TCCS - Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, giáo dục trực tuyến, trong đó có giáo dục lý luận chính trị được coi là giải pháp tối ưu giúp các trường đại học nâng cao tính linh hoạt, bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục.

Một số thành công bước đầu

Giáo dục trực tuyến là thuật ngữ được sử dụng khá phổ biến trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo hiện nay. Tùy thuộc vào quan điểm, hướng tiếp cận mà có nhiều cách hiểu khác nhau, song một cách khái quát, có thể hiểu đây là thuật ngữ dùng để mô tả việc học tập, đào tạo dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin và truyền thông.

Giáo dục lý luận chính trị trực tuyến là hình thức dạy và học các môn lý luận chính trị, trong đó, giảng viên và sinh viên giao tiếp với nhau trên hệ thống đào tạo trực tuyến thông qua nhiều hình thức khác nhau, như thư điện tử (email), thảo luận trực tuyến (chat), diễn đàn (forum), hội thảo, video… mà không cần phải gặp trực tiếp. Nội dung học tập có thể gửi qua hệ thống internet đến các công cụ điện tử hiện đại, như máy vi tính, điện thoại di động, hoặc qua các thiết bị lưu trữ nội dung, như website, đĩa CD, băng video, audio…

Với phương châm đẩy mạnh phát triển, ứng dụng thông tin trong dạy học các môn học nói chung, các môn lý luận chính trị ở các trường đại học nói riêng, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 117/2017/QĐ-TTg, ngày 25-1-2017, phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”. Đây là hành lang pháp lý quan trọng giúp các trường đại học tổ chức triển khai hoạt động giáo dục trực tuyến nói chung và giáo dục lý luận chính trị trực tuyến nói riêng trong thời đại công nghệ số hiện nay. Triển khai quyết định trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản khác nhau, hướng dẫn các trường trong việc quản lý, tổ chức dạy học trực tuyến, cụ thể như Thông tư số 12/2016/TT-BGDĐT, ngày 22-4-2016, “Quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng”; Thông tư số 10/2017/TT-BGDĐT, ngày 28-4-2017, “Ban hành quy chế đào tạo từ xa đối với trình độ đại học”; Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT, ngày 30-3-2021, “Quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên”…

Trong thời gian đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chỉ thị “tạm dừng đến trường nhưng không ngừng học”. Theo đó, hình thức giáo dục trực tuyến đã được triển khai, thay thế cho hình thức giáo dục truyền thống. Nhằm tạo tâm thế sẵn sàng, nhiều trường đại học đã tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm trong giảng dạy trực tuyến cho giảng viên dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia. Ngoài ra, các trường còn liên kết với nhiều cơ sở đào tạo uy tín trong và ngoài nước để học tập kinh nghiệm, tìm ra các hướng đi thích hợp cho giáo dục lý luận chính trị trực tuyến. Để tăng cường giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, nhiều hội thảo, hội nghị khoa học về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trực tuyến đã được tổ chức tại nhiều trường đại học, như Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Viện Đại học Mở, Trường Đại học Kinh tế quốc dân…

Đa số giảng viên lý luận chính trị ở các trường đại học hiện nay đều có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, có khả năng sử dụng công nghệ thông tin và các phương tiện hỗ trợ hiện đại trong giảng dạy trực tuyến. Việc truyền đạt nội dung trên các ứng dụng, như Zoom Clouds Meetings, Microsoft Teams, Microsoft Office 365, Skype… giúp những bài giảng lý luận chính trị vốn trừu tượng nay trở nên sinh động, hấp dẫn, khơi gợi hứng thú học tập và sự tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập của sinh viên. Việc triển khai giáo dục lý luận chính trị trực tuyến đã phát huy được ưu thế và tính hiệu quả khi giảng viên tận dụng được những tính năng của công nghệ thông tin vào quá trình giảng dạy. Nhiều trường đại học còn đẩy mạnh ứng dụng hệ thống quản lý dạy và học trực tuyến tích hợp như LMS/LCMS, giúp giảng viên có thể chuẩn bị nội dung bài giảng, học liệu điện tử trên hệ thống quản lý trực tuyến, đồng thời hướng dẫn sinh viên đăng nhập để có thể tự học, tự nghiên cứu mọi nơi, mọi lúc.

Chương trình, nội dung giáo dục lý luận chính trị trực tuyến là vấn đề được quan tâm hàng đầu tại các trường đại học hiện nay. Năm học 2019 - 2020, sinh viên các trường đại học trong cả nước bắt đầu học chương trình mới theo Công văn số 3056/BGDĐT- GDĐH, ngày 19-7-2019, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, “Về việc hướng dẫn thực hiện chương trình, giáo trình các môn lý luận chính trị”. Các trường đại học đã tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng để giảng viên lý luận chính trị có thể cập nhật những kiến thức mới, cùng nhau học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy theo chương trình mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh đó, các trường đại học cũng tạo điều kiện, khuyến khích các giảng viên biên soạn giáo trình lý luận chính trị điện tử với nội dung tinh gọn, lược bỏ phần trùng lặp, những nội dung không còn phù hợp với thực tiễn, bổ sung những nội dung mới phù hợp.

Bên cạnh phương pháp thuyết trình truyền thống, giảng viên còn sử dụng linh hoạt nhiều phương pháp giảng dạy hiện đại khác nhau, như thảo luận trực tuyến, làm việc nhóm, phương pháp case-study (nghiên cứu điển hình), phương pháp mind-map (sơ đồ tư duy), phương pháp trò chơi (game), phương pháp trực quan, phương pháp động não… Thêm vào đó là các video, hình ảnh sinh động, bài trắc nghiệm khách quan, bài tập ngắn,… giúp những bài giảng lý luận chính trị vốn được coi là khô khan trở nên hấp dẫn, lôi cuốn hơn, tạo sự hứng thú, hăng say học tập cho sinh viên.

Cơ sở vật chất và phương tiện giáo dục lý luận chính trị trực tuyến cũng được các trường đại học đặc biệt quan tâm. Đa số các trường đều tiến hành đầu tư, nâng cấp toàn bộ kết cấu hạ tầng mạng, bao gồm mạng nội bộ (mạng internet, mạng LAN) với đường truyền tốc độ cao, phủ sóng Wifi toàn bộ khu nhà hành chính, ký túc xá, giảng đường. Phòng làm việc của các khoa, các đơn vị đều được trang bị đầy đủ máy vi tính. Hệ thống máy chủ quản trị mạng, máy chủ cơ sở dữ liệu, máy vi tính chuyên dùng cũng được lắp đặt. Nhiều trường còn xây dựng phòng studio hiện đại để phục vụ cho việc thiết kế bài giảng, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.

Đa số sinh viên các trường đại học ở nước ta hiện nay đều năng động, linh hoạt, nhanh nhạy với sự thay đổi, có ý thức chính trị, dễ tiếp cận với thành tựu mới của khoa học - công nghệ. Giáo dục lý luận chính trị trực tuyến gây được sự hứng thú, khơi gợi sự chủ động, tích cực, qua đó, sinh viên tự nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập và có niềm say mê hơn đối với môn học lý luận chính trị.

Một số khó khăn và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị trực tuyến thời gian tới

Sinh viên tại Hà Nội vừa học trực tuyến, vừa học trực tiếp trong bối cảnh COVID-19_Ảnh: TTXVN

Một là, thực tế cho thấy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến quy chế, phương thức giáo dục trực tuyến, nhưng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể đối với các tiêu chuẩn bảo đảm chất lượng giáo dục trực tuyến, chương trình kiểm tra, đánh giá, công nhận kết quả học tập, cấp bằng, quy đổi giờ dạy, chế độ, thù lao cho giảng viên cũng như mức học phí của sinh viên đối với hình thức học tập mới này. Thêm nữa, đội ngũ giảng viên ở các trường đại học hiện nay, bên cạnh những giảng viên trẻ, có khả năng sử dụng thành thạo internet, luôn sẵn sàng thay đổi, thì còn có một bộ phận giảng viên lớn tuổi, nhiều kinh nghiệm, có thâm niên nghề nghiệp cao nhưng ngại thay đổi, khả năng sử dụng internet cũng như ứng dụng các phần mềm vào giảng dạy còn hạn chế, chưa thuần thục. Việc thiết kế kịch bản giáo dục trực tuyến, xây dựng hình ảnh, video, tích hợp các trang màn hình còn khá mới lạ đối với nhiều giảng viên, tạo ra khó khăn nhất định cho giảng viên trong quá trình triển khai thực hiện giáo dục trực tuyến.

Hai là, nội dung các môn lý luận chính trị có tính đặc thù, nên việc thiết kế một bài giảng trực tuyến không dễ dàng như các môn học đại cương. Hơn nữa, khi giảng dạy trực tuyến, ngoài phương pháp thuyết trình truyền thống, đòi hỏi giảng viên phải sử dụng linh hoạt nhiều phương pháp khác nhau, ứng dụng công nghệ thông tin sao cho phù hợp với đặc điểm, trình độ của sinh viên. Đây cũng là một khó khăn không nhỏ đối với đội ngũ giảng viên.

Ba là, mặc dù đã được quan tâm đầu tư, nhưng các phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục lý luận chính trị trực tuyến còn thiếu đồng bộ. Nhiều trường đại học thiếu hệ thống quản lý chương trình trực tuyến mang tính tích hợp, như LMS, hệ thống quản lý nội dung LCMS được biên soạn theo hướng học liệu tự học và xây dựng thành hệ thống bài giảng điện tử, đóng gói theo chuẩn SCORM của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thêm vào đó, hình thức giáo dục lý luận chính trị trực tuyến cũng làm phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến an toàn, an ninh mạng cũng như các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, mà đội ngũ giảng viên chưa có khả năng nắm bắt được hết.

Bốn là, một bộ phận sinh viên của các trường đại học vốn đã quen với phương pháp giáo dục lý luận chính trị truyền thống, sinh ra tâm lý ỷ lại, thụ động trong học tập, chưa hình thành năng lực tự xây dựng kế hoạch, kỹ năng tự học, tự nghiên cứu theo phương thức giáo dục trực tuyến. Mặt bằng trình độ sử dụng công nghệ thông tin của sinh viên cũng chưa đồng đều. Một số sinh viên ít được tiếp cận, sử dụng công nghệ hiện đại, dẫn đến kết quả học tập cũng bị ảnh hưởng.

Để giải quyết các vấn đề trên, trong thời gian tới, cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, đổi mới, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định, quy chế bảo đảm chất lượng giáo dục lý luận chính trị trực tuyến.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đổi mới, sửa đổi, bổ sung quy chế, quy định riêng về giáo dục trực tuyến, tạo hành lang pháp lý vững chắc, thúc đẩy các hoạt động liên quan đến giáo dục trực tuyến nói chung, giáo dục lý luận chính trị nói riêng, bắt kịp sự thay đổi mà Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại. Trong đó, cần có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết đối với các tiêu chuẩn bảo đảm chất lượng giáo dục trực tuyến, chương trình, kiểm tra và đánh giá, công nhận kết quả học tập, cấp bằng, quy đổi giờ dạy, chế độ, thù lao cho đội ngũ giảng viên cũng như quy định về mức học phí của sinh viên đối với hình thức học tập này.

Các trường đại học cũng cần xây dựng chiến lược, kế hoạch cụ thể nhằm tạo cơ chế thuận lợi cho việc chuyển đổi phương thức giáo dục mới. Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện về kiểm định, bảo đảm chất lượng đối với hình thức giáo dục lý luận chính trị trực tuyến. Bổ sung, hoàn thiện các quy định về công tác quản lý hoạt động giáo dục lý luận chính trị trực tuyến, nhằm tạo động lực thúc đẩy sinh viên tích cực tham gia vào quá trình tự học, tự tìm hiểu, nghiên cứu các tài liệu học tập và chủ động tương tác với giảng viên, cũng như với các sinh viên khác trong lớp.

Để tạo điều kiện cho giảng viên tích cực phát huy vai trò của mình trong môi trường trực tuyến, cần quy định các tiêu chí đánh giá cụ thể. Đây là cơ sở đánh giá, tổng kết chất lượng giảng viên, cũng như là căn cứ để điều chỉnh hoạt động giáo dục lý luận trực tuyến.

Hai là, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.

Các giảng viên cần có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiến thức thực tiễn phong phú, tâm huyết với nghề. Đặc biệt, phải có kỹ năng sử dụng các phương tiện, công nghệ thông tin hiện đại; biết khơi gợi niềm đam mê, tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo của sinh viên trong việc học các môn học lý luận chính trị. Cùng với đó, giảng viên cần có kỹ năng xây dựng và thiết kế giáo án, đề cương, bài giảng điện tử sao cho cô đọng, súc tích, mạch lạc, giúp sinh viên dễ hiểu, dễ nhớ, dễ nắm bắt nội dung bài giảng; từ đó, hình thành thói quen tự học, tự nghiên cứu tài liệu theo những gợi ý, định hướng của giảng viên.

Ba là, đổi mới nội dung, chương trình kết hợp với đổi mới phương pháp giáo dục.

Đổi mới nội dung, chương trình giáo dục lý luận chính trị trực tuyến cần cô đọng, súc tích. Các chuyên đề nên tách ra hoặc chia nhỏ nhưng vẫn theo trình tự logic nhất định. Sử dụng phương pháp thuyết trình truyền thống kết hợp với các phương pháp hiện đại khác để bài giảng trở nên sinh động, hấp dẫn, tạo hứng thú học tập cho sinh viên.

Bốn là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện hiện đại phục vụ cho giáo dục lý luận chính trị trực tuyến.  

Trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học - kỹ thuật, nếu không được trang bị, đổi mới thì cơ sở vật chất, phương tiện giáo dục lý luận trực tuyến sẽ trở nên lạc hậu, không tương thích. Việc này đóng vai trò then chốt, bảo đảm việc giáo dục trực tuyến phát huy được hết ưu thế trong chuyển đổi số giáo dục hiện nay.

Cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật cần được đầu tư, như đường truyền internet tốc độ cao, máy vi tính, mạng nội bộ, phần mềm trí tuệ nhân tạo áp dụng các nền tảng công nghệ hiện đại, như cloud, ứng dụng big data, ứng dụng IoT; ứng dụng công nghệ blockchain hay như các phần mềm hệ thống tích hợp với phần mềm môn học, website, thư viện số. Phòng học đa phương tiện, phòng chuyên môn hóa, hệ thống thiết bị ảo mô phỏng, thiết bị dạy học và các phần mềm mô phỏng thiết bị dạy học thực tế… cũng cần được nghiên cứu, đầu tư.

Bên cạnh đó, công tác quản lý hiệu quả hạ tầng công nghệ đào tạo lý luận chính trị trực tuyến cũng phải được quan tâm nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng của sinh viên và giảng viên. Chú trọng việc nghiên cứu, phát triển, cập nhật công nghệ mới, cũng như công tác đánh giá, khai thác sử dụng hệ thống thiết bị phần cứng, phần mềm để kịp thời có giải pháp hiệu quả.

Năm là, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của sinh viên.

Sinh viên phải tự mình chiếm lĩnh tri thức, hình thành và phát triển năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, biết lý giải và có khả năng thích ứng cao trước những biến đổi nhanh chóng, phức tạp của thực tiễn. Cần chủ động hình thành thói quen tự học, tự nghiên cứu tài liệu. Xác định động cơ học tập lý luận chính trị là nhằm trang bị thế giới quan, nhân sinh quan đúng đắn, làm hành trang cho hoạt động thực tiễn trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư./.