chuyện lại hết sức từ tốn, dung dị. Ở Tổng Bí thư luôn toát lên sự uy nghiêm của một người giàu nội lực, kiên cường, bản lĩnh, ý chí và nguyên tắc, tạo cho người xung quanh sự gần gũi, thoải mái, nhưng vô cùng kính trọng, nể phục. Có lẽ vì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người như vậy nên phu nhân và các con của Tổng Bí thư đều “ngấm chất” đó. Kính yêu, kính trọng, nể phục và tự hào. Tổng Bí thư luôn “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” dù ở bất cứ cương vị, vị trí lãnh đạo nào, cho đến lúc đảm nhận các vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng. Các thành viên trong gia đình luôn học tập, noi theo, giữ cuộc sống giản dị, hòa đồng, đầy tính trách nhiệm, phụng sự.
Xin được kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tất cả sự khâm phục và vô cùng kính trọng!
Xin được chia buồn sâu sắc cùng gia đình Tổng Bí thư./.
Nhớ về đồng chí Nguyễn Phú Trọng!  (31/07/2024)
Đồng chí Vũ Xuân Kiều: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm rất tốt việc “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”  (30/07/2024)
Nhân dân cả nước tiếc thương, tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nơi an nghỉ cuối cùng  (27/07/2024)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay