Vai trò của văn hóa công sở với sự phát triển nền hành chính công vụ ở nước ta hiện nay
TCCS - Để thúc đẩy sự phát triển của nền hành chính công vụ ở nước ta hiện nay, việc xây dựng, từng bước hoàn thiện và thực thi văn hóa công sở trong các cơ quan công quyền có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là một trong những cơ sở nền tảng xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Văn hóa công sở trong bối cảnh hiện nay
Thứ nhất, kiến tạo không gian làm việc khoa học, nhân văn.
Văn hóa công sở là một loại hình của văn hóa tổ chức được cấu thành bởi các yếu tố hữu hình và vô hình mà hệ giá trị cốt lõi được sản sinh từ hoạt động công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các công sở. Giá trị ấy thể hiện tầm nhìn, sứ mệnh, mục tiêu, lý tưởng, khát vọng mà cơ quan công quyền hướng đến, như tận tụy, liêm chính, công bằng, nghiêm minh, sáng tạo, phụng sự nhân dân, Tổ quốc… Bên cạnh hệ thống giá trị được bồi đắp qua nhiều thế hệ, qua các giai đoạn lịch sử gắn với các thể chế chính trị khác nhau, văn hóa công sở còn được thể hiện qua cách bài trí không gian làm việc, qua cảnh quan, kiến trúc công sở. Vì thế, việc quan tâm xây dựng văn hóa công sở có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần tạo không gian, môi trường làm việc khoa học, văn minh. Xét ở phương diện kiến thiết trụ sở các cơ quan công quyền, từ khi Nghị quyết số 30c/NQ-CP, ngày 8-11-2011, của Chính phủ, về “Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020”, Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg, ngày 2-8-2007, của Thủ tướng Chính phủ, về “Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước” được ban hành và thực thi, việc bài trí, sắp xếp, tổ chức không gian làm việc của các công sở có nhiều chuyển biến tích cực. Chương III, Quy chế Văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước quy định, hướng dẫn chi tiết về cách bài trí công sở (như treo Quốc kỳ, Quốc huy, biển tên cơ quan, phòng làm việc, khu để các phương tiện giao thông), tạo sự thống nhất, hài hòa, bảo đảm tính nghiêm minh, khoa học của các cơ quan đại diện cho tiếng nói và quyền lợi của nhân dân.
Không chỉ vậy, hình ảnh trụ sở cơ quan công quyền ở các địa phương cho thấy việc kiến thiết, bài trí công sở luôn được các thế hệ lãnh đạo quan tâm, từ cách chọn vị trí, địa điểm gần dân, thuận tiện nhất cho nhân dân đến cách bài trí (màu sơn, hoa văn, kiến trúc), làm toát lên biểu tượng của cơ quan quyền lực - nơi người dân tin tưởng gửi gắm, trao niềm hy vọng. Nhiều trụ sở trở thành nơi chứng kiến và diễn ra những sự kiện trọng đại của địa phương, đất nước. Vì thế, công sở không chỉ thuần túy là nơi làm việc mà còn là nơi truyền tải những thông điệp văn hóa, là niềm tự hào, hãnh diện của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và của nhân dân.
Hiện nay, với sự phát triển của nền kinh tế, sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, nhiều trụ sở cơ quan hành chính, nhất là ủy ban nhân dân cấp xã, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa được xây dựng theo hướng kiên cố, hiện đại với hệ thống khuôn viên sáng, xanh, sạch, đẹp; các phòng, ban chuyên môn, trong đó có phòng một cửa liên thông, trung tâm dịch vụ hành chính công hoạt động với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, in-tơ-nét đã góp phần quan trọng vào việc hình thành văn hóa công sở. Nền tảng cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, quang cảnh, khuôn viên thoáng đãng sẽ tạo môi trường tốt, tâm thế tốt để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc hiệu quả, đóng góp tốt hơn cho sự phát triển, lớn mạnh của cơ quan, đơn vị.
Thứ hai, góp phần nâng cao đạo đức công vụ.
Đạo đức là yếu tố quan trọng quyết định nhân cách, phẩm chất của người cán bộ. Việc hình thành đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức là quá trình học hỏi, phấn đấu, nỗ lực không ngừng của cá nhân nhưng đó cũng là trách nhiệm của tập thể, cộng đồng. Trong công sở, việc hình thành, bồi đắp các giá trị văn hóa sẽ tạo không gian, môi trường nhân văn, lành mạnh để mỗi cán bộ, công chức, viên chức tự giáo dục, điều chỉnh hành vi, liêm khiết, gương mẫu với chính bản thân mình, với cấp trên, cấp dưới, với đồng nghiệp và nhân dân.
Hạt nhân của văn hóa công sở là hệ thống các giá trị với những tri thức, kinh nghiệm (về chuyên môn nghiệp vụ, về thực hành công vụ, về kỹ năng sống và làm việc) được tích lũy trong quá trình hoạt động công vụ, biểu hiện qua hành vi ứng xử, qua tinh thần, thái độ làm việc, qua cách xử lý công việc một cách khoa học, hiệu quả của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Vì thế, khi sống và làm việc trong môi trường văn hóa công sở, mỗi cán bộ sẽ được trải nghiệm, học tập những tri thức, kỹ năng và phong cách làm việc từ tấm gương của những thế hệ đi trước và của đồng nghiệp để phấn đấu, noi theo, trở thành người cán bộ có phẩm chất, đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn giỏi, được đồng nghiệp mến mộ, nhân dân tin yêu.
Bên cạnh chức năng giáo dục, nâng cao nhận thức, văn hóa công sở còn có khả năng điều tiết, điều hòa mâu thuẫn, xung đột của các cá nhân, tạo sự hòa đồng, thân thiện. Khi đạo đức công vụ được thực thi đồng bộ với vai trò đầu tàu, gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thì những hành động đẹp, lời nói hay, mang ý nghĩa và giá trị với người dân sẽ tạo sức mạnh để hấp dẫn, lan tỏa, giáo dục và điều chỉnh hành vi của những cán bộ dưới quyền.
Nhiều giá trị của văn hóa công sở mang tính tiềm ẩn, được trao truyền qua truyền thống của đơn vị, có sức mạnh lớn hướng con người đến những điều tốt đẹp. Trong nhiều cơ quan, chính không gian, môi trường văn hóa công sở góp phần triệt tiêu thói lười biếng, “an phận thủ thường”, cửa quyền hách dịch, xa hoa lãng phí, tham ô tham nhũng, bè phái,...
Đạo đức công vụ là sự tận tâm, cống hiến hết mình với tinh thần trách nhiệm cao của người cán bộ, đảng viên. Vì thế, danh hiệu cao quý Người cán bộ của dân là khát vọng mà đại đa số cán bộ, công chức của nền hành chính muốn vươn tới. Chỉ khi nào suy nghĩ, hành động của cán bộ, công chức cùng chung với nhịp suy nghĩ, hành động của nhân dân, đất nước, vì lợi ích, sứ mệnh phát triển của cộng đồng thì lúc ấy đạo đức công vụ được thể hiện rõ nét nhất.
Thứ ba, gia tăng hiệu quả công việc, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Mặc dù không là lực lượng trực tiếp tham gia vào quá trình lao động sản xuất, phát triển kinh tế nhưng hoạt động của nền hành chính công có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển.
Công sở hành chính là nơi sản sinh, thực hành cơ chế, chính sách, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật; là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, với các tổ chức, doanh nghiệp. Vì thế, việc thực thi tốt văn hóa công sở sẽ giúp mỗi cán bộ, công chức ý thức rõ hơn về vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của bản thân để không lạm quyền, tiếm quyền; biết cách xử lý công việc một cách sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả, không mắc bệnh chủ quan, máy móc, rập khuôn, vô cảm.
Một biểu hiện sinh động của văn hóa công sở trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là tác phong làm việc công nghiệp, đúng giờ, quý trọng từng phút, từng giây; là ý thức, tinh thần thượng tôn pháp luật; chịu sự giám sát, điều chỉnh của nhân dân, xã hội; là tâm thế sẵn sàng bị sa thải nếu không đáp ứng được yêu cầu.
Thời gian qua, bằng những chính sách quyết liệt của Chính phủ, sự hưởng ứng, sáng tạo của các địa phương, việc kiến tạo văn hóa công sở đã đem lại những hiệu ứng tích cực đối với cộng đồng. Dễ thấy nhất là những hiệu quả từ việc sáp nhập một số cơ quan, đơn vị; tinh giảm một lượng lớn cán bộ không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Qua đó, tiết kiệm nguồn chi thường xuyên của ngân sách quốc gia, hạn chế sự cồng kềnh, nhũng nhiễu, phiền hà nhân dân, doanh nghiệp do chính những cán bộ kém năng lực tạo ra. Cùng với đó là tinh thần đổi mới, sáng tạo của các địa phương trong việc thiết kế, xây dựng và hình thành mô hình chính quyền điện tử với mong muốn đem lại những tiện ích tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, tạo sự thân thiện, gần gũi với tinh thần tôn trọng, lắng nghe và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân… Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta” (1). Những việc làm, hành động đó đã tiết kiệm cho ngân sách quốc gia hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, giảm các thủ tục phiền hà, chi phí phát sinh, tiết kiệm tiền của, thời gian cho người dân, doanh nghiệp. Chính việc xây dựng và vận hành tốt văn hóa công sở với sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành trong việc giảm thiểu những hạn chế, bất cập đi đôi với không ngừng đổi mới, sáng tạo, hành động một cách quyết liệt đã tạo ra những giá trị mới, diện mạo mới của cơ quan công quyền, kiến tạo niềm tin trong nhân dân và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội.
Một số giải pháp nâng cao chất lượng văn hóa công sở
Để văn hóa công sở hình thành và vận hành thống nhất, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động của các cơ quan hành chính, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự giám sát, điều chỉnh của người dân với các biện pháp cơ bản mang tính thường xuyên, liên tục:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ, công chức, viên chức về sự cần thiết, ý nghĩa của văn hóa công sở. Trong thực hành văn hóa công sở, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, cần khắc sâu những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, về bản chất, sứ mệnh của nhà nước ta, đó là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, lấy dân làm gốc. Cán bộ phải suốt đời phấn đấu hy sinh cho lý tưởng của Đảng, đặt quyền lợi của Đảng, của Tổ quốc lên trên hết và trước hết, kiên quyết “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, trung thành, tận tụy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân theo như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong điều kiện hiện nay, các cơ quan, đơn vị cần tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”, Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23-9-2019, của Bộ Chính trị về “Việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”...; đồng thời, thực hiện tốt các quy chế, đề án, các phong trào hành động do Chính phủ ban hành, như Đề án văn hóa công vụ, Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”,… để tiếp tục xây dựng hình ảnh đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức kỷ cương, trách nhiệm, tận tụy, chuyên nghiệp; xây dựng thành công nhà nước kiến tạo, phát triển và phục vụ ở nước ta hiện nay.
Làm tốt công tác tuyên truyền thông qua các phong trào thi đua, các hội nghị tập huấn chuyên đề, qua những tấm gương điển hình, những cách làm hay, sáng tạo của cá nhân, tổ chức..., sẽ tạo nên những chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức. Việc thực thi tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao cũng như ý thức rõ về sứ mệnh, bổn phận của mình trước sự phát triển của đất nước và cuộc sống bình yên của nhân dân, tự những hành động đó sẽ sản sinh ra những giá trị của văn hóa công sở.
Thứ hai, đội ngũ lãnh đạo trong các cơ quan, tổ chức cần có tầm nhìn chiến lược trong việc xác định tôn chỉ, mục tiêu, sứ mệnh mà cơ quan, tổ chức hướng đến. Trên cơ sở những quy định chung của Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành, các cơ quan, đơn vị cần căn cứ vào tính chất công việc chuyên môn, điều kiện đặc thù để xây dựng bộ quy tắc ứng xử (chuẩn mực giao tiếp), trang phục cán bộ, công chức, viên chức phù hợp, tạo dấu ấn tốt đẹp đối với nhân dân.
Trong điều kiện hiện nay, để thực hành tốt văn hóa công sở cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách hợp lý, thu hút được người tài, như vấn đề tiền lương, bổ nhiệm cán bộ phải khách quan, công bằng, tạo động lực để cán bộ có năng lực, phẩm chất hăng say với công việc, tận tâm với nghề, yên tâm công tác. Đồng thời, cần tạo dựng hàng lang pháp lý với những điều khoản được quy định chặt chẽ; siết chặt kỷ luật lao động, hình thành phong cách sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Bên cạnh ý thức công dân, ý thức nghề nghiệp thì việc thực thi tốt ý thức tuân thủ pháp luật là điều kiện căn bản, nền tảng để văn hóa công sở được duy trì một cách thường xuyên, liên tục, lâu dài.
Bên cạnh đó, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi văn hóa công sở sẽ giúp mỗi cơ quan, đơn vị đánh giá được thực trạng văn hóa công sở, điều chỉnh, khắc phục những hiện tượng lệch lạc, những hành vi đi ngược lại lợi ích chung của tập thể, cộng đồng.
Thứ ba, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước cũng như tích cực huy động sự tham gia, đóng góp của cộng đồng, doanh nghiệp trong việc chung tay xây dựng hệ thống công sở các cấp, nhất là cấp cơ sở một cách đồng bộ, văn minh, hiện đại, phù hợp, thân thiện với người dân. Việc xây dựng công sở (trụ sở cơ quan hành chính) có ý nghĩa quan trọng, bởi nơi đó không chỉ thuần túy diễn ra những hoạt động hành chính, công vụ mà còn là một thiết chế văn hóa đặc biệt, là cầu nối trong việc truyền tải chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân, là nơi người dân gửi gắm niềm tin, bày tỏ nguyện vọng, mong ước; nơi hội họp, quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến cuộc sống sinh kế của cộng đồng; nơi người dân gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ; nơi diễn ra những hoạt động mang ý nghĩa trọng đại, gắn liền với lịch sử của địa phương... Vì thế, việc xây dựng công sở với không gian, cảnh quan kiến trúc hài hòa, vừa mang nét đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc, vừa mang những nét đẹp hiện đại có ý nghĩa quan trọng, góp phần tạo nên giá trị, nét đẹp riêng của văn hóa công sở.
Thứ tư, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tầm, có uy tín, có chuyên môn giỏi, thông thạo nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức, luôn gần dân, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tôn trọng và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nhân dân...
Trong điều kiện hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần thực hiện tốt những nội dung, yêu cầu đề ra trong Đề án văn hóa công vụ với những tiêu chí cụ thể quy định về tinh thần, thái độ, phong cách làm việc, chuẩn mực trong giao tiếp ứng xử. Đó là “phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân. Thực hiện “4 xin, 4 luôn”: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ” (2).
Bên cạnh đó, cần tích cực đổi mới, sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tinh giảm biên chế, tránh sự ôm đồm, chồng chéo theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức hành động của cả hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, có chất lượng để gánh vác những trọng trách lớn lao, cao cả để duy trì sự ổn định, phát triển của đời sống xã hội và gia tăng tiềm năng, thế mạnh của nền kinh tế quốc gia.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, minh bạch hóa thông tin và tiến trình giải quyết công việc, tạo sự nhạnh nhạy, thông thoáng, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá sự phát triển của cơ quan, đơn vị. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân (3)./.
------------------------------
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 64 – 65
(2) Quyết định số 1847/QĐ-TTg, ngày 27-12-2018, của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án văn hóa công vụ
(3) Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”
Đạo đức công vụ - Yêu cầu cấp thiết đối với cán bộ, công chức thời kỳ phát triển mới  (19/05/2020)
Thúc đẩy xuất khẩu nông sản bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế  (12/04/2020)
Xây dựng văn hóa công vụ trong các cơ quan hành chính nhà nước hiện nay  (10/03/2020)
Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư  (21/02/2020)
Quảng Ninh phát triển kinh tế “xanh”  (16/02/2020)
- Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng với phương hướng và giải pháp trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa: Bảy mươi lăm năm xây dựng và phát triển
- Phát triển kinh tế số ở Trung Quốc và một số hàm ý chính sách
- Để dịch vụ logistics vùng Đông Nam Bộ phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh mới
- Hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long theo Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Liên hợp quốc và những đóng góp của Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay