Đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế là những người lính xung kích trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh
TCCS - Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 - 27-2-2020), ngày 27-2-2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm và tôn vinh các thầy thuốc, cán bộ ngành y tế đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, tôn vinh trí thức tiêu biểu có nhiều đóng góp cho Đại học Y Hà Nội; chủ trì buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (dịch COVID-19).
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực vượt bậc của các cấp, ngành, nhân dân cả nước, đặc biệt là đội ngũ thầy thuốc, cán bộ ngành y tế trong phòng, chống COVID-19, góp phần quan trọng tạo sự tin tưởng, an tâm cho nhân dân, đồng thời tiếp thêm động lực để cả nước phấn đấu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Thủ tướng nêu rõ, hình ảnh những người cán bộ, thầy thuốc, y bác sĩ tận tụy ngày đêm túc trực, hết lòng cứu chữa người bệnh, không quản nguy nan trong thực hiện nhiệm vụ điều trị, cách ly, phòng, chống nguy cơ lây dịch COVID-19 đã làm lay động triệu triệu con tim Việt Nam, là niềm vinh dự, tự hào của ngành Y tế nói riêng, nhân dân cả nước nói chung. Chính đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế là những người lính xung kích trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh đã góp phần quan trọng, tạo nên những kết quả khả quan mà ngay các nước có nền y tế phát triển cũng chưa đạt được. Mặc dù vậy, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan và phải quyết liệt phòng, chống cho đến khi dập hẳn được dịch COVID-19, bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe cho nhân dân.
Nhân dịp này, thay mặt Đảng, Nhà nước, nhân dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tri ân hàng trăm chiến sĩ áo trắng đã anh dũng hy sinh trên chiến trường và cũng có nhiều người ngã xuống vì dịch bệnh. Nhân dân ta luôn luôn ghi nhớ, biết ơn các thầy thuốc, cán bộ y tế, những người hy sinh thầm lặng, hết lòng phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Đặc biệt, mỗi khi dịch bệnh bùng phát, vào những thời khắc quan trọng trong nỗi sợ hãi của con người, những chiến sĩ áo trắng lại tiếp tục trận chiến của mình, mang lại sự bình yên cho đất nước, nhân dân, trong đó, quyết tâm phòng, chống COVID-19 là một minh chứng sinh động. Những chiến sĩ áo trắng chính là những người chiến sĩ “hỏa tuyến” chống dịch, lẽ ra những ngày này đáng được nhận những bó hoa tươi thắm, những lời tri ân, nhưng họ vẫn đang có mặt trên các mặt trận chống dịch.
Cũng tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tri ân, tôn vinh những trí thức, các thế hệ giáo sư, bác sĩ tiền bối, các Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngành y cả nước, trong đó có Đại học Y Hà Nội, những người luôn là niềm tự hào trong tâm khảm người dân Việt Nam và là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay noi theo.
Cùng với truyền thống của ngành y tế, Thủ tướng cho rằng, những đóng góp của Đại học Y Hà Nội, một cơ sở đào tạo chất lượng cao, chủ lực của đất nước với bề dày lịch sử 118 năm, gắn với lịch sử phát triển của nền y học hiện đại Việt Nam. Các thế hệ giáo sư, bác sĩ, cán bộ giảng viên Đại học Y Hà Nội nói riêng và các trường đào tạo y học cả nước nói chung luôn mang trong mình trách nhiệm cao quý của hai người thầy: “Thầy giáo và thầy thuốc”. Một người thầy thực hiện nghĩa vụ đào tạo chuyên môn, giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho các thế hệ y, bác sĩ trong tương lai; một người thầy gánh vác trọng trách khám, chữa bệnh. Tất cả vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, vì sự phát triển của đất nước. Đại học Y Hà Nội hiện có đội ngũ hùng hậu với hơn 2.000 công chức, viên chức, người lao động, trong đó có 23 giáo sư, 189 phó giáo sư.
Trong tình hình COVID-19, thầy và trò nhà trường tiếp tục vừa dạy học, vừa khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân. Các thầy thuốc thực sự là các chiến sĩ trên mặt trận y tế với lời thề nghề nghiệp cao quý, với sự can đảm, ý thức trách nhiệm cao, sẵn sàng đáp ứng mọi nhiệm vụ được giao cùng hệ thống y tế cả nước.
Nêu lên những thời cơ và thách thức thời gian tới đối với đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Đại học Y Hà Nội hôm nay cần có tầm nhìn khát vọng vươn lên mạnh mẽ, phát triển ngang tầm khu vực và đạt đẳng cấp quốc tế trong tương lai không xa. Nhà trường cần tập trung xây dựng phát triển, phấn đấu trở thành trường đại học y đa ngành, đa lĩnh vực, gồm các trường chuyên ngành; hình thành hệ thống các bệnh viện thực hành hiện đại, góp phần bảo đảm điều kiện cần thiết để phát triển đội ngũ thầy thuốc tinh hoa; tập trung nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ mới phục vụ tốt nhiệm vụ đào tạo thầy thuốc, cán bộ y tế cho nền y học hiện đại và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Với phương châm đào tạo bậc đại học là cơ bản, đào tạo bậc sau đại học là cốt lõi, Thủ tướng cho rằng, Đại học Y Hà Nội cần tập trung phát triển theo hướng đào tạo tinh hoa, lấy khoa học công nghệ và dịch vụ y tế làm nền tảng, kinh tế trí thức là động lực phát triển nhà trường, giữ vững vị thế trường đại học tiên phong đi đầu trong cả nước về đào tạo khoa học, y học, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ y tế cho các cơ sở y tế trong cả nước, tạo động lực phát triển trong sự nghiệp đào tạo và nền khoa học y học Việt Nam. Đào tạo phải hướng tới hội nhập quốc tế với phương châm là đào tạo tại Việt Nam nhưng chất lượng quốc tế.
Theo Thủ tướng, nhiệm vụ cấp bách trước mắt của thầy và trò Đại học Y Hà Nội là cùng với ngành y tế, các cấp, các ngành tiếp tục chủ động và quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19; tập trung thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Trung ương về tăng cường công tác y tế và công tác dân số trong tình hình mới với các chiến lược, chương trình, kế hoạch của ngành.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng, Đại học Y Hà Nội cùng tất cả các trường đào tạo ngành y tế tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, luôn có khát vọng vươn lên, nỗ lực bứt phá, đổi mới, sáng tạo, đoàn kết, dân chủ trong hoạt động, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh đào tạo thầy thuốc, cán bộ y tế, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó.
* Trước đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (dịch COVID-19). Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng gửi lời thăm hỏi, chúc mừng đến đội ngũ các y, bác sĩ cả nước nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Thủ tướng ghi nhận và biểu dương đội ngũ các y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế - những chiến sĩ tiên phong, những tấm gương kiên cường trên mặt trận phòng, chống dịch COVID-19.
Thủ tướng đánh giá kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã đạt được những kết quả rất quan trọng với nhiều biện pháp mạnh mẽ, chủ động; đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhất là ở địa phương. Nhiều địa phương đã tích cực, chủ động, trách nhiệm trong phòng, chống dịch. Thành tích này có được nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; để lại một ấn tượng mạnh mẽ và được đông đảo nhân dân đồng tình, ủng hộ. Nhiều tổ chức và quốc gia trên thế giới đánh giá cao tinh thần chỉ đạo chống dịch của Việt Nam.
Thủ tướng nhận xét, Ban Chỉ đạo các cấp đã có những đối sách đúng, biện pháp quyết liệt, kịp thời, đồng bộ giữa Trung ương và địa phương, huy động nhiều lực lượng tham gia, đặc biệt là Quân đội, Công an với tinh thần "chống dịch như chống giặc". Nhờ đó, Việt Nam đã ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh COVID-19, không có ca nhiễm mới, điều trị khỏi cho 16 ca mắc dịch bệnh này. Ban Chỉ đạo quốc gia và tại các địa phương đã giữ nền nếp, quy củ, hoạt động đều đặn, tích cực trong suốt hơn 1 tháng qua; không để xảy ra bị động, bất ngờ, không để dịch bệnh lan tràn, thể hiện trách nhiệm trước nhân dân. Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao Bộ Quốc phòng đã dành nhiều công sức, cơ sở vật chất, nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch.
Lưu ý không chủ quan trước những kết quả đã đạt được, Thủ tướng đề nghị triển khai mạnh mẽ biện pháp cách ly bắt buộc đối với những người từ vùng dịch vào Việt Nam. Đi liền với đó là thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước, của Quân đội đối với người được cách ly; tiếp tục tạo điều kiện cho người được cách ly. Các cơ quan liên quan bám sát tinh thần "không đóng cửa biên giới, không đóng cửa sân bay, không cấm đi lại" nhưng "tất cả những người từ vùng dịch về đều phải cách ly" để tránh lây truyền dịch bệnh.
Bộ Ngoại giao và các cơ quan có liên quan có trách nhiệm giải thích với thái độ kiên quyết, cách ly các trường hợp người đến Việt Nam từ vùng dịch. Khuyến cáo công dân Việt Nam sinh sống, làm việc ở đâu cần tuân thủ hướng dẫn của nước sở tại, bởi trên thực tế, các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản đều có hệ thống y tế tốt hơn so với Việt Nam. "Tiếp tục không được chủ quan, không được họp hành đông người", Thủ tướng nói và yêu cầu các lễ hội, hội nghị lớn phải tạm thời dừng lại. Thủ tướng nhắc lại tinh thần "bình tĩnh nhưng cương quyết" trong kiểm soát dịch bệnh, không để tình hình phức tạp.
Về vấn đề đi học của học sinh, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố xem xét căn cứ vào khung thời gian năm học được Bộ Giáo dục và đào tạo đã công bố để tự quyết định việc đi học của học sinh, bảo đảm hiệu quả nhất, chú ý đến các vấn đề vệ sinh, kiểm soát dịch bệnh.
Về chính sách phát triển thời gian tới, Thủ tướng cho biết, theo nhiều dự báo, mặc dù tình hình diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp nhưng có thể sẽ được kiểm soát tốt vào quý II. Trong khoảng vài tháng tới, kinh tế thế giới sẽ có những diễn biến tích cực. Do đó, các bộ, các cấp, các ngành, địa phương cần suy nghĩ, kiên quyết bên cạnh ngăn chặn dịch có hiệu quả cần phải có "tư duy đột phá chính sách hiệu quả và hành động" để hoàn thành đầy đủ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội mà Đảng, Quốc hội đã giao.
Thủ tướng đưa ra một số giải pháp cụ thể, như: Giảm lãi suất, chuyển đổi giãn nợ, giảm thuế, giãn thuế, giảm lệ phí logistic, tăng chi tiêu an sinh xã hội, nhất là đối với những đối tượng bị tổn thương do dịch bệnh tại các địa phương. Để bảo đảm kế hoạch phát triển, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu "Chỉ đạo quyết liệt, phản ứng kịp thời hơn", chuẩn bị mọi điều kiện cho sự tăng trưởng bứt phá vào Quý II năm 2020.
Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, tính đến 9 giờ 00 ngày 27-2-2020, số ca nhiễm COVID-19 bên ngoài Trung Quốc lần đầu tiên lớn hơn số ca nhiễm của Trung Quốc, đánh dấu bước ngoặt lây lan dịch trên phạm vi toàn cầu. Hiện tại, tất cả các châu lục, trừ châu Nam cực đều ghi nhận ca nhiễm COVID-19, với 49 quốc gia/ vùng lãnh thổ công bố có người mắc. Hàn Quốc hiện là quốc gia có số trường hợp mắc tăng nhanh và cao nhất ngoài Trung Quốc (1.595 ca mắc, 12 người tử vong), tập trung chủ yếu tại thành phố Daegu và khu Bắc Gyeongsang. Chính phủ Hàn Quốc đã nâng mức cảnh báo lên mức cao nhất.
Tại Việt Nam, từ ngày 13-2-2020 đến nay không ghi nhận các trường hợp mắc mới. Tổng số có 16 trường hợp nhiễm COVID-19 và đã được điều trị khỏi tất cả 16/16 ca. Tổng số có 1.304 trường hợp nghi ngờ đã loại trừ; 92 trường hợp nghi ngờ đang theo dõi, cách ly; 5.474 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe.
Để chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh tại Hàn Quốc, Ban Chỉ đạo quốc gia đã yêu cầu Bộ Ngoại giao, các hãng hàng không thông báo rộng rãi về việc cách ly bắt buộc 14 ngày đối với người từ vùng dịch Hàn Quốc vào Việt Nam. Đối với người Hàn Quốc và người đã qua Hàn Quốc nhập cảnh vào Việt Nam từ ngày 11-2-2020, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị cập nhật danh sách và nơi cư trú, lưu trú, gửi cấp ủy, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để rà soát, thực hiện giám sát y tế và tổ chức cách ly ngay lập tức các trường hợp được phát hiện đến từ vùng có dịch của Hàn Quốc hoặc tiếp xúc gần với người từ vùng dịch. Khuyến cáo đối với người Hàn Quốc đang đi du lịch tại Việt Nam không tiếp tục hành trình và sớm trở về nước.
Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ, ngành liên quan thông báo rộng rãi đối với người Việt tại Hàn Quốc về việc khi về Việt Nam phải khai tờ khai y tế bổ sung, chịu sự giám sát y tế, bị cách ly tập trung nếu đi qua vùng dịch hoặc tiếp xúc gần với người từ vùng dịch hoặc không chứng minh được có đi qua vùng có dịch hay không. Bộ Y tế làm đầu mối phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các đơn vị công nghệ thông tin khẩn trương hoàn thiện ứng dụng khai báo y tế điện tử để áp dụng cho tất cả hành khách đến từ các nước có dịch trước khi lên máy bay, đồng thời vẫn thực hiện khai báo thủ công khi về Việt Nam để cập nhật thông tin./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh kiểm tra khu vực cách ly phòng, chống dịch bệnh Covid-19  (27/02/2020)
Quyết liệt chống dịch, nỗ lực vượt khó, tập trung sản xuất, kinh doanh  (26/02/2020)
Thủ tướng yêu cầu phát động sâu rộng các phong trào thi đua, tập trung vào những nhiệm vụ cấp bách  (21/02/2020)
VietinBank tích cực phòng, chống dịch và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị tác động bởi virus Corona  (19/02/2020)
Hội nghị đánh giá việc thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam  (19/02/2020)
VietinBank đồng hành cùng doanh nghiệp với nhiều gói tín dụng ưu đãi  (18/02/2020)
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên