Y tế công lập Việt Nam thích ứng với những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19
TCCS - Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng toàn diện và sâu sắc đến mọi mặt của đời sống, nhưng với sự vào cuộc và hỗ trợ của cả hệ thống chính trị và của nhân dân, hệ thống y tế của Việt Nam, trong đó có y tế công lập, đã nỗ lực quên mình và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong bối cảnh còn nhiều thách thức to lớn và chưa có tiền lệ như hiện nay, mô hình y tế công lập cần tiếp tục thích ứng, tìm ra những hướng đi mới đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
1- Thời gian qua, y tế công lập Việt Nam đã tạo được những điểm nhấn trên nhiều lĩnh vực, từ y tế dự phòng, khám, chữa bệnh, dân số cho tới ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số y tế… Tuy nhiên, bối cảnh phải đối phó với đại dịch COVID-19 đã và đang đặt ra những yêu cầu mới đối với hệ thống y tế công lập Việt Nam:
Thứ nhất, đại dịch COVID-19 đặt ra những yêu cầu mới đối với mạng lưới y tế cơ sở.
Thực tiễn công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua cho thấy, nhu cầu phát triển cân đối giữa kỹ thuật cao, kỹ thuật mũi nhọn trong hệ thống các cơ sở y tế có tác dụng nâng cao năng lực toàn bộ nền y học. Việc thực hiện chương trình tiêm chủng quy mô lớn và nhất là cách thức phân tầng trong khống chế đại dịch COVID-19 cũng như điều trị cho các bệnh nhân liên quan đã khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của mạng lưới y tế cơ sở. Vì đây là tuyến y tế trực tiếp, gần dân nhất, cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, bảo đảm cho mọi người dân đều có thể tiếp cận được dịch vụ y tế ngay tại cộng đồng; tham gia theo dõi, điều trị các trường hợp liên quan đại dịch COVID-19, kiểm soát và ngăn chặn lây lan các ca nhiễm tại cộng đồng. Tuy nhiên, tại tuyến y tế cơ sở, nhất là vùng kinh tế - xã hội còn khó khăn, nguồn nhân lực y tế không những yếu về chất lượng, mà còn thiếu về số lượng, đặc biệt là bác sĩ các chuyên khoa thiết yếu, như cấp cứu, sản khoa, nhi khoa, gây mê hồi sức… Chất lượng chăm sóc y tế có sự phân hóa giữa tuyến trung ương và các tuyến địa phương trên nhiều phương diện (nhân lực y tế, trang thiết bị và vật tư y tế, đầu tư tài chính, chế độ bảo hiểm…). Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới thực trạng “vượt tuyến” và quá tải ở các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến trên (đặc biệt là tuyến trung ương) cũng như sự lãng phí tiềm năng trong sử dụng các trung tâm y tế, trạm y tế và đội ngũ y, bác sĩ tại các tuyến cơ sở.
Thứ hai, đại dịch COVID-19 lây lan nhanh, biến chủng đa dạng và có thể gây tử vong nhanh. Để hạn chế số ca tử vong, khống chế và điều trị cho người nhiễm bệnh, với năng lực y tế hiện nay của Việt Nam, việc phân tầng điều trị bệnh nhân COVID-19 cùng hệ thống các bệnh viện dã chiến trung gian chuyên biệt, trong đó có việc khám bệnh, phân loại những người liên quan có vai trò đặc biệt quan trọng. Mô hình này giúp tận dụng hiệu quả hạ tầng hiện có, giúp đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế giải quyết bệnh dịch tốt nhất, tăng hiệu quả phòng bệnh, khám, chữa bệnh và khả năng tiếp cận điều kiện y tế tốt nhất của bệnh nhân. Đáp ứng nhu cầu được khám và chữa trị kịp thời, bảo đảm chất lượng dịch vụ tương xứng là yêu cầu khách quan trong đổi mới tổ chức và quản lý hệ thống y tế công lập.
Thứ ba, thực tiễn phòng, chống đại dịch COVID-19 cho thấy, việc phát triển y tế thông minh là một xu thế tất yếu. Với sự kết hợp liên ngành, trong đó trụ cột là công nghệ thông tin và công nghệ y - sinh - dược học, y tế thông minh có nhiều ưu điểm, như quản lý tập trung, xử lý nhanh chóng, hiệu quả lượng thông tin cực lớn, kết nối nhiều bên từ các bác sĩ cho tới các chuyên gia kỹ thuật với bệnh nhân, khả năng liên thông thông tin cao, cá nhân hóa quá trình chăm sóc sức khỏe, có thêm nhiều cơ sở tin cậy cho các dự báo... Vì vậy, việc hiện đại hóa tổ chức và quản lý hệ thống y tế cùng mô hình cung ứng dịch vụ y tế là một nhu cầu khách quan.
2 - Để thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19, làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, hệ thống y tế công lập Việt Nam cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp:
Một là, cải thiện hệ thống y học dự phòng. Phòng bệnh dịch một cách khoa học sẽ tốt hơn là đợi có bệnh dịch mới khám bệnh, chữa bệnh. Điều này sẽ tối ưu hiệu quả về kinh tế - xã hội và con người. Các cơ sở y tế dự phòng cần nâng cao năng lực dự báo, giám sát và phòng, chống dịch bệnh, nhất là với các đối tượng dễ bị tổn thương (người già, trẻ em, những người yếu thế,...) hay những nguy cơ đến từ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nguy cơ đến từ ô nhiễm môi trường…
Hai là, đẩy mạnh phát triển mạng lưới y tế cơ sở và các thể chế liên quan đến tuyến y tế này. Các phương diện cần được tiếp tục quan tâm đầu tư, như chuyển dịch theo hướng y học gia đình, chú trọng năng lực y, bác sĩ và nhân viên y tế, tăng cường đào tạo và chuyển giao kỹ thuật, đổi mới cơ chế tài chính trên cơ sở quy luật thị trường và tính nhân đạo, nhân văn của ngành y, bảo đảm mức thu nhập với tư cách như một động lực quan trọng cho đội ngũ nhân sự y tế làm việc và nâng cao trình độ, cơ chế phối hợp, hỗ trợ và lồng ghép giữa các tuyến trong cung cấp dịch vụ y tế công… Mạng lưới y tế cơ sở được đổi mới mạnh mẽ sẽ phục vụ đắc lực cho các hoạt động phòng, chống đại dịch COVID-19 hay chiến dịch tiêm chủng vắc-xin quốc gia một cách an toàn, khoa học, hiệu quả.
Ba là, kết hợp sức mạnh nội lực và nguồn lực từ bên ngoài trong việc thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, nghiên cứu sản xuất vắc-xin, thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế, tạo tiền đề và thúc đẩy công nghiệp y - sinh - dược Việt Nam phát triển; chuyển đổi số ngành y tế, tập trung hoàn thiện hệ thống thông tin y tế thống nhất với sự tham gia của nhiều bộ, ban, ngành và các cấp trên nền tảng các công nghệ cao hiện nay, phát triển mô hình chăm sóc sức khỏe từ xa nhờ ứng dụng các công nghệ hiện đại; đa dạng hóa về phương tiện và nội dung truyền thông, giáo dục sức khỏe; chú trọng điều trị các vấn đề tâm lý, tâm thần, đặc biệt là với những vùng chịu ảnh hưởng sâu sắc của đại dịch COVID-19; đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các đối tác có tiềm lực mạnh, nâng cao vị thế của y tế Việt Nam; đổi mới mối quan hệ giữa cơ quan bảo hiểm y tế - các cơ sở y tế - người dân, nhất là vấn đề ngân sách và chi trả bảo hiểm, bảo đảm tài chính y tế vận hành theo đúng quy luật và tính nhân văn...
Bốn là, nghiên cứu phân vùng y tế. Vùng y tế gồm các trung tâm y tế vùng và hệ thống phòng khám khu vực cùng các cấu trúc tương hỗ liên quan. Mô hình này có triển vọng giải quyết triệt để nhiều bài toán về quản trị của y tế Việt Nam hiện nay, như vấn đề hợp tác công - tư trong lĩnh vực y tế, khả năng dự phòng, phân loại và cứu chữa bệnh nhân ở những thời điểm tốt nhất, vấn đề vượt tuyến và quá tải cục bộ, vấn đề lồng ghép hỗ trợ và liên tuyến trong phòng bệnh - khám bệnh - chữa bệnh, vấn đề của mạng lưới y tế cơ sở, tài chính y tế và chế độ sử dụng, đãi ngộ nhân sự, chuyên nghiệp hóa đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế trong mối quan hệ với chuyên nghiệp hóa nhân sự lãnh đạo, quản lý y tế. Các vùng y tế hoạt động theo phương thức tương hỗ lẫn nhau theo cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó mỗi vùng có thể bao gồm nhiều địa phương. Việc phân vùng y tế phải dựa trên các cơ sở khoa học, số lượng cư dân, mật độ dân số, đặc điểm bệnh lý, địa lý, giao thông,… và tập trung vào 3 tầng hoạt động y tế chủ yếu là phòng bệnh, khám bệnh và chữa bệnh. Mô hình vùng y tế được cấu thành từ 3 bộ phận chính: 1- Trung tâm y tế vùng (gồm các chuyên khoa) và hệ thống các phòng khám (đa khoa, chuyên khoa); 2- Trung tâm dự phòng và kiểm soát bệnh tật cộng đồng (với cách tổ chức mới); 3- Cấu trúc tương hỗ bao gồm 3 nhánh là: Tổ hợp nghiên cứu và phát triển công nghiệp công nghệ y - sinh - dược học (các trung tâm nghiên cứu ứng dụng và thương mại hóa sản phẩm, các nhà máy, công ty,…), hội đồng các nhà khoa học y - sinh - dược học (chuyên môn và đạo đức ngành), các trường đại học y - dược (đào tạo và nghiên cứu). Các bộ phận này được vận hành thông qua mô hình quản trị chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả kết hợp với nền tảng ứng dụng các công nghệ cao. Bộ Y tế là cơ quan quản lý nhà nước, có nghĩa vụ và cũng là đơn vị chịu trách nhiệm cao nhất trước Chính phủ và nhân dân về các vấn đề y tế. Cơ chế hoạt động của mô hình phân vùng y tế là sự chuyên nghiệp trong quy hoạch nhà chuyên môn và nhà quản lý. Chế độ tài chính vận hành theo nguyên tắc công bằng giữa cống hiến và hưởng thụ, tương xứng với năng suất, hiệu quả làm việc.
Năm là, về trung tâm y tế vùng, bao gồm các chuyên khoa, như chuyên khoa phân tích - xét nghiệm (Labo), chuyên khoa hình ảnh, tổ hợp phẫu thuật đa chuyên khoa (tim, mạch, thần kinh…). Đây là trung tâm điều trị khu vực nên không làm chức năng khám bệnh ban đầu, mà chỉ nhận bệnh nhân chuyển đến từ các phòng khám và từ mạng lưới y tế dự phòng. Mỗi trung tâm sẽ đảm nhận trách nhiệm phục vụ trên phân bố dân cư từ 5 - 10 triệu người. Trung tâm y tế vùng có thể được thành lập dựa trên việc gộp một số bệnh viện tỉnh lại, chia thành nhiều nhóm nhỏ, phân công rõ ràng theo chuyên khoa, do các giám đốc chuyên khoa phụ trách.
Sáu là, về một số đặc điểm của cơ cấu các phòng khám trong mỗi vùng y tế: Mỗi phòng khám phân bố trên một khu vực dân cư khoảng 10.000 - 50.000 người, bao gồm đơn vị khám đa khoa và đơn vị khám chuyên khoa có chức năng khám bệnh tổng quát ban đầu, điều trị ngoại trú với các trường hợp nhẹ và xử trí cấp cứu kịp thời những tình huống cấp bách đe dọa tính mạng, mục đích là để phân luồng hợp lý, bệnh nhân được xác định bệnh và mức độ bệnh chính xác, nếu nặng cần can thiệp thì chuyển đến trung tâm y tế vùng.
Bảy là, về y tế dự phòng và các cấu trúc tương hỗ có nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề xã hội, kinh tế, tự nhiên, khí hậu, địa lý, sinh học liên quan tới bệnh, dự báo khả năng xuất hiện bệnh và đề xuất chiến lược phòng bệnh khi chưa có bệnh, điều hành việc phòng bệnh. Thành viên của trung tâm có thể từ nhiều lĩnh vực từ giáo dục - đào tạo cho đến chính quyền, hoạt động thông qua sự điều hành của một văn phòng trung tâm.
Dựa trên hệ thống y tế hiện tại, đặc biệt là đổi mới theo hướng khoa học, hiện đại, hiệu quả, hệ thống y tế công lập sẽ từng bước khắc phục được các hạn chế và bất cập hiện nay, dần thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát hiệu quả trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 nói riêng và thực hiện tốt chiến lược quốc gia về chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân nói chung./.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Sản xuất bằng được vaccine, thuốc điều trị COVID-19 ở trong nước  (28/11/2021)
Thị xã Quảng Yên tạo đột phá để phát triển kinh tế  (26/11/2021)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay