Triển vọng kinh tế châu Âu trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát

Nghiêm Thúy
Tạp chí Cộng sản
13:00, ngày 19-08-2021

TCCS - Sau giai đoạn suy thoái từ đầu năm 2020, kinh tế châu Âu trong quý II-2021 có dấu hiệu tăng trưởng tích cực nhờ tình hình dịch bệnh COVID-19 đã giảm đáng kể. Việc châu Âu thực hiện nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh COVID-19 được xem là “đòn bẩy” phục hồi nền kinh tế, song cũng tạo ra nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh khi từ tháng 7-2021, số lượng ca nhiễm COVID-19 bắt đầu có dấu hiệu gia tăng trở lại, qua đó đặt ra một số thách thức đối với triển vọng phát triển kinh tế của châu Âu trong thời gian tới.

Quan ngại về thiệt hại kinh tế

Tháng 6-2021, Ủy ban châu Âu (EC) dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Âu sẽ có bước nhảy vọt trong thời gian tới khi các nền kinh tế mở cửa trở lại. Cụ thể, nền kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) được kỳ vọng tăng trưởng 4,8% trong năm 2021 và 4,5% trong năm 2022, cao hơn so với dự báo được EC đưa ra vào tháng 5-2021 là 4,3% và 4,4%. Nền tảng để kinh tế châu Âu phục hồi nhanh hơn mong đợi là chiến dịch tiêm vaccine phòng dịch bệnh COVID-19 cùng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả đã khiến số lượng ca nhiễm dịch bệnh COVID-19 mới giảm mạnh. Từ ngày 1-7-2021, tất cả các quốc gia thành viên EU chính thức cho phép khách du lịch từ các nước đến tham quan nếu có đầy đủ chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 của EU, qua đó tạo điều kiện đi lại thuận tiện hơn, góp phần tái khởi động nền kinh tế, nhất là ngành du lịch.

Từ trái qua phải: Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh EU về kế hoạch phục hồi sau đại dịch COVID-19, ở Brussels, Bỉ, ngày 20-7-2020_Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, sự bùng phát trở lại của dịch bệnh COVID-19 từ cuối tháng 7-2021 đã gây khó khăn không nhỏ khi đánh giá sự phục hồi sắp tới của Eurozone. Bên cạnh đó là những yếu tố rủi ro khác, bao gồm việc đứt gãy chuỗi cung ứng làm ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng sản xuất ô-tô và các nhà sản xuất khác; nguy cơ các chính phủ châu Âu có thể cắt giảm hỗ trợ tài chính quá sớm, gây ảnh hưởng nặng nề tới sự phục hồi của nền kinh tế, tương tự như đã từng làm trong cuộc khủng hoảng nợ công giai đoạn 2011 - 2012.

Theo Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu, số lượng ca mới mắc dịch bệnh COVID-19 trên khắp châu Âu bình quân trong một tuần tăng từ 90 ca/100.000 người (tháng 6-2021) lên 151 ca/100.000 người (tháng 7-2021) và tiếp tục gia tăng trong tháng 8-2021. Để ngăn chặn, kiểm soát tình hình này, các chính phủ châu Âu đã thắt chặt biện pháp hạn chế đi lại đối với những người chưa được tiêm đủ vaccine phòng dịch bệnh COVID-19 từ các quốc gia có tỷ lệ mắc dịch bệnh COVID-19 cao, như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hà Lan. Các sự kiện công cộng lớn đã bị hủy bỏ, các câu lạc bộ đêm và quán bar bị đóng cửa hoặc được yêu cầu đóng cửa sớm. Quốc hội Pháp đã thông qua một đạo luật bắt buộc các nhân viên y tế phải tiêm đủ vaccine phòng dịch bệnh COVID-19; cả Italia và Pháp đều có kế hoạch yêu cầu mọi người dân xuất trình “giấy chứng nhận sức khỏe” để ra - vào các địa điểm công cộng, như nhà hàng, rạp chiếu phim, phòng tập gym…

Đặc biệt, Chính phủ Hà Lan đã ra quyết định đảo ngược các quy định hạn chế trước đó, chuyển sang không cho phép tổ chức các sự kiện công cộng diễn ra trực tiếp trong mùa hè năm 2021. Quyết định này gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngành công nghiệp giải trí - một ngành kinh tế được xem là trọng yếu của Hà Lan. Động thái này của Chính phủ Hà Lan được đưa ra trong bối cảnh số lượng ca mắc dịch bệnh COVID- 19 của nước này đã tăng gấp 10 lần, lên khoảng 7.000 ca/ngày trong tháng 7-2021, mà nguyên nhân chính xuất phát từ các hoạt động giải trí công cộng tụ tập đông người.

Theo giới phân tích, việc Chính phủ Hà Lan thực hiện các biện pháp hạn chế để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cho thấy, triển vọng phục hồi kinh tế của châu Âu có nguy cơ bị kìm hãm bởi sự lây lan của biến thể Delta (biến chủng của virus SARS-CoV-2) với khả năng lây nhiễm cao hơn và chiếm đến 90% các trường hợp mắc COVID-19 mới của châu Âu.

Hơn nữa, theo các nhà phân tích, làn sóng người dân châu Âu bùng nổ chi tiêu sau đại dịch COVID-19 cũng sẽ giảm trong năm 2022 khi đã thỏa mãn nhu cầu mua sắm sau một thời gian dài bị hạn chế tiêu dùng và khi đó, nhiều khả năng các chính phủ sẽ giảm chi tiêu tài chính, giống như giai đoạn 2010 - 2011, khi Đức và những quốc gia châu Âu khác áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng” quá sớm. Tăng trưởng của khu vực châu Âu hiện đang lùi lại so với Mỹ - quốc gia gần như đã phục hồi kinh tế về mức trước đại dịch COVID-19, sớm hơn gần một năm so với thời điểm phục hồi dự kiến của Eurozone. Nguyên do là Chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden triển khai mạnh mẽ các chương trình kích thích kinh tế trị giá hàng tỷ USD, qua đó nới rộng khoảng cách kinh tế giữa hai bờ Đại Tây Dương.

Sự lạc quan trong thận trọng

Bất chấp những quan ngại trên, hầu hết các nhà phân tích kinh tế vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế của Eurozone, với mức tăng trưởng phục hồi dự kiến đạt từ 1,5% - 2% trong quý II-2021. Các số liệu tăng trưởng được coi là tín hiệu mới nhất cho thấy châu Âu đang trên đường phục hồi nền kinh tế. Được khích lệ bởi việc dỡ bỏ những biện pháp hạn chế vào tháng 4 và tháng 5-2021, niềm tin của các doanh nghiệp và người tiêu dùng đã tăng lên trên khắp châu lục. Doanh số bán lẻ dần phục hồi về mức trước đại dịch COVID-19 và thị trường chứng khoán của khu vực đã tăng lên mức cao kỷ lục. GDP của các nước Eurozone được dự báo sẽ tăng trưởng từ 4 - 5% trong năm 2021 và năm 2022, so với mức giảm kỷ lục 6,6% vào năm 2020. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ khi Eurozone được thành lập cách đây hơn hai thập niên. Theo Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde, nền kinh tế của Eurozone đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý II-2021, tuy nhiên, tốc độ phục hồi thực tế phụ thuộc vào việc các nước châu Âu kiên quyết thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để bảo đảm rằng sự lây lan của các biến thể mới không tạo ra những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế (1).

Bên cạnh đó, hầu hết các nhà kinh tế đều tin rằng châu Âu sẽ tránh được một đợt phong tỏa khác mà có thể làm tê liệt nền kinh tế như những đợt phong tỏa trước đây đã đẩy khu vực này vào hai cuộc suy thoái trong vòng 18 tháng qua. Sự lạc quan này xuất phát từ dữ liệu cho thấy số lượng ca nhập viện ở châu Âu không tăng theo số lượng ca mắc dịch bệnh COVID-19, do nhiều ca nhiễm chỉ ở độ tuổi 20 hoặc 30, nên ít bị ảnh hưởng bởi các triệu chứng nghiêm trọng do virus SARS-CoV-2 gây ra. Giới phân tích cũng tự tin hơn trước sự sụt giảm gần đây về số lượng ca mắc ở nhiều quốc gia bị ảnh hưởng bởi biến thể Delta, nhất là Anh - nước đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế từ ngày 19-7-2021. Các số liệu phân tích cho thấy, việc tiêm vaccine phòng dịch bệnh COVID-19 đã khiến số lượng ca lây nhiễm và các biến chủng y tế giảm đáng kể; đồng thời, các biện pháp hạn chế quy mô lớn sẽ có khả năng ít được áp dụng ở châu Âu trong thời gian tới.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại San Marino, Italia, ngày 26-2-2021_Ảnh: AFP/TTXVN

Sau bước khởi đầu tiêm chủng chậm chạp, chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng dịch bệnh COVID-19 của châu Âu đã được tăng tốc với gần 70% số lượng người trưởng thành ở các nước thành viên EU được tiêm ít nhất một mũi và hơn 50% đã được tiêm chủng đầy đủ. Trong nhóm người dễ bị tổn thương (80 tuổi trở lên), hơn 83% đã được tiêm chủng đầy đủ.

Dịch bệnh COVID-19 đã khiến nhu cầu đi du lịch, ăn uống và tần suất giao lưu xã hội của người tiêu dùng tăng vọt trong giai đoạn dỡ bỏ hạn chế do người dân bị dồn nén sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội vì các lệnh phong tỏa. Các doanh nghiệp cũng mong muốn nền kinh tế khu vực mở cửa trở lại. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), do nhiều hoạt động xã hội thông thường bị hạn chế hoặc bị cấm nên các hộ gia đình ở Eurozone đã tích lũy được một khoản tiết kiệm khá lớn. Đơn cử như ở Đức, tỷ lệ tiết kiệm của người dân chiếm 5% GDP trước đại dịch COVID-19, nay tăng lên 8,5%. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, khó có thể ước tính số tiền tiết kiệm này của người tiêu dùng sẽ được chi tiêu ở mức độ và tốc độ như thế nào. Hiện tại, sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta có nhiều khả năng ảnh hưởng mạnh mẽ đến lĩnh vực du lịch. Đây được coi là tín hiệu không mấy khả quan đối với các nền kinh tế Nam Âu phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực này. Tây Ban Nha đang kỳ vọng doanh thu từ khách du lịch nước ngoài trong mùa hè năm 2021 có thể đạt 50% so với mức trước đại dịch COVID-19, tăng lên so với tỷ lệ chỉ đạt 20% mức trước đại dịch COVID-19, của năm 2020. Đó là một đòn giáng nặng nề đối với một lĩnh vực then chốt đóng góp tới 12% GDP và 13% việc làm của Tây Ban Nha trong năm 2019.

Bên cạnh rủi ro về biến chủng Delta, các nền kinh tế châu Âu còn phải hết sức thận trọng khi đối mặt với sự thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu. Sự phục hồi của thương mại toàn cầu trong năm 2021 được cho là có thể thúc đẩy nền kinh tế thiên về xuất khẩu của châu Âu với thặng dư tài khoản vãng lai cao. Song trên thực tế, sản lượng công nghiệp của Eurozone trong tháng 5-2021 thấp hơn dự báo và vẫn ở dưới mức trước đại dịch COVID-19 do các ngành sản xuất thiếu nguồn cung nguyên liệu. Các nhà sản xuất tại Đức, nhất là các hãng sản xuất ô-tô lớn, đã phải “vật lộn” để đáp ứng nhu cầu gia tăng trên toàn cầu do thiếu hụt nhiều nguyên liệu, như chất bán dẫn, kim loại, nhựa và gỗ, cũng như tắc nghẽn trong vận chuyển container. Khoảng 1/2 số lượng doanh nghiệp của Đức đang gặp phải các vấn đề về nguồn cung - tỷ lệ cao nhất trong vòng 20 năm qua. Những hạn chế về nguồn cung này nhiều khả năng sẽ mất đi trong quá trình phục hồi chuỗi sản xuất nhưng điều này vẫn chưa thực sự chắc chắn. Một khó khăn khác là tỷ lệ lạm phát có thể cao hơn so với dự báo nếu các hạn chế về nguồn cung kéo dài và áp lực giá được chuyển sang giá tiêu dùng mạnh hơn.

Chính sách tài khóa linh hoạt: “Điểm tựa” cho tăng trưởng kinh tế

Các nước châu Âu từng quan ngại sâu sắc trước việc dịch bệnh COVID-19 sẽ dẫn đến làn sóng nhiều doanh nghiệp bị phá sản và người lao động mất việc làm, gây ra tác động dây chuyền đến hệ thống ngân hàng của khu vực; đồng thời, tạo ra một cuộc khủng hoảng nợ tương tự như cuộc khủng hoảng nợ công từng khiến Eurozone “điêu đứng” trong thập niên trước. Tuy nhiên, điều này đến nay không trở thành hiện thực. Thay vào đó, số lượng hồ sơ các doanh nghiệp bị phá sản trong Eurozone đã giảm khoảng 20% vào cuối năm 2020 và dự báo vẫn ở dưới mức trước đại dịch trong năm 2021. Tỷ lệ thất nghiệp trong EU mặc dù đã tăng từ mức 7,1% lên 8,5% vào năm 2020, nhưng đã giảm trở lại dưới mức 8% ngay sau đó.

Các nhà sản xuất tại Đức, nhất là các hãng sản xuất ô-tô lớn, đã phải “vật lộn” để đáp ứng nhu cầu gia tăng trên toàn cầu do thiếu hụt nhiều nguyên liệu (Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất ô tô của hãng Mercedes ở Đức)_Nguồn: AFP

Điều này có được là nhờ ECB áp dụng chính sách tài khóa linh hoạt, giữ lãi suất cho vay gần ở mức thấp kỷ lục và các chính phủ khi trả lương cho người dân lao động theo các chương trình trợ cấp, các khoản vay đều được bảo đảm bởi các nguồn hỗ trợ trị giá lên đến hàng trăm tỷ euro. Bên cạnh việc đình chỉ áp dụng luật vỡ nợ, ECB còn ban hành các chính sách hoãn trả nợ. Tháng 7-2021, ECB thay đổi chiến lược khi nâng mức lạm phát cần thiết trước khi tăng lãi suất, giúp các chính phủ có thêm thời gian tiếp tục đi vay với các điều khoản thuận lợi nhằm hỗ trợ sự phục hồi kinh tế.

Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Phần Lan và là thành viên Hội đồng Quản trị ECB Olli Rehn, ECB đang cân nhắc không dừng quá sớm chính sách hỗ trợ tiền tệ và miễn trừ đối với các trường hợp phá sản, nhưng khi nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, có thể việc giảm các gói kích thích tài chính sẽ được thực hiện. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, sự gia tăng chi tiêu của các chính phủ đã làm tăng thâm hụt ngân sách chung của Eurozone lên mức 7,2% GDP vào năm 2020 và gần 8% trong năm 2021, mặc dù con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức thâm hụt của Mỹ là gần 15% vào năm 2020 và khoảng hơn 13% trong năm 2021. Nguồn tài chính bổ sung để hỗ trợ nền kinh tế châu Âu sẽ xuất hiện khi việc phân phối nguồn tiền 800 tỷ euro từ Quỹ phục hồi của EU bắt đầu giải ngân sau mùa hè năm 2021, cung cấp các khoản tài trợ và cho vay với lãi suất thấp trong 5 năm nhằm hỗ trợ đầu tư vào các lĩnh vực, như năng lượng xanh và số hóa để đổi lại các cam kết về cải cách cơ cấu. Chính sách tài khóa của châu Âu trong năm 2021 mặc dù không có các gói kích thích tiền tệ khổng lồ như ở Mỹ nhưng vẫn đủ để giúp cải thiện tích cực thị trường lao động châu Âu.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cho rằng, châu Âu vẫn có thể lặp lại sai lầm từng xảy ra vào năm 2012 khi chuyển quá sớm sang giai đoạn củng cố, thắt chặt tài khóa, gây ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình phục hồi nền kinh tế. Trên thực tế, nhờ các gói kích thích tiền tệ khổng lồ lên tới hàng nghìn tỷ USD của Chính phủ Mỹ, tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ đã vượt qua mức trước đại dịch COVID-19. Dự báo đến cuối năm 2021, nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Mỹ tiếp tục được kiểm soát tốt, Mỹ sẽ vượt qua ngưỡng tăng trưởng trước khi đại dịch COVID-19 và tiếp tục tăng trưởng mạnh hơn để bù đắp cho giai đoạn thâm hụt. Đối với châu Âu, nền kinh tế của khu vực này chỉ có thể quay trở lại đà tăng trưởng như trong giai đoạn trước đại dịch COVID-19 vào năm 2024.

