TCCS - Sáng 19-2-2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo (BCĐ) xây dựng mô hình thành phố thông minh tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng chí Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì. Cùng dự có Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Phong và các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các ngành, địa phương liên quan.

Quang cảnh Hội nghị_Nguồn: bacninhtv.vn

Với quan điểm lấy người dân làm trung tâm, qua tham khảo tại một số thành phố trên thế giới, tỉnh Bắc Ninh đã xác định mô hình thành phố thông minh với 6 lĩnh vực cốt lõi là: Nền kinh tế thông minh; cư dân thông minh; quản trị thông minh; dịch chuyển thông minh; môi trường thông minh; cuộc sống thông minh. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao năng lực quản lý, chất lượng, hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội, tạo ra môi trường, cuộc sống tươi đẹp cho người dân, doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, xác định được 41 dự án, nhiệm vụ trọng điểm. Đến nay, đã triển khai dự án Trung tâm Dữ liệu thành phố thông minh, đầu tư toàn bộ kết cấu hạ tầng vật lý, hệ thống máy chủ, phần mềm đám mây, hệ thống lưu trữ tập trung, hệ thống kho dữ liệu tập trung, các thiết bị mạng, thiết bị bảo mật. Đã lắp đặt gần 300 camera giám sát và giao thông tại các cơ sở trọng yếu trên địa bàn thành phố Bắc Ninh, khu vực quảng trường đông người, các nút giao thông lớn, các nút cửa ngõ quan trọng; góp phần giúp Công an tỉnh phạt nguội vi phạm giao thông, giải quyết nhiều vụ tai nạn giao thông, bảo đảm an ninh, trật tự,... Căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổng hợp danh mục dự án, nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) năm 2020. Trong đó, nhiệm vụ xây dựng thành phố thông minh có 9 dự án, gồm 7 dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên, 1 dự án thử nghiệm lĩnh vực cuộc sống thông minh và 1 dự án quản lý giao thông thông minh. Nhiệm vụ xây dựng Chính quyền điện tử có 23 dự án, gồm có 13 dự án chuyển tiếp và 10 dự án mới.

Trên cơ sở đánh giá thực trạng, và căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, lĩnh vực, các đại biểu đã tập trung thảo luận để đưa ra mô hình tối ưu cho thành phố thông minh của Bắc Ninh, với chi phí đầu tư hợp lý, khai thác vận hành hiệu quả. Trong đó, cần xem xét từng hạng mục Nhà nước đầu tư, hay xã hội hóa theo phương thức hợp tác công - tư; vấn đề nhân lực cũng cần tính toán phù hợp, với những vị trí cụ thể nên thuê các đơn vị chuyên nghiệp,...

Để việc triển khai Đề án bảo đảm tính hiệu quả, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Hương Giang kết luận, nhập BCĐ xây dựng thành phố thông minh và BCĐ xây dựng chính quyền điện tử làm một theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kiện toàn các thành viên. Thống nhất đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cho triển khai thí điểm mô hình xây dựng thành phố thông minh của Bắc Ninh. Đồng thời nhấn mạnh, phải tính toán rất cụ thể các giải pháp về môi trường chính sách, nâng cao nhận thức về ứng dụng CNTT, gắn kết ứng dụng CNTT với cải cách hành chính, giải pháp kỹ thuật công nghệ, tài chính và công tác tổ chức, triển khai. Giao cho Sở Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư xem xét, bố trí nguồn, thẩm định, sử dụng kinh phí phù hợp hiệu quả. Phương thức nhà nước đầu tư hay thuê doanh nghiệp cho từng hạng mục cụ thể thì báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định. Yêu cầu các sở, ngành, địa phương chuyển các dữ liệu dùng chung theo yêu cầu của Sở Thông tin và Truyền thông để có thể khai thác hiệu quả Trung tâm Điều hành thành phố thông minh./.