Giải pháp nào cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu?
TCCS - Diễn biến phức tạp và kéo dài của đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, xã hội và hoạt động kinh tế của tất cả các nước. Một trong những lĩnh vực đang bị ảnh hưởng nặng nề là sản xuất, kinh doanh xăng dầu.
Cung dư thừa, cầu sụt giảm
Tính từ đầu tháng 2-2020, tại Việt Nam do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên nhu cầu đi lại, vận tải giảm mạnh, kéo theo nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước giảm khoảng 30% - 40% so với cùng kỳ các năm. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà máy lọc dầu cũng như các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc.
Đứng trước tình hình đó, các nhà máy lọc dầu buộc phải giảm công suất để bảo đảm an toàn cho vận hành. Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất và Nghi Sơn cũng phải giảm công suất, các đơn vị nhập khẩu xăng dầu cũng phải giảm sản lượng hoặc ngưng nhập khẩu để phù hợp với tình hình thị trường hiện nay.
Trong quý I năm 2020, tổng sản lượng xăng dầu của hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn vào khoảng 3 triệu tấn, đáp ứng gần 100% nhu cầu xăng dầu nội địa. Tuy nhiên, theo số liệu công bố của Tổng cục Hải quan thì tổng lượng nhập khẩu xăng dầu trong 2 tháng đầu và nửa đầu tháng 3 năm 2020 đã hơn 1,63 triệu tấn, chiếm hơn 35% lượng cung xăng dầu nội địa.
Như vậy, trong quý I lượng cung nội địa vượt nhu cầu khoảng 35%, tương ứng với khối lượng nhập khẩu của các đơn vị đầu mối. Điều này gây áp lực rất lớn đến tồn kho xăng dầu tại hai nhà máy lọc dầu và các đơn vị nhập khẩu, đặc biệt là mặt hàng xăng và Jet-A1. Theo báo cáo của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, tại một số thời điểm, tồn kho xăng ở NMLD Dung Quất với mức trên 90% và buộc công ty phải gửi hàng đến các kho chứa khác nhằm bảo đảm cho nhà máy vận hành an toàn. Điều này dẫn đến phát sinh tăng chi phí, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Giải pháp cho tiêu thụ xăng dầu trong nước
Ngày 31-3-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19, trong đó thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày trên phạm vi toàn quốc. Như vậy nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục giảm trong tháng 4 và khó khăn tiếp tục đè trên vai những nhà máy lọc dầu và các đơn vị kinh doanh phân phối xăng dầu. Lãnh đạo của Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn cho biết, công ty đang xem xét phương án, nếu nguồn cung tiếp tục dư thừa, công ty sẽ dừng vận hành nhà máy một thời gian cho tới khi thị trường hồi phục.
Chung tay phòng, chống dịch bệnh, ổn định kinh tế - xã hội là việc làm cấp thiết hiện nay của tất cả các cá nhân, tổ chức, xã hội. Tuy nhiên, hai nhà máy lọc dầu trong nước không thể cân bằng được thị trường nếu không có sự chung tay hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Công Thương và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Để cung không vượt quá cầu, một mặt các nhà máy lọc dầu trong nước cần giảm công suất đến mức có thể để giảm lượng hàng xuất bán nhưng đồng thời các cơ quan quản lý, bằng các cơ chế chính sách cần hạn chế tối đa hoặc tạm ngưng nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu trong giai đoạn chưa kiểm soát được dịch bệnh COVID-19. Có như thế, cung ứng sản phẩm xăng dầu trong nước mới giảm về mức an toàn, hai nhà máy lọc dầu và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu mới yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, các cơ quản lý nhà nước cũng cần tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường, tăng cường các giải pháp phòng, chống gian lận thương mại và bán phá giá xăng dầu,… như đã từng làm trước đây.
Với tình hình sụt giảm rất nghiêm trọng của giá dầu hơn 1 tháng qua cũng như dự báo trong thời gian đến, thiệt hại đối với các nhà máy lọc dầu và các đơn vị phân phối xăng dầu là rất lớn. Để có thể duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh, các đơn vị sản xuất, kinh doanh xăng dầu cũng cần được các cơ quan chức năng hỗ trợ về các giải pháp tài chính, như hỗ trợ giải ngân các khoản vay ưu đãi không tính lãi suất, miễn, giảm, giãn các loại thuế,… theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19. Có như vậy, các nhà máy lọc dầu và các đơn vị kinh doanh xăng dầu mới vượt qua được khó khăn, khủng hoảng hiện nay; sớm ổn định, khôi phục và phát triển sản xuất./.
Chính phủ đưa ra các phương án, kịch bản và khả năng ứng phó đối với trường hợp khẩn cấp về dịch bệnh COVID-19  (01/04/2020)
Tỉnh Lai Châu đẩy mạnh kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh vùng biên giới  (01/04/2020)
Thủ tướng họp trực tuyến và thị sát với 5 thành phố trực thuộc Trung ương về công tác phòng, chống dịch COVID-19  (30/03/2020)
Agribank tiếp tục giảm lãi suất đối với gói tín dụng 100.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19  (28/03/2020)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay