Đổi mới sáng tạo ở Việt Nam hiện nay
TCCS - Hiện nay trên thế giới, đổi mới sáng tạo được đánh giá là một trong những chỉ số phát triển quan trọng, là yếu tố định hướng trung tâm phát triển của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nằm trong những quốc gia có quyết tâm cao về đổi mới sáng tạo, Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện các yếu tố thúc đẩy đổi mới sáng tạo hiệu quả.
Về đổi mới sáng tạo
Thực tế phát triển của các nền kinh tế lớn trên thế giới cho thấy, việc thực hiện các chuyển đổi về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ trực tiếp làm thay đổi diện mạo của nền kinh tế. Giai đoạn những năm 90 của thế kỷ XX, khi khoa học - công nghệ được xem là một yếu tố quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, thì đổi mới sáng tạo cũng được hiểu là đổi mới sáng tạo của khoa học - công nghệ, là một tiến trình trong những phân đoạn khác nhau của phát triển khoa học - công nghệ(1), mà cụ thể là các hoạt động tập trung vào việc nghiên cứu, phát triển các phát minh, sáng chế về công nghệ. Theo học giả Giô-xép Xchăm-pi-tơ (Joseph Schumpeter), đổi mới sáng tạo đề cập đến quá trình đưa ra các sáng tạo mới, sản phẩm mới, các phương pháp sản xuất mới, mở ra thị trường mới, phát triển các nguồn cung cấp nguyên vật liệu mới và tạo ra cấu trúc thị trường mới nhằm nâng cao chất lượng của sản xuất hàng hóa, dịch vụ(2). Sau này, các quan niệm về đổi mới sáng tạo có sự chuyển biến sang hướng ứng dụng nhiều hơn, như quan điểm của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) năm 2005: “Đổi mới sáng tạo là việc thực thi một sản phẩm (hàng hóa/dịch vụ) hoặc một quy trình mới hoặc được cải tiến đáng kể, một phương pháp marketing mới, hay một biện pháp mới mang tính tổ chức trong thực tiễn hoạt động, trong tổ chức công việc hay trong quan hệ với bên ngoài”(3).
Như vậy, đổi mới sáng tạo đề cập đến tiến trình phát triển các hoạt động nghiên cứu, phát triển các phát minh, sáng chế về công nghệ gắn liền với vai trò của các trung tâm nghiên cứu, các cơ sở đào tạo, những phát minh, sáng chế, nguồn nhân lực và quá trình sử dụng, tương tác, thực hiện các sáng tạo công nghệ trên thực tiễn gắn với vai trò của các doanh nghiệp và các thể chế xoay quanh sự vận hành của các doanh nghiệp, bao gồm hệ thống chính sách, thể chế tài chính, kết cấu hạ tầng giáo dục, truyền thông và các điều kiện của thị trường. Bên cạnh đó, đổi mới sáng tạo còn bao hàm chính sách và chiến lược công nghệ nhằm định hướng và phát huy vai trò của các yếu tố trên để đạt được mục đích nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, hoàn thiện kỹ năng của người lao động và tối đa hóa hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội.
Việc đánh giá hiệu quả đổi mới sáng tạo được dựa trên các chỉ số đổi mới sáng tạo (Global Innovation Index - GII)(4). Các chỉ số này tập trung vào ba nhóm chỉ số, bao gồm: GII tổng thể, GII đầu vào và GII đầu ra của đổi mới, mà cụ thể là các yếu tố đầu vào về thể chế, nguồn nhân lực và hoạt động nghiên cứu, kết cấu hạ tầng, sự chuyên nghiệp của thị trường, mức độ hoàn thiện của doanh nghiệp và yếu tố đầu ra là kết quả của thành tựu đổi mới gồm kết quả nghiên cứu khoa học và thành quả sáng tạo tri thức cũng như công nghệ(5).
Nhìn vào cục diện phát triển kinh tế thế giới hiện nay, các quốc gia phát triển, như Thụy Sỹ, Thụy Điển, Mỹ, Anh, Xin-ga-po, Phần Lan, Đức(6) đều là những nền kinh tế đứng đầu về các chỉ số đổi mới sáng tạo. Cùng với đó là sự ảnh hưởng từ các doanh nghiệp công nghệ của các quốc gia phát triển đối với nền kinh tế thế giới(7). Các tập đoàn công nghệ lớn, như Amazon, Google Apple, Facebook, Apple, AT&T, Walmart (Mỹ), ICBC, Ping An, Huawei, China Construction Bank, Wechat (Trung Quốc), Toyota (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Mercedes-Benz, Volkswagen (Đức), Saudi Aramco (A-rập Xê-út), Shell (Hà Lan),... vốn có giá trị thương hiệu lớn, ứng dụng các công nghệ cao cùng tốc độ phát triển nhanh chóng ngày càng mở rộng và chi phối không chỉ nền kinh tế quốc gia, mà còn trên toàn thế giới. Đây là một trong những minh chứng cho thấy, sự phát triển của khoa học - kỹ thuật dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) đã kết nối toàn cầu thành một thế giới phẳng và giúp con người giải quyết các vấn đề khủng hoảng kinh tế, di cư quốc tế, an ninh toàn cầu, biến đổi khí hậu, dịch bệnh nảy sinh trong sự phát triển ngày nay; đồng thời, mở ra cơ hội cho các nước kém phát triển hơn có thể học tập ứng dụng, sáng tạo công nghệ của các nước “đi trước”, hạn chế các phát sinh chi phí rủi ro bằng việc khắc phục những hạn chế của các quốc gia đi trước nhằm phát triển năng lực, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong nước.
Chìa khóa vượt qua thách thức
Nhìn một cách khách quan, toàn cầu hóa về công nghệ gắn liền với toàn cầu hóa về kinh tế, tính chất khoa học - công nghệ thâm nhập sâu, rộng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, nếp sống của con người. Đây là xu hướng phát triển hiện nay và xu hướng này sẽ tiếp tục tác động đến kinh tế - xã hội các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), trong ba năm liên tiếp (2019 - 2021), Việt Nam đã có nhiều tiến bộ vượt bậc về chỉ số đổi mới sáng tạo, là quốc gia đứng đầu nhóm 30 quốc gia có thu nhập trung bình thấp về đổi mới sáng tạo và giữ vị trí thứ 42/131 nền kinh tế được nghiên cứu, đánh giá về đổi mới sáng tạo năm 2020; vị trí thứ 44/132 nền kinh tế năm 2021, trong đó Việt Nam có vị trí cao hơn Ấn Độ (48) và Phi-líp-pin (50)(8). Trong khi các nước khác trong khu vực thuộc nhóm có thu nhập trung bình cao, chỉ có chỉ số GII của Trung Quốc xếp vị trí thứ 14 trong tốp 20 quốc gia có GII cao nhất thế giới.
Theo số liệu thống kê năm 2020, chỉ số đầu vào đổi mới sáng tạo dựa theo năm chỉ số: về thể chế môi trường chính trị, pháp luật, kinh doanh, Việt Nam xếp thứ 83/131 quốc gia về đổi mới sáng tạo; về nguồn nhân lực và hoạt động nghiên cứu (giáo dục, giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ) xếp thứ 79; về kết cấu hạ tầng (công nghệ thông tin và truyền thông, hạ tầng chung, năng lượng sinh thái) xếp vị trí thứ 73; về sự chuyên nghiệp của thị trường (tín dụng, đầu tư, thương mại và cạnh tranh) có thứ hạng cao hơn, xếp thứ 34 và chỉ số mức độ hoàn thiện của các doanh nghiệp (nhân lực tri thức, liên kết đổi mới, khả năng hấp thụ kiến thức) ở vị trí thứ 39. Tổng thể đầu vào đổi mới sáng tạo là 62/131. Trong khi đó, chỉ số đầu ra là kết quả của các hoạt động đổi mới của Việt Nam được đánh giá khá cao với vị trí xếp hạng lần lượt là 37 về kết quả khoa học (tài sản vô hình, hàng hóa, dịch vụ sáng tạo, sáng tạo trực tuyến) và thứ 38 về thành quả sáng tạo tri thức, công nghệ (sáng tạo, tác động và phổ biến các tri thức).