Yếu tố mang tính quyết định khiến dư luận hết sức quan tâm hiện nay là, liệu EU có duy trì các quy tắc tài khóa hay còn được gọi là Hiệp ước ổn định và tăng trưởng, nhằm hạn chế quy mô thâm hụt ngân sách và mức nợ hay không? Những quy định này đã bị đình chỉ từ năm 2020 và sẽ có hiệu lực trở lại vào năm 2023. Theo Hiệp ước, hầu hết các quốc gia châu Âu đều phải cắt giảm thâm hụt dưới 3% GDP và đưa tổng nợ xuống còn 60% GDP. Tuy nhiên, quy định này được coi là không khả thi do quy mô vay nợ của các nước kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, khiến nợ công của nhiều quốc gia vượt mức 100% GDP, thậm chí ở Italia lên đến gần 160% GDP.

EC dự kiến sẽ đề xuất cải cách các quy định này vào cuối năm 2021. Giới phân tích cho rằng, điều này sẽ dẫn tới xung đột giữa các nền kinh tế Bắc Âu có truyền thống tiết kiệm và các quốc gia Địa Trung Hải đang ngập chìm trong nợ. Đức và Hà Lan được cho là sẽ nỗ lực thúc đẩy thực thi các quy tắc trên nhưng ở mức độ nới lỏng hơn. Các quốc gia có vai trò quan trọng trong thúc đẩy cải cách, nới lỏng các quy định thắt chặt tài khóa là Pháp và Italia hiện đều đang có mức nợ cao sau khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Bên cạnh đó, do Đức là “đầu tàu” kinh tế của châu Âu, đóng vai trò dẫn dắt trong các chính sách khu vực nên sự tranh cãi giữa các nước châu Âu trong chính sách kinh tế có thể sẽ được quyết định bởi kết quả của các cuộc bầu cử ở Đức dự kiến diễn ra vào tháng 9-2021. Cuộc bầu cử này sẽ xác định ai là người kế nhiệm Thủ tướng Đức Angela Merkel và đảng nào sẽ đứng ra thành lập chính phủ tiếp theo tại Đức. Trong Hiến pháp của Đức, mức trần nợ công đặt ra những giới hạn nghiêm ngặt đối với việc chính phủ vay nợ, đã bị tạm treo từ năm 2020. Hầu hết các chính đảng đã cam kết khôi phục hoàn toàn giới hạn này, ngoại trừ Đảng Xanh muốn bỏ giới hạn mức trần nợ công để tạo điều kiện cho chính phủ chi 500 tỷ euro phục vụ quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang nền kinh tế xanh với lượng phát thải carbon thấp trong thập niên tới.

Đảng Xanh đang xếp vị trí thứ hai trong các cuộc thăm dò với khoảng 20% số lượng người ủng hộ và được dự đoán sẽ tham gia liên minh cầm quyền tiếp theo tại Đức. Điều này làm dấy lên hy vọng của các nhà kinh tế rằng, các hạn chế chính sách tài khóa có thể được nới lỏng ở cả Đức nói riêng và trên toàn EU nói chung. Nếu Đức quyết định nới lỏng các quy tắc tài khóa của riêng mình, nước này sẽ phải áp dụng chính sách tương tự đối với phần còn lại của châu Âu. Đơn cử như, nếu Đảng Xanh có thể mở rộng thành công trần nợ công để thực hiện mục tiêu chống biến đổi khí hậu, kế hoạch đó có thể cũng sẽ được triển khai ở phạm vi châu Âu.

Như vậy, mặc dù kinh tế châu Âu trong giai đoạn tới có triển vọng tích cực trong bối cảnh tái bùng phát dịch bệnh COVID-19, song sự thiếu ổn định và những rủi ro cản trở tăng trưởng vẫn tồn tại. Những rủi ro do sự xuất hiện và lây lan của biến chủng Delta cho thấy tầm quan trọng của việc đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm chủng vaccine phòng dịch bệnh COVID-19. Các rủi ro kinh tế liên quan đến phản ứng của các hộ gia đình và doanh nghiệp đối với chính sách kinh tế và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của các nước cũng sẽ là một trong những nhân tố quan trọng xác định xu hướng tăng trưởng của các nền kinh tế khu vực châu Âu./.

--------------------

(1) Xem: Reuters Staff: Lagarde comments at ECB press conference, ngày 22-7-2021, https://www.reuters.com/article/us-ecb-policy-highlights/lagarde-comments-at-ecb-press-conference-idUSKBN2ES1E7