Nhìn chung, theo đánh giá của WIPO, Việt Nam có hai năm liên tiếp đứng vị trí thứ 42 (năm 2019, 2020) và thứ 44 trong năm 2021 về đổi mới sáng tạo. Việt Nam cùng với một số quốc gia khác, như Kê-ni-a, Ấn Độ, cũng được ghi nhận là quốc gia đạt được thành tựu sáng tạo trong 10 năm liên tiếp từ 2011 - 2020, nhất là những đổi mới sáng tạo trong nhóm chỉ số về thị trường và doanh nghiệp(9). Việt Nam cũng là quốc gia đứng đầu trong những nước đạt được thành tựu đổi mới vào năm 2020 ở nhóm 29 nền kinh tế có mức thu nhập trung bình. Các chuyên gia nhận định, với xuất phát điểm là các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, những kết quả mà Việt Nam, U-crai-na, Phi-líp-pin và Ấn Độ đạt được về đổi mới sáng tạo, đang ngày càng phát triển nhanh chóng(10).
Với việc tiếp tục coi đổi mới sáng tạo là một ưu tiên quốc gia, các chỉ số đổi mới sáng tạo làm công cụ đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động của nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều biện pháp đầu tư nâng cao các chỉ số đổi mới, như: xây dựng 40 nền tảng công nghệ số quốc gia trên các lĩnh vực từ nền tảng chia sẻ, tổng hợp, phân tích dữ liệu trong các ngành, họp trực tuyến, thanh toán, định danh đến thiết bị Internet vạn vật (IoT), AI, trợ lý ảo, chuỗi cung ứng. Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ số trong các doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, trường học và các hộ gia đình, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và bảo đảm phần nào duy trì, phục hồi nền kinh tế. Bên cạnh đó, để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đổi mới sáng tạo, Việt Nam đã bước đầu xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo, mạng lưới đổi mới sáng tạo quốc gia tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước với hơn 1.000 thành viên và con số này đang tiếp tục được mở rộng(11). Đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với các khu công nghệ cao được xây dựng, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số sẽ thúc đẩy nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp sáng tạo giữa các cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu và thay đổi quy trình công nghệ, sản xuất, quản lý vận hành doanh nghiệp trên nền tảng số, nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong tương lai. Các biện pháp trên đã giúp Việt Nam giữ vững vị trí dẫn đầu nhóm quốc gia có cùng mức thu nhập. Đặc biệt, chỉ số về trình độ phát triển của thị trường Việt Nam tăng 12 bậc so với năm 2020, từ vị trí thứ 34 lên vị trí thứ 22. Các nhóm chỉ số về thương mại, đa dạng hóa và quy mô thị trường tăng từ vị trí thứ 49 lên vị trí thứ 15 - một sự thay đổi hết sức mạnh mẽ; hay chỉ số đa dạng hóa các ngành trong nước cũng xếp thứ hạng khá cao (9/134 nước).
Một tín hiệu tích cực nữa không thể không đề cập đến, đó là nhóm chỉ số về liên kết đổi mới sáng tạo, chỉ số hợp tác nghiên cứu và phát triển giữa các trường đại học và doanh nghiệp đã tăng vượt bậc, từ vị trí thứ 65 năm 2020 lên vị trí thứ 34 năm 2021. Điều này phản ánh chủ trương gắn lý thuyết với thực tiễn phát triển của Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định. Việt Nam có tiềm năng để phát triển khoa học - kỹ thuật hiện đại. Đồng thời, các chỉ số này phản ánh chiến lược phát triển của Việt Nam đang đi đúng hướng, từ đầu tư nguồn lực đến xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, lao động chất lượng cao.
Có thể nói, đổi mới sáng tạo thông qua khoa học - công nghệ được xem là chìa khóa giúp Việt Nam có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình và sớm thoát khỏi sự lệ thuộc vào công nghệ thấp và nguồn tài nguyên(12), với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 vẫn đạt khoảng 6%/năm (riêng năm 2020 tăng trưởng GDP vẫn đạt 2,91%, là mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới). Quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người tăng lên (năm 2020, GDP đạt 271,2 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người đạt 2.779 USD). Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động tăng từ 4,3%/năm giai đoạn 2011 - 2015 lên khoảng 6%/năm giai đoạn 2016 - 2020(13). Tuy vậy, nhìn tổng thể, mặc dù đã có những bước tiến dài về đổi mới sáng tạo, tăng trưởng kinh tế, nhưng khi đi sâu vào phân tích các chỉ số đổi mới sáng tạo trên bảng đánh giá toàn cầu giữa các nước, những con số này phản ánh rõ nét những điểm hạn chế của Việt Nam trong đổi mới khoa học - công nghệ.
Thứ nhất, các chỉ số xếp hạng khoa học của Việt Nam thấp, phản ánh chất lượng đổi mới sáng tạo của Việt Nam chưa cao. Để đánh giá một quốc gia có chất lượng đổi mới tốt nhất, có ba chỉ số được nêu ra, bao gồm: 1- Chỉ số xếp hạng các trường đại học trong nước so với quốc tế; 2- Chỉ số bằng sáng chế nộp tại các cơ quan chuyên môn; 3- Số lượng trích dẫn của các công trình nghiên cứu quốc tế. Tuy nhiên, ở các chỉ số về số lượng trích dẫn của các công trình được công bố quốc tế, Việt Nam lại chưa có tên trong danh sách các nhóm dẫn đầu. Các số liệu GII năm 2020 cho thấy, chỉ số này ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với Ma-lai-xi-a, Thái Lan, các nước trong khu vực Đông Nam Á(14).
Bên cạnh đó, các chỉ số đổi mới của các quốc gia trong khu vực, như Thái Lan dẫn đầu về nghiên cứu và phát triển (R&D), trong khi Phi-líp-pin đạt thứ hạng cao về chỉ số đầu ra sáng tạo và công nghệ, còn Việt Nam là xuất khẩu công nghệ cao. Có một sự khác biệt rõ ràng là việc xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao ở Việt Nam phụ thuộc vào một số nhà máy của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, như Samsung (Hàn Quốc), cốt lõi công nghệ không phải do Việt Nam sáng tạo, vì thế tính gốc của đổi mới sáng tạo chưa chủ động, chưa bảo đảm tính lâu dài. Ngoài ra, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam không chỉ thấp về công tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy so với các nước trên thế giới, mà còn ở khía cạnh xây dựng thương hiệu, Việt Nam cũng chưa có cụm công nghiệp nào được vào danh sách xếp hạng. Các quốc gia đứng đầu về GII đều có điểm chung là tập trung các cụm khoa học và công nghệ cao, như Mỹ hay Trung Quốc lần lượt là 26 và 18 cụm công nghiệp, trong khi chỉ số này ở Việt Nam là 0 mặc dù Việt Nam cũng có thương hiệu lọt vào bảng xếp hạng 5.000 thương hiệu có giá trị trên toàn cầu. Như vậy, vấn đề của Việt Nam là cần tập trung nguồn nhân lực vào nghiên cứu và phát triển để tạo ra nền tảng cốt lõi và độc lập về đổi mới sáng tạo, cũng như cần đặt ưu tiên xây dựng thương hiệu, các cụm công nghiệp công nghệ cao lên hàng đầu.
Thứ hai, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam chưa thực sự bền vững. Theo chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2021, có thể thấy Việt Nam đạt chỉ số cao ở mảng thị trường, đa dạng hóa nguồn nhân lực (22) - những yếu tố linh hoạt và biến động, nhưng lại thấp ở nhóm chỉ số thể chế (83), các phát minh, sáng chế, trong khi đây lại là nhóm định hướng và quyết định hiệu quả của đổi mới sáng tạo. Ngay cả ở phía các doanh nghiệp, mức độ đổi mới sáng tạo cũng tương đối yếu do số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm tỷ lệ lớn là 97%(15), vốn ít, nhân lực không đủ, ngành, nghề quy mô nhỏ, không có tiềm lực để đổi mới công nghệ. Thực tế này phản ánh tăng trưởng kinh tế, đổi mới ở Việt Nam chưa thực sự bền vững. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), các kết quả phát triển của Việt Nam bắt nguồn từ những điều kiện thuận lợi về nhân khẩu học và tái cơ cấu ngành, nhưng động lực này đang giảm dần với sự suy giảm tỷ lệ sinh, già hóa dân số, sự chuyển đổi từ nông nghiệp năng suất thấp sang các ngành sản xuất và dịch vụ cũng giảm. Trong giai đoạn 1996 - 2012, hai yếu tố này chiếm gần 3/4 tốc độ tăng trưởng sản lượng bình quân đầu người của nước ta. Mức sinh giảm mạnh dẫn đến tỷ lệ nhóm dân số phụ thuộc theo độ tuổi cũng giảm nhanh. Trong khi đó, sự chuyển dịch từ nông nghiệp với năng suất thấp sang ngành sản xuất và dịch vụ có năng suất cao hơn. Hai yếu tố này làm cho tốc độ tăng trưởng tiềm năng dài hạn của Việt Nam giảm xuống mức ước tính khoảng 6,5%(16), cũng như các chi phí cao về tài nguyên thiên nhiên và chất lượng môi trường(17), vì thế mô hình tăng trưởng của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 cần đặt trọng tâm vào chất lượng chứ không phải tốc độ tăng trưởng, mà cụ thể là dựa trên sự tích lũy cân bằng và phân bổ các loại vốn khác nhau như vốn sản xuất, vốn nhân lực, vốn tự nhiên kết hợp với đổi mới sáng tạo(18), trong đó đổi mới sáng tạo ở đây cần sự hỗ trợ đổi mới sáng tạo của Nhà nước tập trung vào nâng cao năng lực của doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ và tình hình tài chính của doanh nghiệp khởi nghiệp (cải cách sâu về thể chế và thị trường)(19).
Tóm lại, những thành tựu bước đầu về đổi mới sáng tạo đã góp phần khẳng định những định hướng chiến lược đúng đắn và các biện pháp cụ thể phù hợp của Đảng, Nhà nước để thúc đẩy đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, để khắc phục những điểm hạn chế về đổi mới sáng tạo, Việt Nam cần có nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn nữa.
Về bản chất, sự tăng trưởng kinh tế là do các sáng tạo về khoa học và công nghệ cũng như sự vận hành đồng bộ giữa các yếu tố về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao. Đổi mới sáng tạo thực chất là đề cập đến một hệ thống các yếu tố tổ chức, thể chế, cấu trúc kinh tế - xã hội tương tác lẫn nhau, quy định tốc độ, phương hướng và chất lượng của đổi mới. Do đó, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa đòi hỏi một hệ thống thể chế xã hội mới để phát triển, sử dụng công nghệ mới, cụ thể là việc đổi mới sáng tạo cần được thực hiện với tổng thể các biện pháp kinh tế, xã hội,... để có thể tham khảo, áp dụng, hợp tác và nâng cao chất lượng, lợi ích của các sản phẩm đổi mới sáng tạo; cũng như cần xây dựng một hệ thống hạ tầng kỹ thuật tốt, cơ sở về nhân lực, về thể chế vận hành các kết quả đổi mới sáng tạo; đồng thời, phải tích hợp đẩy mạnh mối quan hệ giữa khoa học và công nghệ từ các cơ sở đào tạo, trường đại học, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, để thực hiện tốt đổi mới sáng tạo cần có sự thống nhất, nhất quán từ tư tưởng chỉ đạo đến sự vận hành của hệ thống chính sách, hệ thống quản trị công, thể chế hợp lý, kết cấu hạ tầng phục vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ một cách hoàn thiện và nguồn nhân lực có khả năng phát huy sáng tạo trong khoa học - công nghệ, đi kèm với các lộ trình cụ thể mang tính khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế của quốc gia. Trong thực hiện nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã xác định mục tiêu cụ thể để xây dựng một xã hội hiện đại hóa và công nghiệp hóa là phải áp dụng khoa học - công nghệ và việc “áp dụng khoa học - công nghệ là động lực cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam”(20). Ở tầm mức cao hơn, để áp dụng khoa học - công nghệ, tư duy đổi mới sáng tạo phải là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt quá trình phát triển không chỉ ở lĩnh vực kinh tế, mà còn ở mọi mặt của đời sống xã hội Việt Nam. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, đổi mới sáng tạo được xác định là nhiệm vụ đột phá chiến lược phát triển của nước ta trong giai đoạn sắp tới. Điều này được cụ thể hóa trong “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030”, được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào ngày 11-5-2022. Chiến lược đã cụ thể hóa tư tưởng chỉ đạo của Đảng về đổi mới sáng tạo, các nội dung được đề cập đến bám sát tiến trình đổi mới sáng tạo trong từng giai đoạn với những đặc trưng riêng. Trong giai đoạn này, Việt Nam xác định phát triển đổi mới sáng tạo cùng với khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược; là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả; là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, địa phương và doanh nghiệp; là nền tảng để thực hiện chuyển đổi số quốc gia, góp phần quan trọng nâng cao đời sống nhân dân, phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh(21). Với việc xác định rõ các định hướng chung về đổi mới sáng tạo, các định hướng, biện pháp cụ thể thúc đẩy, phát triển đổi mới sáng tạo cho từng ngành, lĩnh vực, cũng như xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo theo các cấp độ khác nhau đã khẳng định sự phát triển mạnh mẽ trong tư duy đổi mới của Đảng ta trước những thay đổi của thời đại và điều này tạo cơ sở lý luận cho những chuyển đổi của nền kinh tế trên thực tiễn, mang đến động lực phát triển, hoàn thiện mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển tối đa năng lực của mỗi người và xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
----------------------
(1) Xem: Hoàng Minh và các cộng sự: “Kết quả chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2017: Ý nghĩa và các vấn đề đặt ra”, JSTPM, 2017, t. 6, số 2, tr. 2
(2) Xem: Nguyễn Quỳnh Hoa - Ngô Quốc Dũng: “Sử dụng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu trong đánh giá quá trình phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hiện đại”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 2019, số 10, tr. 7
(3) Xem: “Innovation in Firms: A Microeconomic Perspective” (Tạm dịch: Đổi mới trong các doanh nghiệp: Quan điểm kinh tế vi mô), OECD, 2009, https://www.oecd.org/berlin/44120491.pdf
(4) Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu là một bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực của các hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia do Trường Kinh doanh INSEAD (Pháp) xây dựng; sau đó, được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Đại học Cornell (Mỹ) phát triển, hoàn thiện vào năm 2007
(5) GII đầu vào của đổi mới được đánh giá dựa theo 5 chỉ số chính: 1- Thể chế (môi trường chính trị, pháp luật, kinh doanh); 2- Nguồn nhân lực và hoạt động nghiên cứu (giáo dục, giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ); 3- Kết cấu hạ tầng (công nghệ thông tin và truyền thông, hạ tầng chung, năng lượng sinh thái);
4- Sự chuyên nghiệp của thị trường (tín dụng, đầu tư, thương mại và cạnh tranh); 5- Mức độ hoàn thiện của các doanh nghiệp (nhân lực tri thức, liên kết đổi mới, khả năng hấp thụ kiến thức). GII đầu ra của đổi mới là kết quả của các hoạt động đổi mới, bao gồm: 1- Kết quả khoa học (tài sản vô hình, hàng hóa, dịch vụ sáng tạo, sáng tạo trực tuyến); 2- Thành quả sáng tạo tri thức và công nghệ (sáng tạo, tác động và phổ biến các tri thức). Xem: Soumitra Dutta - Bruno Lanvin - Sacha Wunsch-Vincent: “The Global Innovation Index 2020” (Tạm dịch: Chỉ số đổi mới toàn cầu năm 2020), WIPO, 2020, https://www.wipo.int/edocs/pubdocs/en/wipo_pub_gii_2020.pdf
(6), (7) Xem: Soumitra Dutta - Bruno Lanvin - Sacha Wunsch-Vincent: “The Global Innovation Index 2020” (Tạm dịch: Chỉ số đổi mới toàn cầu năm 2020), Tlđd
(8), (9), (10) Soumitra Dutta - Bruno Lanvin - Sacha Wunsch-Vincent: “The Global Innovation Index 2020” (Tạm dịch: Chỉ số đổi mới toàn cầu năm 2020), Tlđd
(11) Trọng Đức: “Đổi mới sáng tạo trở thành động lực tăng trưởng mới”, Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương, ngày 17-2-2021, http://hdll.vn/vi/tin-tuc/doi-moi-sang-tao-tro-thanh-dong-luc-tang-truong-moi.html
(12) Trương Nguyện Thành: “Đổi mới sáng tạo thông qua Khoa học và Công nghệ: Việt Nam cần làm gì?”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tháng 2-2016, tr. 87 - 89
(13) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 61
(14) Xem: Soumitra Dutta - Rafael Escalona Reynoso: “The Global Innovation Index 2020” (Tạm dịch: Chỉ số đổi mới toàn cầu năm 2020), Tlđd
(15) Xem: Phạm Trung Hải: “Một số vấn đề về đổi mới công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam”, Tạp chí Tài chính điện tử, ngày 3-8-2019, https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/mot-so-van-de-ve-doi-moi-cong-nghe-cua-doanh-nghiep-viet-nam-310714.html
(16) Ngân hàng Thế giới: “Việt Nam năng động tạo nền tảng cho một nền kinh tế thu nhập cao”, chuyên đề nghiên cứu, tháng 5-2020
(17) Việc sử dụng lãng phí tài nguyên thiên nhiên (đất, nước, mỏ, rừng) và quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng đã tạo ra chi phí lớn cho nền kinh tế. Những chi phí này bằng khoảng 6% - 10% GDP, đồng thời gây ra ô nhiễm không khí và nước nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng sống của hàng triệu hộ gia đình. Gần đây, tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đã làm trầm trọng thêm áp lực đối với môi trường khi Việt Nam được xếp vào một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới. Các tác động kinh tế tiêu cực của biến đổi khí hậu dự kiến sẽ lên tới 2% - 3% sản lượng toàn cầu vào năm 2050, ngay cả với giả định thận trọng. Có nguy cơ tăng trưởng kinh tế hiện tại sẽ phải trả giá bằng chi phí của các thế hệ tương lai, do đó, Việt Nam cần thực hiện những thay đổi quan trọng để giảm chi phí tiềm ẩn và rủi ro liên quan đến chất lượng môi trường đang giảm xuống và biến đổi khí hậu. Xem: Ngân hàng Thế giới: “Việt Nam năng động tạo nền tảng cho một nền kinh tế thu nhập cao”, Tlđd
(18), (19) Ngân hàng Thế giới: “Việt Nam năng động tạo nền tảng cho một nền kinh tế thu nhập cao”, Tlđd, tr. 20, 24
(20) Nguyễn Thiện Phúc: “Đổi mới sáng tạo khoa học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước”, Tạp chí Tuyên giáo, 2015, số 4, tr. 63
(21) Xem: Quyết định số 569/QĐ-TTg, ngày 11-5-2022, của Thủ tướng Chính phủ “Ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030”
Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học - công nghệ  (20/08/2022)
Chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo ở Đức  (09/07/2022)
Ứng dụng khoa học và công nghệ, thúc đẩy sản xuất ở thành phố Phúc Yên tỉnh Vĩnh Phúc  (14/06/2022)
- Đảng bộ tỉnh Lai Châu chú trọng nâng cao chất lượng cán bộ và công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Vạch trần phương thức, thủ đoạn lợi dụng mạng xã hội Facebook để xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam
- Chính sách ngoại giao của Nga tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương
- Dấu ấn của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong sự phát triển quan hệ giữa Việt Nam với các nước lớn
- Hệ thống chính trị cơ sở với việc bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Liên hợp quốc và những đóng góp của Việt Nam -
Văn hóa - Xã hội
Một số quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa và nâng tầm văn hóa Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay